Tại sao nói hôn nhân là đạo lý lớn nhất chốn nhân gian

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Cũng giống giữa trời đất, nếu âm dương bất hòa thì vạn vật không thể nào sinh trưởng được. Hôn lễ của quân vương là sự khởi đầu của con cháu đời sau hưng thịnh tốt tươi, có thể khiến quốc gia kéo dài vạn thế, vậy nên ngài nhất định không được xem thường..."

Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử: "Xin hỏi đạo lý nhân gian thì cái gì là lớn nhất?"

Khổng Tử trả lời rằng: "Ngài có thể hỏi vấn đề này thì đó là phúc của bách tính nước Lỗ, tôi làm sao dám không trả lời. Tôi nghĩ, cái lớn nhất không gì bằng chữ Chính (政) trong từ Chính trị. Ý nghĩa chữ Chính này giống như chữ Chính (正 - chân chính, chính trực). Khi bản thân quân vương có thể quy chính bản thân thì bách tính cũng quy chính theo. Hành vi, việc làm của quân vương là tấm gương để bách tính học theo, noi theo. Nếu hành vi, việc làm của quân vương không thể quy chính, thì làm sao bách tính có thể học theo, noi theo được?"

Lỗ Ai Công lại hỏi: "Vậy xin hỏi: ta nên làm thế nào mới có thể quy chính được?"

Khổng Tử nói: "Vợ chồng có sự khác biệt, nam nữ có sự thân thiết, quân thần có chữ tín, 3 việc này nếu có thể làm thật chính, thì tất cả sự vật cũng theo đó mà quy chính".

Ai Công nói: "Tôi tuy không có tài năng gì, nhưng rất nguyện ý thực hành chiểu theo lời của ngài, nhưng làm thế nào mới có thể làm được 3 việc này?"

Khổng Tử nói: "Các Thánh vương cổ đại trị sửa chính sự thì chú trọng nhất vào việc làm cho mối quan hệ giữa người với người, giữa quân vương với người dân tương thân tương ái. Hình thức của tương thân tương ái thì điều quan trọng nhất chính là hợp với phép tắc của lễ. Tinh thần căn bản của phép tắc của lễ chính là ý cung kính trong tâm. Biểu hiện tốt bậc của ý cung kính lại là hôn lễ của quân vương. Thế nên trong hôn lễ, cho dù là tôn quý là quân vương cũng phải đích thân nghênh đón theo lễ. Bởi vì hôn lễ của quân vương không chỉ là một buổi hôn lễ trên bề mặt, mà về bản chất chính là khởi điểm của ý cung kính. Nắm được ý cung kính trong tâm thì giữa vợ chồng mới có thể tương thân tương ái. Trong lòng không có ý cung kính thì không thể nảy sinh ra lòng thân ái được. Lòng tương thân tương ái giữa người với người, giữa quân vương và người dân chính là gốc rễ của tất cả chính sự. Ngài nói xem, trong hôn lễ, quân vương làm sao có thể không đích thân đi nghênh đón để bày tỏ ý cung kính được ".

đạo khổng tử
Lòng tương thân tương ái giữa người với người, giữa quân vương và người dân chính là gốc rễ của tất cả chính sự. (Ảnh: Secretchina)

Ai Công nói: "Nói đến đây, tôi có lời muốn nói, nếu quân vương đích thân nghênh đón, việc này chẳng phải có chút long trọng quá đó sao?"

Khổng Tử có chút không vui và nói: "Hôn lễ như thế này là kết hợp 2 gia tộc, sinh ra quân vương đời sau có thể kế thừa sự nghiệp của tổ tiên, trị vì muôn dân thiên hạ, sao lại cho là quá long trọng được?"

Ai Công nói: "Xin lỗi, tôi quả là quá ngu muội mới hỏi câu hỏi ngu ngốc như thế này. Nhưng nếu không hỏi câu hỏi ngu ngốc như thế này thì không có cơ hội nghe được đạo lý sâu sắc như thế này. Tôi muốn biết thêm chút nữa, nhưng lại không biết hỏi từ chỗ nào, xin ngài hãy nói rõ thêm".

Khổng Tử nói: "Cũng giống giữa trời đất, nếu âm dương bất hòa thì vạn vật không thể nào sinh trưởng được. Hôn lễ của quân vương là sự khởi đầu của con cháu đời sau hưng thịnh tốt tươi, có thể khiến quốc gia kéo dài vạn thế, vậy nên ngài nhất định không được xem thường. Hơn nữa quân vương có ngôi vương, đối nội có thể thờ phụng trời đất thần linh và tổ tiên, trị sửa tông thất. Đối ngoại có thể giáo hóa, dạy người dân cung kính thực hành lễ, quy chính phong tục tập quán quốc gia".

Khổng Tử nói tiếp: "Do đó từ thời Tam Đại (Hạ, Thương, Chu) đến nay, các quân vương Thánh minh đều biết kính trọng vợ và con trai mình, bởi vì vợ là trung tâm của người thân trong tông tộc, còn con trai chính là quân vương của đời sau, thế nên làm sao có thể không kính trọng được? Hơn nữa, kính trọng vợ con còn là biểu hiện của việc kính trọng bản thân, bởi vì bản thân quân vương không phải hoàn toàn thuộc sở hữu của bản thân mình, mà còn là một bộ phận của người thân, là một bộ phận của quốc gia, là một bộ phận của muôn dân trong thiên hạ. Nếu làm tổn hại bản thân thì cũng có nghĩa là làm tổn hại đến vợ con, người thân, quốc gia, và muôn dân thiên hạ, thế nên khởi đầu bằng cách biết kính trọng bản thân và vợ con, rồi mở rộng đến trị sửa thiên hạ, thì có gì là khó đâu?"

kính trọng vợ con còn là biểu hiện của việc kính trọng bản thân
Kính trọng vợ con còn là biểu hiện của việc kính trọng bản thân. (Ảnh: Secretchina)

Ai Công hỏi: "Nhưng kính trọng bản thân nghĩa là thế nào?"

Khổng Tử nói: "Đương nhiên không phải là hậu đãi bản thân, mà là trân quý bản thân, hiểu được ý nghĩa bản thân mình có trách nhiệm và rất quan trọng với người khác. Bởi vì quân vương nói sai thì người dân sẽ theo đó mà làm theo; quân vương làm sai thì người dân sẽ theo đó mà làm theo. Thế nên nếu quân vương có thể hiểu thấu đáo, rõ ràng về tầm ảnh hưởng bản thân đối với người dân, thì sẽ giữ được thái đội cẩn thận, trang trọng đối với mỗi hành vi, ngôn luận của mình, như thế thì người dân tự nhiên sẽ cung kính, cẩn thận, trang trọng, đó chính là ý nghĩa của việc kính trọng bản thân".

Ai Công nói: "Nghe những lời thâm sâu này của ngài, tôi thực sự căng thẳng, lo mình không làm được thì đó chính là tội lỗi của tôi".

Khổng Tử nói: "Ngài có thể nghĩ được như thế này thì tôi nghĩ đó chính là phúc của người dân nước Lỗ".

("Khổng Tử gia ngữ" của Ngụy Vương Túc thời Tam Quốc)


Trung Hòa
Theo Secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao nói hôn nhân là đạo lý lớn nhất chốn nhân gian