Rồng có thật hay không? Kỳ bí tiếng rồng kêu ở Đài Loan [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sử sách đã ghi lại rất nhiều truyền thuyết liên quan đến rồng, Trung Quốc từ xưa đến nay cũng đều lưu truyền các câu chuyện thần ​​bí về "rồng". Nhưng thực sự có rồng hay không?

Vùng núi Nangang ở Đài Loan có tiếng rồng kêu?

Mới đây, có người dân ở thành phố Đài Bắc đã quay lại một đoạn video, cẩn thận nghe kỹ những tiếng động bất thường trong video có thể nghe thấy "tiếng kêu của dã thú" vang rất lớn. Vụ việc xảy ra ở khu vực núi Nangang, và cho đến nay đã xảy ra ít nhất ba lần tương tự như vậy. Sự việc này cũng khiến cư dân địa phương cho biết: "Tôi nghe người đời trước kể lại rằng, đã từng có người nhìn thấy rồng xuất hiện".

Người phụ nữ này đã đăng một tin nhắn trên nhóm Facebook "Tôi là người Nangang" vào ngày 26/3, đồng thời đăng tải một đoạn video. Cô hỏi những người sống gần các đỉnh núi ở quận Nangang và Xinyi rằng liệu họ có nghe thấy âm thanh trong video vào lúc 8h25 sáng cùng ngày hay không. Khi đó, người ta nghi ngờ rằng trong núi đột nhiên truyền ra tiếng mãnh thú kêu, tiếng vang rất lớn trong cộng đồng giữa thanh thiên bạch nhật khiến người ta cảm thấy rùng mình. Cô nói rằng mình đã sống ở nơi đó 3 - 4 năm, mỗi năm đại khái sẽ nghe được một lần, mỗi lần kéo dài khoảng 1 phút. Lần đầu tiên cô ấy nghe được là vào ban ngày, lần thứ hai là vào buổi chiều, và đây là lần thứ ba.

Người phụ nữ chỉ ra rằng một số người ở Trung Quốc đại lục và Hoa Kỳ đã từng ghi lại những âm thanh tương tự. "Có người nói đó là tiếng rồng, có người lại nói đó là âm thanh của địa chất đè ép lẫn nhau". Điều đó khiến cô hiếu kỳ tự hỏi nó rốt cuộc là gì. Bài đăng khiến cư dân mạng để lại những lời nhắn: "Tôi sống gần đây, đây là tiếng xe buýt"; "Sao nghe giống như tiếng phanh xe tải lớn"; "Tôi nghe người đời trước nói đã từng có người nhìn thấy rồng xuất hiện, nhưng không biết đó có phải là sự thật hay không"; "âm thanh Trái đất"...

Sự việc được đưa lên kênh truyền hình ở Đài Loan.

Trên thực tế, bắt đầu từ ngày 26/6 năm ngoái, tại một thung lũng ở thôn Kiên Cường, thị trấn Tú Thủy, huyện Uy Ninh, Quý Châu, mấy ngày liên tục phát ra tiếng rống to vang vọng trong thung lũng. Tiếng kêu rất kỳ quái khiến dân chúng địa phương hoảng sợ, đôngf thời gây sự chú ý của ngoại giới. Mỗi ngày đều có hàng chục nghìn người, bao gồm các chuyên gia, phóng viên truyền thông và nhân viên chính phủ... từ khắp nơi đổ xô đến, đứng đầy cả ngọn núi.

Những người dân địa phương cho biết, tiếng kêu thường bắt đầu từ giữa trưa: “Nó sẽ kêu vào buổi trưa và buổi chiều trong ngày, âm thanh rất lớn, rất đáng sợ. Dân làng không dám ở đó nữa, họ đến địa phương khác để ở".

Về loại âm thanh "kỳ quái" này, các phiên bản khác nhau đã được đăng tải trên mạng Internet, có người nói là "tiếng bò", có người nói là "tiếng rồng kêu", "tiếng hổ gầm", "tiếng chim hót" v.v. Nhưng cho đến nay, những người được gọi là chuyên gia ở Trung Quốc vẫn chưa thể giải đáp được bí ẩn về "tiếng rồng kêu" này.

Sự kiện rồng rơi ở Doanh Khẩu, Liêu Ninh là có thật?

Hơn 80 năm trước, tại Doanh Khẩu, Liêu Ninh đã xảy ra hai vụ rồng rơi, người ta cho rằng đây là con rồng thật cuối cùng xuất hiện ở Trung Quốc. Sự kiện rồng rơi vào thời điểm đó đã gây chấn động thế giới, đồng thời thay đổi nhận thức của con người về văn hóa Rồng của Trung Quốc.

Vào đầu tháng 7 năm 1934, khi một người nông dân đi làm đồng ở Điền Trang Đài, Doanh Khẩu, Liêu Ninh, ông đã phát hiện ra một sinh vật kỳ bí, nó có đầu vuông vức, trên miệng mọc râu, mắt to như mắt trâu, đồng thời còn có đôi sừng trên đầu như sừng hươu có 3 chạc. Nó có thân dài hơn mười mét, toàn thân có vảy màu xanh sẫm, cuộn tròn trên mặt đất, cái đuôi cuộn lại, dưới thân có bốn chân và bốn móng vuốt.

Theo những người dân tận mắt chứng kiến ​​lúc đó, nó chính là một con rồng, hơn nữa vẫn còn sống. Con rồng này 'hữu khí vô lực', mắt nửa mở nửa khép, con mắt hơi đỏ một chút. Mấy ngày hôm đó trời mưa to liên tục, và không biết vì sao nó đã rơi xuống khu đồng ruộng này.

Sự việc này lúc ấy truyền khắp đầu đường cuối ngõ, người dân đổ xô ra xem. Người dân khi ấy tin rằng rồng từ trên trời rơi xuống là một điềm cát tường, và để cho con rồng bị mắc kẹt bay lên trời sớm nhất, người ta đã dựng một giàn che bằng lau sậy, đồng thời gánh nước đổ lên người "con rồng", sợ rằng nó sẽ khô mà chết. Các nhà sư ở các ngôi chùa lân cận còn đứng ở bên cạnh để làm lễ siêu độ.

Vài ngày sau lại tiếp tục có một trận mưa lớn kéo dài, sau cơn mưa thì “con rồng” đột nhiên biến mất.

Tuy nhiên, hơn 20 ngày sau, con rồng lại lần nữa xuất hiện một cách kỳ lạ, lần này là ở bãi lau sậy cách cửa sông Liêu Hà 10 km. Khi mọi người phát hiện ra thì nó đã chết, chỉ còn lại một cái xác.

Trong những ngày này, Doanh Khẩu liên tục có mưa to hơn 40 ngày, nước sông Liêu Hà dâng cao, cỏ lau ở bờ bắc sông Liêu Hà biến thành một vùng biển mênh mông, tôm cá nổi trên mặt nước. Sau trận mưa lớn, từ đám cỏ lau ven sông bốc ra một mùi hôi thối, nhưng không rõ nguyên nhân là từ đâu.

Vào ngày 8/8, một người dân đi dọc theo mùi hôi ở bờ sông để tìm, đến lúc vén bụi cỏ lau ra thì bất ngờ phát hiện trong đó thực sự có xác một con quái vật to lớn, rất giống xác con rồng, dài ước chừng 10m, hai bên trái phải của đầu đều có một chiếc sừng, dài khoảng hơn 1 thước, xương sống lưng có 29 khúc.

Người ta nói rằng trước khi phát hiện ra con rồng, từng có không ít người dân địa phương đã nhìn thấy con rồng này từ trên bầu trời Doanh Khẩu lao xuống và bay lên bất ngờ, làm lật 3 chiếc thuyền nhỏ, cuốn hỏng nhà xưởng và khiến 9 người chết, hơn nữa bị lật tung điểm dừng nhà ga xe lửa. Sau khi nó giãy giụa ở trong nước một lúc, nó chui vào đám lau sậy và biến mất. Người ta nói rằng con rồng này trước khi chết đã rống lên như bò rống, sau khi chết lớp vảy rơi ra đủ chứa trong hai cái giỏ lớn.

Vào thời điểm đó, chính quyền đã cử nhân viên từ bệnh viện phòng chống dịch đến phun nước khử trùng lên xác rồng đã sinh giòi. Sau đó, họ dùng 4 cái mỏ neo thuyền buộc dây thừng quấn quanh xác con rồng di chuyển đến nơi khác để công chúng có thể tham quan.

Khi ấy, một phóng viên của tờ "Thịnh Kinh thời báo" cũng đến phỏng vấn, gọi nó là "Thiên Long hàng", "Cự long" v.v. đồng thời còn đăng tải các ảnh chụp. Các bài báo viết rằng: "... Long thể khí che trời, hai bên trái phải đầu có hai chiếc sừng, xương sống lưng rộng hơn ba tấc, xương sườn gắn ở hai bên xương sống lưng, mỗi cái dài chừng 5, 6 tấc, phần đuôi thẳng đứng với xương màu trắng. Toàn thân tổng cộng có 28 đoạn, mỗi đoạn chừng hơn 1 thước, tổng cộng hơn ba trượng. Tại chỗ ban đầu nơi rồng nằm, có một hố đất rộng hai trượng dài năm trượng, vẫn còn hiện rõ dấu móng vuốt đào ở hố. Đến nay vẫn còn xương rồng và gân đầu, nhưng da thịt đã không còn".

Hình ảnh bài báo của Thịnh Kinh thời báo chia sẻ về sự kiện rồng rơi xuống Doanh Khẩu. (Ảnh từ Sohu)
Hình ảnh bài báo của Thịnh Kinh thời báo chia sẻ về sự kiện rồng rơi xuống Doanh Khẩu. (Ảnh từ Sohu)

Quyển thứ nhất của "Doanh Khẩu thị chí" và "Doanh Khẩu sử thoại" cũng có những ghi chép tương tự: Vào chiều ngày 8 tháng 8 năm 1934, một nông dân ở Đông Tiểu trên bờ bắc sông Liêu Hà đã phát hiện ở bãi lau sậy gần đó một bộ xương động vật khổng lồ, dài khoảng 10 mét, hai bên đầu có sừng, dài khoảng 1 mét, xương sống lưng có 29 khúc. Vào thời điểm đó, đồn cảnh sát số 6 của Doanh Khẩu đã vận chuyển bộ xương rồng đến bãi đất trống gần bến hải quan Tây Hải để trưng bày trong mấy ngày, người đến tham quan nối liền không dứt".

Rồng đen xuất hiện ở sông Tùng Hoa

Ngoài sự kiện rồng rơi ở Doanh Khẩu, Liêu Ninh, sông Tùng Hoa cũng từng truyền ra "sự kiện rồng rơi". Vào tháng 12 năm 1989, tờ "Trung ngoại thư trích" đã đăng một bài báo "Tôi nhìn thấy hắc long". Bài báo thuật lại lời của Nhậm Điện Nguyên (Ren Dianyuan), một nhân viên đã nghỉ hưu của Trang trại bò sữa tại Đỗ Nhĩ Bá Đặc, tỉnh Hắc Long Giang, được Nhậm Thanh Xuân thuộc Bảo tàng Đỗ Nhĩ Bá Đặc chỉnh lý.

Bài báo mô tả rằng vào tháng 8 năm 1944, Nhậm Điện Nguyên 27 tuổi cùng cha mình đi đánh cá. Thuyền của họ đến bờ nam của Mẫu Đơn Giang (tên cũ của một đoạn sông Tùng Hoa), phát hiện rất nhiều người đang tụ tập vây xem cái gì đó. Một người dân nói nhỏ với họ rằng, "một con rồng đen ở Hắc Long Giang đã rơi xuống bãi cát"

Sau khi nghe tin, Nhậm Điện Nguyên và cha của anh ấy cũng phấn khích chạy lại xem. Họ nhìn thấy một con vật khổng lồ màu đen nằm trên bãi cát, dài khoảng 10m, cái cổ mảnh hơn thân thể, cái đầu to bằng một con bê mới sinh, hơi vuông, bên trên rộng ở dưới hẹp, không có sừng chạc, trên trán có một cái sừng dẹt hình cái xẻng, giống sừng trâu, ngắn và thẳng, gốc dày khoảng 10 cm.

Ngoài ra, khuôn mặt của nó giống với con rồng trong tranh, với 7 - 8 cái râu dài, vừa thô vừa cứng, miệng dẹt và rộng, dài hơn 30 cm. Còn bốn cái móng vuốt thì cắm sâu vào cát, bắp chân to hơn cánh tay của người thanh niên, phần sau chân là cái đuôi mỏng hơn so với thân trên, nhưng rất dài, chừng 8, 9 m. Toàn thân nó là vảy, vảy trên lưng có màu xanh xám, vảy ở bụng và móng vuốt có màu hồng trắng.

Bài báo cho biết, lúc ấy có hơn 300 người có mặt tại hiện trường, trưởng thôn Trần Khánh không cho phép mọi người gọi con vật này là rồng, chỉ có thể gọi nó là “con sâu nước”. Trưởng thôn nói rằng "con sâu nước" đã xuất hiện từ đêm hôm trước. Ông kêu gọi dân làng dựng lều, gánh nước tưới lên thân con vật.

Xem hơn 2 tiếng đồng hồ, Nhậm Điện Nguyên và cha mới miễn cưỡng lên thuyền. Trên thuyền mọi người còn đang bàn tán xôn xao, có người cho rằng con vật này hẳn là hắc long ở Hắc Long Giang: "Chẳng phải nhìn thấy toàn thân đều là màu đen sao?"

Người ta nói rằng vào xế chiều hôm đó trời mưa to, đến ban đêm thì mưa xối xả. Sáng sớm hôm sau, nhóm người Nhậm Điện Nguyên đi thuyền đến thẳng làng Trần Gia Vi Tử, nhưng "con rồng đen" đã không còn thấy nữa, chỉ còn lại một cái rãnh sâu, trên cát vẫn còn lưu lại mùi tanh nồng nặc. Một số người dân địa phương cho biết, "con sâu nước" đã rời đi lúc nửa đêm.

Càn Long bị rồng dọa đến phát ốm

Theo sách cổ ghi chép, Hoàng đế Càn Long từng gặp phải một con rồng, nhưng nói đúng ra, con rồng đó không phải rồng trên trời, mà là một con giao long. Tương truyền, giao long thường ẩn mình trong núi sâu, tu luyện hàng nghìn năm, sau khi tu thành sẽ trở thành rồng bay lên trời. Nhưng cũng không phải tất cả giao long đều có thể thăng thiên, có một số giao long khả năng tu cảnh giới không cao, cuối cùng chỉ có thể tiến ra biển, trở thành thuộc hạ của Long Vương. Bởi vậy nơi nào có Giao long thì dưới lòng đất sẽ có nước.

Một ngày nọ, trong lúc rảnh rỗi, Càn Long đã cải trang vi hành đến dân gian. Trên đường đi, Càn Long bèn hỏi Kỷ Hiểu Lam rằng trong kinh thành có chỗ nào ly kỳ hay không. Kỷ Hiểu Lam trả lời: "Có một cái giếng, hình như nhốt một con giao long, nhưng không ai dám kinh động đến nó".

Càn Long liền nói: "Ta hãy đến đó, xem có cái gì kỳ quặc".

Kỷ Hiểu Lam nói: "Truyền thuyết kể rằng đây là do quân sư khai quốc triều Minh Lưu Bá Ôn, để đảm bảo nguồn nước của kinh thành, đã đem một con giao long nhốt vào bên trong".

Càn Long và đám quần thần đi đến bên cạnh giếng, nhìn thấy có một đầu dây xích sắt được thả ở trong giếng. Càn Long rất tò mò, liền bảo Kỷ Hiểu Lam sai mấy người lực lưỡng kéo động xích sắt. Kỷ Hiểu Lam nói: "Hoàng Thượng tuyệt đối không nên làm như vậy, nếu như kinh động đến giao long, sẽ khiến kinh thành bị càn quấy đến long trời lở đất".

Càn Long không tin, cho rằng việc này không đáng lo. Kỷ Hiểu Lam không có cách nào, đành phải tìm người kéo dây xích sắt. Kết quả khi dây xích sắt kéo được mấy trăm mét, vẫn là không thấy có thứ gì. Tuy nhiên, Càn Long vẫn không chịu từ bỏ ý định, sai người tiếp tục kéo, lại kéo không biết bao nhiêu lâu, nghe thấy trong giếng phát ra tiếng động ầm ầm, theo cùng tiếng động, một con giao long từ đáy giếng bò lên.

Nhìn thấy giao long ở trước mắt, Càn Long sợ hãi đến chân mềm nhũn, ngồi bệt xuống mặt đất. Giao long nói với Càn Long: "Nếu như không phải là bởi vì có Thần tiên bảo hộ ngươi, thì ta hôm nay đã ăn thịt nhà ngươi". Nói xong, con rồng lại lặn xuống đáy giếng, dây xích sắt cũng bị nó kéo xuống đáy giếng.

Lần này Càn Long khiếp sợ cũng không hề nhẹ, sau khi trở về hoàng cung thì lâm bệnh vài ngày mới hồi phục. Kỷ Hiểu Lam thì ngược lại, ông không quá sợ hãi, bởi dù sao thì với kiến thức rộng rãi, rồng đối với ông cũng không phải là chuyện gì quá kỳ lạ.

Trung Nguyên
Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Rồng có thật hay không? Kỳ bí tiếng rồng kêu ở Đài Loan [Radio]