Thần tích nước Nam (Kỳ 10): Lạc Long Quân đại chiến Cửu vĩ hồ [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lạc Long Quân thu lại Long Châu, lắc mình, hiện nguyên hình là một con rồng bạc khổng lồ, to lớn gấp bội con cáo trắng, bay vút lên không, gầm vang động rừng núi. Hết thảy tộc Mán áo trắng dưới chân núi Tản nghe tiếng gầm dữ dội đều thức giấc, chạy ra khỏi nhà xem trận chiến giữa Thần long nước Nam và Cửu vĩ hồ.

Lời tựa:

Trong Sấm ký, bản quốc ngữ Hương Sơn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mở đầu bằng câu thơ: “Nước Nam thường có thánh tài” như một lời khẳng định nước Nam là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Thành ngữ Trung Hoa có câu “Sơn Tiên Thủy Long” tạm hiểu là: “núi không cần cao vẫn có tiên ở nên danh nổi, nước không vì sâu vẫn có rồng nằm nên hóa linh”, cũng có thể dùng để nói về nước Nam ta vậy.

Bởi thế, nội dung của loạt bài này sẽ là về những Thần tích nước Nam. Đây là những câu chuyện dẫu có lúc chẳng phải chính sử, mà dựa trên huyền sử, dã sử… vẫn bàng bạc sắc màu của văn hóa thần truyền. Dẫu là tác phẩm phóng tác, đôi lúc hư thực khó phân... vẫn thấm đượm tinh thần và hào khí nước Nam.

Đó vẫn là những tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt và nhân loại nói chung, mà chúng tôi muốn góp phần nhỏ bé để truyền tải và lưu giữ.

(Kỳ 9): Chuyện đức Lạc Long Quân diệt ngư tinh [Radio]
(Kỳ 11): Người thầy nhân đức và học trò thủy thần [Radio]

Kỳ 10: Lạc Long Quân đại chiến Cửu vĩ hồ

Tiếng thét giữa rừng khuya

Hội bản vừa tan.

Đống lửa bập bùng đã tắt, chỉ còn lại chút ánh than hồng leo lét. Đêm đã về khuya, sương lạnh xuống ướt đẫm, vạc rời tổ kêu đêm khắc khoải, trai gái í ới gọi nhau ra về.

Đó là đám hội vào đêm trăng tròn của tộc người Mán áo trắng quần cư ở chân núi Tản Viên. Trong những đêm hội này, trai gái tộc Mán áo trắng quần tụ đàn địch hát xướng rồi nhờ đó tìm bạn khác giới để kết đôi. Bao đời nay vẫn thế.

Người Mán áo trắng nhờ được Thần núi dạy cho cách trồng lúa dệt vải nên đời sống tương đối sung túc. Sở dĩ gọi là người Mán áo trắng vì họ mặc theo một kiểu trang phục vải trắng thống nhất, trai gái già trẻ cũng như nhau.

A Sểnh, chàng trai thổi sáo khoác vội đồ đạc lên vai rồi sải bước đuổi theo A Lường - cô gái đẹp nhất của tộc Mán áo trắng. Đêm nay, nàng đã nhiều lần nhìn anh bằng cặp mắt say đắm long lanh. Còn đám bạn A Sểnh ở sau lưng thì chỉ trỏ hò reo vừa để trêu ghẹo, vừa để động viên anh.

A Lường đi trước, lưng ong uyển chuyển, tuy chân thon bước thoăn thoắt vẫn thi thoảng ngoái đầu nhìn lại, thả về phía sau một cái nhìn đắm đuối và nụ cười mê hồn. Cuối cùng, A Sểnh cũng bắt kịp A Lường, họ sóng vai đi về phía buôn làng nằm dưới chân núi Tản, vừa đi vừa trò chuyện say sưa ríu rít.

Rừng khuya bỗng yên ắng kỳ lạ, ánh trăng như mờ đi

Con người sống trong cảnh gió mát trăng thanh, có ai là không vui thích.
Rừng khuya bỗng yên ắng kỳ lạ, ánh trăng như mờ đi (Pickpik)

Đến một khúc rẽ hoang vu, chỉ có tiếng côn trùng rỉ rả và bóng cây đen sẫm rì rào, A Lường bỗng đột ngột dừng lại, cúi xuống như tìm một thứ gì đó.

A Sểnh cũng dừng chân bên nàng, dịu dàng chạm khẽ vào vai cô gái. A Lường ngoảnh mặt nhìn lại. Mắt lóe lên.

Rồi đám thanh niên đang trên đường về bản bỗng giật thót vì tiếng thét đau đớn của A Sểnh cách đó một ngọn đồi, rồi xa dần, xa dần và mất hẳn giữa đại ngàn hun hút.

Sáng hôm sau, nhà A Sểnh dậy lên tiếng khóc. Nhưng lạ lùng là nhà A Lường còn khóc sớm hơn. Té ra, A Sểnh mất tích trong đêm nhưng A Lường còn mất tích từ trước khi đến đám hội.

Cả tộc Mán áo trắng thì thào kinh sợ về câu chuyện một con cáo trắng khổng lồ chín đuôi, thủ phạm của hai vụ mất tích bí ẩn này.

Xuất xứ của Cửu vĩ hồ

Ở đất Long Biên (hiện nay là Hà Nội), phía tây dòng Lô Giang, nằm sát mé sông là một hòn núi lớn. Dưới núi có hang sâu và rộng, dân địa phương gọi là Lỗ Hồ đỗng. Đó là hang của một con cáo cái chín đuôi sống đã nghìn năm, đã thành tinh, có thể biến hóa muôn hình vạn trạng. Đó là con Cửu vĩ hồ.

Con Hồ tinh này lúc hóa thành người, lúc hóa thành vật, lại có thể tạo ra những ảo ảnh ma quái, nó trà trộn trong dân để bắt người. Gái thì nó bắt về hang để phục dịch, trai thì nó bắt thường là để hãm hiếp, hút lấy khí tinh hoa của họ nhằm tu luyện đến cảnh giới tà ác hơn. Cũng nhiều khi nó ăn thịt, chẳng kể là trai hay gái.

Cuộc sống người dân ở vùng này không thể nào yên ổn bởi Hồ tinh có thể biến ra bất cứ ai để lừa gạt, mê hoặc và bắt đi. Nên không ai có thể tin ai được nữa. Dần dần dân chúng bỏ đi khiến vùng đất trở nên hoang vắng.

Cửu vĩ hồ thấy vậy bèn đi xa hơn, mò đến tận chân núi Tản nơi cư ngụ của tộc Mán áo trắng để bắt người; mà A Sểnh, A Lường chỉ là những nạn nhân đầu tiên của nó ở vùng này.

Người dân nước Nam khổ quá, lại kêu gọi đức Lạc Long Quân trở về để trừ hại Hồ tinh cho dân.

Lạc Long Quân giao đấu với Cửu vĩ hồ

Một tối nọ, có một chàng trai thong thả dạo bước trong khu rừng dưới chân núi Tản Viên. Con đường này người Mán áo trắng chỉ dám qua lại khi trời sáng và đi đông người, còn lúc đêm hôm, lại là đêm trăng rằm như bữa nay thì họ tuyệt nhiên không dám đi qua, trừ khi có chuyện liên quan đến sinh tử.

Chàng trai tuổi còn trẻ lắm, thân hình cao lớn cường tráng, khuôn mặt khôi ngô đã có nét rắn rỏi của đàn ông, lại pha chút măng tơ của thanh niên mới lớn. Chắc hẳn chàng không phải là người địa phương vì không mặc áo trắng mà có lối phục sức kỳ lạ. Chàng dần dần đi sâu vào trong rừng, chỉ thấy xung quanh là cổ thụ cao ngất, cành lá xum xuê, gần như che khuất cả ánh trăng rằm. Chỉ có đôi chỗ mà ánh trăng có thể len qua kẽ lá, chiếu xuống mặt đất, nơi đang chìm dần trong màn sương mỏng chập chờn phiêu đãng. Từ trong màn đêm đặc quánh của rừng sâu thổi đến một làn âm khí lành lạnh khiến cành lá xào xạc, như tay chân đang vung vẩy cựa quậy. Có tiếng cú mèo rúc phía xa, đều đều, dai dẳng như tiếng gọi oan hồn.

Chàng trai trẻ vẫn thong thả tiến bước. Không biết chàng tìm kiếm điều gì giữa chốn hoang vu này?

Dường như đã đến giữa rừng, lạ kỳ là ở đây tán cây đã thưa hơn một chút, nhưng sương dày hơn, đôi lúc có thể thấy mờ mờ thân hình chàng trai đang như bao bọc trong sương. Trước mặt chàng không xa lắm là một bãi đất trống tràn ngập ánh trăng.

Bỗng chàng trai dừng bước, lắng nghe. Dường như có tiếng than thở mơ hồ từ phía trước vọng đến.

Rồi từ trong bóng tối thăm thẳm, một thiếu nữ nhẹ nhàng bước ra bãi đất trống, nơi có dòng ánh sáng trắng bạc lung linh từ trời đổ xuống, đầu tiên chỉ thấy xiêm là áo lượt giữa đám sương khói bồng bềnh hư ảo, khi ẩn khi hiện. Thế rồi khi sương đọng mây tan, ánh trăng hắt lên khuôn mặt nàng, quả là một giai nhân tuyệt sắc.

Chàng trai đứng yên, khẽ nhíu mày.

Người con gái đó dáng người dong dỏng thanh thoát, tóc dài mượt mà như suối chảy trên vai, làn da trắng ngần, đôi chân mày dài đều đặn, mảnh và xanh như lá liễu, chiếc mũi xinh xinh cân đối trên đôi môi anh đào đỏ thắm. Đặc biệt là đôi mắt nàng, nó trong suốt và ánh lên màu biếc như làn nước, long lanh, linh động, và thấu suốt tâm can. Trông nàng vừa xinh đẹp vừa như yếu đuối khiến bất cứ đấng nam nhi nào cũng muốn che chở.

Một giọng oanh vàng cất lên pha chút run rẩy:

“Trời ơi, may làm sao còn có người đến đây cứu thiếp. Nếu không chắc thiếp làm mồi cho trăn lớn thú dữ mất thôi”.

Chàng trai lúc này mới lên tiếng:

“Nàng là ai, sao lại lang thang nơi rừng khuya thế này?”

Thiếu nữ ngập ngừng:

“Thiếp bị lũ người Mán bắt về làm vợ, nhân lúc tối trời bọn chúng sơ ý, thiếp liền trốn đi. Nhưng đêm tối đường lạ, thiếp bị lạc trong rừng này. Cúi mong tướng công rủ lòng thương cứu thiếp. Xin dâng hết tấm chân tình để đền đáp ơn sâu.”

Chàng trai tiến dần về phía người thiếu nữ, bỗng quát lớn:

“Yêu hồ to gan! Nhà người hoành hành ở đất Long Biên khiến cho nhân dân phiêu bạt, lòng người ly tán. Giờ lại lên đây gây bao tang tóc cho tộc Mán áo trắng, lại còn dám vu oan giá họa cho họ nữa sao. Ngươi có biết ta là ai không?”

Bèn vuốt mặt, hiện nguyên hình. Trước mặt kiều nữ là một người đàn ông trung niên cao lớn sừng sững, khuôn mặt chữ điền, đôi mắt sáng quắc, nước da màu đồng, anh khí lầm lẫm.

Té ra đó là đức Lạc Long Quân thương dân tình khốn khổ, quyết tâm bắt bằng được yêu hồ. Ngài biết con hồ tinh này ưa con trai trẻ đẹp, sẽ bắt về để hút khí nguyên dương, nên hóa ra hình dạng như thế để dụ nó xuất hiện.

Thiếu nữ hơi sững người, rồi đột nhiên òa khóc:

“Thương thay cho thiếp, đã mắc nạn lại hàm oan. Thiếp chỉ là con gái nhà lành, nào phải yêu ma quỷ quái gì đâu”.

Bèn lấy tay áo che mặt khóc tấm tức. Lạc Long Quân hơi nhíu mày bước lại gần quan sát. Bỗng nhanh như chớp, trảo thủ thò ra, móng vuốt sắc nhọn nhằm yết hầu của Lạc Long Quân phóng tới.

Lạc Long Quân giao đấu Cửu Vĩ Hồ trong lốt giai nhân (nguồn ảnh: NTDVN)

Lạc Long Quân nghiêng mình tránh khỏi. Thiếu nữ chợt di động thân mình, lúc Đông lúc Tây, thoăn thoắt vùn vụt như hồn ma bóng quế, đồng thời dùng trảo thủ nhọn hoắt tấn công Lạc Long Quân, cốt nhằm chỗ yếu hại như yết hầu, đỉnh đầu và ngực trái để móc thủng.

Nhưng Lạc Long Quân không phải tay vừa, ngài dùng thân pháp nhanh không kém để ung dung hóa giải đòn tấn công dồn dập của yêu hồ. Tuy vậy, thân thủ phiêu hốt linh động của yêu hồ cũng khiến ngài nhất thời chưa thể chế phục được.

Bất chợt, yêu hồ lùi ra, rồi thân ảnh bay vút lên đứng giữa không trung. Gió thổi làm xiêm áo phơ phất, dưới ánh trăng nhợt nhạt, lộ ra khuôn mặt trắng bệch giận dữ, có tiếng the thé rít lên:

“Lạc Long Quân, nhà ngươi không ở yên nơi ao tù nước đọng, lại dám tới đây can thiệp công việc của bản cô nương. Ta sẽ khiến ngươi chết không có đất chôn.”

Lạc Long Quân đáp:

“Ngươi bắt người ăn thịt, làm chuyện thương luân bại lý, vốn đáng chết từ lâu. Nhưng giả Thần giả quỷ, dối trá đa đoan, biến hóa lừa gạt, phá hoại lòng người, tội ác ấy cao như núi, sâu như bể, Trời không dung, đất không tha. Hôm nay ta quyết tru diệt ngươi để trừ hại cho dân lành”.

Yêu hồ nghe vậy, bèn vũ lộng thân hình, hai tay giang ra, yêu khí bùng lên, bốn chung quanh trong bóng tối khu rừng là muôn ngàn tiếng gầm rú váng tai nhức óc và những đôi mắt sáng quắc to tướng của mãnh thú nhìn chòng chọc vào Lạc Long Quân.

Rồi hai tay phất xuống. Vô số những hổ, báo, gấu, sói, lợn lòi… con nào cũng to lớn như trâu mộng tê giác, phóng vun vút từ trong rừng ra nhằm Lạc Long Quân mà vồ, mà tát, mà cắn xé nhai nuốt.

Lạc Long Quân bình tĩnh lần ngực áo, lấy ra hai viên Long Châu to bằng quả trứng gà, tung lên trời, lập tức muôn đạo kim quang bùng lên sáng rực như ban ngày, soi rõ cả một vùng rộng lớn, đồng thời áp lực nghiêng sông dốc bể của quả cầu ánh sáng ấy đẩy lũ mãnh thú bắn tung lên cao như những hòn sỏi. Bản thân yêu hồ đang phơ phất trên không cũng bị đẩy bật ra khỏi vùng ánh sáng đó.

Yêu hồ nghiến răng, nghển cổ nhìn ánh trăng thảm não, hú lên một tiếng vang dội, rồi hiện nguyên hình là một con cáo trắng chín đuôi khổng lồ, bốn chân móng sắc như dao, răng nanh trắng ởn nhọn hoắt dài như gươm, miệng rộng đỏ khè như vũng máu, phóng tới nhằm Lạc Long Quân mà chụp.

Lạc Long Quân thu lại Long Châu, lắc mình, hiện nguyên hình là một con rồng bạc khổng lồ, to lớn gấp bội con cáo trắng, bay vút lên không, gầm vang động rừng núi. Hết thảy tộc Mán áo trắng dưới chân núi Tản nghe tiếng gầm dữ dội đều thức giấc, chạy ra khỏi nhà xem trận chiến giữa Thần long nước Nam và Cửu vĩ hồ.

Rồng bạc hít một hơi dài, rồi thở phì ra một vòi nước khổng lồ nhằm mặt con cáo đang chồm tới mà bắn. Cửu vĩ hồ trúng đòn, tối tăm mặt mũi, lại sặc sụa nước, biết mình không phải đối thủ của Lạc Long Quân, bèn thu nhỏ thân hình lại như một con cáo thường, rồi len trong bóng tối của rừng, một mạch chạy về hang ổ của nó ở Lỗ Hồ đỗng đất Long Biên.

Cuộc đại chiến giữa Rồng bạc và Cáo chín đuôi dưới chân núi Tản Viên (nguồn ảnh: NTDVN)

Lạc Long Quân biến lại hình người, ngài vào bản úy lạo tộc Mán áo trắng, từ nay họ có thể trở lại cuộc sống yên lành như xưa. Rồi ngài về biển, huy động Lục bộ Thủy phủ, dâng nước theo đường sông Cái cho ngập hang con cáo. Sau đó ngài sai binh tướng bơi vào hang cứu dân, những người trước đây đã bị Cửu vĩ hồ bắt về để phục dịch và hãm hiếp.

Cái chết của Cửu vĩ hồ

Sâu tít trong nơi tận cùng cao nhất của hang, Cửu vĩ hồ đang tránh nước trên một bình đài. Sau trận chiến kịch liệt với Lạc Long Quân, nó đã bị viên Long Châu làm cho bị thương nên không còn sức chống trả. Tuy vậy, nó vẫn biến ra hình cô gái đẹp khi trước, chẳng ai biết để làm gì. Lạc Long Quân cho quân vây bắt trói nó lại, rồi thực hiện xử quyết tại chỗ.

Nhưng bất cứ đao phủ nào cũng phải mềm lòng, không thể khai đao trước người đẹp lưng ong, làn da trắng như tuyết, đôi môi anh đào đỏ thắm, thân hình cân đối tràn trề sức sống kia. Đối với ai, Cửu vĩ hồ cũng dùng ánh mắt long lanh như nước, tình tứ ma mị và chất giọng oanh vàng thỏ thẻ ngọt lịm mà nói:

“Thiếp chỉ là một người con gái nơi thôn dã, đang sống yên lành với tỳ nữ của mình chốn tịch cốc thâm u này, chẳng muốn tranh đoạt cùng ai. Chẳng hiểu sao người ta dâng nước lên làm ngập nhà ngập cửa, bắt đi tỳ nữ của thiếp. Giờ đây lại còn định hành hung thiếp nữa. Mong tướng công minh xét.”

Cứ như thế, việc mãi không xong. Lạc Long Quân được tin báo, bèn đích thân vào hang. Ngài tung lên đôi Long Châu sáng rực, hóa ra một quả cầu lửa để thiêu đốt Cửu vĩ hồ.

Thế là công lao tu luyện ngàn năm sắp tan thành mây khói.

Nhưng Cửu vĩ hồ dường như không chú ý đến quả cầu lửa đang lao xuống thân hình nó, và cũng chẳng ai chú ý đến ánh mắt của nó đang nhìn về một góc khuất của hang, nơi có một tiểu đạo nhỏ hẹp, chạy tít lên cao và thông ra đằng sau hòn núi chứa Lỗ Hồ đỗng.

Nơi ấy, đang lấp ló một thân hình cáo trắng bé nhỏ, trông giống hệt Cửu vĩ hồ, nhưng chỉ có một cái đuôi. Nhờ có cái mưu chước cuối cùng của Cửu vĩ hồ mà cáo con đã kịp trốn vào đó. Đôi mắt trong như hai hạt châu của nó đang nhìn về phía mẹ nó đang chịu hành hình, rồi quay lưng leo lên theo lối thoát hiểm bí mật trốn ra ngoài Lỗ Hồ đồng.

Cái hòn núi chứa Lỗ Hồ đồng sau đó bị nước ngập cuốn phăng đi mất tích để lại một cái hồ lớn vừa to vừa sâu, mà người ta gọi là “đầm xác Cáo”, ngày nay chính là Hồ Tây ở Hà Nội.

Đức Lạc Long Quân sau đó chiêu tập nhân dân trốn tránh cái nạn Cửu vĩ hồ trở về, cho họ ở cánh đồng bằng phẳng ở cạnh hồ nay gọi là Hồ Đỗng (hang cáo). Đất ở đây cao ráo, dân làm nhà mà ở, nay gọi là Hồ Thôn (thôn Cáo). Chỗ hang cáo xưa, nay gọi là Lỗ Khước Thôn.

Còn con cáo nhỏ thì sao?

Sau khi thoát khỏi hang, nó nhằm hướng bắc đêm chạy ngày nghỉ, cứ thế mãi cho tới một vùng đất gọi là Ký Châu thuộc Trung Nguyên.

Và hơn một nghìn năm sau đó, trong cuộc chiến Phong Thần (*), người ta đã biết đến nó với cái tên: Đát Kỷ.

Nguyên Phong.

Tài liệu tham khảo:

Loạt bài có tham khảo những tài liệu văn sử có giá trị của nước Nam như: “Lĩnh Nam chích quái”, “Việt điện U Linh”, “Thiền uyển tập anh”, “Truyền kỳ mạn lục”, “Việt sử tiêu án”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục”... và cả sử Trung Hoa trong cuốn “Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa” của học giả Cao Tự Thanh, sử Việt từ góc nhìn Trung Hoa trong “An Nam chí lược” của Lê Tắc… và cả trang Wikipedia.

(*): xem “Phong Thần Diễn Nghĩa” của Hứa Trọng Lâm



BÀI CHỌN LỌC

Thần tích nước Nam (Kỳ 10): Lạc Long Quân đại chiến Cửu vĩ hồ [Radio]