Sa cơ lỡ bước đừng bi lụy, trời sinh ta ra ắt có chỗ dùng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đời người ai chẳng có chông gai, sa cơ lỡ vận đó là điều mà ít nhiều người trong chúng ta cũng từng phải trải, bởi có gian khổ mới luyện thành tráng sĩ, có thử thách mới thành đấng anh tài. Vậy nên dù có ở trong hoàn cảnh nào, thiết nghĩ cũng đừng nên bi lụy...

Tôi có cậu bạn học từ thuở nối khố, chăn trâu cùng làng. Bản tính cậu ấy chậm hiểu nhưng được cái hiền lành trung thực, ngày còn đi học, đối với các môn toán lý hoá, cậu ta đều học rất kém, còn môn văn với cậu ấy thì như thể một cực hình. Mỗi lần cô trả bài, cậu ấy đều chỉ được 3 điểm, 4 điểm. Sau một thời gian chán nản bi quan với thành quả học tập của mình, cậu ấy quyết tâm làm lại. Cậu nghĩ: dù sao bản thân cũng không được thông minh như người khác, nếu vậy thì tại sao không mượn trí tuệ của người khác làm bàn đạp cho mình?

Nghĩ sao làm vậy, cậu bạn của tôi bắt tay vào sưu tầm các bài văn mẫu hay để tham khảo và quyết tâm học thuộc luôn các bài văn mẫu đó. Dần dần cậu ấy luyện cho mình được cách học thuộc rất nhanh và hiệu quả, đối với các bài văn hay, cậu ấy không chỉ nhớ được nội dung mà ngay cả cách trình bày, cấu tứ, dấu chấm dấu phẩy cũng học thuộc luôn. Kết quả là cậu ấy luôn là học sinh đứng đầu lớp ở những môn khoa học xã hội như: văn, sử, địa... Sau khi học xong cấp ba, cậu ấy thi vào ngành luật, đối với các văn bản, hiến pháp, pháp luật cậu ấy đều học rất tốt, và nghiễm nhiên trở thành luật sư có tiếng.

Sau khi học xong cấp ba, cậu ấy thi vào ngành luật và sau này trở thành luật sư có tiếng.
Sau khi học xong cấp ba, cậu ấy thi vào ngành luật và sau này trở thành luật sư có tiếng. (Ảnh: Shutterstock)

Câu chuyện về cậu bạn khiến cho tôi nhớ đến một tích truyện về diễn giả Tây Lư khi xưa:

Chuyện kể rằng, có một lần nọ Tây Lư đi du thuyết cho các vua nước chư hầu, tới lúc qua sông chẳng may thuyền bị đắm. Người thuyền chài vớt ông lên, ôm bụng cười bảo: Ông suýt chết đuối, cứu mình còn chẳng xong, tài cán gì mà đòi đi nói thuyết với các vua chư hầu.

Tây Lư đáp: “Hòn ngọc bích đem dệt cửi không tiện bằng hòn ngói. Hạt châu đem làm đạn bắn chim thì không tiện bằng viên đất nung. Ngựa kỳ ngựa ký, ngày chạy nghìn dặm, nhưng cho bắt chuột thì không nhanh bằng con mèo. Thanh gươm quý mà đem khâu giày thì không tiện bằng cái dùi. Chú có tài lội nước, qua sông, lựa gió, nhưng nếu nay cho tiếp một ông vua chư hầu thì chắc sẽ mờ mịt, khác nào như quạ vào chuồng lợn”.

Mỗi người một tài, tuy nhất thời lâm vào hoạn nạn vì sở đoản, nhưng lại sẽ có ngày vinh quang bởi sở trường. Hà cớ phải thất vọng, bi quan.

Mãi đắm chìm trong thất bại, nhược điểm của bản thân, cũng như chăm chăm vào vết xước trên viên ngọc, mà quên mất rằng ta vốn là ngọc quý.

Con rùa ghen tị với con ếch, vì ếch có bốn chân nhảy nhót tự do, còn rùa thì phải cõng trên thân chiếc mai nặng trịch. Bỗng một con chim ưng từ trên cao lao xuống, rùa ta vội vàng thụt đầu, co chân vào trong mai, còn con ếch đã bị chim ưng kia ăn mất. Rùa ta lúc đó mới hiểu ra: Trời sinh ta ắt có chỗ dùng.

Bởi thế cổ nhân có câu: “Sông có lúc cạn lúc đầy, người có khi vinh khi nhục", đó cũng là cái lẽ tự nhiên của con người. Làm người điều quan trọng là thấu hiểu được bản thân, nhìn rõ kiếp hồng trần. Cố gắng kiên trì, giữ cho mình một trái tim thiện lương ắt có ngày làm nên nghiệp lớn.

Minh Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Sa cơ lỡ bước đừng bi lụy, trời sinh ta ra ắt có chỗ dùng