Tá hoa hiến Phật: Câu chuyện kiếp trước của Phật Thích Ca [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào thời điểm vô cùng xa xưa, Phật Thích Ca lúc ấy còn là một người tu hành chưa đắc đạo. Nhân duyên gặp gỡ với cô gái có hoa sen xanh để có hoa dâng lên Đức Phật Đăng Nhiên và được Ngài thọ ký. Mối duyên phận ấy được duy trì trải qua vô lượng kiếp, cho đến lúc Phật Thích Ca chứng đắc quả vị.

Điển cố thành ngữ “Tá hoa hiến Phật”

Truyền thuyết kể rằng: Trước khi tu thành chính quả, Phật Thích Ca Mâu Ni đã trải qua luân hồi nhiều đời. Trong một đời, Ngài là người tu hành Bà La Môn, có tên gọi là Thiện Huệ. Một lần, Thiện Huệ khi đó 16 tuổi tham gia đại hội biện luận của các tăng lữ, được một ít đồ cúng dường, cậu bèn trở về Tuyết Sơn cúng dường sư phụ.

Giữa đường, cậu đi qua một địa phương gọi là thành Liên Hoa. Trong thành trang hoàng vô cùng trang nghiêm thù thắng, thì ra Phật Nhiên Đăng sắp đến đây thuyết Pháp giáo hóa. Thiện Huệ nghĩ: “Chư Phật không cần đồ cúng dường tiền tài, mà vui nhất là cúng dường bằng Pháp, nhưng mình lại chưa đắc Pháp, vậy thì mua hoa cúng Phật”. Nhưng cậu đi tìm tất cả những cửa hàng hoa mà cũng không mua được một bông. Thì ra quốc vương đã bao tiêu tất cả các cửa hàng hoa, ông muốn đem hoa cúng Phật, nên hạ lệnh cho các cửa hàng hoa không được phép bán hoa cho người khác.

Thiện Huệ đi tìm tất cả những cửa hàng hoa mà cũng không mua được một bông. Thiện Huệ đi khắp nơi tìm kiếm, bỗng gặp một thiếu nữ áo xanh đang đội bình nước đi qua, trong bình cô cất giấu 7 bông hoa sen xanh (Utpala) ở trong. Khi đi qua Thiện Huệ, các bông hoa liền vươn ra khỏi miệng bình. Thiện Huệ nhìn thấy vô cùng vui mừng muốn hỏi thiếu nữ mua hoa.

Thiếu nữ áo xanh nói: “Thưa anh! Hoa sen xanh này để dâng cúng Đức Phật nên không bán được”.

Thiện Huệ đáp: “Tôi xin đem 500 đồng tiền đổi lấy 5 bông hoa được không?”

Thiếu nữ ngạc nhiên vì hoa này trị giá không quá vài đồng tiền, mà người nam này dùng 500 đồng tiền để mua 5 bông hoa, liền hỏi: “Anh mua hoa này để làm gì?”

Thiện Huệ đáp: “Nay có Đức Phật Như lai xuất hiện, Tôi muốn mua hoa để cúng dường Phật, cầu tương lai thành tựu Phật quả”.

Rất tự nhiên, do thân cô bé có ánh sáng vàng kim như nhụy hoa sen, đôi mắt xanh phớt hồng như lá sen, da trắng hồng như cánh sen, mùi hương tỏa ra như hương sen, thế là cô được mọi người quyết định đặt tên là Liên Hoa Sắc. (Tổng hợp)
Thiếu nữ áo xanh nói: “Thưa anh! Hoa sen xanh này để dâng cúng Đức Phật nên không bán được”. (Tổng hợp)

Thiếu nữ nghe nói thế thì nhìn kỹ cậu, thấy rằng người này dung mạo đoan chính, ăn mặc có vẻ nghèo khổ nhưng lòng chí thành hướng Phật, không tiếc tiền của. Nàng liền nói: “Tôi tặng hoa này cho anh, nguyện đời đời chúng ta làm vợ chồng”.

Thiện Huệ nói: “Tôi tu hành, sẽ buông bỏ hết thảy vinh hoa phú quý, bao gồm cả vợ con, cô có nguyện ý không? Nếu cô có thể phát nguyện, tương lai tuyệt đối không cản trở hết thảy việc bố thí của tôi, thì tôi sẽ đáp ứng với cô đời sau sẽ lấy cô làm vợ”.

Thiếu nữ đáp: “Xin vâng theo ý anh. Nay tôi mang thân nữ thấp hèn không thể đến trước Đức Thế Tôn, tôi xin gửi anh hai cành hoa này dâng lên cúng Phật giúp tôi. Khiến đời đời tôi không quên ý nguyện này, dù đẹp hay xấu cũng không xa rời nhau, nguyện này giữ mãi trong lòng, mong Phật chứng tri!”.

Đôi thiếu niên nam nữ này đều có tâm kiên định cầu Pháp, thế là cùng cam kết với nhau. Thiếu nữ đưa cả 7 bông hoa cho Thiện Huệ, hai bông trong số đó, nhờ cậu thay cô dâng lên cho Phật Đà.

Khi đó, Vua Đăng Chiếu và đại chúng đều ra khỏi thành nghênh đón Phật Nhiên Đăng. Vua là người cúng dường lễ bái đầu tiên, lần lượt đến các vị đại thần cũng đều cung kính đảnh lễ và tung hoa cúng dường, nhưng hoa đều rơi xuống đất.

Thiện Huệ cũng nhanh chóng đến cổng thành, đem 7 bông hoa sen tung lên không về phía Đức Phật. 5 bông hoa quay xuống dưới, giống như một cái lọng vàng che phía trên đỉnh đầu Đức Phật, còn hai đóa hoa của cô thiếu nữ áo xanh kia cúng dường cũng nở trên hai vai Đức Phật. Đức Phật khen Thiện Huệ rằng: “Hay thay! Hay thay! Một người Thiện chân chính, trải qua vô lượng kiếp con sẽ thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni Như Lai”.

Lúc đó có một vũng nước ngay lối đi của Đức Phật; để tránh làm bẩn chân Phật, Thiện Huệ cởi chiếc áo da hươu của mình ra, trải lên mặt đất, lại lấy tóc của mình trải lên, mặt cúi trên chỗ lầy lội, Đức Phật liền bước trên đó mà đi qua. Phật Nhiên Đăng cảm niệm được sự thành kính từ nội tâm của Thiện Huệ, thế là Ngài thọ ký cho cậu và nói: “Sau này, con sẽ thành Phật trong thời có ngũ trược, độ khắp trời và cõi người, không biết mệt mỏi, giống như ta vậy”.

Đây chính là nguồn gốc câu thành ngữ “Tá hoa hiến Phật”.

Chữ “Tá” có nghĩa là mượn. Chữ “hiến” trong câu “Tá hoa hiến Phật” không chỉ có nghĩa là cúng dường, dâng cúng trên bề mặt, mà còn tượng trưng cho lòng thành tín xả thân cầu Phật. Chữ “hoa” ở đây chỉ hoa Utpala (Ưu bát la hoa), tức là hoa sen xanh.

Thiếu nữ áo xanh sau này trở thành vợ của Phật Thích Ca Mâu Ni trước khi đắc Đạo, tức thái tử phi Da Du Đà La (Yasodharā). Sau này quy y Phật môn, bà trở thành tỳ kheo ni đầu tiên, chứng ngộ được quả vị A La Hán.

Những nội hàm ẩn chứa bên trong điển cố

Sau khi “Tá hoa hiến Phật”, Thiện Huệ đã được Phật Nhiên Đăng thọ ký rồi, nhưng vì lúc đó Thiện Huệ còn ăn mặc theo hình tướng của Bà La Môn, búi tóc, mặc áo da hươu. Đức Phật vì muốn Thiện Huệ bỏ đi hình tướng này, nên mới hóa ra một vũng bùn dơ, để Thiện Huệ cởi bỏ áo da và gỡ búi tóc xuống. Trong Phật gia giảng về “bất nhị pháp môn”, người tu theo pháp môn nào thì chỉ chuyên tâm tu pháp môn ấy. Ở câu chuyện trên cho thấy, ngay cả trang phục hay kiểu tóc giống với pháp môn khác cũng không nên.

Vì nguyện ước từ rất xa xưa mà thiếu nữ cúng dường hoa sen xanh trở thành vợ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vào thời kỳ này, và cuối cùng chứng đắc quả vị A La Hán. Cuộc gặp gỡ khi đó có vẻ rất tình cờ, đúng lúc người này cần, người kia có, cũng như hoa sen được giấu trong bình lại vươn ra, tất cả được kết nối bởi sợi dây vẫn luôn bí ẩn nhất đối với con người, đó là duyên phận.

Thiện Huệ sẽ thành Phật trong thời ngũ trược, vậy thời ngũ trược là thời như thế nào? Ngũ trược là nói về có năm thứ cặn đục xuất hiện:

Một là vào thời mà tuổi thọ con người đã giảm, sống được rất ngắn, chỉ được mấy chục năm là đã bị các loại bệnh tật, chiến tranh, thiên tai đoạt đi mạng sống.

Hai là Chính pháp đã diệt, tà pháp bắt đầu sinh, tà kiến tăng mạnh, làm cho con người không tu tập pháp lành.

Ba là chúng sinh nhiều ái dục, tham lam bủn xỉn, thích đấu tranh dua nịnh, dối trá, hay tiếp xúc người tà pháp nên tâm thần bị náo loạn.

Bốn là chúng sinh phần nhiều độc ác, không hiếu kính cha mẹ, người lớn tuổi; không sợ quả báo ác, kẻ tạo công đức, không tu huệ thí, không giữ gìn trai giới.

Năm là chúng sinh có nhiều ác nghiệp.

Nếu nhìn lại thời điểm Phật Thích Ca Mâu Ni truyền pháp thì đúng như lời của Phật Nhiên Đăng nói. Khi ấy, ngay cả Bà La Môn vốn xưa kia là chính giáo cũng đã bị lệch sang tà giáo. Ở thời điểm rất xa xưa, Phật Nhiên Đăng đã biết được rằng tương lai Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ chứng đắc quả vị, cứu độ chúng sinh khỏi bể khổ.

Cách đây 2500 năm, tại tịnh xá Chi Viên, Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói rằng: Tương lai Pháp Luân Thánh Vương sẽ hạ thế độ nhân, khi hoa Ưu đàm bà la nở rộ khắp nơi, báo hiệu rằng Thánh Vương đã tới. Ngày nay, rất nhiều hoa Ưu đàm đã nở rộ ở các nơi trên thế giới, phải chăng Thánh Vương đã tới, đang truyền pháp độ nhân mà chúng sinh nhiều người còn chưa biết?

Vân Hải

Tham khảo: Kinh nhân quả quá khứ hiện tại và Ntdvn.com



BÀI CHỌN LỌC

Tá hoa hiến Phật: Câu chuyện kiếp trước của Phật Thích Ca [Radio]