Sự thật về lời thệ ước trong hôn nhân, nó có phải là 'nấm mồ chôn tình yêu'?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong thực tế, một câu "hôn nhân là mồ chôn tình yêu" đã nói ra tiếng lòng của vô số người, cùng với việc xảy ra những sự cố tồi tệ khác nhau trong hôn nhân khiến nỗi sợ hãi về hôn nhân bị đẩy lên đến đỉnh điểm.

Suy cho cùng, tình yêu và hôn nhân có lẽ là một ẩn đố muôn thuở của xã hội loài người. Nhưng ẩn đố liên quan đến sự hứa hẹn, tin tưởng và tình yêu này, liệu có thực sự khó lý giải như vậy không?

Hãy cùng xem câu chuyện của Mcquilkin, cựu hiệu trưởng Đại học Quốc tế Columbia.

Năm 1990, Hiệu trưởng McQuilkin của Đại học Quốc tế Columbia đã đọc diễn văn từ chức trước toàn thể giáo viên và sinh viên của mình.

Ông nói: "Trong cuộc đời của tôi, khi đứng trước những vấn đề trọng đại để đưa ra quyết định, tôi chưa bao giờ cảm thấy đó là quá trình dễ dàng. Thế nhưng, quyết định mà tôi phải đưa ra ngày hôm nay, là một quyết định đơn giản nhất, rõ ràng nhất".

Năm đó ông 56 tuổi, thường nhận được vô số lời mời diễn thuyết và cộng sự mỗi ngày.

Tuy nhiên, ông đã có một quyết định khiến rất nhiều người khó hiểu: từ chức hiệu trưởng, bắt đầu học nấu ăn, giặt quần áo, chăm sóc gia đình và làm công việc điều dưỡng, chăm sóc vợ - bà Muriel, người đang mắc bệnh Alzheimer.

chuyện hôn nhân
Chân dung Hiệu trưởng McQuilkin. (Ảnh chụp màn hình Columbia International University)

Trước khi McQuilkin thực hiện bước ngoặt này, nhiều bạn bè, bao gồm cả mục sư, cũng đã thuyết phục ông rằng: vì lợi ích của Đấng Christ và vương quốc của Đức Chúa Trời, ông không nên dừng công việc giáo dục hiện có, và đưa vợ vào viện dưỡng lão chẳng phải cũng rất tốt hay sao?

Ông McQuilkin hỏi ngược lại: "Liệu ở đó có ai yêu cô ấy không? Có ai yêu cô ấy như tôi không?"

Bởi vì trước đây ông đã từng chứng kiến trong hành lang viện dưỡng lão, có quá nhiều những gương mặt biểu lộ sự trống rỗng, uể oải, quãng đời còn lại giống như chỉ là "nằm chờ chết". McQuilkin thực sự không đành lòng để vợ mình phải chịu nỗi cô đơn như thế.

Đại học Columbia. (Ảnh: Wikipedia)

Vì vậy, McQuilkin nói rằng ông làm như vậy không chỉ bởi vì lời thề ước trong hôn lễ: Dù bệnh tật hay khỏe mạnh, cho đến khi chết mới chia cắt được chúng tôi.

Mà giờ đây, giống như là Thần đã thiết kế nên một hoàn cảnh như vậy, để ông không tốn nhiều công sức vẫn có thể đưa ra quyết định này: "Cô ấy đã vì tôi hy sinh 40 năm, cho nên dẫu tôi chăm sóc cô ấy 40 năm, thì tôi vẫn còn nợ cô ấy. Mà điều quan trọng hơn nữa là, tôi chăm sóc cô ấy, không phải tôi bất đắc dĩ phải làm như vậy, mà là vì tôi rất yêu cô ấy...".

Trên thực tế, trước khi vợ ông, bà Muriel lâm bệnh, bà là một người dẫn chương trình radio, diễn giả và người biểu diễn múa rối cho trẻ em. Bà là một phụ nữ vui nhộn, hài hước và giàu trí tưởng tượng.

Tuy nhiên, sự xuất hiện bất ngờ của căn bệnh Alzheimer không chỉ lấy đi giọng nói, tư duy, mà thậm chí còn cướp đi khả năng tự sinh hoạt của bà.

Từng có một báo cáo nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi mắc bệnh hiểm nghèo, 70 đến 90% đàn ông sẽ chọn cách rời bỏ vợ.

Mặc dù McQuilkin tha thiết cầu nguyện với Chúa, hy vọng có một phép màu cho người vợ thân yêu của mình. Nhưng ông cũng xác định:Nếu như Chúa lựa chọn không làm như vậy, vậy cầu xin Chúa tiếp thêm cho con sức mạnh".

Với căn bệnh Alzheimer ngày càng trầm trọng, trong thời gian chăm sóc vợ, McQuilkin cũng từng chút một nếm trải "nỗi đau" mất vợ. Trong quá trình này, không thể tránh khỏi những lúc hụt ​​hẫng và khó khăn.

Một lần trong lúc giúp vợ vệ sinh, vì thấy vợ "vô cớ" ngăn cản, ông đã đánh vào chân vợ. Cú đánh này nhẹ thôi, không nặng, nhưng hiển nhiên đã khiến cả hai người sợ hãi.

Sau 44 năm chung sống, ông chưa từng một lần động thủ giơ tay đánh vợ, nghĩ đến tình cảnh hiện tại, McQuilkin bắt đầu khóc và hối hận, cầu xin sự tha thứ từ vợ và Chúa.

Nhưng dù cho như thế, McQuilkin nhận ra rằng, khi cả hai người ngày càng gắn bó với nhau thì tình yêu của họ dành cho nhau càng thêm sâu đậm, thậm chí nó còn trở thành một thứ tình yêu khó diễn tả thành lời.

Hôn nhân đòi hỏi sự cam kết của đôi bên, cũng phải thấy rằng đằng sau lời thề ước ấy là sự tin tưởng của Thượng Đế. (Ảnh: Pixabay)

McQuilkin đã chăm sóc người vợ mắc chứng bệnh Alzheimer trong 25 năm, trong đó có 13 năm là ông xin từ chức và ở nhà dốc lòng chăm sóc vợ. Trong thời gian đó, chỉ cần thấy vợ mỉm cười, ông sẽ đi ngay ra cửa cắm một cây cờ...

Vợ ông là bà Muriel trong vài tháng cuối đời không thể nào nói được. Hôm đó là ngày kỷ niệm ngày cưới của họ, ông cầu nguyện cho vợ mình: "Lạy Chúa, xin Ngài hãy chăm sóc cô ấy đêm nay".

Ngày hôm sau, khi Muriel tỉnh dậy, bà đã kéo McQuilkin lại và thì thầm những lời cuối cùng: "Yêu ... yêu ... yêu ..."

McQuilkin bước đến ôm chầm lấy người vợ yêu quý, bà Muriel âu yếm nhìn chồng, vỗ nhẹ vào lưng ông, rồi qua đời.

***

Trong thực tế, một câu "hôn nhân là mồ chôn tình yêu" đã nói ra tiếng lòng của vô số người, cùng với việc xảy ra nhiều sự cố tồi tệ khác nhau trong hôn nhân cũng khiến nỗi sợ hãi về hôn nhân bị đẩy lên đến đỉnh điểm.

Ba mục sư nổi tiếng John Piper, D.A. Carson và Tim Keller đã nói trong diễn đàn "Thệ ước duy trì hôn nhân" rằng: "Chỉ bằng cách giữ vững lời thề này, chúng ta mới có thể vượt qua cảm xúc và sự lãng mạn".

Ở phương Tây, đối với những người có tín ngưỡng Thiên Chúa giáo, trong hôn lễ, đôi nam nữ sẽ phải nói lời thề hứa trước Chúa. Họ thề nguyện rằng sẽ giữ lòng chung thủy, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng nhau mỗi ngày cho đến suốt đời. Họ tin tưởng rằng, hôn nhân là một Giao ước, là sự tác hợp của Chúa, vì vậy mới có câu rằng: "Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly".

Ở phương Đông, có một câu nói phổ biến rằng “Tu trăm năm mới đi chung một chuyến thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng”. Chính là nói rằng, hai con người xa lạ không quen biết có thể được đi chung đường với nhau, đó đều là duyên phận. Người phương Đông tin rằng “Thiên Nhân hợp nhất”, nhân duyên là do Trời định, và hôn nhân là đại sự của đời người nên cần được đối đãi hết sức cẩn thận, cần phải được Trời Đất và Thần linh an bài chứng giám.

Trong hôn lễ thời Trung Quốc cổ đại, khi tân lang tân nương làm lễ bái đường, người chủ trì buổi lễ sẽ hô to: “Nhất bái thiên địa, nhị bái cao đường, phu thê giao bái”. Đây chính là để Trời Đất và Thần linh chứng giám cho cuộc hôn nhân của họ. Và bởi vì đôi nam nữ được Trời Đất kết tóc xe duyên, nên cần phải coi trọng cuộc hôn nhân này, giữa vợ chồng phải có cung kính, trọng đạo trọng nghĩa và có cả sự biết ơn.

Thề ước trong hôn nhân không phải là một tờ giấy. Hôn nhân cần có sự cam kết của hai bên, và quan trọng hơn, đằng sau lời thề ấy là sự tin tưởng và ủy thác của Trời Đất và Thượng Đế.

Quỳnh Chi
Theo secretchina.com



BÀI CHỌN LỌC

Sự thật về lời thệ ước trong hôn nhân, nó có phải là 'nấm mồ chôn tình yêu'?