Sở Bá Vương Hạng Vũ và nỗi oan thiên cổ trên 2000 năm [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cung A Phòng là một tổ hợp cung điện được xây dựng vào thời triều Tần, bắt đầu xây dựng vào năm Tần Thủy Hoàng thứ 35 (năm 212 TCN), khoảng trước và sau khi nhà Tần bị diệt thì bị phế bỏ, tương truyền bị Hạng Vũ phóng lửa thiêu hủy.

Cung A Phòng có tồn tại không?

Năm 1923, những nhà khảo cổ học bắt đầu tìm kiếm di chỉ Cung A Phòng, cuối cùng xác nhận một tổ hợp di chỉ xây dựng bằng đất ở giao giới giữa khu Trường An và khu Vị Ương ở thành phố Tây An tỉnh Thiểm Tây chính là di chỉ của Cung A Phòng. Những di chỉ này chủ yếu nằm ở xung quanh thôn A Phòng, trong đó di tích chủ yếu bao gồm các di chỉ Tiền Điện, Thướng Thiên Đài, Từ Thạch Môn... Năm 1961, di chỉ Cung A Phòng được liệt vào văn vật trọng điểm quốc gia cần bảo vệ.

Xây dựng Cung A Phòng.
Xây dựng Cung A Phòng.

Năm 2002, nhóm công tác khảo cổ học Trung Quốc cố gắng tìm di tích cung điện bị thiêu hủy trong những di tích bị tầng tầng lớp lớp đất vùi lấp hơn 2000 năm. Thế nhưng kết quả khai quật dường như bất ngờ đối với tất cả mọi người: Cung A Phòng không có dấu vết bị lửa thiêu. Liệu có phải là do hơn 2000 năm trôi qua, trải qua vô số lần mưa gió tuyết sương nên đã xóa nhòa dấu vết lửa thiêu hủy chăng? Tương truyền hơn 2000 năm trước, Cung Trường Lạc đời Hán đã từng là một trong những cung điện hoa mỹ nhất trong thành Trường An - thủ đô của nhà Tây Hán, là nơi ở của mẫu thân Hán Vũ Đế. Nàng A Kiều tuổi ấu thơ đã gặp Hán Vũ Đế Lưu Triệt thuở ấu thơ ở trong cung điện này, và đã trở thành giai thoại thiên cổ "Kim ốc tàng Kiều" (Xây nhà vàng cho nàng Kiểu ở).

Những năm cuối đời Đông Hán, Cung Trường Lạc bị thiêu hủy, dấu tích lửa thiêu đến nay vẫn còn rõ mồn một trước mắt. Cung A Phòng và Cung Trường Lạc có niên đại xây dựng cách nhau không xa, nhưng Cung A Phòng lại không để lại bất kỳ dấu vết bị lửa thiêu nào. Như vậy chỉ có một khả năng: Hạng Vũ không thiêu hủy Cung A Phòng. Câu chuyện Phóng hỏa thiêu cháy Cung A Phòng thông thường được cho là sau khi Sở Bá Vương Hạng Vũ dẫn quân tiến vào kinh đô nước Tần, Hạng Vũ trút hận lên vật, đã phóng lửa thiêu rụi Cung A Phòng và tất cả các công trình kiến trúc phụ trợ.

Trong "Sử ký - Hạng Vũ bản kỷ" có ghi chép rằng: "Thiêu cung thất nhà Tần, lửa cháy 3 tháng không tắt", hoàn toàn không đề cập đến Cung A Phòng. Các chuyên gia khảo cổ học phát hiện rằng, "Hạng Vũ phóng hỏa thiêu hủy Cung A Phòng" là sự lưu truyền sai lệch của lịch sử, trong những lần khai quật khảo cổ di chỉ Cung A Phòng vẫn chưa phát hiện ra vết tích lửa thiêu. Những nhà khảo cổ đã bỏ thời gian hơn một năm để điều tra thăm dò Cung A Phòng, chỉ phát hiện ra mấy hòn đất bị lửa cháy. Nếu như ghi chép trong tư liệu lịch sử thì Cung A Phòng phải có tro của cây cỏ khắp nơi mới đúng. Vì vậy các chuyên gia suy đoán rằng, Hạng Vũ thiêu hủy là Cung Hàm Dương của nhà Tần, vì ở di chỉ Cung Hàm Dương đã phát hiện ra rất nhiều di chỉ bị lửa thiêu. Người đời sau cho rằng Cung A Phòng bị lửa thiêu hủy đa phần là lấy căn cứ từ bài thơ "A Phòng cung phú" của thi nhân Đỗ Mục đời Đường.

Lửa thiêu Cung A Phòng
Lửa thiêu Cung A Phòng

Nghi án lịch sử: Hạng Vũ phóng lửa thiêu cung A Phòng

Hạng Vũ có thực sự phóng lửa thiêu Cung A Phòng không vẫn còn chờ khảo chứng. Bởi vì di chỉ Tiền Cung của Cung A Phòng cho đến nay vẫn là di tích có nền móng xây dựng bằng đất đầm của cung điện có quy mô to lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, thậm chí lớn nhất trong lịch sử thế giới. Chỉ xem di tích nền móng của Tiền Cung rộng trên 540.000 m2 đã thấy quy mô kiến trúc này thì với điều kiện đương thời không thể hoàn thành được. Ngoài ra, toàn bộ các hoạt động chính trị từ cuối thời kỳ Tần Thủy Hoàng đến Tần Nhị Thế, rồi đến Tần Vương Tử Anh đều được cử hành ở Cung Hàm Dương hoặc Cung Vọng Di, mà chưa từng đề cập đến Cung A Phòng. Cung A Phòng cho đến nay vẫn chưa phát hiện ra bất kỳ chứng cứ vật thực nào. Nếu cung điện đã xây dựng xong thì bất kể là thiêu đốt thế nào đều sẽ để lại di chỉ giống như Cung Hàm Dương là lưu lại những đống gạch ngói vỡ dày trên 1 m, nhưng di chỉ Cung A Phòng lại không có.

Di chỉ Thướng Thiên Đài của Cung A Phòng.
Di chỉ Thướng Thiên Đài của Cung A Phòng.

Sử Ký ghi chép: Khi Tần Nhị Thế kế vị, Cung A Phòng "phòng sảnh chưa xong", vì Tần Thủy Hoàng băng hà nên Cung A Phòng bị buộc phải dừng xây dựng, đưa toàn bộ 700.000 người lao dịch đi xây sửa lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Đến tháng 4 năm này mới "Khôi phục xây dựng Cung A Phòng", đến tháng 7 thì Trần Thắng, Ngô Quảng khởi nghĩa. Trong thời gian ngắn như thế này, hiển nhiên không thể xây dựng xong Cung A Phòng. Trình Đại Xương đời Nam Tống có viết trong "Ung lục" rằng: "Trên có thể ngồi được vạn người, dưới có thể cắm cờ cao 5 trượng (khoảng 15 m), là quy mô xây dựng của nó lớn như thế". Câu sau có nghĩa là: đó là mô hình thiết kế, hy vọng có thể đạt được hình dáng quy mô như thế, chứ không phải đã thực thi được.

Cung A Phòng.
Cung A Phòng.

Cung A Phòng thực sự tồn tại trong lịch sử, bất kể là đã xây dựng hoàn thành hay chưa, nó đều là đặc sắc nhất trong các kiến trúc Trung Hoa cổ đại. Mặc dù "A Phòng cung phú" không tương xứng với lịch sử, nhưng đó là tác phẩm văn học lưu truyền ngàn năm, và có giá trị thưởng thức rất cao. Hạng Vũ tính cách cứng rắn tự phụ, cộng thêm sự khoa trương của con người thời đó, nên rất dễ khiến mọi người tin là Hạng Vũ trong khi nổi giận đã phóng một bó đuốc thiêu Cung A Phòng. Như thế, Hạng Vũ đã phải gánh chịu nỗi oan ức hơn 2000 năm, thực sự oan uổng cho "Nhất đại Bá Vương" nổi tiếng trong lịch sử.

Trung Hòa
Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

Sở Bá Vương Hạng Vũ và nỗi oan thiên cổ trên 2000 năm [Radio]