Sức nặng của sự ham mê qua bức họa về ‘Sisyphus’ 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tôi đã từng xem bức tranh Sisyphus của họa sĩ Titian đã khiến tôi phải suy ngẫm về bản chất ham mê của con người.

Thỉnh thoảng, chúng ta hiểu được bản thân đang ham mê và đeo đuổi những thứ vật chất, cảm xúc và lối suy nghĩ nào đó. Và những điều này đã làm cho nội tâm của chúng ta không thể bình yên được mỗi khi nghĩ đến, nhưng nó như có lực hút mạnh mẽ vô hình đến mức chúng ta không bứt ra khỏi được.

Sisyphus hai lần lừa Thần chết

Theo truyền thuyết Hy Lạp, Sisyphus là một vị vua xảo quyệt và gian dối của Corinth. Ông ta đã đưa Corinth trở nên thịnh vượng về mặt thương mại, nhưng lại không thể hiện được sự lịch sự, mến khách như yêu cầu của Thần Zeus. Ông ta thậm chí còn giết các vị khách để chứng tỏ rằng ông ta thật đáng sợ.

Thần Zeus đã rất thất vọng về sự tàn ác của Sisyphus. Thú vị hơn nữa, Thần Zeus thêm phần tức giận khi Sisyphus nói cho Thần sông Asopus rằng chính Thần Zeus đã bắt cóc con gái ông ta và nơi giam giữ cô ta. Vì đã tiết lộ quá nhiều bí mật, Thần Zeus quyết định đã đến lúc xử phạt Sisyphus. Theo một phiên bản khác kể rằng Thần Zeus ra lệnh cho Thần chết Thanatos xích Sisyphus dưới địa ngục.

Thần Thanatos đã bắt Sisyphus và chuẩn bị trói ông ta lại thì với tính cách gian xảo của mình, Sisyphus đã lừa Thần Thanatos xích thử cái xích xem hoạt động như thế nào. Và ngay lúc Thần Thanatos làm mẫu, Sisyphus đã nhanh chóng xích Thần lại. Thế là Sisyphus đã thoát khỏi được Thần chết.

Từ khi Thần Thanatos bị giam giữ, không còn ai coi quản việc sống chết của loài người. Do đó, Thần chiến tranh Ares phải hành động để cân bằng lại sự sống chết trên thế gian. Thần cũng đã gài bẫy được Sisyphus và đưa đến cho Thần Thanatos để tiếp tục trừng phạt hắn lần nữa. Nhưng Sisyphus mưu mô ấy đã lên kế hoạch thoát khỏi sự trừng phạt lần thứ hai.

Biết không thể tránh khỏi cái chết nên Sisyphus đã dặn vợ không được tổ chức các lễ nghi cúng tế bình thường cho một người chồng quá cố. Và khi ở địa ngục, ông ta đã cầu xin Persephone tốt bụng, vợ của Hades, cho ông ta được quay trở lại trần gian để hướng dẫn cho vợ mình các thủ tục chôn cất chồng một cách tử tế. Và kế hoạch đã thành công, ông ta được sống lại và không có ý định trở lại địa ngục.

Quyết không để cho Sisyphus qua mặt các Thần, trốn thoát hết lần này đến lần khác, Thần Zeus đã tự mình ra tay đưa Sisyphus xuống địa ngục, bắt ông ta chịu đựng vĩnh viễn việc lăn tảng đá lên đỉnh đồi và sau đó nhìn nó lăn xuống chân đồi và lại đẩy nó lên lại.

Bức họa ‘Sisyphus’ (1548 - 1549) của Titian. Tranh sơn dầu trên vải, 93.3 inch* 85 inch, được trưng bày tại bảo tàng Prado, Madrid, Tây Ban Nha. (Nguồn cộng đồng)

Bức họa ‘Sisyphus’ của Titian

Vào khoảng giữa thế kỷ thứ XVI, hoạ sĩ Phục Hưng người Ý - Titian đã vẽ bức tranh về hình phạt của Sisyphus cho bà Mary ở Hungary, nữ hoàng của Hungary và Bohemia.

Trên trang web của bảo tàng Prado đã tiết lộ rằng nữ hoàng Mary của Hungary treo rất nhiều hình ảnh về truyền thuyết Hy Lạp trên tường trong Hội trường lớn ở cung điện Binche, thể hiện “biểu tượng liên kết với ý tưởng nhấn mạnh hình phạt thống khổ và vô tận dành cho những kẻ cố chống lại Thần”.

Trong bức tranh ‘Sisyphus’, Titian đã mô tả Sisyphus đang bước đi trên một đoạn dốc lởm chởm. Ông ta chỉ được mặc một miếng vải sơ sài, và phải dùng đầu và vai để vừa đỡ vừa đẩy tảng đá lên đỉnh đồi. Cũng vì sức nặng của nó mà đầu và vai của ông ta luôn bị chúi về phía trước, trông rất khổ sở.

Bố cục tranh cũng làm ấn tượng thêm cho phần cơ thể của Sisyphus. Phần rìa trên của tảng đá và chân của Sisyphus đều ở ngay đường lề trên và dưới của khung tranh, khiến cho người xem cảm nhận được số phận ngột ngạt của Sisyphus.

Hoàn cảnh trong tranh trông rất u ám, tăm tối. Những sinh vật lạ ở góc trái bên dưới, lửa và khói thì choáng lấy cả không gian. Một con rắn xuất hiện ngay chân của Sisyphus như thể đó là sự đe dọa để ông ta không được trễ nãi việc đưa tảng đá lên đỉnh ngọn đồi.

Sức nặng của sự ham mê

Có ba điều khiến tôi rất ấn tượng khi quan sát bức tranh này: hành động vác tảng đá của Sisyphus thay vì là đẩy, con rắn luôn đe dọa anh ta ngay dưới chân, tính chất áp đặt của các rìa bố cục tranh. Chúng ta hãy cùng nhìn lại từng nhân tố này để xem có hàm chứa những bài học đạo đức sâu sắc nào ở đây.

Khi tôi nhìn Sisyphus vác tảng đá chứ không phải là đẩy nó, ngay lập tức tôi liên tưởng đến những ham mê của chúng ta. Những ham mê này thường bắt đầu bằng các sự quan tâm thích thú, khát khao nho nhỏ. Và theo thời gian, chúng to lớn dần và vượt khỏi tầm kiểm soát của chúng ta.

Ví dụ như ban đầu chúng ta uống rượu để giải trí, khuây khỏa nhưng sau đó thì dính vào các chứng nghiện rượu, hoặc thi thoảng chơi cá cược trong mấy trò thể thao rồi không hiểu sao lại liên quan đến nhà bị tịch thu. Các ham mê này cũng rất tinh vi: một suy nghĩ tự hào hay một cái nhìn trộm cũng đã đưa đến một cảm giác hài lòng, và theo thời gian chúng ta trở nên khao khát các cảm giác ấy, như thể chúng ta đã thực sự bị nghiện vậy.

Giống như Sisyphus phải leo lên đồi lặp đi lặp lại, chúng ta cũng cố gắng đánh bại các ham muốn lặp đi lặp lại. Chúng ta cố gắng đẩy mình đến giới hạn của sự nỗ lực loại bỏ và thoát khỏi chúng, nhưng chúng ta lại cứ tái phạm, đến lúc này thì những ham mê đó đã trở nên quá sâu so với suy nghĩ ban đầu. Chẳng khác nào chúng ta cũng mang tảng đá lên xuống đồi như Sisyphus. Nó giống như một vòng tuần hoàn ác tính vậy.

Tảng đá không chỉ khiến cho đầu và vai của Sisyphus cúi về trước mà còn ngăn luồng sáng soi chiếu đầu và ngực đại diện cho trái tim và trí óc của ông ta. Sức nặng do ham mê mang đến cũng khiến chúng ta hao tâm tổn trí, ngăn đi những tia sáng soi rọi cho cuộc đời chúng ta.

Còn con rắn gần gót chân Sisyphus đại diện cho điều gì? Cùng với những thứ khác, con rắn là một phần của hình phạt cho Sisyphus. Nó là nguồn đe dọa không cho Sisyphus được nghỉ ngơi, cũng như không có được cảm giác bình yên bất kỳ phút giây nào.

Và cuối cùng là mối liên quan giữa vị trí của Sisyphus và rìa bố cục đại diện cho điều gì? Những đường lề chẳng khác nào nhà tù khuếch đại sự mất tự do của Sisyphus. Nó còn đóng vai trò tăng cường thêm sức nặng áp xuống đầu và vai của ông ta khiến ông ta chẳng thể nào đứng thẳng lên được.

Sisyphus bị kết tội phải chịu đựng mãi mãi, nhưng chúng ta thì sao? Làm thế nào để chúng ta xác định được nguồn gốc thực sự của những ham mê của mình? Có cách nào để thoát khỏi các ham mê này để không bị chúng đóng khung cuộc đời chúng ta? Làm thế nào để chúng ta tìm thấy được sự bình yên khi mà chúng ta phải mang nhiều gánh nặng trên vai như vậy?

Du Du
Theo The Epoch Times

Dịch từ bản của ERIC BESS

Giới thiệu về tác giả: Eric Bess là một nghệ sĩ theo trường phái tả thực người Mỹ và hiện đang là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (Institute for Doctoral Studies in the Visual Arts - IDSVA)



BÀI CHỌN LỌC

Sức nặng của sự ham mê qua bức họa về ‘Sisyphus’