Tây Du cảm ngộ: Nếu đời người chỉ như một ngày ngắn ngủi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ta sẽ làm gì, nếu cuộc đời chỉ như một ngày ngắn ngủi?

“Ngày tháng trăm năm tựa bóng câu
Đời người bọt nước khác gì đâu
Sớm còn thắm đỏ đôi gò má
Chiều đã bạc phơ nửa mái đầu
Giấc điệp tàn rồi, đời ảo cả
Cuốc kêu da diết hãy quay đầu
Xưa nay làm phúc đều tăng thọ
Ở thiện trời thương, lọ phải cầu”

Đây là thi phẩm mở đầu cho Hồi 11 của danh tác Tây Du Ký. Trong hồi này, nguyên thần vua Đường Thái Tông xuống âm phủ, sau 3 ngày mới hồi dương. Trong chuyến đi ấy, ngài mắt thấy tai nghe việc thiện ác báo ứng và công lý được thực thi chẳng mảy may sai trật ở cõi âm ti địa ngục. Rồi khi quay về dương thế, vị vua ấy tín Phật hành thiện, trở thành người bảo trợ cho hành trình lấy kinh của Trần Huyền Trang, sau là ngự đệ Đường Tam Tạng.

Cũng như các tác phẩm trong “Tứ đại danh tác”, Tây Du Ký là sự kết hợp điêu luyện giữa thơ và truyện, đó là sự bổ sung lẫn nhau giữa cô đọng và dàn trải, giữa khái quát và cụ thể, giữa tiên báo và thực tế. Thơ đúc kết những đạo lý của truyện và truyện lại minh tỏ cho thơ.

Quả vậy, qua câu chuyện ở hồi 11, còn ai thấm thía hơn vua Đường Thái Tông cái đạo lý này:

“Ngày tháng trăm năm tựa bóng câu
Đời người bọt nước khác gì đâu…”

Đường Thái Tông là ai? Là vị chiến tướng siêu quần bất bại, là vị hoàng đế anh minh xưa nay hiếm có ở tầm cỡ “hậu vô lai giả”, người đã khai sáng ra thời đại hoàng kim rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, sử gọi là Khai Nguyên thịnh thế. Nói cách khác, Đường Thái Tông là vị quân chủ vĩ đại nhất từ sau thời Tần Thủy Hoàng xưng đế và thống nhất đất nước.

Cũng tức là một con người ở trên tột đỉnh cao sang và quyền lực.

Nhưng khi cái chết tìm đến, con người đang ở trên tột đỉnh quyền lực ấy cũng đành bó tay bất lực, chẳng hơn gì một thứ dân. Nào đâu những oai hùng oanh liệt, những vàng son tráng lệ, những ái hận tình thù… cũng trôi qua nhanh như một cái chớp mắt, vụt hiện vụt biến như “bóng câu” – bóng con tuấn mã phi qua khung cửa, như đám bọt nước vừa sủi lên đã vỡ tan.

Bạch Long mã nói: “Tôi dù đã trải qua trăm ngàn khổ đau nhưng từ giờ cũng sẽ không phải xuống hạ giới làm ngựa, có thể lên trời để hưởng đại phúc của mình rồi. (Ảnh: soundofhope.org tổng hợp)
Ngày tháng trôi nhanh, như bóng con tuấn mã phi vụt qua khung cửa (Ảnh: soundofhope.org tổng hợp)

Chẳng trách nhà Phật gọi thế gian muôn sự là hư ảo, vạn vật ấy vô thường.

Hai câu thơ mở đầu đã khẳng định một quy luật, một chân lý: “Cuộc đời là ngắn ngủi trong cõi nhân sinh vô thường”. Chân lý ấy vẫn thường bị lãng quên trong đời sống liên tục chảy trôi như dòng nước sông Tứ mà đức Khổng Tử từng cảm thán: "Thời gian trôi đi như nước chảy thế này đây, đêm ngày không ngừng nghỉ".

Hay những câu thơ thiền bất hủ của Mãn Giác thiền sư đời Lý:

“Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi…”
(Trích: Cáo tật thị chúng – Mãn Giác thiền sư)

Chân lý hiển nhiên ấy lại chỉ được nhắc nhớ trong những thời điểm và hoàn cảnh đặc biệt. Như ngày xuân năm mới ngắn ngủi, tâm sự đầy vơi nhắc nhớ ta về quỹ thời gian đang ngày càng ngắn lại; Tang sự đau buồn nhắc ta rằng sinh mệnh là vô thường; Đứng trước vũ trụ bao la, tinh tú vằng vặc nhắc nhớ ta về kiếp người mong manh bé nhỏ; Và nhan sắc phai tàn nhắc ta về thời hoa niên mơ mộng sôi nổi đã một đi không trở lại. Lúc ấy, ta thấy bồi hồi thấm thía rằng giấc mơ tranh danh đoạt lợi mới phù hoa hư ảo làm sao.

Như hai câu thơ kế tiếp:

“Sớm còn thắm đỏ đôi gò má
Chiều đã bạc phơ nửa mái đầu…”

“Ngày tháng trăm năm”, “đời người” chớp nhoáng như một cái giật mình, và ta thảng thốt khi đối diện với dấu vết thời gian hằn in trên đôi gò má đã tàn phai sắc thắm, trên mái tóc mới vừa xanh mướt thoáng chốc đã trắng gần hết. Dường như, ta chỉ mới được sinh ra vào buổi sớm và nay đã đến lúc hoàng hôn của cuộc đời.

Chuyện xưa kể rằng, nhân sư Sphinx đã từng đưa ra câu đố cho loài người: “Con gì buổi sáng đi bốn chân, buổi trưa đi hai chân, buổi chiều đi ba chân?”. Câu trả lời là “con người”. Nhưng chẳng phải đời người cũng chỉ như một ngày hay sao?

Dựa vào những kiểu xói mòn do nước, được tìm thấy trên cả bức tượng và dãy đá xung quanh, ông đề xuất rằng tượng Nhân Sư có niên đại xa xưa khoảng 5000-9000 trước Công nguyên. 
Nhân sư Sphinx đã từng đưa ra câu đố cho loài người, ngụ ý rằng kiếp sống của con người cũng chỉ như một ngày ngắn ngủi. (Good Free Photos)

Kỳ lạ là, dường như hiện nay, một ngày quá ngắn ngủi. Việc chưa xong, ngày đã hết. Sự chưa khởi, năm đã kết. Vừa đón Tết đã lại đón Tết. Một đời người bảo rằng nhanh như một ngày cũng không phải là quá đáng.

Nếu một kiếp sống cũng chỉ như một ngày, khi ngày qua đi cũng là khi kiếp người đã mãn. Có người coi bóng tối sau ánh hoàng hôn cuộc đời là cái chết, nhưng có người chỉ coi đó là một giấc ngủ. Một giấc ngủ cho quên đi bao danh lợi, vinh nhục, ân oán nhọc nhằn trong ngày, để sớm mai, ta lại sống một cuộc đời khác; ta đã quên hết việc của ngày hôm trước, cũng như kiếp này ta đã quên hết việc kiếp trước, nhưng thực ra, chẳng có ai có thể phủi sạch quá khứ.

“Giấc điệp tàn rồi, đời ảo cả
Cuốc kêu da diết, hãy quay đầu…”

Giấc điệp và tiếng cuốc kêu nhắc lại chuyện xưa tích cũ. Chuyện kể rằng thánh nhân Trang Chu nằm mơ hóa bướm nên gọi là “giấc điệp”. Không biết Trang Chu nằm mơ hóa bướm hay bướm mộng hóa Trang Chu? Rốt cuộc có là kiếp bướm hay kiếp người của Trang Chu thì cũng đều là mộng, kiếp đế vương hay kiếp thường dân cũng vẫn là mộng, mỗi kiếp chúng sinh cõi trần cũng chỉ là một giấc mộng mà thôi. “Nhân sinh như giấc mộng tàn, giật mình tỉnh giấc ta mang được gì?” (Trích thơ Nguyên Phong)

Nếu đời là ảo mộng ngắn ngủi thì còn tranh giành làm chi vô ích, chỉ tạo thêm nghiệp dữ để chịu hình phạt nơi âm phủ. Chi bằng hãy hồi tâm chuyển ý làm việc thiện để tích đức, đừng như vua Đỗ Vũ, mất nước rồi hóa thành chim Cuốc kêu khắc khoải ngày đêm.

Vậy nên:

“Xưa nay làm phúc đều tăng thọ
Ở thiện trời thương, lọ phải cầu…”

Trở lại với câu chuyện của vua Đường Thái Tông. Sau khi trở về từ địa ngục, ngài tích đức hành thiện, tín Phật trọng Đạo. Ngài “xuống chiếu đại xá cho các tội nhân trong thiên hạ, xét lại những kẻ tội nặng trong ngục. Lúc ấy, thẩm quan kiểm tra những tội nhân mà Bộ Hình đã khép vào tội xử chém, xử treo cổ, hơn bốn trăm người dâng lên. Thái Tông tha cho về nhà từ biệt cha mẹ, anh em, dặn dò con cháu, rồi đúng ngày này sang năm lại ra tòa chịu tội. Bọn tù tạ ơn lui ra. Lại treo bảng phát chẩn cho những người cô đơn, kiểm tra số cung nữ già, trẻ có ba nghìn người, thả ra cho đi làm vợ lính.

Từ đấy, trong ngoài đều yên. Có bài thơ làm chứng rằng:

Vua nước Đại Đường công đức to
Đạo hơn Nghiêu, Thuấn vạn dân no.
Tử tù bốn trăm cho thoát ngục,
Cung nữ ba ngàn thả tự do.
Thiên hạ trăm quan mừng thượng thọ,
Triều đình văn võ chúc tung hô.
Lòng lành hẳn được trời xanh giúp
Mười bảy đời truyền phúc ấm dư”

(Trích “Tây Du Ký” – bản dịch của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh)

Vậy cũng xứng đáng cho mấy chục năm tăng thêm tuổi thọ trong sổ Trời của vua Đường Thái Tông. Ở thiện Trời sẽ thương, nào có phải mất công cầu cúng, trong vô minh mà làm việc vô ích. Việc thiện, điều quan yếu là ở tâm, chẳng cần so đo về việc lớn hay nhỏ đều là nên làm, cũng không kể địa vị vua chúa hay thứ dân.

thiện tâm
Hành thiện tích đức là quy luật của vũ trụ, là cái gốc của sinh mệnh. (Ảnh: Pixabay)

Bài thơ mở đầu bằng việc khẳng định một chân lý: “đời người là vô thường, như một ngày ngắn ngủi”… và kết lại cũng bằng một chân lý khác: “ý nghĩa của đời sống là hành thiện lòng lành, phúc thọ sẽ tự đến, ngày này hay ngày khác”.

Tương tự như lời ai đó từng nói:

“Nhân sinh như một ly trà
Phong thủy tốt nhất chính là dưỡng tâm”.

Như thế, còn gì phải luyến tiếc khi ngày đã hết?

Thanh Phong



BÀI CHỌN LỌC

Tây Du cảm ngộ: Nếu đời người chỉ như một ngày ngắn ngủi