Tại sao Tưởng Giới Thạch cả đời không để tóc? Tống Mỹ Linh về sau đã tiết lộ sự thật

Giúp NTDVN sửa lỗi

Như mọi người biết, cho dù là trong sử sách hay là trên các bộ phim truyền hình về cuộc đời của Tưởng Giới Thạch, chúng ta đều thấy Tưởng Giới Thạch để đầu trọc. Vì thế có rất nhiều người cảm thấy khó hiểu, là Tưởng Giới Thạch sinh ra đã không có tóc hay là không để tóc? Sau khi ông qua đời nhiều năm, Tống Mỹ Linh mới tiết lộ sự thật!

Tưởng Giới Thạch sinh ra trong một gia đình bình thường ở Phụng Hóa, Chiết Giang. Năm ông 8 tuổi, ông nội và cha lần lượt qua đời, người mẹ là Vương Thái Ngọc một mình nuôi ông khôn lớn. Mẹ của Tưởng Giới Thạch quản giáo con trai rất nghiêm khắc. Mỗi ngày ngoài việc đốc thúc việc học, bà còn dạy cho con trai lễ tiết đối nhân xử thế, để cho ông chia sẻ việc nhà với người làm thuê, bồi dưỡng cho ông chí hướng tự lập và phẩm cách khoan hậu nhân ái. Tưởng Giới Thạch cũng rất hiếu thuận với mẹ.

Từ trái sang phải: Mẹ của Tưởng Kinh Quốc là Mao Phúc Mai, bà nội Vương Thái Ngọc, Tưởng Kinh Quốc thời thơ ấu và cha Tưởng Giới Thạch (ảnh: chụp năm 1910)

Gia đình họ Tưởng mấy thế hệ đều tín Phật, Vương phu nhân cũng là một Phật tử cực kỳ thành kính, bà thường xuyên dẫn Tưởng Giới Thạch đến chùa Tuyết Đậu gần đó để lễ Phật. Điều này vô hình trung đã khắc sâu ấn tượng trong lòng Tưởng Giới Thạch. Cho nên sau khi trưởng thành, Tưởng Giới Thạch mặc dù dấn thân vào cách mạng dân chủ, tham gia phong trào cách mạng khắp cả nước, nhưng bởi vì khi còn bé đã kết duyên phận thâm sâu với chùa Tuyết Đậu, cho nên dù thất bại hay thành công, mỗi lần ông về quê cũ, ông đều đến thăm chùa Tuyết Đậu, hoặc ở lại chùa Tuyết Đậu một hai ngày, hoặc cùng sư trụ trì nói chuyện giáo lý nhà Phật. Bởi vậy, Tưởng Giới Thạch còn có cơ duyên quen biết với cao tăng Thái Hư đại sư.

Thái Hư đại sư trong tự truyện của mình từng đề cập việc ông cùng Tưởng Giới Thạch kết giao lần đầu tiên. Ngày 15 tháng 8 năm 1927, Tưởng Giới Thạch ra tuyên bố từ chức về vườn, ngày hôm sau ông đã trở về chùa Tuyết Đậu, thường ở trong chùa.

Bởi vì Hoàng Ưng Bạch nhiều lần nhắc tới Thái Hư đại sư trước mặt Tưởng Giới Thạch, cho nên Tưởng Giới Thạch quyết định mời Thái Hư đại sư đến để gặp mặt. Khi gặp mặt, hai người người đều cảm thấy như gặp lại cố nhân. Khi thất ý trong giới chính trị, Tưởng Giới Thạch còn muốn mời Thái Hư cùng nhau đến Nhật Bản nghiên cứu Dương Minh thiền và Phật học. Về sau bởi vì lý do chính trị, mới từ bỏ ý định này. Nhưng Tưởng Giới Thạch và Thái Hư kết giao rất mật thiết. Vào Tết Trung thu năm đó, Tưởng Giới Thạch còn mời Thái Hư giảng giải "Tâm Kinh", cũng mấy lần bỏ tiền tài trợ Thái Hư du lịch khảo sát Âu Mỹ. Ông còn giới thiệu các chính khách lúc bấy giờ đến gặp mặt Thái Hư, ở mọi phương diện đều trợ giúp Thái Hư đại sư khởi xướng thành lập "Phật học hội Trung Quốc". Những hành động của Tưởng Giới Thạch đủ để cho thấy sự thành kính của ông đối với Phật giáo.

Năm 1943, Thế chiến II bước vào giai đoạn gay cấn. Lâm Sâm, Chủ tịch Trung Hoa Dân quốc lúc bấy giờ muốn mời lão hòa thượng Hư Vân đến Trùng Khánh tổ chức "Pháp hội giải tai ương hộ quốc”.

Hòa thượng Hư Vân. (Ảnh mạng)

Lúc này, Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh đã kết hôn hơn mười năm, chịu ảnh hưởng từ Tống Mỹ Linh, Tưởng Giới Thạch cũng thường cùng vợ đến giáo đường Cơ Đốc. Nhưng trong thời gian "Pháp hội giải tai ương hộ quốc”, dù đã theo vợ tiếp nhận lễ rửa tội của Cơ Đốc giáo, Tưởng Giới Thạch lại có ý đi pháp hội và gặp mặt lão hòa thượng Hư Vân, hỏi ông về nguồn gốc của sinh mệnh và vũ trụ. Sau đó, Hư Vân hòa thượng đã lấy "Kinh Lăng Nghiêm" để trả lời. Dù cho Tưởng Giới Thạch thân ở địa vị cao, bên cạnh vẫn thường có các cao tăng đi cùng.

Năm 1949, Tưởng Giới Thạch lui về Đài Loan, vẫn kiên quyết mang theo Phật sống Chương Gia (Changkya Khutukhtu) và các cao tăng Hán Tạng cùng về Đài Loan. Từ đó có thể thấy rằng, dù đã được rửa tội nhập lễ Cơ Đốc giáo, nhưng tình cảm và sự coi trọng của ông đối với Phật giáo vẫn không suy giảm một chút nào.

Sau khi Tưởng Giới Thạch qua đời nhiều năm, phu nhân Tống Mỹ Linh cuối cùng đã nói ra chân tướng: Cả cuộc đời Tưởng Giới Thạch luôn vững tin theo "Dương Minh Thiền", từng chép "Kinh Lăng Nghiêm" cho mẹ là Vương phu nhân, còn được giác ngộ từ một vị lão hòa thượng ở chùa Tuyết Đậu, ấn tượng quá sâu sắc. Vì vậy sau khi lớn lên cho đến mãi về sau, cả đời Tưởng Giới Thạch đã không để tóc. Nguyên lai đây mới là lý do thực sự khiến Tưởng Giới Thạch cả đời không để tóc.

Trung Nguyên

Theo Tuệ Minh - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao Tưởng Giới Thạch cả đời không để tóc? Tống Mỹ Linh về sau đã tiết lộ sự thật