Sự kỳ thị văn hóa vùng miền hay cuộc tìm kiếm lạc lối

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhưng thực sự thì đây có phải chỉ là câu chuyện của văn hóa vùng miền hay không? Vì dẫu “kẻ Nam” hay “người Bắc” thì cái thứ văn hóa được đề cập ở trên chính là bầu không khí mà chúng ta cùng nhau hít thở, đã bao năm nay. Và thậm chí khi chúng ta phản đối nó, tiếc thay, lại bằng chính cách thức của nó.

Văn hóa các vùng miền tại Trung Quốc

Trên mạng internet tồn tại một bài viết có tên: “Tính cách người các tỉnh tại Trung Quốc” của một cố lãnh đạo ngoại giao Việt Nam tại Trung Quốc trước đây, ông cũng là một nhà nghiên cứu lâu năm rất có uy tín về đề tài Trung Quốc. Trong bài viết thú vị này, tác giả D này đã đưa ra những nhận xét có tính đúc kết về văn hóa các vùng miền của Trung Quốc cho tới những năm gần đây, dựa trên nghiên cứu uyên thâm và kinh nghiệm thực tế của ông về con người và đất nước này.

Chẳng hạn, đối với người ở Hà Nam, ông viết: “... Thực ra người Hà Nam rất chăm chỉ, chịu khổ được, tập quán sinh hoạt vốn thật thà chất phác, nhất là người nông thôn. Tuy vậy có nhược điểm là bảo thủ, thành kiến, không nghĩ đến tiến thủ. Là tỉnh có sức lao động lớn nhất Trung Quốc...”

Người Quảng Đông thì: “... Người Quảng Đông không thích thú lý luận rỗng tuếch, và cũng chẳng để ý bàn bạc triết lý, con người, và cũng không hứng thú với chính trị. Người người đều vào ra bận rộn vì tiền, suốt ngày hết đông lại tây. Người phương bắc suy nghĩ trước, hành động sau, còn người Quảng Đông lại hành động trước rồi mới suy nghĩ sau, coi trọng hiệu quả và giá trị, không coi trọng hình thức và thể hiện bề ngoài...”

Người Hồ Nam thì sao? “... Người Hồ Nam thông minh, dũng cảm, mạnh mẽ quả quyết, dám đảm nhiệm việc lớn coi thiên hạ hưng vong là trách nhiệm của mình, “nước Trung Hoa chỉ diệt vong khi người Hồ Nam chết hết”, người Hồ Nam tập trung được mỹ đức ưu tú của dân tộc Trung Hoa. Học tập, đi lính đánh nhau, lao động đều tốt...”

Còn đây là về người Hồ Bắc: “... có nhiều mỹ nữ. Người Hồ Bắc rất thông minh, số người đạt kết quả cao trong các kỳ thi vào đại học rất cao. Người Hồ Bắc học giỏi, trường trung học phổ thông Hoàng Cương nổi tiếng cả nước, thậm chí nhiều trường học trọng điểm của Bắc Kinh, Thượng Hải cũng không bằng… Hồ Bắc có những nơi rất giàu, có thể so sánh với vùng ven biển...”

Còn người ở thủ đô Bắc Kinh thì sao? “Là vùng thấy nhiều biết rộng, vừa tiêm nhiễm văn hóa vua quan vừa chịu tàn dư của phong tục con em nhà Mãn, vô cùng lười biếng, rất nhiều người thà ở nhà hưởng bảo hiểm thấp chứ không chịu đi làm, khá nhiều người dựa vào tiền bồi thường nhà cửa cổ xưa do cha ông để lại khi phải di chuyển hoặc giá nhà đất gia tăng để sinh sống; có người là quan thường dựa vào chính sách mà sống cuộc sống nhàn rỗi, người béo rất nhiều...Trong các thế hệ sau của Bắc Kinh con nhà giàu sang rất nhiều, chỉ chú ý hưởng thụ.

...Người Bắc Kinh muốn học đại học là học được, ngay cả với những trường nổi tiếng như Thanh Hoa, Bắc Đại, sau khi tốt nghiệp nói chung được các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng. Chỗ nào ở Bắc kinh cũng có quan, ngay ông lão đạp xe ba gác cũng ra vẻ ta đây vì nhà nào chả có dây mơ rễ má với mấy vị quan. Chính vì thế mới có câu nói ở trên “không đến Bắc Kinh không biết mình chỉ là quan nhỏ”

v.v.

Và còn các vùng miền khác nữa, ở đây chỉ xin đơn cử vài trường hợp.

Cơ sở hình thành nên văn hóa vùng miền tại Trung Quốc

Như vậy thì đúng là có một thứ gọi là “văn hóa vùng miền”. Văn hóa này được hình thành từ điều kiện thiên nhiên, địa lý, điều kiện lịch sử, điều kiện sống, nguồn gốc nhân chủng, tập quán người dân v.v. nói tóm lại là tất cả những nét đặc trưng của địa phương đã hình thành từ xưa, mà vùng khác không có.

mỗi vùng đất cũng như con người sống ở đó có đặc điểm văn hóa riêng, có tốt, có xấu. Đó gọi là văn hóa vùng miền
Mỗi vùng đất cũng như con người sống ở đó có đặc điểm văn hóa riêng, có tốt, có xấu. Đó gọi là văn hóa vùng miền(Wikimedia Commons)

Ta có thể tìm thấy cơ sở cho những lý giải này ở ngay trong cùng bài viết của tác giả. Chẳng hạn, người Quảng Đông chỉ yêu tiền, chỉ thích làm ăn, không quan tâm triết lý, chính trị… đó là vì nơi đây là vùng đất mở, nhân chủng phức tạp, vị trí giao thương thuận tiện “...Trong lịch sử Quảng Đông là một vùng pha tạp của Bách Việt, vùng ven biển còn có người Đông Nam Á đến ở, gọi là người Quảng Phủ, gồm cả người Hồng Kông, Ma Cao; người vùng Triều, Sán cũng có ngôn ngữ và phong tục độc đáo…”

Lại nữa, “...Quảng Đông là nơi bắt nguồn cách mạng dân chủ cận đại, là giao điểm của văn minh Đông -Tây, là lô cốt đầu cầu và người lính đứng đầu của cải cách mở cửa. Người Quảng Đông là nhóm người hải dương, tràn đầy khí huyết và sức sống, đầu óc linh hoạt, giầu tính mạo hiểm, tính sáng tạo, dám đi trước thiên hạ…”

Còn vì sao mà “Người Hồ Nam thông minh, dũng cảm, mạnh mẽ quả quyết, dám đảm nhiệm việc lớn coi thiên hạ hưng vong là trách nhiệm của mình…?” Vì trong lịch sử họ đã như thế rồi. Tác giả viết:

“...Người Hồ Nam được gọi là ‘người phương bắc của phương nam’ tính cách bộc trực, khí khái dữ dội như ớt cay, cổ họng cũng tương đối lớn. Sử sách cổ có nhiều từ ca ngợi người Hồ Nam nhất (ví dụ: ‘Sở chỉ còn 3 hộ vẫn có thể diệt Tần’, ‘không có Hồ Nam không thành quân đội’, ‘người Hồ Nam chưa đổ, Hoa Hạ chưa đổ’). Quân Hồ Nam của Tăng Quốc Phiên, Tả Tông Đường đã kéo dài thêm hương hỏa nhà Thanh gần nửa thế kỷ, nhiều nguyên lão khai quốc của đảng cộng sản là người Hồ Nam. Có thể nói bộ cận đại sử Trung Quốc và nửa bộ hiện đại sử Trung Quốc là do người Hồ Nam dùng máu tươi và sinh mệnh của mình viết nên…”

Đặc điểm của người Hà Nam là ở trong một tỉnh “...là cái nôi của dân tộc Trung Hoa, trong sáu cố đô của Trung Quốc có ba cái ở Hà Nam...” Bởi vậy mà dẫn đến người vùng này “...có nhược điểm là bảo thủ, thành kiến, không nghĩ đến tiến thủ”. Lại còn nữa: “Người Hà Nam ở nhà rất coi trọng lễ nghĩa, các chuyện ma chay cưới xin, sinh đẻ, lễ tết… đều rất coi trọng lễ nghĩa.” Nói chung, đó là đặc tính của người dân cố đô. Hầu như nơi đâu cũng vậy.

Tại sao người Hồ Bắc “có nhiều mỹ nữ, thông minh, học giỏi, lại có những địa phương rất giàu”? Là vì đây “là tỉnh có nhiều hồ nước, nước nhiều tự nhiên tính tình linh hoạt…”. Đây là một đặc điểm thuộc về phong thủy. Nơi nào có nhiều nguồn nước tốt thì thường tụ tài. Vả lại con người dễ có tú khí, nhiều người đẹp, thông minh, học giỏi.

Lại nói về người Bắc Kinh, “thấy nhiều biết rộng”, “thích bàn chính trị” vì ở gần “trung ương”, xưa đã vậy mà nay vẫn thế. Vì là người của kinh đô xưa, thủ đô nay, nên hay “ra vẻ ta đây”, có tính quan cách, giỏi lý luận, ham lý thuyết mà lại ham học tập để có bằng cấp. Nhưng dân lười nhác vì một phần do bị ảnh hưởng phong khí ngày xưa, phần khác thì vì vẫn có thể tiếp tục khai thác vào di sản kiến trúc của cha ông để lại. Còn thế hệ sau của quan chức lười nhác vì quan chức Bắc Kinh giàu có về vật chất và đa số mục ruỗng về tinh thần.

Tóm lại, mỗi vùng đất cũng như con người sống ở đó có đặc điểm văn hóa riêng, có tốt, có xấu. Đó gọi là văn hóa vùng miền. Con người bị ảnh hưởng rất mạnh bởi hoàn cảnh, môi trường sống mà câu chuyện “Mạnh Mẫu Tam Thiên” là một minh chứng sinh động. Truyện rằng Mạnh Tử thời thơ ấu khi thì bắt chước đám hiếu, lúc thì học kiểu buôn bán chao chát, cuối cùng học theo lễ nghi thầy trò tùy thuộc vào nơi hai mẹ con ông chuyển đến ở là gần nghĩa địa, chợ búa hay trường học. Chắc chắn rằng, mỗi con người sống ở một vùng đất với mỗi văn hóa đặc trưng đó ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Những người tuyệt đối không chịu ảnh hưởng có lẽ không chiếm đa số.

Tuy nhiên, tác giả chưa phân tích về ảnh hưởng bao trùm của một thứ văn hóa tà ác lên toàn bộ cõi Trung Hoa bất kể vùng miền, kể từ sau năm 1949. Đó là “Văn hóa Đảng” của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Văn hóa Giả-Ác-Đấu của ĐCSTQ phủ định văn hóa truyền thống và làm bùng nổ thói hư tật xấu mang tính vùng miền

Trước khi có ĐCSTQ, Trung Hoa được gọi là Thần Châu hay “vùng đất của Thần”, nên văn hóa của vùng đất ấy gọi là Văn hóa Thần truyền. Sở dĩ có tên gọi như vậy, vì đây là một nền văn hóa hữu Thần, Thần đích thân truyền văn hóa cho con người từ buổi sơ khai. Rồi sau đó, đến vai trò tiếp nối xây dựng của các Thánh giả và các hiền nhân của Tam Giáo: Nho, Thích (Phật), Lão.

Trung Hoa được gọi là Thần Châu hay “vùng đất của Thần”, nên văn hóa của vùng đất ấy gọi là Văn hóa Thần truyền
Trung Hoa được gọi là Thần Châu hay “vùng đất của Thần”, nên văn hóa của vùng đất ấy gọi là Văn hóa Thần truyền. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Tam giáo luôn dạy con người phải trọng đức hành thiện. Đức là đầu mối của hạnh phúc, mất đức là nguyên nhân của tai họa. Có đức lớn, có thể có cả thiên hạ. Thất đức thì gặp quả báo nghèo hèn, tai họa, bệnh tật, chết chóc. Văn hóa Thần truyền là một văn hóa đề cao sự Chân thật, Thiện lương và Nhẫn nại bao dung; trong đó Phật gia nhấn mạnh vào tu “Thiện”, quan niệm “thiện ác hữu báo”, “nhân quả báo ứng”; Đạo gia nhấn mạnh vào chữ “Chân”, đề cao sự chân thật trong đời sống; Nho gia thì giảng hàm dưỡng, giảng “Nhẫn”. Tam giáo có công lớn tạo nên Văn hóa Thần truyền, duy trì đạo đức cho xã hội Trung Hoa trong mấy nghìn năm.

Sống ở nền văn hóa Thần truyền này, con người nếu bất trung, bất hiếu, bất nhân, bất tín, bất nghĩa… tức là vô đạo đức thì khó có thể tồn tại được trong cộng đồng. Tín ngưỡng vào Thần, cho rằng: “trên đầu ba thước có Thần linh”, tin vào Nhân - Quả, “thiện có thiện báo, ác có ác báo”... khiến cho người ta tin rằng, ngoài dư luận vốn coi trọng đạo đức, ngoài pháp luật do con người chế định, thì còn có một thứ luật cao hơn của vũ trụ, một thứ “luật Trời” khiến họ e ngại trước khi thực hiện bất cứ một việc bất thiện, một lời nói hành vi gian dối nào.

Cứ thế cho đến năm 1949, khi ĐCSTQ đoạt được chính quyền.

ĐCSTQ với nền móng tư tưởng vô Thần của nó, đã phủ nhận Thần, xóa bỏ chính tín của con người vào Thần. Đã không có Thần, thì văn hóa Thần truyền cũng không còn điểm tựa. Vậy là có thể thủ tiêu dư luận và truyền thống đạo đức. Từ nay, con người có thể mặc sức hành ác mà không cần e sợ, không sợ Trời, Phật, không sợ Nhân - Quả, không sợ dư luận… miễn là có thể bằng cách nào đó thông qua quan hệ thân hữu hay hối mại quyền thế để qua mặt hệ thống luật pháp của con người, vốn không có mấy giá trị về sự công minh khi nằm trong tay ĐCSTQ.

Đằng nào thì với ĐCSTQ, làm gì có kiếp sau nào nữa, cứ mặc sức hoành hành tranh đoạt để hưởng thụ vật dục mới mãn nguyện một cuộc đời.

Để thay thế Văn hóa Thần truyền hay Văn hóa truyền thống, ĐCSTQ xây dựng Văn hóa Đảng từ ba thành tố:

- Văn hóa mà ĐCSTQ cưỡng chế tạo ra và truyền rót vào xã hội.

- Văn hóa biến dị khi người dân sống dưới bạo lực và dối trá của ĐCSTQ nhằm tự bảo vệ bản thân mà tạo ra.

- Văn hóa cấu thành từ những thứ cặn bã lưu truyền từ xưa cho đến nay bị ĐCSTQ tiến hành trùng tân thành một bộ lý luận, được đưa ra phổ cập và thực tiễn hóa.

Cái gọi là Văn hóa đảng, chính là chỉ dạng thức tư duy, hệ thống lời nói cho đến các dạng thức hành vi được tạo thành dựa trên cơ sở là giá trị quan của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Việc phân tích các khía cạnh của Văn hóa Đảng vượt quá dung lượng của một bài viết. Tuy vậy, đặc trưng của nó chính là “Giả - Ác - Đấu”, đối lập hoàn toàn với đặc trưng của Văn hóa Thần truyền là “Chân - Thiện - Nhẫn”.

Vậy nên, với hơn 70 năm sống dưới Văn hóa Đảng của ĐCSTQ này thì những điều tốt đẹp trong văn hóa vùng miền sẽ bị triệt tiêu đi, còn những điều xấu sẽ bị nhân lên nhiều lần.

Tuy “Đại Cách mạng Văn hóa” đã kết thúc hơn 20 năm rồi, cái gọi là “đấu tranh giai cấp” cũng đã bị hủy bỏ, nhưng những người đã trải qua thời đại đó giống tôi nghĩ lại vẫn còn thấy rùng mình.
Cái gọi là Văn hóa đảng, chính là chỉ dạng thức tư duy, hệ thống lời nói cho đến các dạng thức hành vi được tạo thành dựa trên cơ sở là giá trị quan của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. (Epoch Times)

Ảnh hưởng của Văn hóa Giả-Ác Đấu lên văn hóa vùng miền của người dân Trung Quốc

Chúng ta hãy quay lại công trình nghiên cứu mang tên “tính cách người các tỉnh tại Trung Quốc”.

Dưới ảnh hưởng của Văn hóa Đảng này, người Quảng Đông vốn sẵn hám lợi sẽ trở thành:

- "Lạnh nhạt, bài ngoại, tự đại… Ở Quảng Châu muốn tìm một người sẵn sàng làm việc nghĩa còn khó hơn lên trời. Người Quảng Đông bài ngoại từ lâu, đã từng gọi những người ngoài Quảng Đông là “thằng vơ vét” gọi phụ nữ là “em gái xứ bắc”, gọi người phương tây là “quỷ”... thậm chí ngay người Triều Sán ngay trong tỉnh cũng bị gọi là “thằng lạnh nhạt”.

- Người Quảng Đông không có văn hoá… giữa kinh tế và văn hoá không bao giờ có sự cùng tiến, hầu như là sa mạc văn hoá.

- Người Quảng Đông không có tố chất… Bất kể là nam hay nữ, ban ngày đều mặc quần áo ngủ đi dạo phố, vào siêu thị như chỗ không người.

- Đàn ông Quảng Đông rất vô sỉ, đàn bà thì chẳng ra làm sao.

- Người Quảng Đông rất kiêu ngạo trong buôn bán… Nhưng khi cần anh thì lại giả tạo đến mức chịu không nổi.

- Sách giả, thuốc lá giả, đĩa giả, tiền giả… do người Quảng Đông chế tạo lan tràn khắp nước. Cho thêm nước vào bình gas, cho thêm thuốc nhuộm màu độc hại vào thực phẩm, biến cồn công nghiệp thành rượu nổi tiếng, lại còn thuốc giả, máy móc nhái thương hiệu nước ngoài...”

Người Hồ Nam vốn thông minh, can đảm, mạnh mẽ thì trở thành “... gần đây phong khí xã hội đã có xu thế giảm sút”. Chưa hết: “Song Phong là ‘quê hương làm các loại giấy chứng nhận giả’ của Trung Quốc. Huyện Sâm Châu toàn là tham quan. Người Hồ Nam có 3 loại khí: linh khí, phỉ khí và bá khí, một khi trở thành nhóm bạo lực thì nguy hại cực lớn… có nhiều gái đẹp, đảm đang thông tuệ, làm việc tháo vát, nhưng làm vợ thì không đáng tin lắm, đã có câu nói ‘Tương nữ đa tình’ (gái Hồ Nam đa tình)... Ở đây có câu ‘chỉ cười nghèo chứ không cười xướng ca’. Là tỉnh lớn xuất khẩu các vợ hai”.

Người Hà Nam, cố đô thời quân chủ, nơi con người vốn “rất chăm chỉ, chịu khổ được, tập quán sinh hoạt vốn thật thà chất phác”, bỗng biến thành: “...cạnh tranh dữ dội, rất nhiều người dường như xảo quyệt là thiên tính. Độ tín nhiệm của các công ty Hà Nam rất xấu, hễ lừa được là lừa, hễ hãm hại được là hãm hại, buôn bán làm ăn với họ là rất mạo hiểm. Trịnh Châu, Tân Hương, An Dương tập trung rất nhiều công ty lừa gạt… Số gái điếm cũng không ít, thường lang thang tại thành phố. Tỷ lệ người Hà Nam phạm tội ở Bắc Kinh chỉ dưới người Đông Bắc…”

Người Hồ Bắc nhiều tú khí giờ cũng thành: “... trình độ xảo quyệt không thua người Hà Nam, hàng giả tại một đường phố tại Hồ Bắc đã từng nổi tiếng tại Trung Quốc…”

Người Bắc Kinh thì “bài ngoại, nói chung cảm thấy mình là 'người của trung ương' (rất nhiều người ngoại tỉnh ở Bắc Kinh sau khi trở thành người Bắc Kinh thì thế hệ sau của họ cũng bài ngoại). Cảnh sát nói chung đặc biệt ‘chiếu cố’ mấy người ngoại tỉnh… Mở công ty nên hết sức tránh nhận người Bắc Kinh. Người Bắc Kinh cái gì cũng minh bạch, nhưng chỉ biết nói mà không thể làm…”

v.v. chuyện tương tự cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác ở Trung Quốc hiện nay.

Và dù là người ở địa phương nào thì giờ đây trong con mắt nhân dân thế giới, người Trung Quốc đương đại nói chung là: thô lỗ ồn ào, vệ sinh cẩu thả, ích kỷ trắng trợn, lừa đảo gian dối, chộp giật côn đồ, tham lam thô tục, vô cảm hèn nhát… Người Trung Quốc những năm gần đây đi du lịch nước ngoài liên tục với số lượng lớn, càng trưng bày trước thiên hạ những tính cách xấu của dân tộc mình tích tụ được trong những năm dưới “hồng triều đại” của ĐCSTQ.

Đó có phải là văn hóa vùng miền hay không? Hay đây là Văn hóa Đảng?

đcstq Che dấu bức hại tín ngưỡng nhân quyền
con người có thể mặc sức hành ác mà không cần e sợ, không sợ Trời, Phật, không sợ Nhân - Quả, không sợ dư luận…. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Liệu có còn chút gì của Văn hóa Thần truyền của mảnh đất Thần Châu xưa hay không? Có còn người quân tử nho nhã của Nho gia, người tu luyện thánh thiện của Đạo Gia, Phật gia… Hay chỉ còn con người đầy tà khí của Văn hóa Đảng mà thôi?

Trông người lại ngẫm đến ta

Trong chuyến viếng thăm cấp nguyên thủ của Việt Nam vào năm 2009, cựu thủ tướng Malaysia đã chia sẻ với lãnh đạo Việt Nam rằng: “Việt Nam gần Trung Quốc, xa thiên đường”.

“Việt Nam rất gần Trung Quốc”. Bởi vậy, muốn nói gì thì chúng ta cũng khó có thể phủ nhận được ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam, và đương nhiên là cả cái thứ văn hóa đáng sợ đó. Như là các cụ xưa đã nói: “gần mực thì đen”.

Trong một bài viết mang tên: “Có một thứ văn hóa đang kìm hãm sức mạnh và hủy hoại người Việt”, tác giả Thuần Dương trên trang mạng dkn.tv miêu tả thứ văn hóa đó như sau (trích đoạn):

Văn hóa “Giả dối”

“... Có lẽ chưa bao giờ người Việt mất niềm tin vào nhau nhiều như thời nay. Sống trong một quốc gia mà chúng ta phải đề phòng, nghi ngờ từng nhánh rau, hột gạo mua ngoài chợ, cho đến tấm bằng tốt nghiệp của cả một thế hệ trẻ vốn là sức mạnh của tương lai dân tộc, thì liệu chúng ta có thể rộng lòng mà tin yêu những người xung quanh mình, thực lòng tin tưởng vào cộng đồng mà mình gọi là dân tộc?...”

“... Sự giả dối có mặt ở mọi nơi, ngay từ mảnh đất đáng nhẽ phải là trong sạch và thuần hậu nhất – Giáo dục… Một khảo sát xã hội vào năm 2008 của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm – Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng (ĐH Quốc gia Tp.HCM) đã chỉ ra, tỷ lệ nói dối ở học sinh cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50%, cấp 3 là 64% và đến cấp đại học là 80%. Đó là những con số rất đáng báo động và đau lòng...”

“... Quan chức thì chạy chức chạy quyền rồi sau đó phải tận lực vơ vét để ‘bù lỗ’, phải cho con em vào ngồi đầy công sở nào ‘ngon ăn’, vì làm quan không phải để lo cho dân mà là để kiếm thật nhiều tiền, để làm rạng danh dòng họ.

Người dân làm cái việc đơn giản hàng ngày như đi trên đường cũng phải vi phạm luật giao thông từ vài giây đèn đỏ cho tới trèo lên vỉa hè. Đơn giản hơn nữa, là xếp hàng mua đồ cũng phải chen ngang, lấn dọc, vào bệnh viện thì cũng đi cửa sau, làm dịch vụ cho nhanh… Sự chân thật không có chỗ khi văn hóa giả dối lên ngôi...”

“Ác” thay cho “Thiện”

“... Cái ác không chỉ thể hiện ở việc bất chấp mọi cách để làm giàu, chà đạp lên lợi ích của người khác với tầm nhìn ngắn ngủn vì chỉ thấy cái lợi của bản thân. Cái ác của người Việt ngày nay còn thể hiện ở mọi ngôn từ, lời nói, dù ở trên mạng xã hội nơi người ta không phân biệt nổi ảo và thật cho đến ngoài đời thường…”

“... Truyền thông đầy rẫy những tít báo với từ ngữ như ‘bóc phốt’, ‘tố’, ‘ném đá’, ‘chơi khăm’, ‘không đội trời chung’, ‘thảm họa’… Ngôn từ của cả một thế hệ mới thì toàn ‘chém gió’, ‘chết đi!’, ‘ngu như…’, ‘mù à?’, ‘điên à?’, ‘thích chết à?’… Trên mạng xã hội thì đủ mọi cấp bậc của ngôn từ mang tính sát thương, người ta cũng sẵn sàng chửi bới nhau, mạt sát, thóa mạ, phán xét bằng lời cay nghiệt từ những chuyện nhỏ bé như anh chàng nào đó khoe khoang về độ sành điệu cho đến người này cướp chồng của người kia… Và tất nhiên với những vấn đề ‘nóng’ trong xã hội, thì họ bàn luận bằng đủ loại góc nhìn, nhưng chẳng mấy khi có tính chất đóng góp, khách quan và rộng lượng…”

“Tranh đấu” từ những điều nhỏ nhặt nhất

“... Xã hội Việt Nam sau mấy chục năm kết thúc chiến tranh, vẫn ám ảnh bởi sự tranh đấu đến kỳ lạ. Trên các phương tiện truyền thông và ở mọi ngõ ngách của cuộc sống thời bình, người ta vẫn dùng những từ như ‘chiến sĩ’, ‘mặt trận’, ‘xung phong’, ‘xung kích’, ‘đấu tranh’, ‘chiến đấu’… ‘Thi’ thì phải đi kèm với ‘đua’, ‘phòng’ thì phải đi đôi với ‘chống’...

“... Với thứ văn hóa tranh đấu đó, chúng ta cảnh giác, hoài nghi và phán xét mọi sự khác biệt. Không có môi trường cho tinh thần khoan dung và sáng tạo phát triển. Người với người chỉ toàn hằm hè, thiếu tin tưởng và đố kỵ...”

Lâu nay, vẫn có nhiều người kết luận nguyên nhân của những ứng xử gây bất mãn của người Việt là do văn hóa vùng miền. Đã có những cuộc tranh cãi dữ dội trên không gian mạng và trong đời thực về chủ đề này. Những cuộc tranh cãi thậm chí đã dần đẩy nhiều người khác địa phương tới chỗ ghét bỏ, kỳ thị nhau vì văn hóa vùng miền. Nhưng thực sự thì đây có phải chỉ là câu chuyện của văn hóa vùng miền hay không? Vì dẫu “kẻ Nam” hay “người Bắc” thì cái thứ văn hóa được đề cập ở trên chính là bầu không khí mà chúng ta cùng nhau hít thở, đã bao năm nay. Và thậm chí khi chúng ta phản đối nó, tiếc thay, lại bằng chính cách thức của nó.

Bài trừ Văn hóa Giả - Ác - Đấu, trở về với Văn hóa Thần truyền hay văn hóa truyền thống là con đường duy nhất để hòa giải

Có lẽ những câu chuyện mang tính kỳ thị văn hóa vùng miền sẽ không thể có kết thúc, nếu người ta không nhận ra được rằng, chính Văn hóa Giả - Ác - Đấu, chứ không phải văn hóa vùng miền, mới là thủ phạm của mối bất hòa trong xã hội. Không những nó khiến con người Giả dối và tiếp tục che giấu sự giả dối; khiến người ta dùng biện pháp Ác thay cho bản tính Thiện để hành xử... nó còn khiến cho sự Tranh Đấu mãi không ngừng, lòng bao dung mãi không đến.

Hình như những gì thuộc về truyền thống như: “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; hay là: “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước thì thương nhau cùng” (Ảnh fb)

Không có ai khi sinh ra đã mang bản chất hay một thứ gen Giả - Ác - Đấu, mà chính là dần dần bị tập nhiễm trong hoàn cảnh sống với Văn hóa Đảng và không tự ý thức được mà thôi. Giá như có lúc nào đó trong mâu thuẫn, chúng ta có thể yên lặng, rời xa các cuộc tranh cãi, ngừng việc nhìn ra chỗ xấu xí bên ngoài và tự quán chiếu lại bản thân mình, biết đâu những điều được tìm thấy trong tư tưởng bản thân sẽ khiến chúng ta phải giật mình. Hình như những gì thuộc về truyền thống như: “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; hay là: “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước thì thương nhau cùng”, hay: “chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”... của văn hóa truyền thống đã trở nên xa xôi lắm, mờ lắm và nhạt lắm, thay vào đó là những ác niệm của Văn hóa Giả - Ác - Đấu.

Chắc chắn rằng, không có cách nào khác ngoài cách tự mình bài trừ triệt để Văn hóa Đảng trong tư tưởng và hành vi bản thân, đồng thời quay trở lại văn hóa truyền thống, chúng ta mới tìm lại được những nét dễ thương mà văn hóa vùng miền nào cũng có, và nhất là mới lấp được những hố sâu thăm thẳm ngăn cách và chia rẽ mãi không thôi giữa người trong một nước... để trở về với “tình tự dân tộc” (*).

(bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Nguyên Vũ, không nhất thiết là quan điểm của trang NTD.VN)

Nguyên Vũ

Tài liệu tham khảo:

Bài viết có tham khảo và trích đoạn (phần chữ in nghiêng) trong bài viết “Tính cách người các tỉnh tại Trung Quốc” của nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy.

… Và bài viết “Có một thứ văn hóa đang kìm hãm sức mạnh và hủy hoại người Việt” của tác giả Thuần Dương đăng trên báo dkn.tv

(*): tạm hiểu là sợi dây tình cảm liên kết người cùng xứ, cùng quốc gia, cùng dân tộc với nhau.



BÀI CHỌN LỌC

Sự kỳ thị văn hóa vùng miền hay cuộc tìm kiếm lạc lối