Tại sao thuyết tương đối của Einstein lại trượt giải Nobel?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thông tin các nhà khoa học Mỹ phát hiện ra sóng hấp dẫn một lần nữa khiến người ta chú ý đến thuyết tương đối rộng tiên đoán về sóng hấp dẫn. Thuyết tương đối là lý luận khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ 20, nhưng điều khiến người ta tiếc nuối đó là, Einstein đã không giành được giải Nobel với học thuyết này.

Năm 1905, Einstein đưa ra thuyết tương đối hẹp gây chấn động một thời. Năm 1909, nhà hóa học nổi tiếng người Đức và từng đoạt giải Nobel Ostwald đã đề cử Einstein là ứng cử viên cho giải Nobel Vật lý năm 1910. Nhưng lúc đó thuyết tương đối hẹp gây ra rất nhiều tranh cãi, Michael người Mỹ đầu tiên đoạt giải Nobel vật lý, cho đến khi ông qua đời vẫn khẳng định rằng "thuyết tương đối là không vững chắc". Trong cộng đồng vật lý chính thống vào thời điểm đó, những luận điệu hoài nghi về thuyết tương đối hẹp chiếm ưu thế. Cứ như thế, mặc dù Ostwald đã liên tiếp đề cử thuyết tương đối hẹp của Einstein cho giải Nobel vào năm 1912 và 1913, nhưng Einstein chưa bao giờ được bình chọn.

Vào tháng 11 năm 1915, Einstein nộp bốn bài luận văn cho Viện Khoa học Prussia, ông đã giải thích tuế sai của điểm cận nhật của sao Thủy và đưa ra phương trình trường hấp dẫn chính xác. Cho đến nay, những vấn đề cơ bản của thuyết tương đối rộng đã được giải quyết, và thuyết tương đối rộng ra đời. Theo đó thì những tranh luận càng gay gắt hơn. Mà tranh luận lần này không chỉ thuần túy học thuật, vì Einstein là một người Do Thái, mà còn là một người Do Thái sống ở Đức, nên ông và thuyết tương đối của ông không may trở thành nạn nhân của vận động chính trị.

Đầu năm 1919, nhà vật lý nổi tiếng Planck đề cử Einstein làm ứng cử viên cho giải Nobel, với lý do thành tựu của thuyết tương đối rộng đã vượt qua cơ học Newton. Vào tháng 5 năm 1919, Eddington và Dyson dẫn đầu một đoàn thám hiểm khoa học để điều tra và xác minh một số nội dung của thuyết tương đối rộng, và kết quả được công bố vào tháng 9 năm đó. Vào tháng 11 cùng năm, Thomson, Chủ tịch Hiệp hội Hoàng gia, tuyên bố rằng lý luận của Einstein là bước phát triển quan trọng nhất kể từ Newton và là một trong những thành tựu cao nhất trong lịch sử tư tưởng nhân loại.

Sau đó, một cuộc tấn công ác ý chống lại Einstein và thuyết tương đối của ông cũng ngay lập tức nổ ra. Vào ngày 24 tháng 8 năm 1920, một buổi diễn thuyết công khai chống lại thuyết tương đối đã được tổ chức tại phòng hòa nhạc lớn nhất Berlin, diễn giả là nhà vật lý thực nghiệm người Đức Gerck, và người phản đối kịch liệt thuyết tương đối Weilander. Một tháng sau, tại Bad Nauheim, một khu du lịch ở miền trung nước Đức, đã có buổi diễn thuyết công khai lần thứ hai để phản đối thuyết tương đối. Các diễn giả bao gồm nhà vật lý thực nghiệm nổi tiếng người Đức và người đoạt giải Nobel năm 1905 Philipp Lenard. Người đoạt giải Nobel Vật lý năm 1919, Johannes Stark, cũng công khai chất vấn về thuyết tương đối.

Einstein đã tự mình lắng nghe các bài diễn thuyết chống lại thuyết tương đối, kết quả ông nhận thấy rằng không có sự phản đối nào đáng kể trong các bài phát biểu đó, và một số chỉ là những lời buộc tội và chỉ trích mơ hồ, giả tạo. Ví dụ, Weiland và Gerck cáo buộc Einstein về một số tính toán của thuyết tương đối rộng đã đạo văn tác phẩm của một "người Đức chân chính" ít được biết đến, và trên thực tế, luận văn của "người Đức chân chính" kia dù là tiền đề đi chăng nữa thì lý luận vẫn là sai. Lý do chống lại thuyết tương đối của Lenard là lý thuyết tương đối trái với lẽ thường, cho nên nhất định là sai lầm. Trên thực tế, cả Lenard và Stark đều là những tín đồ trung thành của Đức Quốc xã và ủng hộ sự phát triển của cái gọi là "vật lý học nước Đức" và loại bỏ "vật lý học Do Thái", trong khi lý thuyết tương đối được quan tâm rộng rãi lại bị coi là kiểu mẫu của "vật lý học Do Thái", bởi vì Einstein là một người Do Thái.

Tuy nhiên, thái độ của những “bậc thầy vật lý” này đã gây áp lực lên Ủy ban Nobel. Năm 1921, lời kêu gọi Einstein đoạt giải Nobel gần như đạt đến cao trào. Cùng năm đó, Ủy ban Giải thưởng Nobel đã tìm một chuyên gia (nhãn khoa) người Thụy Điển rất có thẩm quyền - Gullstrand, và yêu cầu ông viết một báo cáo đánh giá về thuyết tương đối rộng. Tuy nhiên, Gullstrand đã chỉ trích gay gắt thuyết tương đối trong báo cáo đánh giá của mình, gọi nó là một "giả thuyết", chưa được xác nhận bằng các thí nghiệm. Arthur Kornberg, thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển và là thành viên của Ban giám khảo giải Nobel Vật lý, cũng phản đối. Trong một bức thư gửi tới hội đồng giám khảo, ông viết: "Thuyết tương đối chỉ là một phỏng đoán, đem một điều phỏng đoán để xem xét trao giải thưởng là tuyệt đối không thể." Năm 1921, Ủy ban Giải thưởng Nobel đã quyết định để trống Giải Nobel Vật lý và không trao giải cho Einstein.

Tuy nhiên, vào thời điểm này, uy tín của Einstein trong giới vật lý đã cao đến mức Ủy ban Nobel không thể bỏ qua ông. Sau nhiều lần cân nhắc, Ủy ban Giải thưởng Nobel đã đưa ra một phương án thỏa hiệp - vào năm 1922, họ quyết định cấp lại giải Nobel Vật lý năm 1921 cho Einstein, nhưng lý do Einstein đoạt giải không phải là lý thuyết tương đối, mà là định luật về hiệu ứng quang điện mà ông đã khám phá ra vào năm 1905 trước khi ông đề xuất thuyết tương đối hẹp.

Vào ngày 10 tháng 12 năm 1922, Einstein đang đi tàu ở Nhật Bản và bỏ lỡ buổi lễ trao giải. Vào tháng 7 năm sau, Einstein đã có một bài phát biểu chính thức về giải thưởng tại một hội nghị khoa học ở Thụy Điển. Ông không nói về hiệu ứng quang điện, mà là thảo luận về thuyết tương đối.

Lam Sơn
Theo Apollo



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao thuyết tương đối của Einstein lại trượt giải Nobel?