Sẵn sàng từ bỏ vinh hoa, Thiện hành nghĩa cử ấm tình thế gian

Giúp NTDVN sửa lỗi

Làm người ai chẳng hy vọng có được công danh sự nghiệp, giàu sang phú quý, vợ đẹp thiếp xinh. Tuy nhiên cũng có khá nhiều người vẫn sẵn sàng từ bỏ những thứ đó, chịu nhận thiệt thòi về mình để thành tựu việc tốt đẹp cho người. Những thiện hành nghĩa cử của họ đã sưởi ấm tình thế gian.

Tô Đông Pha đốt giấy bán nhà và trả lại nhà

Khi Tô Đông Pha nhậm chức ở huyện Dương Tiễn (Nghi Hưng, Giang Tô ngày nay), có một sĩ phu là Thiệu Dân Chiêm mua một ngôi nhà giúp ông, cần 50 xâu tiền (tức 50 quan tiền). Tô Đông Pha dốc sạch số tiền tích cóp bao nhiêu năm mới vừa đủ số tiền đó, giao tiền mua được ngôi nhà. Đang dự tính chọn ngày lành tháng tốt để chuyển chỗ ở.

Không ngờ vào một buổi tối, Tô Đông Pha và Thiệu Dân Chiêm thấy trăng đẹp nên cùng nhau dạo chơi đến một thôn trang, bỗng nhiên nghe thấy một bà cụ đang khóc rất bi thương. Hai người vội vàng đẩy cửa bước vào hỏi thăm nguyên do.

Bà lão đó nói: "Căn nhà của tôi đã truyền thừa trăm năm, qua mấy đời rồi, con trai tôi hư hỏng nên đã đem nó bán cho người khác, tôi chính vì việc này mà đau lòng".

Tô Đông Pha hỏi ngôi nhà cũ của bà ở đâu, mới biết chính là ngôi nhà mà ông vừa mới mua. Tô Đông Pha liền an ủi bà cụ rằng: "Cụ à, cụ chớ đau buồn nữa, con sẽ trả lại ngôi nhà đó cho cụ".

Tô Đông Pha liền về lấy giấy bán nhà ra rồi đốt trước mặt bà cụ, đồng thời bảo người con trai bà cụ hãy đưa cụ trở về nhà cũ, còn ông sẽ không đòi lại số tiền mà ông đã bỏ ra mua ngôi nhà đó nữa. Ông vẫn ở lại căn nhà cũ của mình ở Côn Lăng. Từ đó trở đi ông cũng không đề cập tới chuyện mua nhà nữa.

Tô Đông Pha đốt giấy bán nhà và trả lại nhà
Tô Đông Pha liền về lấy giấy bán nhà ra rồi đốt trước mặt bà cụ. (Ảnh: Wikipedia)

Nghĩa cử của Phạm Trọng Yêm

Khi Phạm Trọng Yêm làm quan ở Tân Châu, một hôm ông dẫn thuộc hạ leo lên lầu uống rượu. Khi vẫn chưa nâng chén mở lòng thì bỗng thấy mấy người mặc tang phục đang lo liệu việc tang. Phạm Trọng Yêm vội vàng sai người đến hỏi thăm mới biết đây chính là một sĩ phu chết nơi đất khách quê người ở Tân Châu. Đã đến giờ liệm mà người chết vẫn chưa có y phục liệm và quan tài.

Phạm Trọng Yêm lập tức bãi bỏ bữa tiệc, khải khái mở hầu bao lấy ra số tiền đủ để lo liệu tang lễ cho người xấu số. Nghĩa cử này khiến tất cả những người chứng kiến đều cảm thán khôn nguôi, khiến bạn bè người thân quen của vị sĩ phu xấu số đó cảm động đôi dòng lệ nóng trào tuôn.

Đời người họa phúc vô thường

Trương Đạo Nguyên đời nhà Đường khi đảm nhiệm chức Đại lý khanh thì một lần có người tên là Hà Trù phạm đại tội, sẽ bị xử tử. Gia quyến của ông ta cũng phải bị giáng xuống làm nô lệ và ban cho quần thần.

Trương Đạo Nguyên nói: "Đời người họa phúc vô thường, sao có thể xây dựng hạnh phúc bản thân từ nỗi thống khổ của người khác được?"

Thế là Trương Đạo Nguyên an ủi vỗ về những nô tỳ mà triều đình ban cho mình, tức là gia quyến, con cái của Hà Trù, sau đó tặng họ một số tiền bạc của cải, rồi để họ ra đi tự tìm kế mưu sinh.

Đời người họa phúc vô thường 2
Trương Đạo Nguyên tặng họ một số tiền bạc của cải, rồi để họ ra đi tự tìm kế mưu sinh. (Ảnh: Epoch Times)

Tác thành điều tốt đẹp cho người

Thời nhà Đường có một vị tú tài tên là Thôi Giao, ông là một nhà thơ và có một tỳ nữ sắc đẹp rung động lòng người. Thôi Giao cũng từng yêu thương cô.

Sau này Thôi Giao nghèo khó bất đắc chí, không biết lấy gì để sinh sống, đành phải đem bán người tỳ nữ cho một người họ Vu ở Lạc Dương, người này đã từng làm các chức quan Thứ sử Hồ Châu, Tô Châu và Thượng thư Tả bộc xạ. Nhưng Thôi Giao vô cùng nhớ thương cô nên đã viết bài thơ "Tặng tỳ nữ ra đi" để tặng cô gái, để bày tỏ tình cảm nhớ thương của mình:

Công tử vương tôn theo dấu bụi
Nàng Châu rơi lệ ướt khăn hồng
Vào cửa vương hầu sâu như biển
Chàng Tiêu nay hóa khách qua đường

Có một người cực kỳ thống hận Thôi Giao đã cố ý chép lại bài thơ này rồi đem cho người họ Vu xem, mục đích là muốn mượn tay người họ Vu trừng trị Thôi Giao.

Không ngờ người họ Vu là một người khoan hậu nhân nghĩa, sau khi đọc xong, ông không những không tức giận mà còn mời Thôi Giao đến nhà, hỏi rõ nguyên do sự tình rồi để Thôi Giao dắt người tỳ nữ ra về, tác thành cho đôi nam nữ ân tình này.

Giúp người lúc hoạn nạn

Quách Chấn thời nhà Đường là người từ nhỏ đã có chí lớn, năm 16 tuổi đã thi đỗ vào Thái học. Gia đình gửi cho anh 40 vạn tiền để làm học phí.

Lúc đó có một người mặc tang phục đến chỗ anh, nói rằng anh ta đang gặp nạn cấp bách, muốn mượn tiền để lo việc tang.

Quách Chấn cũng chẳng hỏi họ tên người mượn tiền, lập tức lấy toàn bộ số tiền người nhà mới gửi ra và đưa hết cho người đó.

(Nguồn: "Tạc phi am nhật toản" của Trịnh Huyên)

 

Trung Hòa
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Sẵn sàng từ bỏ vinh hoa, Thiện hành nghĩa cử ấm tình thế gian