Tại sao người ta thường nói "Trời không tuyệt đường của ai"?

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Trời không tuyệt đường của ai”, con đường đi thế nào là hoàn toàn tùy thuộc vào sự lựa chọn thiện ác của con người.

Khi tôi còn nhỏ, ông bà tôi thường hay nói câu "Trời không tuyệt đường của ai" mà không giải thích ý nghĩa cụ thể là gì. Tuy nhiên, qua nhiều câu chuyện ‘tán dóc’ mà ông bà kể, thực chất là những câu chuyện văn hóa truyền thống, tôi có thể hiểu là: con người luôn làm điều xấu, lợi mình hại người, trái với lẽ Trời, thì con đường nhân sinh chỉ có thể càng đi càng hẹp, rồi đi tới tuyệt lộ. Khi quả báo sắp ập đến, ông Trời vẫn ban cho con người cơ hội lựa chọn cuối cùng, lựa chọn thiện, tùy theo mức độ khác nhau mà báo ứng lớn nhỏ khác nhau. Nếu cứ tiếp tục làm điều ác sẽ chặn mất cơ hội cuối cùng mà Thần Phật ban cho con người, chỉ tăng thêm ác báo vào mình mà thôi.

Sau khi đọc một câu chuyện văn hóa truyền thống, tôi lại hiểu sâu sắc hơn về câu nói này.

Vào thời nhà Thanh, ở huyện Hưu Ninh có Uông lão tiên sinh, đến cuối năm ra ngoài đi thu tiền nợ, sau khi thu được tiền xong thì lên thuyền về nhà. Lúc đó đang là tiết trời giữa đông, gió dữ, tuyết rơi dày đặc. Ông Uông nhìn thấy trên bờ có một người đàn ông ra hiệu bằng tay muốn đi thuyền. Chủ thuyền không có ý cập bến lần nữa nên không muốn chèo thuyền quay lại. Lão Uông nói: "Hiện tại thời tiết lạnh như vậy, người này hình như đã đợi rất lâu rồi, chúng ta không cho ông ấy đi cùng, không biết ông ấy phải đợi dưới gió tuyết bao lâu nữa. Nhà đò, hay là thuận tiện cho ông ấy đi cùng".

Ông chủ thuyền đồng ý. Khi đưa người đàn ông xuống thuyền, ông Uông thấy người này đã quá lạnh và đói, dường như không cử động được. Thế là ông Uông cởi bộ quần áo cũ quấn vào cho người này, lấy rượu ra cho uống. Một lúc sau, người đàn ông mới nói được. Ông đứng dậy cúi đầu hành lễ bày tỏ sự cảm ơn với ông Uông.

Ông Uông hỏi người đàn ông từ đâu đến và muốn đi đâu. Người này nói: “Tôi không phải là người, tôi là người bắt hồn của quan Thành Hoàng”. Lão tiên sinh liền hỏi người này định bắt hồn ai. Người này lấy ra một danh sách, tổng cộng có 33 cái tên, và tên của ông Uông bất ngờ đứng đầu.

Ông Vương sửng sốt, quỳ gối van xin người đàn ông. Người này nói: “Đây là lệnh của Đông Nhạc Đại Đế, ngay cả quan Thành Hoàng cũng không cứu được. Làm sao tôi có gan chơi đùa với ý Trời”.

Ông Uông vẫn liên tục van xin thì người này nói: “Thế này vậy. Vì lòng tốt của ông cho thuyền cứu tôi khỏi đói rét, tôi sẽ đặt ông xuống cuối cùng của danh sách, có thể trì hoãn thêm được vài ngày. Ông mau về nhà lo liệu hậu sự, ngày mồng 3 Tết, tôi sẽ đợi ông ở bên trái lối vào chùa”. Ông lão cảm ơn.

Một lúc sau chiếc thuyền đi qua một thôn trang, và người đàn ông cáo biệt lên bờ. Ông Uông yêu cầu người chủ đậu thuyền ở đó đợi một lúc mới rời đi sau. Vì vậy hai người yên lặng quan sát ở đó một lúc, chỉ thấy một lúc sau người đàn ông đi thẳng vào một ngôi nhà, một lát sau đi ra. Khi người đàn ông vừa trở ra, ông Uông nghe tiếng khóc trong nhà. Ông nghĩ lời này nói là thật nên kêu người chèo đò mau chóng chèo thuyền đi.

Khi về đến nhà, ông Vương gặp một cặp vợ chồng đang ôm nhau khóc thảm thiết. Khi ông gặng hỏi thì người đàn ông này cho biết là cuối năm, nợ nần nhưng không có tiền trả, muốn bán vợ để trả nợ nhưng không ai thèm mua. Cả hai định tự tử cùng nhau. Ông Uông nghĩ thầm chắc mình không sống được mấy ngày, đòi nhiều tiền như vậy có ích lợi gì nên đưa hết số tiền đã gom góp được mấy ngày qua. Hai vợ chồng nhờ đó đã cứu được mạng sống của họ.

ông trời có mắt
Quả nhiên, ở phía bên trái của cánh cổng, đã thấy người bắt hồn. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Vào ngày mùng 3, ông Uông đã đích thân đến miếu Thành Hoàng để trình báo. Quả nhiên, ở phía bên trái của cánh cổng, đã thấy người bắt hồn. Người này sắc mặt buồn bã nói với ông lão: "Ông làm liên lụy tới tôi rồi. Tôi nhất thời không đành đã vì ông thay đổi thứ tự. Hôm qua Thành Hoàng đã bẩm tấu với Đông Nhạc Đại Đế về hai việc là ông đã cứu sống hai vợ chồng và xóa nợ".

"Đông Nhạc nói rằng người này đã chết, làm sao có thể có hành động chính nghĩa như vậy và ra lệnh cho Thành Hoàng điều tra. Vì làm lộ bí mật và không chấp hành quy định nên bị đày đến Vân Nam, và kéo dài tuổi thọ cho ông 12 năm. Mười hai năm sau, tôi sẽ gặp lại ông ở đây". Người đó nói xong rồi biến mất. Ông Uông trở về nhà và đúng là không bệnh tật gì.

Chẳng bao lâu, hai con trai của ông Uông vào học chính thức, và công việc kinh doanh của gia đình trở nên giàu có hơn. Mười hai năm sau, vào ngày Tết Dương lịch, lại mơ thấy gặp lại người bắt hồn trước đây. Ông ta nói với ông Uông: “Thiên Đế thấy vì sau khi tuổi thọ của ông được tăng lên, ông giới sát phóng sinh, nỗ lực làm việc thiện, nên Thiên Đế đã phong cho ông làm Thần Thành Hoàng ở một quận nọ. Hôm nay tới ngày hết dương thọ, ông sẽ đi nhận chức. Ba ngày sau tôi sẽ cưỡi ngựa cùng thuộc hạ tới đón ngài".

Sau khi tỉnh lại, ông Uông triệu tập con cháu đến, rất ung dung thi dặn dò chuẩn bị hậu sự cho mình. Lúc đó, sau khi tắm rửa xong, ông đã ăn mặc chỉnh tề ngồi đợi, bỗng nghe tiếng trống lảnh lót vang lên, ông lão nói: “Người tới đón ta đã đến”. Ông cười nhẹ rồi khoan thai nhẹ nhàng ra đi.

Theo quan điểm này, cứu người là một việc đại thiện. Ông Uông vốn dĩ thọ mệnh chỉ còn lại vài ngày, nhưng vì cứu người và xóa món nợ nên không chỉ kéo dài tuổi thọ thêm 12 năm, con cháu được phong chức tước, bổng lộc. “Trời không tuyệt đường của ai”, con đường đi thế nào là hoàn toàn tùy thuộc vào sự lựa chọn thiện ác của con người.

Minh An
Theo secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao người ta thường nói "Trời không tuyệt đường của ai"?