Sức mạnh tâm hồn hơn cả trăm vạn hùng binh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người xưa nói: "Địch đến tướng chặn, lụt đến đất ngăn", nhưng có lúc viên quan văn không phải là võ tướng cũng có thể dễ dàng chặn được quân địch.

Triều nhà Minh có một viên quan văn như thế, đó là Khổng Dung, người Tô Châu, Giang Nam, là cháu đời thứ 58 của Khổng Tử. Khổng Dung từ nhỏ trung hậu nhân nghĩa, khắc khổ đọc sách. Sau này Khổng Dung thi đỗ tiến sĩ và làm quan. Ông làm quan mấy chục năm, không chỉ thanh bạch, không có của cải gì, mà còn dũng cảm tạo phúc cho người dân. Câu chuyện truyền kỳ nhất trong cuộc đời Khổng Dung chính là ông một mình đi vào hang cọp, chỉ nói năng nhẹ nhàng mà dập tắt được một cuộc phản loạn.

Năm Thành Hóa thứ nhất đời Minh, Khổng Dung được bổ nhiệm làm tri phủ Cao Châu, Quảng Đông. Tri phủ tiền nhiệm Cao Châu do có người Dao làm phản nên đã hạ lệnh đóng chặt cổng thành, không để người dân vào thành tránh chiến loạn, hơn nữa còn nghi ngờ trong những người dân có quân phản loạn trà trộn, bèn giết họ, vì thế khiến người dân phẫn nộ. Sau khi nhậm chức, Khổng Dung hạ lệnh mở cổng thành tiếp nhận bách tính, thế là bách tính tấp nập quy thuận.

Đương thời, thủ lĩnh quân tạo phản là Phùng Hiểu đóng quân ở Hóa Châu (thuộc sự quản hạt của phủ Cao Châu), còn một thủ lĩnh quân phản loạn nữa là Đặng Công Trường, đóng quân ở Mao Động. Một ngày nọ, Khổng Dung cưỡi một con ngựa, chỉ đem theo 2 người rồi phi thẳng đến Mao Động.

Chân dung Khổng Dung.
Chân dung Khổng Dung. (Ảnh: Wikipedia)

Thủ lĩnh quân phản loạn Đặng Công Trường đột nhiên nghe báo có tri phủ mới Khổng Dung đến, vội vàng triệu tập đồng bọn mặc áo giáp, dàn trận sẵn sàng chờ lệnh. Khổng Dung từ từ xuống ngựa, bước vào trong sân rồi ngồi xuống. Đặng Công Trường thấy Khổng Dung không đem theo gươm giáo thì không biết làm thế nào, sau khi suy nghĩ một lúc, ông ta bèn lệnh cho đồng bọn cởi bỏ áo giáp rồi thi lễ với Khổng Dung.

Khổng Dung nói với bọn họ chân thành rằng: "Các anh vốn là người dân thiện lương, bị đói rét buộc phải làm phản. Tri phủ tiền nhiệm dự tính dùng quân đội tiêu diệt các anh. Hiện nay tôi phụng mệnh triều đình đến để làm quan phụ mẫu của các anh, thế nên các anh cũng giống như con cái tôi. Nếu các anh tín nhiệm tôi thì hãy theo tôi trở về, tôi sẽ cung cấp lương thực và vải cho các anh. Nếu các anh không tín nhiệm tôi thì hãy giết tôi đi, và đại quân sẽ rất nhanh chóng đến, khi đó ở đây sẽ không còn một ai có thể sống sót".

Nghe những lời này của Khổng Dung, Đặng Công Trường rất do dự, còn đồng bọn của anh ta thì cảm động rơi lệ. Một lát sau Khổng Dung nói: "Tôi đói rồi, các anh nên cho tôi ăn uống chút".

Thế là Đặng Công Trường quỳ xuống dâng rượu và thức ăn lên cho Khổng Dung.

Ăn uống xong, Khổng Dung lại nói: "Trời sắp tối rồi, tôi nên ở lại tá túc".

Thế là Đặng Công Trường sắp xếp chỗ ngủ cho ông. Buổi tối, Khổng Dung cởi y phục ra ngủ ngon, quân phản loạn thấy ông ngủ say như vậy thì vô cùng khâm phục.

Sức mạnh tâm hồn hơn cả trăm vạn hùng binh
Đặng Công Trường càng cảm kích, thế là dẫn mấy nghìn người quy hàng quan phủ. (Ảnh: Epoch Times)

Khổng Dung ở 2 đêm rồi mới trở về. Đặng Công Trường phái mấy chục binh sĩ hộ tống ông trở về. Trong những binh sĩ này, Khổng Dung chọn ra một số binh sĩ yếu đưa họ vào thành, và lấy thức ăn, vải vóc để họ đem về. Đặng Công Trường càng cảm kích, thế là dẫn mấy nghìn người quy hàng quan phủ.

Sau khi Đặng Công Trường quy hàng, thủ lĩnh quân phiến loạn còn lại là Phùng Hiểu sau đó cũng bị cảm hóa, dẫn quân quy hàng. Khổng Dung với tấm lòng chân thành, tiến sau vào sào huyệt quân giặc, nhẹ nhàng, dễ dàng hóa giải tai họa chiến tranh chết chóc, quả là "dùng tâm hồn sáng tạo kỳ tích".

Trung Hòa
Theo Secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Sức mạnh tâm hồn hơn cả trăm vạn hùng binh