Quỷ cũng có lương tâm, trách cứ người nhà đòi chủ nhân quá nhiều phí mai táng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Làm ma nhưng vẫn không đánh mất lương tâm, vẫn biết hổ thẹn thay cho những người đang sống. Hai câu chuyện dưới đây được Kỷ Hiểu Lam kể lại trong tác phẩm "Duyệt vi thảo đường bút ký" lại chính là hồi chuông mà người chết cảnh tỉnh người sống.

Chết cũng không mất lương tâm

Nô bộc Vương Kính là con trai của Vương Liên Thăng. Trước đây tôi (Kỷ Hiểu Lam) có mở một hiệu cầm đồ ở Thôi Trang, bởi vì ra ngoài làm quan thời gian dài, bỏ bê chăm sóc, nên hiệu cầm đồ làm ăn thua lỗ hết. Con cháu trong nhà lại cùng nhau góp vốn gầy dựng lại hiệu cầm đồ này, thuê Vương Kính gõ mõ canh gác đêm. Một đêm nọ, Vương Kính treo cổ chết trên lầu, ngay cả mẹ và em trai của anh ta cũng không biết vì sao con mình lại tự sát.

Vợ của Vương Kính sống ở cạnh hiệu cầm đồ, thường xuyên bệnh nặng người yếu. Một ngày nọ, linh hồn của Vương Kính bỗng nhiên bám vào trên người nàng ta, quở trách mẹ và em trai:

"Tôi bởi vì đánh bạc thua tiền mà chết, các người vì sao yêu cầu chủ nhà phí mai táng nhiều như vậy, khiến cho tôi hổ thẹn trong tâm! Hôm nay tôi tới để tuyên bố, đây không phải bản ý của tôi".

Có người hỏi: "Ngươi không hận người đến đòi nợ ngươi sao?"

Hắn (linh hồn của Vương Kính) nói: "Không hận. Nếu có ai thiếu tiền của ta, chẳng nhẽ ta không muốn đòi hay sao?"

Lại có người hỏi hắn: "Ngươi không hận người dẫn dụ ngươi đánh bạc sao?"
Hắn nói: "Cũng không hận. Tay này chính là tay của ta, ta không cá cược, người khác có thể dắt lấy tay của ta đi cược sao? Ta bây giờ chỉ có thể an tâm chờ được đầu thai".

Lúc đầu khi linh hồn của Vương Kính bám trên vợ mình để nói chuyện, mọi người còn tưởng rằng là bệnh nhân nói mê sảng. Sau đó nghe hắn kể lại những chuyện cũ trong đời và người thân cùng bạn hữu, từ giọng nói cho đến dáng điệu đều giống hệt Vương Kính.

Mọi người đều nói rằng: "Người này chết làm quỷ mà vẫn không đánh mất lương tâm, nhất định sẽ không vĩnh viễn bị trầm luân ở âm phủ".

Ma cũng biết hổ thẹn

Lý Ngọc Điển kể:

Tổ tiên tôi ngày xưa có một người là con cháu trong gia đình làm quan, một đêm nọ đi ngang qua núi sâu và bị lạc đường. Anh ta trông thấy một cái hang, vì quá mệt mỏi nên muốn đi vào nghỉ ngơi, nhưng lại nhìn thấy một người họ hàng nào đó đã qua đời đang ở trong hang động. Anh cảm thấy sợ hãi, cho nên không dám tiến vào. Nhưng người họ hàng kia rất thân thiết chào hỏi anh ta. Tâm anh ta nghĩ rằng sẽ không có tai họa gì, bèn tiến vào hang gặp mặt chào hỏi người họ hàng. Người họ hàng kia giống như khi còn sống, ân cần hỏi han anh này, còn hỏi thăm mọi chuyện trong nhà. Vừa nói, hai người đều sụt sùi xúc động.

Người cháu hỏi: "Phần mộ của bác không phải ở nơi đây, sao bác lại đến đây?"

Người họ hàng kia cảm thán nói:

"Ta lúc còn sống không mắc sai lầm gì, đọc sách chỉ là theo người nhà sắp xếp, làm quan cũng chỉ là theo bổn phận đảm nhiệm chức vụ, bình sinh không có lỗi lớn, cũng không có thành tích gì. Không ngờ sau khi chết, mai táng được mấy năm, phần mộ phía trước đột nhiên xuất hiện một tấm bia đá lớn, trên bia khắc chữ ngoằn ngoèo, nội dung khắc chính là chức quan tính danh của ta.

Những gì viết trên bia văn đều là chuyện mà ta chưa hề biết, trong đó một số ít là tương đối có chút căn cứ, còn lại đều nói quá sự thật. Ta cả đời giản dị bình thường, công danh không có gì đáng nói, bởi vậy nhìn thấy cái bia văn này trong lòng cảm thấy rất bất an, hơn nữa mọi người đi qua đây, lúc đọc bia văn đều giễu cợt bình luận. Lũ quỷ đến đây quan sát, giễu cợt mỉa mai ngày càng nhiều. Ta thực sự nhẫn nhịn không được những lời châm chọc lạnh lùng ấy, đành phải trốn tới chỗ này ở. Chỉ vào những ngày lễ ngày tết lúc con cháu tới tảo mộ thì ta mới có mặt ở mộ phần của mình mà thôi".

Người cháu an ủi bác mình: "Những người con hiếu thảo, đều cho rằng không làm như vậy là không đủ tôn vinh cha mẹ, tất cả mọi người đều như thế. Thái Trung Lang (danh sĩ Trung Quốc cuối thời Đông Hán, là cha của tài nữ trứ danh Thái Diễm (Thái Văn cơ )), Hàn Dũ... Những ví dụ như vậy thời cổ đại có rất nhiều. Bác cần gì phải canh cánh trong lòng, để ở trong lòng như vậy?"

Người họ hàng nghe xong, rất nghiêm túc nói:

"Đúng hay sai, trong lòng mỗi người đều có thể phân biệt. Dù cho có thể lừa gạt người khác, nhưng bản thân tự mình để tay lên ngực sẽ không khỏi hổ thẹn. Huống chi đúng - sai, thiện - ác tự có công luận, lừa gạt người khác thì có ích lợi gì? Muốn vinh tông diệu tổ cần sự chân thực, nói không thật ngược lại còn khiến cho người khác mỉa mai cười nhạo. Không ngờ rằng ngươi là con cháu trong gia đình danh môn vọng tộc, mà kiến thức bất quá cũng chỉ như thế mà thôi!"

Người họ hàng nói xong thì đứng lên rời đi. Người cháu này vô cùng hoảng sợ, mơ mơ màng màng không biết mình đã đi về nhà như thế nào.

Tôi (Kỷ Hiểu Lam) nói, cố sự này là chuyện ngụ ngôn mà Lý Ngọc Điển kể. Nhưng nhạc phụ của ông ấy là Điền Bạch Nham nói: "Chuyện này không nhất định là có thật, nhưng đạo lý này hẳn là cần phải ghi nhớ".

Lý Tuệ
Theo Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Quỷ cũng có lương tâm, trách cứ người nhà đòi chủ nhân quá nhiều phí mai táng