Sắc dục, lợi ích là đại kỵ của thầy thuốc: Ẩn chứa nhân quả sâu xa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đến đêm, Lý Thị lại dày công trang điểm một lần nữa đi tìm Nhiếp Tòng Chí. Giữa hai người xô đẩy nhau và Nhiếp Tòng Chí xé đứt tay áo và trốn thoát một lần nữa.

Y thuật và y đạo

Lão Tử nói: “nhân hành dương đức, nhân tự báo chi; hành âm đức, quỷ Thần thiện chi”. Ý nghĩa là: Người làm việc thiện tích dương đức thì con người sẽ báo đáp; người làm việc thiện tích âm đức thì quỷ Thần thiện báo.

Thần y Tôn Tư Mạc đời Đường đã viết trong tác phẩm “Đại y tinh thành” rằng: “Vì vậy các thầy thuốc không được cậy sở trường của mình chuyên vào mưu tính tài vật, chỉ dốc tâm vào cứu giúp người, trong vận mệnh sâu xa, tự cảm ứng có được nhiều phúc”.

Tôn Tư Mạc được người đời tôn xưng là Thần y, tên tuổi ông gắn liền với các kỳ tích như bắt mạch cho Trưởng Tôn Hoàng Hậu bằng sợi dây, chữa tâm bệnh cho Đường Thái Tông... Ông còn là cao nhân, là sư tôn của các bậc danh sĩ đương thời... (Epoch Times)
Tôn Tư Mạc được người đời tôn xưng là Thần y, tên tuổi ông gắn liền với các kỳ tích như bắt mạch cho Trưởng Tôn Hoàng Hậu bằng sợi dây, chữa tâm bệnh cho Đường Thái Tông... Ông còn là cao nhân, là sư tôn của các bậc danh sĩ đương thời... (Epoch Times)

Thời xưa có nhiều người tu Đạo, những bậc sĩ đại đức cũng đã từng nói về mối quan hệ nhân quả giữa y thuật và Thiên Đạo. Còn như sắc dục và lợi ích lại là một trong những điều đại kỵ đối với các thầy thuốc.

Mậu Trọng Thuần, "Ngu Sơn Nho y" của nhà Minh, đã viết trong cuốn "Chúc y ngũ tắc" của ông rằng: người thầy thuốc "nên siêng năng tìm kiếm Đạo thuật để cứu người. Ngay cả khi có hiệu quả, cũng để họ tự báo đáp. Đừng đòi hỏi báo đáp hậu hĩ. Hãy trị bệnh bằng cái tâm bình đẳng, đừng khinh bần tiện. Được như vậy thì phúc đức chính là tự mình gây trồng, quỷ Thần ca tụng”.

Tể tướng hiền lương thời nhà Đường là Lục Chí từng nói: "y học chính là thuật nhân từ, phải đặt cứu người lên hàng đầu. Nếu không, tai họa sẽ đến”, “ngày nay thấy con cháu các thầy thuốc có được nhiều phúc, vinh hiển đỗ cao, đây là chỗ kiểm nghiệm báo ứng của Thiên Đạo”.

Theo ghi chép trong "Thái vi Tiên Quân công quá cách": "Dùng bùa, phép, châm cứu và thuốc cứu người bệnh nặng, một người là mười công; bệnh nhẹ thì một người năm công. Nếu nhận hối lộ của người bệnh thì không có công trạng gì".

Kết quả khác biệt của hai thầy thuốc tài năng

Vì vậy, thời Nam Tống, thầy thuốc nổi tiếng Trương Cảo đã viết trong "Y thuyết": "Các thầy thuốc nên tự nghĩ rằng: đau khổ bệnh tật thân người cũng giống như thân mình. Ai tới mời thầy thuốc thì phải đi ngay không được chậm trễ. Nếu chỉ xin thuốc thì phải đưa ngay. Chớ hỏi sang hèn, chớ chọn giàu nghèo”; chỉ vì “tâm đặt ở cứu người, trong cõi hư vô tự sẽ được phù hộ. Lợi dụng lúc người khác cấp bách, cố ý cầu tài, dùng tâm bất nhân, trong cõi hư vô tự sẽ rước họa”.

Trương Cảo có một người bạn đồng hương, tên là Trương Ngạn Minh, "vì hành y cứu người, ông không nói gì đến tiền bạc, có thể nói ông là thầy thuốc hạng nhất". Khi các tăng nhân, đạo sĩ, binh sĩ hay dân nghèo đến xin thuốc, ông không bao giờ nhận tiền thuốc của họ, thậm chí còn cho họ tiền bạc, thức ăn của mình. Đối với những người đến xin thuốc, ông không nhìn vào giá bao nhiêu tiền mà chỉ nghĩ làm sao để bệnh nhân khỏi bệnh. Ngay cả khi cần cấp phát thêm thuốc, cũng không để những người đó mang tiền đi mua thuốc. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, ông luôn chọn những dược liệu tốt nhất để trấn an người bệnh, không bao giờ đả động đến tiền bạc.

Một ngày nọ, trong thành phố xảy ra một trận hỏa hoạn lớn, các ngôi nhà xung quanh đều bị thiêu rụi, chỉ có nhà của Trương Ngạn Minh may mắn thoát trong trận khói lửa. Một năm khác, ngôi làng nơi Trương Ngạn Minh có bệnh dịch lây lan khắp, nhưng chỉ có ông là người duy nhất không mắc bệnh. Con trai của ông là một thư sinh, và sau đó đạt vị trí đứng đầu trong kỳ thi hương. Hai, ba cháu trai của ông cũng là những người phong thái tuấn tú, ngay thẳng, độ lượng. Trương Cảo xúc động nói rằng đây thực sự là "Thần linh giúp đỡ, phù hộ" và "Thiên Đạo tạo phúc cho người thiện lương".

Tôn Tử Mạc nói, phàm là bậc đại y chữa bệnh ắt an thần định chí, vô dục vô cầu, có tâm đại từ bi trắc ẩn, nguyện phổ cứu nỗi khổ của sinh linh. Hình minh họa là Nhà thuốc trong bức tranh "Thanh minh thượng hà đồ" của Cừu Anh đời Minh. (Phạm vi công cộng)
Tôn Tử Mạc nói, phàm là bậc đại y chữa bệnh ắt an thần định chí, vô dục vô cầu, có tâm đại từ bi trắc ẩn, nguyện phổ cứu nỗi khổ của sinh linh. Hình minh họa là Nhà thuốc trong bức tranh "Thanh minh thượng hà đồ" của Cừu Anh đời Minh. (Phạm vi công cộng)

Cũng có khả năng y thuật phi thường, Trương Ngạn Minh có thể lấy “cứu người là trọng”, còn ở Nghi Hưng có người là Đoàn Thừa Vụ thì “cố tình cầu tài, tâm bất nhân”. Nếu không phải là người đặc biệt có quyền lực tới mời ông ta đi khám, ông ta sẽ không chịu đi. Khi Địch Nhữ Văn, một danh thần nổi tiếng của triều Bắc Tống, khi trú ở Thường Thục, ông muốn gặp họ Đoàn phải nhờ Thái thú Bình Giang là Lương Thượng Thư mời thì ông ta mới bằng lòng đi.

Một lần, một phú ông ở Bình Giang bị ốm và muốn nhờ thầy thuốc Đoàn chữa trị. Ông Đoàn nói: “Bệnh này uống mấy liều thuốc sắc có thể chữa khỏi, nhưng phải trả cho tôi 500.000 tiền mới được”.

Ban đầu, vị phú ông chỉ muốn trả một nửa, không ngờ thầy thuốc Đoàn giận dữ bỏ đi. Trong cơn tuyệt vọng, phú ông hứa sẽ trả toàn bộ phí chữa trị, đồng thời nói rằng họ sẽ trả thêm 50 đồng cân thuốc. Nghe xong, ông Đoàn đề nghị tăng lên 100 đồng cân thuốc.

Chẳng bao lâu, người phú ông khỏi bệnh, và ông Đoàn thu được khoản tiền lớn, thắng lợi trở về. Trên đường về khách sạn nghỉ đêm, ông nằm mơ thấy có người áo đỏ nói với ông rằng: "Thiên Đế để ngươi hành y cứu người, nhưng ngươi lại dùng để kiếm tiền và mưu lợi. Thật đúng là không lương thiện. Bây giờ phạt ngươi đánh 20 gậy vào lưng để trừng phạt”.

Nói xong, người này ra lệnh cho tùy tùng lôi Đoàn Thừa Vụ ra mà đánh. Ngày hôm sau, Đoàn Thừa Vụ tỉnh dậy chợt cảm thấy sống lưng đau buốt. Vì vậy ông ta gọi người tới xem, phát hiện trên lưng thật sự có dấu vết bị đánh. Sau đó, vài ngày sau khi về đến nhà, ông ta chết.

Hai thầy thuốc cự tuyệt sắc dục được phúc báo

Chữ Hán Thần truyền lại có nội hàm bác đại tinh thâm, bên phải chữ “利” (lợi) có con dao thẳng đứng, trên đầu chữ “色”(sắc) có treo con dao . Có thể thấy, cả lợi lẫn sắc đều là những điều đại kỵ của các thầy thuốc cần tuân thủ y đức và y đạo. Những người đã được Thần linh ban cho khả năng hành y, nếu không bị kim tiền lụa quý làm động, không bị sắc dục mê hoặc, mới có thể được Thần linh trợ giúp và bảo hộ.

Thời nhà Tống, Lý Thị - vợ của quan thừa ấp ở thị trấn Hoa Đình, Nghi Châu, bị ốm nặng và sau khi được thầy thuốc giỏi ở địa phương là Nhiếp Tòng Chí chẩn đoán và điều trị đã may mắn thoát chết. Lý Thị ngoại hình xinh đẹp nhưng rất dâm đãng, cô ta thấy Nhiếp Tòng Chí tướng mạo anh tuấn nên muốn dụ dỗ. Một ngày nọ, khi quan thừa ấp đi sang vùng lân cận, Lý Thị nhân cơ hội này giả vờ bị bệnh và nhờ Nhiếp Tòng Chí đến chữa trị.

Sau khi thầy thuốc Nhiếp đến, Lý Thị nói với ông: "Suýt nữa thì tôi đã nhập vào sổ Diêm Vương, nhờ có ông mới sống lại được. Ông có ơn cứu mạng tôi, dùng mọi thứ trên đời cũng không đủ để báo đáp. Bây giờ tôi sẵn sàng trả ơn bằng chính tấm thân của mình”. Nghe xong, Nhiếp Tòng Chí sợ hãi chạy ra ngoài. Đến đêm, Lý Thị lại dày công trang điểm một lần nữa đi tìm Nhiếp Tòng Chí. Giữa hai người xô đẩy nhau và Nhiếp Tòng Chí xé đứt tay áo và trốn thoát một lần nữa. Ông vẫn kín tiếng và chưa từng đề cập chuyện này với ai khác.

Tham sắc dục sẽ làm tổn hại sinh mệnh. (Tranh: Zhiqing - Vision Times)
Tham sắc dục sẽ làm tổn hại sinh mệnh. (Tranh: Zhiqing - Vision Times)

Hơn một năm sau, thẩm phán Hoàng Tĩnh Quốc ở Nghi Châu bị bất tỉnh và trong lúc hôn mê được đưa tới âm phủ. Khi quay lại đi bộ đến bờ sông và thấy một tên cai ngục đang mổ bụng một người phụ nữ và moi ruột của cô ấy ra để làm sạch. Vị tăng nhân bên cạnh nói với ông ta: "Đây là vợ của một vị quan nọ. Cô ta muốn thông dâm với thầy thuốc Nhiếp Tòng Chí, nhưng vị thầy thuốc này là người tài đức vẹn toàn, đã cự tuyệt cô ta. Nguyên, tuổi thọ của ông ta chỉ có 60 nhưng vì giữ được âm đức này mà kéo dài thọ mệnh 12 năm, và con cháu của anh sẽ đều có người làm quan. Về phần người phụ nữ nhân dâm loạn kia, cô ta cũng mất đi nhiều tương đương với cái mà thầy thuốc Nhiếp nhận được. Cai ngục âm phủ rửa ruột và dạ dày cho cô ta, tức là để tống khứ những dục vọng dâm ác”.

Hoàng Tĩnh Quốc và Nhiếp Tòng Chí có một mối quan hệ tốt đẹp, sau khi khỏi bệnh, ông đã đến thăm Nhiếp Tòng Chí và hỏi riêng anh đã bao giờ gặp người phụ nữ như vậy chưa. Sau khi nghe thấy, Nhiếp Tòng Chí ngạc nhiên hỏi: "Chỉ có tôi và người phụ nữ biết điều này. Làm thế nào ông biết được?"

Hoàng Tĩnh Quốc kể cho Nhiếp Tòng Chí những gì chính mình mắt thấy tai nghe và chứng kiến nơi âm tào địa phủ. Sau này, Nhiếp Tòng Chí thực sự có một người con trai trúng khoa cử. Cháu nội của ông cũng rất có hoài bão. Đến những năm Thiệu Hưng của triều đại Nam Tống, cháu nội ông đã làm quan tới chức huyện thừa của huyện Lạc ở Hán Trung.

Khi đó, vì không tham sắc mà không chỉ bản thân thầy thuốc Nhiếp đã nhận được phúc báo mà con cháu cũng được hưởng phúc.

Vào thời Tuyên Hòa triều Bắc Tống, có một học giả bị bệnh quanh năm. Một thầy thuốc địa phương tên là Hà Trừng có tài chữa bệnh xuất sắc, nên vợ của vị học giả đã mời ông đến nhà. Người phụ nữ đưa Hà Trừng vào phòng trong và nói với ông: "Chồng tôi bị bệnh nhiều năm, tôi đã bán hết những thứ có giá trị, bây giờ tôi không có tiền để trả tiền thuốc, vì vậy tôi chỉ có tấm thân để báo đền".

Hà Trừng nghe xong, nghiêm túc từ chối cô và nói: "Tại sao cô nương lại nói lời này? Đừng lo lắng, tôi nhất định sẽ chữa trị tốt cho phu quân của cô. Cô không được làm như vậy, nó sẽ làm hoen ố danh tiết của cô và tôi. Để người khác biết, còn cho rằng y thuật của tôi không tốt. Nếu thực sự làm điều tai tiếng xấu xa thì nếu không có người phạt thì cũng sẽ có quỷ trách".

Không lâu sau, thầy thuốc Hà Trừng đã chữa khỏi căn bệnh cho vị học giả. Một đêm nọ, Hà Trừng nằm mơ thấy có người đưa ông vào miếu, một vị quan phán rằng: “Ngươi trị bệnh cứu người có công, không lợi dụng lúc người khác lâm vào hiểm nguy mà làm việc dâm loạn với phụ nữ lương thiện. Vì vậy, Thiên Đế đã cho ngươi 5 vạn quan tiền, và sẽ ban cho ngươi chức quan".

Vài tháng sau, Đông cung Thái tử bị bệnh, các ngự y trong triều không thể cứu chữa, Hoàng đế hạ lệnh mời các thầy thuốc khắp nơi trên cả nước tới trị bệnh. Hà Trừng theo chỉ dụ và dùng thuốc sắc mà ông đã pha chế chữa khỏi bệnh cho Thái tử. Triều đình đã ưu ái ban tặng cho ông 5 vạn quan tiền và chức quan sơ phẩm. Kể từ đó, danh tiếng của Hà Trừng vang khắp, và y thuật của ông tiếp tục được thi triển khắp kinh thành. Điều này thực sự ứng nghiệm với câu nói của Lão Tử “hành âm đức, quỷ Thần thiện chi”!

Minh An
Theo secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Sắc dục, lợi ích là đại kỵ của thầy thuốc: Ẩn chứa nhân quả sâu xa