Thần tích nước Nam (Kỳ 11): Người thầy nhân đức và học trò Thủy thần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đêm hôm ấy quả nhiên mây mù tối tăm rồi mưa một trận như trút. Thầy Chu buồn vui lẫn lộn, suốt đêm chạy ra chạy vào không ngủ. Vui vì dân chúng khỏi cơn đói khát, nhưng trong lòng thầy có gì đó thấp thỏm bất an.

Lời tựa:

Trong Sấm ký, bản quốc ngữ Hương Sơn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mở đầu bằng câu thơ: “Nước Nam thường có thánh tài” như một lời khẳng định nước Nam là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Thành ngữ Trung Hoa có câu “Sơn Tiên Thủy Long” tạm hiểu là: “núi không cần cao vẫn có tiên ở nên danh nổi, nước không vì sâu vẫn có rồng nằm nên hóa linh”, cũng có thể dùng để nói về nước Nam ta vậy.

Bởi thế, nội dung của loạt bài này sẽ là về những Thần tích nước Nam. Đây là những câu chuyện dẫu có lúc chẳng phải chính sử, mà dựa trên huyền sử, dã sử… vẫn bàng bạc sắc màu của văn hóa thần truyền. Dẫu là tác phẩm phóng tác, đôi lúc hư thực khó phân... vẫn thấm đượm tinh thần và hào khí nước Nam.

Đó vẫn là những tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt và nhân loại nói chung, mà chúng tôi muốn góp phần nhỏ bé để truyền tải và lưu giữ.

(Kỳ 10): Lạc Long Quân đại chiến Cửu vĩ hồ [Radio]

Kỳ 11: Người thầy nhân đức và học trò Thủy thần

Người thầy muôn đời của nước Nam

Chu Văn An, danh tính là Chu An, tự Tiều Ẩn, tên chữ Linh Triệt, người làng Văn Thôn, Quang Liệt huyện Thanh Đàm (nay thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ngài là bậc Đại Nho đời Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông nhà Trần, đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) đời Trần Minh Tông. Chu Văn An đức sáng như gương, dân chúng nơi nơi ngưỡng mộ; tâm trong tựa nước, quỷ thần chốn chốn kính cung; lại tài cao học rộng, hiền năng chính trực nước Nam xưa nay hiếm có. Vậy nên thân ở nơi thôn dã mà tiếng vang đến cửu trùng. Song cuối đời Trần, thiên hạ bắt đầu loạn lạc mà Chu Văn An thì muốn giữ mình trong sạch ngoài vòng danh lợi, nên không có ý ra làm quan, bèn theo đòi Khổng Mạnh, mở trường dạy học. Học trò các nơi nghe tiếng, đến bái sư rất đông. Làng Huỳnh Cung (nay thuộc Tam Hiệp - Thanh Trì) nơi Chu Văn An dạy học vì thế mà thêm đông đúc. Nên ở câu chuyện này, ta tạm gọi ngài là thầy Chu.

Tượng Chu Văn An tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Nguồn: Wikipedia Bởi Jean-Pierre Dalbéra CC BY 2.0)

Hữu giáo vô loại - Ai cũng có quyền được giáo dục học hành

Một hôm thầy Chu ngồi chấm bài. Trong số các bài vở của học trò, có hai bài làm thầy hài lòng lắm. Hai bài này tả cảnh sông nước rất sinh động phong phú, lại hàm ý sâu sắc mà tấm lòng thương dân cũng chan chứa như nước nguồn. Thầy rất lấy làm hài lòng, đánh nhiều khuyên đỏ vào bài, định bụng sẽ tuyên dương trước các trò; tự hỏi bài của ai, nhìn lại thì là bài của hai anh em Tiểu Long, Đại Long. Đúng lúc ấy, thầy ngẩng đầu lên thấy người trưởng tràng (1) đang đứng khép nép ngoài cửa.

- Anh Cả đấy à? Có việc gì thế?

Người trưởng tràng nhẹ bước đến gần thầy, khoanh tay thưa:

- Bẩm thầy, con xin thưa thầy một sự lạ.

Thầy Chu gật đầu:

- Có việc gì anh cứ nói thầy nghe.

Anh Cả nói:

- Dạ. Sáng nay con đi chợ sớm hơn thường lệ. Lúc ấy trời mới tờ mờ sáng, chỉ có mình con trên đường. Nhưng đi đến đoạn sông Tô gần cầu Bươu, con thấy hai người trồi lên đi trên mặt nước vào bờ. Con cũng hơi sợ nhưng muốn biết rõ sự tình nên bám theo. Một lúc sau trời sáng rõ hơn, con nhận ra chính là hai trò trường ta, thầy ạ.

- “Là ai vậy?” Thầy Chu hỏi

Anh Cả giọng vẫn còn hơi run run:

- Là hai anh em Đại Long, Tiểu Long thầy ạ.

Thầy Chu nheo mắt, vuốt râu, nhìn ra xa có đôi chút tư lự. Rồi thầy nói:

- Ta cứ để họ yên con ạ. Nếu họ là quỷ thần mà chuộng đạo thánh hiền thì lại càng hay chứ sao, biết đâu nhờ đó mà tạo phúc cho họ, cho người. Vả lại Đức Khổng đã từng viết: “hữu giáo vô loại” (2). Nho gia chủ trương giáo dục không phân biệt nguồn gốc, xuất thân, ai cũng nên rèn đức luyện tài để giúp đời.

Thầy Chu Văn An dạy học (nguồn: NTDVN)

Anh Cả “dạ” to, anh đã hết lo, lại thấy lòng ấm áp. Bụng bảo dạ sẽ đối đãi không phân biệt hai anh em Đại Long Tiểu Long với các học trò khác, như tám chữ “huynh hữu đệ cung, bằng hữu hữu tín” (3) mà hàng ngày anh vẫn được thầy dạy dỗ.

Vì dân chẳng xá tính mạng

Năm ấy ở vùng Thanh Đàm trời làm đại hạn, ao chuôm cạn nước, đồng ruộng nứt nẻ, mùa màng thất bát, nhân dân đói lả. Gia cảnh thầy Chu không giàu có, nhưng vẫn đủ cầm cự được. Thầy chỉ thương dân đen con đỏ ăn bữa nay không biết bữa mai, rồi bỏ nhà đi tha phương cầu thực, người người ly tán khiến đời thêm loạn ly.

Một bữa, sau giờ học, thầy Chu gọi riêng hai trò Đại Long, Tiểu Long ở lại. Thầy nói:

- Thầy biết các con thương dân, vậy hãy nhân dịp này tạo phúc cho dân.

Hai người ngơ ngác nhìn nhau như không hiểu. Thầy Chu chăm chú nhìn họ, gật đầu:

- Các con bất tất phải giấu thầy nữa. Thầy biết cả rồi. Bây giờ chỉ có thể trông vào các con thôi, hãy tạo mưa cứu dân.

Hai người đành ngập ngừng thưa:

- Thưa thầy, chúng con có thể làm mưa được, nhưng không có lệnh Trời thì không dám. Chúng con cũng biết rằng, thiên tai hạn hán là do lòng người loạn ly. “Thượng bất chính hạ tắc loạn”, từ quân vương đến dân chúng đều phải tự xét lại mình. Trồng dưa được dưa, gieo đậu gặt đậu, họa phúc chẳng qua cũng là vận hành theo lẽ Nhân Quả mà thôi.

Thầy Chu trán khẽ nhăn lại:

- Ta vẫn biết Trời chẳng thiên vị ai bao giờ, mọi sự đều là có nguyên nhân cả. “Thiên Địa bất nhân dĩ vạn vật vi sô cẩu” (4). Triều chính ngày nay có phần đổ nát, gây ra oan khuất, dân lành bị ức hiếp mà lũ cường quyền lại hả hê. Nên Trời mới giáng xuống tai họa này. Nhưng ngày ngày nhìn dân chúng lầm than, ta khó cầm lòng cho đặng. Thôi, cho các con lui.

Rồi thầy thở dài, khoát tay, quay vào nhà trong.

Từ hôm đó thầy Chu vẫn lên lớp đều đặn, nhưng cơm nước chểnh mảng, giấc ngủ chẳng an, thân hình gầy võ, những lúc một mình thầy hay đăm chiêu thở dài, nhất là khi chứng kiến người chết đói ngày một nhiều. Thầy cũng tổ chức cứu tế, nhưng không xuể.

Đại Long, Tiểu Long là hai con trai Long Vương sông Tô Lịch, vốn không có tình cảm giống con người. Nhưng từ ngày học đạo lý thánh hiền, lại gần gũi thế nhân nên nảy sinh tình cảm. Nhất là họ rất thương thầy. Nhìn dân chúng lầm than, ân sư héo hắt, họ cũng băn khoăn bứt dứt, bối rối ruột gan.

Một hôm họ cùng đến gặp thầy, thưa:

- Bẩm thầy, luật Trời rất nghiêm, mỗi lần mưa là phải có chiếu chỉ từ Ngọc Hoàng Thượng Đế, mưa ngày nào, giờ nào, mưa bao lâu thì tạnh, lượng bao nhiêu thì vừa, không sai đến một giọt. Cũng cần có sấm chớp, gió mây, chứ mình họ rồng (5) chúng con không làm được. Nhưng chúng con cũng có chút thuật mọn, muốn thử xem có hữu ích hay không.

Thầy Chu vui mừng nói:

- Ừ, vậy thì các con thi triển chút pháp thuật xem sao, không làm được mưa to thì ít ra cũng cứu đói được ít bữa rồi ta sẽ tâu xin Thánh thượng sửa sang lại giềng mối đạo đức, khiến lòng thành thấu tới Trời xanh, họa may nạn lớn qua đi, nước nhà lại có cơ chấn hưng.

Hai anh em nói:

- Dạ. Chúng con sẽ dùng nước ở cái nghiên mực này để đủ mưa cho vùng Thanh Đàm này thôi.

Người thầy nhân đức và học trò Thủy thần (nguồn: NTDVN)

Thầy Chu mừng rỡ tay bê nghiên mực lớn vẫn còn nguyên cả mực và bút lông đưa cho họ. Hai anh em đỡ lấy rồi cả ba người cùng tiến ra bờ sông. Đến nơi Tiểu Long bưng nghiên mực, Đại Long cầm quản bút nhúng mực vẩy lên trời nhiều lần, rồi miệng lầm rầm đọc chú quyết, tay múa làm phép. Đoạn họ vứt cả nghiên mực lẫn bút xuống nước, sụp lạy thầy Chu, hai hàng nước mắt đổ xuống ròng ròng, như thể lần này là lần gặp cuối. Thầy Chu ngạc nhiên tiến đến định đỡ họ dậy nhưng hai anh em đã biến mất.

Đêm hôm ấy quả nhiên mây mù tối tăm rồi mưa một trận như trút. Thầy Chu buồn vui lẫn lộn, suốt đêm chạy ra chạy vào không ngủ. Vui vì dân chúng khỏi cơn đói khát, nhưng trong lòng thầy có gì đó thấp thỏm bất an. Sáng ra, nước ngập lênh láng, nhưng chỉ trong khu vực Thanh Đàm mà thôi. Hơn nữa, sắc nước chỗ nào chỗ nấy đều đen như mực. Thế là lúa ngô lại bừng bừng trỗi dậy, dân Thanh Đàm thoát nạn chết đói chết khát.

Nhưng trong lúc đó ở Thiên đình, các Thần đều lấy làm bất ngờ về trận mưa lạ. Ngọc Hoàng sai các Thần đi điều tra, biết được Đại Long Tiểu Long vi phạm luật Trời, bèn sai bắt lên Thiên đình, một đao lập tức chém rụng đầu.

Sáng hôm ấy, sông Tô đỏ lựng máu, dân chúng thấy xác hai con rồng không đầu nổi lên, dạt vào cầu Bươu bèn hò nhau đi báo thầy Chu. Thầy Chu nghe tin như sét đánh ngang tai, bèn lệnh cho tất cả học trò cùng đi đưa đám Đại Long Tiểu Long. Xác hai con rồng được vớt lên chôn cất tử tế, người dân nghe chuyện cũng chen nhau vào lạy, bi ai ngập trời, khóc than dậy đất, khăn tang trắng xóa cả một vùng.

Tang lễ xong xuôi, mọi người đã ra về gần hết, chỉ còn thầy Chu, anh Cả và một số môn đệ thân thiết với Đại Long, Tiểu Long ở lại thêm một lúc. Nhìn ra sông nơi hai người vẫn hiện thân lên bờ, chỉ thấy bãi cát phẳng lặng, mặt nước hoang vu, trời mây man mác, riêng có lau sậy rung rinh, tiếng gió thì thầm như lời hai học trò yêu hôm nao vẫn còn như văng vẳng.

Thầy Chu bỗng sực tỉnh như chợt nhớ ra điều gì.

Chí lớn giúp vua không thành, người thầy trở về trong lòng dân

Có tiếng gọi lớn, rồi một người nhà chạy đến mời thầy Chu về nhận chiếu chỉ của triều đình. Thầy Chu và các trò hấp tấp trở về.

Té ra là vua Trần Minh Tông xuống chiếu vời bậc Đại Nho Chu An ra làm tư nghiệp (tức hiệu trưởng) Quốc Tử Giám, dạy cho thái tử Trần Vượng, tức vua Trần Hiến Tông sau này. Đó cũng chính hợp với chí hướng của thầy Chu lúc này, muốn thông qua việc giáo dục quân vương tương lai mà chấn hưng đạo đức và cơ đồ đất nước.

Nhưng rủi thay, vua Trần Hiến Tông mất sớm, ý chí dở dang chưa có cơ thực hiện. Vua Dụ Tông nối ngôi. Dụ Tông là ông vua ham hưởng lạc, mà chính sự thì lại rơi vào tay quyền thần, việc nước rối bời. Quan tư nghiệp Quốc Tử Giám là Chu An dâng “Thất trảm sớ” tức sớ chém 7 tên nịnh thần nhưng vua không nghe. Chán nản, ngài treo mũ từ quan nhưng không về quê, mà về ở núi Phượng Hoàng, thuộc Chí Linh, Hải Dương lấy hiệu là Tiều ẩn (người hái củi ở ẩn) dạy học, viết sách cho tới khi mất.

Đền thờ Chu Văn An trên núi Phượng Hoàng - Chí Linh - Hải Dương (nguồn Wikipedia Bởi Hoangkid (talk) – Tác phẩm do chính người tải lên tạo ra, CC BY 3.0)

Cái nghiên mực của thầy Chu sau đó trôi về làng Quỳnh Đô làm đen cả nước cái đầm làng ấy, nên gọi là đầm Mực, tức là hồ Linh Đàm ngày nay. Còn quản bút thì trôi về làng Tó, tức làng Tả Thanh Oai bây giờ, nên làng này có rất nhiều người đỗ đạt và có các bậc danh sĩ như Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm thuộc “Ngô Gia Văn Phái” thời Lê. Còn chỗ ngôi mộ hai anh em Đại Long, Tiểu Long thì về sau được lập đền thờ, có tên là miếu Gàn.

Nói thêm về thầy Chu Văn An. Khi vua Trần Nghệ Tông lên ngôi, thầy Chu ra kinh đô bệ kiến vua mới, nhưng không nhận chức tước gì, lại trở về núi cũ. Học trò nhiều người hỏi:

- Từ nhà vua đến đông đảo các sĩ phu và quan chức đều là học trò của thầy, sao thầy không ở lại để đảm đương một trọng trách? Thầy coi thường những chức tước của triều đình lắm sao?

Thầy Chu Văn An trả lời:

- Cái quan trọng của con người không ở chỗ chức tước mà ở phẩm giá. Giữ một chức phận nhỏ mà có ích cho đời thì đáng quý biết bao nhiêu. Còn giữ chức tước lớn mà không làm gì có lợi cho dân, cho nước thì chức tước ấy có nghĩa gì.

Cái đức lớn của thầy Chu lay động cả quỷ thần. Thầy như thế, mới có trò như vậy. Than ôi! đời nào mà chẳng thế.

Nguyên Phong.

Tài liệu tham khảo:

Loạt bài có tham khảo những tài liệu văn sử có giá trị của nước Nam như: “Lĩnh Nam chích quái”, “Việt điện U Linh”, “Thiền uyển tập anh”, “Truyền kỳ mạn lục”, “Việt sử tiêu án”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục”... và cả sử Trung Hoa trong cuốn “Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa” của học giả Cao Tự Thanh, sử Việt từ góc nhìn Trung Hoa trong “An Nam chí lược” của Lê Tắc… và cả trang Wikipedia.

Bài viết kỳ này tham khảo câu chuyện “Sự tích đầm Mực” trong tác phẩm “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của học giả Nguyễn Đổng Chi

(1) Trưởng tràng: người học trò lớn giúp thầy cai quản các trò đàn em trong các trường theo Nho học thời xưa

(2) “Hữu giáo vô loại”: Nho gia chủ trương giáo dục không kể nguồn gốc xuất thân, ai cũng nên được học thành người có đức có khả năng xuất thế giúp đời.

(3) “huynh hữu đệ cung, bằng hữu hữu tín”: Nho gia giáo dục con người cần phải làm được “anh hòa ái em lễ phép, bạn bè giữ chữ tín với nhau”.

(4) “Thiên Địa bất nhân dĩ vạn vật vi sô cẩu” - câu này trong cuốn Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Tạm hiểu là Trời Đất không có lòng nhân, không tư duy theo cách của con người, không thiên vị, tư tình như con người mà rất công bằng theo lẽ Nhân Quả.

(5): Nhiều bản chép là thuồng luồng. Thiển nghĩ, thuồng luồng giao long mà thành tinh thì gần với yêu quái hơn, có thể tạo mưa gió nhưng là loại gió mưa thiên tai, gây họa. Phải là rồng mới chính thống được Thượng thiên công nhận, ban cho quyền và nhiệm vụ làm mưa, như nội dung của bài viết này, đó cũng là một chi tiết để người viết lấy làm căn cứ phóng tác.



BÀI CHỌN LỌC

Thần tích nước Nam (Kỳ 11): Người thầy nhân đức và học trò Thủy thần