Tam Quốc: Chu Thái chịu mười hai mũi giáo, xả thân cứu Tôn Quyền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chu Thái võ dũng song toàn, ông quát một tiếng lớn, múa binh khí, tả xung hữu đột, xông thẳng vào trung tâm vòng vây, chặn ngay trước ngựa của Tôn Quyền. Chỉ một mình một ngựa, bảo vệ Tôn Quyền mở đường máu thoát ra. Tôn Quyền không bị thương chút nào, nhưng ông bị trúng 12 mũi giáo, máu chảy không dừng nhưng vẫn anh dũng không ngừng sát địch.

Năm Hưng Bình thứ hai, tức năm 195, là một năm đặc biệt thời Tam Quốc. Năm đó, vua Hán Lưu Hiệp 14 tuổi, cùng các cận thần sống lưu vong, thiếu thốn khổ cực. Tào Tháo 40 tuổi người Diễn Châu, đánh bại Lữ Bố ở Định Đào, chiếm được lãnh địa đầu tiên. Lưu Bị 34 tuổi người Từ Châu, ẩn mình chờ thời. Vào lúc thời thế xoay vần, một trong ba nước là Đông Ngô đang ở giai đoạn mong manh thời lập quốc.

Bức họa chân dung Vua Ngô-Tôn Quyền, được vẽ vào thời nhà Thanh. (Phạm vi công cộng)

Năm này, tuổi vừa 20 Tôn Sách, chỉ là một Hiệu úy dưới trướng Viên Thuật. Kế thừa chí cha, nuôi mộng ở Giang Đông, tập hợp thân tín, chiêu binh mã, tiến xuống phía nam Khúc A, đánh bại Thứ sử Dương Châu Lưu Do. Một thời gian, tên tuổi Tôn sách uy trấn Giang Đông. Sau đó ông đón mẫu thân cùng anh em thân thuộc tới Khúc A, tiếp tục đánh chiếm Nam quận. Giao hậu phương Tuyên Thành cho tướng Chu Thái và em trai Tôn Quyền trông nom. Đây tựa như sự an bài ngẫu nhiên, mở đầu cho những câu chuyện trung nghĩa bi hùng thời Tam Quốc.

Lúc đó Tôn quyền chỉ là một cậu thiếu niên công tử mười mấy tuổi, tuy xuất thân danh gia vọng tộc, nhưng do thế thời loạn lạc, cha là Tôn Kiên lại mất sớm, từ nhỏ đã trải qua những ngày khó nhọc cơ hàn. Dù vậy, là một hậu duệ của Thánh binh Tôn Vũ theo truyền thuyết, một vị vua lập quốc tương lai của Đông Ngô, Tôn Quyền tuy trẻ tuổi nhưng là người phi thường. Ông tính tình khoáng đạt, coi trọng nghĩa hiệp, hậu đãi hiền tài, giống như phụ thân thuở trước. Sau khi đoàn tụ với anh là Tôn Sách, trong nghìn tướng sĩ, ông chọn ra được Chu Thái, trông vững như núi, mạnh như hổ, là tướng lĩnh hiểu rõ không bộc lộ sắc sảo, khiêm nhường cung kính. Thế là Tôn Quyền thỉnh cầu Tôn Sách cho Chu Thái luôn ở bên mình.

Chu Thái, tự Ấu Bình. Ông không có thân thế hiển hách, thậm chí các nhà tiểu thuyết đều dự đoán ông là cướp biển đến từ Cửu Giang, do ngưỡng mộ uy danh Tôn Sách, cùng đồng hương là Tưởng Khâm mà đầu quân. Khi tham gia chiến trận, Chu Thái lập nhiều chiến công, giữ chức Tư mã của một đội quân tinh nhuệ, là kẻ thân tín được trọng dụng nhất, và luôn theo bên Tôn Sách. Do sử sách ghi lại sơ sài, nên người ta coi ông chỉ là một trong những hổ tướng thời đó, không có gì nổi trội khiến cho Tôn Quyền đặc biệt coi trọng mà luôn giữ bên mình. Nhưng đây chính là chỗ siêu xuất trong việc nhìn người, dùng người của một vị minh quân, cùng với việc hoàn thành đế nghiệp đồng thời cũng thành tựu lên một anh hùng Chu Thái - một đời bi tráng, bách thế hiền danh.

Trận chiến Tuyên Thành: Thân chịu 12 giáo

Có lẽ trong mắt đa số người,Tôn Quyền mười mấy tuổi, dù là dòng dõi danh môn, quyền mưu siêu việt nhưng cũng chỉ là đứa trẻ mới lớn, theo ông ta chi bằng theo “Tiểu bá vương” Tôn Sách mà xung trận sát địch lập công? Nếu không gặp Tôn Quyền, Chu Thái có lẽ cũng theo cạnh Tôn Sách mà chinh chiến lập công, lưu danh sử sách. Đương nhiên cuối cùng ông cũng sẽ phò tá Tôn Quyền, và nhất định sẽ lưu lại những câu chuyện về vua tôi cảm động lòng người, nhưng sẽ thiếu vài phần ý vị truyền kỳ tuổi trẻ nhiệt huyết, mắt lớn biết anh hùng. Do đó vận mệnh xoay vần đã chọn Chu Thái, làm ông trở thành một nhân vật xuất chúng.

Không biết Chu Thái đối với vận mệnh xoay vần bất ngờ ập đến thì nội tâm có dao động không? Cũng không biết có phải ông nhìn tướng mạo của vị thiếu niên Tôn Quyền mà thấy được đây là vị đế vương anh hùng bất phàm, mưu lược vô song không? Ông tạm rời Tôn Sách, gây dựng sự nghiệp ở Giang Đông, một lòng hộ vệ Tôn Quyền. Không lâu sau, một biến cố ập đến khiến Chu Thái nếm trải khổ nạn sinh tử, đồng thời làm cho ông và Tôn Quyền càng thêm gắn bó.

Tôn Sách thống lĩnh đại quân chinh chiến bên ngoài, trong Tuyên Thành tướng sĩ chỉ gần nghìn người. Nhưng đội quân bạc nhược này lại dựa vào danh là quân của “Tiểu bá vương" nên lơ là lười nhác, không hoạt động phòng ngự gì cả. Để quân trong trạng thái như là thái bình vô sự vậy thì nguy cơ tồn vong đang nối gót mà đến. Có một toán sơn tặc khoảng vài nghìn người, thừa lúc chủ tướng xuất chinh, hậu phương thiếu phòng bị, xông đến đánh chiếm thành. Quân hộ thành thấy địch đông hơn gấp bội nên chưa đánh đã sợ, ngay cả việc tối cơ bản là bày thế trận mà còn không kịp, để mặc kẻ địch tự do tung hoành.

Phạm vi công cộng

Trong lúc nguy cấp, Tôn Quyền không kịp lệnh cho quân sĩ, liền nhảy lên ngựa chuẩn bị đột phá vòng vây. Quân địch quá mạnh, ánh đao loang loáng sắp đến gần. Dù Tôn Quyền có lanh lợi thế nào cũng khó mà địch được vòng vây như nêm đó, lại thêm bị một đao trúng yên ngựa, cơ hồ lâm vào tuyệt cảnh. Quân sĩ trông thấy đều run rẩy kinh sợ. Vào lúc thân mình còn khó bảo toàn, ai dám liều mạng với địch quân đây?

Duy nhất một người dám, đó là Chu Thái. Bất kể đó là đặc tính con nhà võ, hay là trách nhiệm hộ vệ chủ, đều không cho phép ông sợ hãi lùi bước. Chu Thái võ dũng song toàn, ông quát một tiếng lớn, múa binh khí, tả xung hữu đột, xông thẳng vào trung tâm vòng vây, chặn ngay trước ngựa của Tôn Quyền. Chỉ một mình một ngựa, bảo vệ Tôn Quyền mở đường máu thoát ra. Tôn Quyền không bị thương chút nào, nhưng ông bị trúng 12 mũi giáo, máu chảy không dừng nhưng vẫn anh dũng không ngừng sát địch. Lòng can đảm và khí khái của ông đã cổ vũ sĩ khí, những người đang mất can đảm lại một lần nữa xông lên tham chiến, làm tăng cơ hội sống sót cho Tôn Quyền.

Qua trận huyết chiến, sơn tặc bị đẩy lùi, Tôn Quyền chuyển nguy thành an, Chu Thái bị nhiều vết thương chí mạng mà hôn mê, đến hôm sau mới tỉnh. Đối với sự tích Chu Thái trung dũng cứu chủ, “Tam quốc chí” có bàn : “Thị nhật vô thái, quyền kỉ nguy đãi.” tạm dịch- Ngày đó mà không có Chu Thái thì Tôn Quyền chắc lâm nguy. Trong tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” có mô tả rất chi tiết :

So với chính sử ghi lại có hơi khác, Chu Thái thấy tình huống nguy cấp, lập tức ôm Tôn Quyền lên ngựa. Lúc này có vài chục địch quân bao vây, Chu Thái không nói một lời, mình trần mà bước, vung đao mở đường, trong chốc lát mấy chục kẻ mất mạng dưới bảo đao. Phía sau có một kẻ cầm thương, cưỡi ngựa đâm tới, ông chụp cứng cây thương, lôi thẳng xuống ngựa, đoạt lấy cả thương lẫn ngựa. Có thêm trang bị, Chu Thái càng thêm dũng mãnh, cưỡi ngựa phá vây. Cứu được Tôn Quyền.

Quân giặc kéo đến càng lúc càng đông, ông càng lúc bị thương càng nặng. Nhưng ông vẫn kiên nghị bất động như bàn thạch, sừng sững đứng chắn trước Tôn Quyền, bảo vệ chủ.

Trận Nhu Tu: mấy phen phá trận địch quân

Sau trận này, Tôn Sách bội phục Chu Thái can đảm trung nghĩa, cử ông làm Huyện trưởng Xuân Cốc, cũng là phần thưởng cho ông. Còn với Tôn Quyền đã xác lập mối quan hệ quân thần sinh tử chi giao. Năm năm sau, vị vua khai quốc Tôn Sách qua đời, Tôn Quyền mười mấy tuổi tiếp tục trọng trách chấn hưng gia tộc, thống nhất Giang Đông. Tôn Quyền vừa mới lớn, liên tiếp mất đi sự bảo hộ của cha, anh, tự mình phải đối mặt với thời thế hiểm nguy và các thế lực phức tạp, dần dần đã bộc lộ ra tố chất của một vị vua anh hùng mưu lược.

Chu Thái, dường như là một báu vật mà Tôn Sách lưu lại cho Tôn Quyền, luôn bên ông mà hộ trì vượt qua thời kỳ gian nan nhất. Tấn công Hoàng Tổ ở Giang Hạ, đuổi Tào Tháo ở Xích Bích, Ô Lâm, chiến đấu với Tào Nhân ở Nam Quận, mọi hoạch định, mọi trận đại chiến Chu Thái đều cùng Tôn Quyền như hình với bóng, chứng kiến sự trưởng thành của Tôn Quyền trên con đường trở thành đế vương cũng như sự lớn mạnh của chính quyền Đông Ngô.

Miền công cộng

Năm Kiến An thứ 17 ( Năm 212 ), Tào Tháo quyết định tấn công Đông Ngô lần nữa. Hai bên dàn quân ở Nhu Tu Khẩu, một trong điểm chiến lược, tổng cộng triển khai 4 trận đại chiến, trong đó có lưu lại những sự tích lịch sử như “ Thảo thuyền tá tiễn“ (Thuyền cỏ mượn tên), và cũng lưu lại câu nói nổi tiếng của Tào Tháo “Sinh tử đương như Tôn Trọng Mưu” (Sinh con thì nên sinh ra người như Tôn Quyền (tên chữ là Trọng Mưu)). Chu Thái cũng trong hai trận trước mà dựng lập được uy đức.

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có nghi lại câu chuyện cứu chủ làm cảm động lòng người. Vào một ngày, Tào Tháo chia quân làm 5 ngả, đột kích Nhu Tu Khẩu. Bỗng nhiên sóng gió nổi lên ngút trời, chiến thuyền nghiêng lật, thủy quân của Tôn Quyền chưa khai chiến thì đã có một viên tướng rơi xuống sông mà thiệt mạng. Bên bờ, Tôn Quyền cùng Chu Thái dẫn quân tác chiến. Tuy nhiên, đại quân bị quân Tào chia cắt làm hai, trước sau không thể ứng cứu, Tôn Quyền bị vây giữa trận, tình thế vô cùng nguy nan.

Lần này còn nguy hiểm hơn cả lúc bị vây ở trận Tuyên Thành, đối thủ không phải là kẻ không biết binh pháp như đám sơn tặc trước đây, mà là Tào Tháo đích thân đốc chiến với binh hùng tướng mạnh, hãy xem Chu Thái làm thế nào biến nguy thành an đây? Chỉ thấy ông tung hoành giữa loạn quân. Do không nhìn thấy chủ, ông lại quay lại trận, tìm tin tức Tôn Quyền. Thuộc hạ chỉ hướng hai bên đang giao chiến kịch liệt nói “Chúa công đang bị vây khốn ở kia”. Chu Thái lập tức đột phá trùng trùng vòng vây tới được bên Tôn Quyền và nói “Xin chúa công theo tôi”. Thế là, Chu Thái phía trước tả xung hữu đột, Tôn Quyền theo sát tận lực phá vây.

Ngược thời gian mười mấy năm trước, có lẽ năm đó nếu không có vị dũng tướng nói với Tôn Quyền câu ấy, xong dùng tận lực, xả thân bảo hộ, thì sao có ngày nay Tôn Quyền - một bá vương trong Tam Quốc, với bản lĩnh ví như Thái Sơn có đổ sụp mặt cũng không biến sắc, sự xuất hiện của Chu Thái hết lần này đến lần khác đã cảm động Tôn Quyền, gắn chặt mối tương giao quân thần,hào khí vạn trượng vượt trên sinh tử.

Chu Thái phá vây đến được bên sông,thoát khỏi sự truy kích của quân Tào. Nào ngờ vừa quay lại thì không thấy Tôn Quyền đâu cả. Trách mình do mải tham chiến mà để lạc mất chúa công lúc nào không biết. Chu Thái nghiến chặt răng, quay người đột kích vào trùng trùng vòng vây lần thứ 3, nhanh chóng tìm được Tôn Quyền. Lúc này quân Tào bắn tên như mưa, đều hướng hai người mà bắn tới. Tôn Quyền hỏi: “Tên bắn như vậy, thoát ra sao đây?”. Chu Thái điềm nhiên trả lời: “Chúa công đi trước, tôi ở sau, có thể thoát được”. Thế là Tôn Quyền thúc ngựa đi mau, Chu Thái theo sát hộ vệ, các chiêu thức đều vì che chở cho Tôn Quyền mà không phòng vệ bản thân.

Tìm sinh lộ giữa làn mưa tên, Tôn Quyền không bị thương chút nào, nhưng Chu Thái không quản mưa tên đầy trời, chẳng ngại địch quân vây hãm, thân trúng vài mũi giáo, tên xuyên qua giáp, khắp thân chảy máu, chồng chất vết thương. Vẫn chưa hết, dựa vào dũng khí của mình, ông đột kích vào trận lần thứ 4, cứu được một viên danh tướng, rồi mới lê thân trọng thương quay về đại doanh.

Đoạn chuyện này, tuy là ngoài chính sử, nhưng làm người xem cảm động và kính phục. Chỉ cần có Chu Thái ở bên thì không kẻ nào có thể đả thương Tôn Quyền. Chính vì Chu Thái nhiều lần xả thân,thương tích đầy mình, mà trở thành một đại tướng được Tôn Quyền tín nhiệm cùng ân tình sâu nặng.

Nâng chén ôn chuyện cũ, tiệc tàn ướt chinh y

Những chiến tích được chính sử chính thức ghi lại, Chu Thái lĩnh binh đánh bại quân Tào Tháo, buộc lui quân. Sau chiến sự, Nhu Tu Khẩu trở thành trận tuyến phòng ngự quan trọng bậc nhất của Đông Ngô, cần một đại tướng tin cậy có lai lịch, kinh nghiệm trấn giữ. Lúc này, Tôn Quyền lập tức lựa chọn người cùng mình vào sinh ra tử gần 20 năm là Chu Thái, đồng thời phong làm Bình Lỗ tướng quân. Nhưng quyết định này dẫn đến bất mãn của một số tướng lĩnh. Họ cho là, xuất thân của ông, chiến tích của ông chưa phải là trác việt, dựa vào gì mà ban chức như vậy?

Tôn Quyền đã có cân nhắc của mình, ông tin vào thực lực của Chu Thái, hi vọng ông đảm đương trọng nhiệm này, cũng là báo đáp ơn cứu mệnh xưa. Để các tướng sĩ tâm phục, ông nghĩ ra một diệu kế, hạ lệnh mở tiệc lớn,khao thưởng ba quân. Đợi mọi người say sưa,thời cơ chín muồi, Tôn Quyền đứng dậy đến bên Chu Thái, tự tay rót rượu cho Chu Thái. Cử chỉ dùng lễ đãi thuộc hạ của chúa công như vậy, làm cho không khí náo nhiệt của buổi tiệc dần tĩnh lại.

Còn với những tướng sĩ còn dị nghị với Chu Thái, xem xem Tôn Quyền cuối cùng đã làm thế nào để tiêu trừ những khúc mắc này.

Miền công cộng

Chu Thái một mực cẩn thận tôn kính Tôn Quyền như thuở đầu. Tôn Quyền đột nhiên hạ lệnh, bảo ông cởi bỏ y phục, để lộ phần trên thân. Mọi người đều nhìn thấy, Chu Thái thân thể tráng kiện khôi ngô, nhưng chi chít vết thương của đao, tên, có vết vừa mới lành sẹo, có vết lưu màu đen sẫm, là những vết thương nhiều năm trước. Tôn Sách nhìn Chu Thái, trong mắt chứa lệ quang, dùng ngón tay nhẹ nhẹ xoa lên những vết thương, hỏi những vết thương này lưu lại vào lúc nào.

Dường như những vết thương đó là do lúc tham chiến cùng Tôn Quyền, Tôn Quyền có thể quên sao? Ông muốn dùng cách đặc biệt này, làm mọi người nhìn thấy sự trung nghĩa của Chu Thái. Từng câu trả lời chất phác, quân thần cùng ôn lại những thời khắc sinh tử xưa kia.

Này là tên bắn khi tham chiến với quân Tào, này là vết thương do đao ở trận Nam Quận, đánh Tào Nhân, còn đây là ở trận Ô Lâm, hỏa công Tào Tháo mà bị bỏng, đây là trận Giang Hạ, thảo phạt Hoàng Tổ vết giáo đâm. Còn vết này là năm đó Tuyên Thành cùng chúa công lần đầu tác chiến, bị sơn tặc chém trọng thương 20 vết…

Giọng Chu Thái vẫn đều đều trầm ổn, nhưng vẫn nghe thấy những tình cảm đang dồn nén. Những tháng ngày máu lửa, sống chết bất kỳ, hôm nay nghĩ lại thấy xao động tâm can, trân quý thay những ngày tháng đó. Chu Thái cùng Tôn Quyền vượt qua những tháng ngày nguy biến, không làm hổ sứ mệnh của vị tiên chủ, mà còn có vinh diệu hộ vệ một vị chúa công.

Tôn Quyền, không cầm được nước mắt, nắm lấy cánh tay ông, lệ tuôn rơi, cảm khái nói: “Ấu Bình, ông vì anh em ta, mà xả mệnh dũng cảm tham chiến, cho nên thương tích đầy mình, trông như bức họa dùng đao khắc vậy”. Rồi kiên định dặn dò: “Ta và khanh tình thân như anh em ruột, lẽ nào không yên tâm giao đại quân cho khanh? Khanh là đại công thần của Đông Ngô, ta và khanh cùng chia vinh nhục, cùng nếm vui buồn”.

Nhìn rõ lớp lớp vết thương, tướng sĩ cảm thấy lòng hơi hổ thẹn. Vị công huân xả mệnh hộ chủ, Chu Thái xứng đáng là đệ nhất công thần. Đêm đó quân thần uống thỏa thích, ngứa ngáy ngãi khắp người, khi tiệc tàn người đầy vết cào máu thấm ra quân phục, có lẽ đây là lần yến tiệc cao hứng nhất của Chu Thái. Như vậy, Chu Thái thuận lợi trở thành Nhu Tu Đốc quân, toàn quân trên dưới một lòng kính phục.

Tôn Quyền trước khi rời đi, lấy khăn đội đầu thường dùng ban tặng Chu Thái, còn cho phép bất kể đi hay về đều dùng lễ nghi quân đội, dọc đường đánh trống, tấu nhạc, hết mực tôn sùng.

Sau này, Tôn Quyền đánh bại Quan Vũ ở Kinh Châu, lần nữa đề bạt Chu Thái làm Thái thú Hán Trung, Phấn uy tướng quân, phong Lăng Dương Hầu. Chỉ tiếc là Chu Thái chưa đến được Hán Trung, chưa tận mắt thấy ngày Tôn Quyền xưng đế. Giữa năm Hoàng Vũ, Chu Thái lặng lẽ rời thế gian, có lẽ do vết thương cũ tái phát, hoặc do mệnh Trời, sử sách cũng không giải thích. Có lẽ Chu Thái đã hoàn thành sứ mệnh cứu chủ, hộ chủ, nên rũ áo ra đi, nhẹ nhàng siêu thoát.

Thật tiếc, lịch sử và tiểu thuyết không ghi lại lúc lâm chung, quân thần li biệt, hoặc đoạn hồi ức của Tôn Quyền về Chu Thái. Tuy vậy, cũng đủ làm chúng ta vĩnh viễn ghi nhớ một trang oanh liệt, một câu nói trấn an lòng người : “Xin chúa công cứ theo tôi”.

Thái Bình
Theo Lan Âm - Epochtimes

Tài liệu tham khảo: “Tam quốc chí”, “Tam quốc diễn nghĩa”



BÀI CHỌN LỌC

Tam Quốc: Chu Thái chịu mười hai mũi giáo, xả thân cứu Tôn Quyền