Quỷ Cốc Tử nhìn hoa đoán vận mệnh 2 đồ đệ [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bàng Quyên đã chết tại đường Mã Lăng đúng như lời Quỷ Cốc Tử tiên tri “ngộ mã nhi tụy”. Và nó cũng ứng với lời thề mà anh ta đã tự phát ra trước đây “Nếu đệ sai lời, sẽ chết bởi vạn mũi tên”.

Quỷ Cốc Tử được hậu thế tôn xưng là ông Tổ của Tung Hoành gia, một nhân vật Đạo gia tiêu biểu, một tôn sư binh pháp gia và tinh thông học vấn bách gia.

Thời đó ông sống tại Dương Thành nước Chu, tại một nơi trong thung lũng có rừng núi thâm u vô cùng được mệnh danh là Thung lũng Quỷ (Quỷ Cốc). Quỷ Cốc Tử dạy học trò căn cứ theo tài năng của mỗi người. Một là khi thành tài thì những đệ tử đó có thể được 7 nước chư hầu trọng dụng (Thất hùng thời Chiến Quốc). Thứ đến là nếu tìm ra người đệ tử có cốt Tiên thì sẽ dạy cho anh ta đắc Đạo thành Tiên, cùng ông quay về Thượng giới. Quỷ Cốc Tử dạy học chưa bao giờ từ chối ai, và cũng không đuổi người nào về.

Bàng Quyên và Tôn Tẫn nghe danh cũng đến đây. Họ bái Quỷ Cốc Tử làm thầy, trở thành đồng môn sư huynh đệ, học về binh pháp và chiến thuật.

Thấm thoắt mà ba năm đã trôi qua rất nhanh, cả hai đều đã đạt được một số trình độ về binh pháp. Vì vậy, sư đệ Bàng Quyên cảm thấy mình có khả năng, nóng lòng muốn xuất sơn, bước ra thiên hạ mà tạo lập sự nghiệp lớn.

Một ngày nọ, Bàng Quyên xuống núi gánh nước. Anh ta nghe người dân kháo nhau rằng nước Ngụy đang bỏ ra rất nhiều tiền bạc để chiêu mộ nhân tài và tìm danh tướng. Nghe tin đó Bàng Quyên bỗng động tâm, nóng lòng muốn xuống núi quay về ứng thí. Nhưng anh ta vẫn chưa dám xin Quỷ Cốc Tử vì sợ thầy không cho.

Trong lúc lưỡng lự, Quỷ Cốc Tử vừa nhìn đã biết ý định của anh từ lâu nên mỉm cười nói: “Vận may của con đây rồi, sao con không xuống núi tìm phú quý đi?”.

Bàng Quyên nghe vậy liền dập đầu quỳ xuống hỏi thầy: “Đệ tử có ý định này. Chỉ không biết chuyến đi này có suôn sẻ không?”

Quỷ Cốc Tử nói: “Con hãy vào núi hái một bông hoa về đây. Ta sẽ bói cho con một quẻ vậy.”

Vì vậy, Bàng Quyên đã vào núi tìm hoa. Lúc đó, trời nắng nóng vào tháng 6 (âm lịch), hoa nở hết, anh ta loanh quanh tứ phía hồi lâu mới tìm được một cọng hoa dại. Khi định nhổ cây đem về cho thầy thì anh nghĩ: “Hoa này yếu ớt quá, không phải là hoa tốt.” Anh ta bèn ném nó xuống đất rồi đi khắp nơi tìm kiếm, nhưng thật lạ là không có bông hoa nào cả. Anh phải quay lại nhặt bông hoa trước đó đem về nhưng giấu nó trong ống tay áo.

Bàng Quyên quay về nói với Quỷ Cốc Tử: “Trong núi không có hoa.”

Quỷ Cốc Tử bảo: “Vậy là không có hoa, thế cái gì trong ống tay áo con?”

Bàng Quyên thấy vậy không giấu được nên đành lấy hoa ra. Bông hoa bỏ lăn lóc dưới đất, phơi nắng lâu ngày đã héo úa một nửa.

Quỷ Cốc Tử hỏi: “Con có biết tên loài hoa này không? Nó có tên là Mã Đâu Linh. Khi nở ra nó có 12 bông. Đây là số năm đại vận mà con sẽ có được may mắn. Nó được hái trong Quỷ Cốc và héo khi gặp ánh mặt trời. Quỷ Cốc là chữ Quỷ , khô héo là chữ Nuy , cây héo mất một nửa nên bỏ bộ thảo còn chữ Ủy , hai chữ ghép lại thành chữ Ngụy . Điều đó cho thấy rằng con sẽ phát lên ở nước Ngụy.”

Bàng Quyên trong lòng kinh ngạc. Quỷ Cốc Tử nói: “Nhưng con đừng lừa dối người ta, bởi con nhất định sẽ bị người khác hại vì đã lừa dối họ. Con phải biết dừng lại. Sư phụ có tám chữ này. Con nên nhớ lấy 'Ngộ dương nhi vinh, ngộ mã nhi tụy’.” (Nghĩa là: Gặp dê, cừu thì vinh, gặp ngựa thì họa).

Bàng Quyên lạy tạ và nói: “Lời của Sư phụ giáo huấn. Con xin khắc ghi vào lòng.”

Quỷ Cốc Tử
Quỷ Cốc Tử (Tranh của Hồng Ứng Minh trong bộ tranh ‘Tiên Phật Kỳ Tung’)

Lúc Tôn Tẫn tiễn Bàng Quyên xuống núi, Bàng Quyên nói: “Huynh và đệ là anh em kết bái, đã thề sẽ cùng hưởng phú quý. Chuyến này đi nếu đệ thành công, nhất định sẽ tiến cử huynh để cùng kiến công lập nghiệp”.

Tôn Tẫn hỏi lại: “Lời của đệ nói là thật chăng?”

Bàng Quyên đáp: “Nếu đệ sai lời, sẽ chết bởi vạn mũi tên”.

Tôn Tẫn nói: “Đa tạ ân tình của đệ, đâu cần thề độc như vậy!” Hai huynh đệ bùi ngùi tạm biệt.

Bàng Quyên trước tiên đến dinh của Vương tướng quốc, và nói chuyện với Vương Thác về binh pháp. Vương Thác rất quan tâm nên đã giới thiệu anh với Ngụy Huệ Vương. Khi Bàng Quyên vào triều, ngự trù (đầu bếp) của Ngụy Huệ Vương mang món thịt cừu hấp dâng lên cho Huệ Vương, và ông vừa cầm đũa lên. Bàng Quyên trong lòng vui mừng nghĩ: “Sư phụ ta nói 'ngộ dương nhi vinh’', quả đúng như vậy”. Lúc này, Huệ Vương nhìn thấy Bàng Quyên, liền bỏ đũa xuống chào hỏi.

Kể từ đó trở đi, Bàng Quyên sự nghiệp thanh vân đắc lộ, một bước lên mây. Không kể tiếp nữa.

Lại nói chuyện bên trên, Mặc Tử (một trong bách gia chư tử, bậc thầy về binh pháp) đã đi chu du đến các danh sơn thắng địa và tình cờ đi ngang qua Quỷ Cốc, vì vậy ông ấy đã đến thăm người bạn cũ của mình là Quỷ Cốc Tử. Vừa hay gặp Tôn Tẫn, cả hai nói chuyện rất vui vẻ, Mặc Tử hỏi vì sao đã học thành binh pháp rồi mà không xuất sơn để lập công danh mà lại ẩn dật ở núi này. Mặc Tử nghe Tôn Tẫn nói rằng anh đã có một ước hẹn với đồng môn sư đệ Bàng Quyên, và vẫn đang chờ sự tiến cử của anh ta. Mặc Tử bảo sẽ đến Ngụy để tìm hiểu tình hình Bàng Quyên hư thực thế nào.

Mặc Tử đến nước Ngụy, thấy Bàng Quyên tự phụ năng lực của mình, nói năng không chút xấu hổ, biết rằng ông ta không có ý định tiến cử Tôn Tẫn nên trực tiếp đến gặp Ngụy Huệ Vương. Huệ Vương đã sớm nghe đến đại danh Mặc Tử, liền đón ông vào cung để bàn về binh pháp. Mặc Tử chỉ giảng ngắn gọn một chút về binh pháp nhưng đã làm Ngụy Huệ Vương rất vui mừng và muốn giữ Mặc Tử lại. Mặc Tử đã tiến cử Tôn Tẫn.

Huệ Vương hỏi: “Tôn Tẫn cũng trong sư môn Quỷ Cốc Tử cùng với Bàng Quyên là đồng môn sư huynh đệ. Ông nghĩ ai giỏi hơn?”

Mặc Tử trả lời: “Mặc dù Tôn Tẫn và Bàng Quyên là cùng sư môn, nhưng chỉ có Tôn Tẫn là đắc được binh pháp bí truyền của tổ tiên (Tôn Tẫn là cháu nhiều đời của binh Thánh Tôn Vũ). Trên đời không có đối thủ, huống chi là Bàng Quyên?” Sau đó ông từ biệt Huệ Vương.

Ngụy Huệ Vương triệu Bàng Quyên đến hỏi chuyện Tôn Tẫn đắc được binh pháp bí truyền thiên hạ vô địch của Tôn Vũ, vì sao không vì Huệ Vương mà tiến cử anh ta. Bàng Quyên trả lời rất tự nhiên rằng vì Tôn Tẫn là người nước Tề. Huệ Vương nói: “Kẻ sĩ có thể chết vì người tri kỷ, vì sao không thể đến bản quốc trở thành nhân tài hữu dụng được?”

Bàng Quyên thấy sự quyết ý của Huệ Vương, liền nói sẽ viết thư cho Tôn Tẫn. Nhưng trong lòng tính toán: “Bình quyền của nước Ngụy hiện tại nằm cả trong tay ta, Tôn Tẫn mà đến ắt sẽ đoạt mất, nhưng mà mệnh lệnh của Huệ Vương không thể không theo. Hãy đợi đến khi hắn đến sẽ dùng mưu hại để hắn không được trọng dụng”. Nghĩ thế, Bàng Quyên liền viết thư trình lên cho Huệ Vương.

Ngụy Huệ Vương đã chuẩn bị sẵn xe tứ mã, vàng ròng ngọc bích và sai người đến Quỷ Cốc cùng với bức thư của Bàng Quyên để thỉnh Tôn Tẫn hạ sơn.

Tại Quỷ Cốc, Tôn Tẫn đã sớm nghe tin sư đệ Bàng Quyên tại nước Ngụy được Ngụy Vương trọng dụng, trong lòng đã rất mực khâm phục. Vừa hay lại nhận được thư của sư đệ Bàng Quyên, thỉnh anh cùng về triều phò tá Huệ Vương, nên trong tâm cảm thấy vô cùng vui mừng, liền đem thư trình lên Quỷ Cốc Tử xem qua.

Quỷ Cốc Tử biết Bàng Quyên đang thời vận hảo nên được trọng dụng, bây giờ anh ta viết thư để mời Tôn Tẫn đi, nhưng trong thư anh ta thậm chí không nói một lời vấn an đến sư phụ, người này quả là một người tình nghĩa bạc bẽo và vô ơn. Ông cũng biết rằng Bàng Quyên vốn đã sinh tâm kiêu ngạo và tật đố, nếu Tôn Tẫn đi sẽ không ổn. Ông không muốn để cho Tôn Tẫn đi, nhưng lại thấy Huệ Vương đã trịnh trọng phái sứ giả đến, và bản thân Tôn Tẫn cũng đã háo hức rồi, sẽ rất khó để ngăn cản. Vì vậy, ông bảo Tôn Tẫn tìm một bông hoa để ông dự đoán cát hung họa phúc cho anh.

Lúc đó là tháng 9 âm lịch vào mùa thu, trên cái án của Quỷ Cốc Tử có để một cái bình hoa, trong bình có một bông cúc vàng. Tôn Tẫn nghe sư phụ bảo đi hái hoa để xem quẻ, anh ta liền lấy ngay bông hoa đó và thỉnh sư phụ dùng bông cúc đó để xem, sau cắm hoa trở lại bình.

Bức họa Tôn Tẫn
Bức họa Tôn Tẫn (Tranh thời nhà Minh)

Vì vậy, Quỷ Cốc Tử nói với Tôn Tẫn: “Hoa này đã bị hỏng và không hoàn hảo, nhưng hoa cúc có khả năng chịu lạnh, và không bị hư trong sương giá. Tuy rằng bị tàn hại, nhưng không tính là việc đại hung hiểm. Điều làm người ta cao hứng là nó được chăm sóc nuôi dưỡng trong bình, được người ta yêu thích xem trọng (điều đó cho thấy rằng ai đó sẽ trân trọng bảo vệ khi Tôn Tẫn bị hãm hại trong tương lai). Chiếc bình này được làm bằng kim loại và có hình dáng tương tự như một loại Chung đỉnh (ghi chú: Chung đỉnh lấy từ chung đỉnh văn, ngày xưa ai có công thì khắc công đức vào cái đỉnh. Vì thế chữ triện ngày xưa có lối chữ viết như cái chuông cái đỉnh gọi là chung đỉnh văn (鐘鼎文). Ý ở đây là Tôn Tẫn là người được Thần bảo hộ do bản thân là người có đại đức, từng có công đức lớn từ tiền kiếp nên sẽ tai qua nạn khỏi). Nó cho thấy rằng sau cùng con sẽ thoát khỏi khốn cảnh thì cũng là lúc dương danh thiên hạ. Con lấy bông hoa này ra cho thấy rằng con về kinh lần này sẽ được đề bạt nhưng đó cũng là lúc con sẽ trải qua một phen kinh tâm động phách khiến cho tâm tàn ý lạnh. Nhưng con lại cắm hoa trở lại trong bình cho thấy con sẽ đạt thành sự nghiệp lúc quay lại cố hương nước Tề. Ta sẽ đổi tên cho con để dễ dàng hơn trong việc mưu cầu tiến thủ”.

Tôn Tẫn (臏) khi đó vốn tên là Tôn Tân (賓). Do hai chữ này đồng âm khác nghĩa, chữ Tẫn nghĩa là xương đầu gối, Quỷ Cốc Tử đã thêm bộ Nguyệt 月 bên phải chữ Tân làm nó biến thành chữ Tẫn. Khi đó Quỷ Cốc Tử đã biết rằng tương lai Tôn Tẫn sẽ bị phạt chặt xương đầu gối (chữ Tẫn nghĩa là hình phạt chặt xương bánh chè), nhưng thiên cơ bất khả lộ. Quả nhiên sau này số phận Tôn Tẫn đã diễn ra hoàn toàn giống như Quỷ Cốc Tử đã tiên tri.

Sau đó Quỷ Cốc Tử đưa cho Tôn Tẫn một cái cẩm nang, dặn rằng lúc nguy nan tối hậu nhất mới lấy ra xem. Tôn Tẫn nhận cẩm nang, tạ từ sư phụ rồi cùng sứ giả Ngụy quốc hạ sơn hồi kinh.

Khi đến nước Ngụy, Tôn Tẫn bị sư đệ Bàng Quyên hãm hại chặt xương bánh chè và thích chữ vào mặt. Tuy nhiên, Bàng Quyên vì muốn lấy được binh pháp bí truyền của Tôn Tử, nên nhất thời chưa giết Tôn Tẫn. Lúc này, Tôn Tẫn vẫn một mực tin tưởng rằng sư đệ Bàng Quyên không lừa dối mình, đồng thời còn cảm ơn Bàng Quyên đã giúp mình không bị vua Ngụy giết hại. Bản thân tàn phế và được Bàng Quyên chu cấp cho ngày ba bữa, khiến Tôn Tẫn cảm thấy áy náy. Sau này, một người nô bộc của Bàng Quyên phục vụ Tôn Tẫn, thấy ông vô tội bị oan, cảm thấy thương xót, anh ta nghe nói Tôn Tẫn sẽ bị giết sau khi viết xong quyển binh thư, vì vậy anh ta đã bí mật nói cho Tôn Tẫn biết sự thật.

Tôn Tẫn nghe thấy sự thật trong lòng chấn kinh, liền muốn tìm cách bỏ trốn, chợt nghĩ đến lời dặn trước chia tay của sư phụ Quỷ Cốc Tử, anh lấy cẩm nang và mở ra, hóa ra là một miếng lụa vàng với dòng chữ “hãy giả điên” được viết trên đó. Tôn Tẫn bèn giả điên và ngớ ngẩn đến mức ăn phân, uống nước tiểu, ngủ trong chuồng lợn. Lúc đó Bàng Quyên bèn cho anh ta tự mình đi đến chợ, hàng ngày phái người báo cáo xem anh ta ở đâu, trong lòng dần cảm thấy yên tâm. Bất luận thế nào, người dân đều đã biết rằng vị khách họ Tôn kia đã bị điên rồi.

Đúng lúc Mặc Tử chu du đến nước Tề, đệ tử của ông là Cầm Hoạt Ly vừa từ nước Ngụy trở về (Cầm Hoạt Ly còn gọi là Cầm Tử, là đệ tử nổi tiếng nhất của Mặc Tử, từng cùng thầy và 300 môn sinh Mặc gia thủ thành chống lại quân Sở và Lỗ Ban). Mặc Tử bèn hỏi anh ta về tình trạng của Tôn Tẫn thì mới biết được sự tình. Trong lòng bèn than thở cho rằng mình đã hại Tôn Tẫn rồi.

Mặc Tử sau đó đem chuyện của Tôn Tẫn và Bàng Quyên thuật lại hết cho công tử nước Tề là Điền Kỵ. Điền Kỵ báo lại chuyện với Tề Uy Vương. Uy Vương quyết định nghênh đón Tôn Tẫn về nước trọng dụng.

Uy Vương chấp nhận dùng kế của Điền Kỵ để có thể đón Tôn Tẫn về nước bằng cách phái người qua nước Ngụy hiến trà, và Cầm Hoạt Ly cải trang làm tùy tùng đi theo. Cuối cùng dưới sự hỗ trợ của Cầm Hoạt Ly và một tù phạm, Tôn Tẫn đã thành công trốn thoát trở về Tề quốc.

Từ đó về sau, Tôn Tẫn và Bàng Quyên do cừu hận đã triển khai rất nhiều cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia.

Tôn Tẫn và Điền Kỵ ban đầu được nước Tề rất trọng dụng, sau đó bị một người nào đó do có oán thù với nước Tề và bị Bàng Quyên mua chuộc để hãm hại cả Điền Kỵ và Tôn Tẫn. Mãi cho đến khi Tề Uy Vương hoăng (hoăng: nghĩa là chết, từ dùng riêng để chỉ vua chư hầu qua đời), Tề Tuyên Vương tức vị, mới lại triệu hồi trọng dụng...

Cuối cùng, đến trận chiến ở đường Mã Lăng thì lời tiên tri của Quỷ Cốc Tử đã thành sự thật.

Thái tử nước Ngụy và Bàng Quyên thống lĩnh quân đội tấn công nước Hàn. Nước Hàn cầu cứu Tề. Tôn Tẫn ở Tề bèn dùng kế công Ngụy cứu Hàn, đem quân tấn công nước Ngụy. Bàng Quyên bất đắc dĩ phải đem quân quay về cứu nước Ngụy. Tôn Tẫn đã tính toán thời gian đoàn quân của Bàng Quyên đi qua đường Mã Lăng nằm giữa hai ngọn núi, bèn sắp đặt mai phục ở đó. Ông cho chặt hết cây cối hai bên chắn ngang đường, chỉ còn lại một thân cây to lớn, thân cây hướng về phía con đường bị lột sạch vỏ chuyển sang màu trắng. Trên thân cây lấy than đen viết các chữ lớn: “Bàng Quyên chết dưới cây này”, hàng ngang viết: “Tôn Quân sư báo cho biết”. Đồng thời căn dặn binh sĩ mai phục: “Khi thấy ánh lửa dưới gốc cây, hãy bắn tên cùng lúc”.

Lúc Bàng Quyên đến đường Mã Lăng, cũng là lúc mặt trời vừa lặn, cũng không có ánh trăng. Tiền quân báo về là có cây đổ chắn đường, không thể tiến lên trước. Bàng Quyên nói lớn rằng đây là do quân Tề sợ quân Ngụy đuổi theo sau lưng thôi, nên mới bày ra kế này. Đang định truyền lệnh cho quân sĩ đốn cây để thông đường thì bất ngờ ông ta nhìn lên và thấy trên thân cây có vết cắt trắng, có chữ viết mờ nhưng ánh sáng mờ khó nhận ra, bèn ra lệnh cho quân lính thắp đuốc lên xem. Tất cả các quân sĩ cùng nhau thắp lửa, Bàng Quyên nhờ ánh lửa, nhìn rõ dòng chữ, sửng sốt nói: “Ta trúng kế Tôn Tẫn rồi!”

Ông ta vội vàng ra lệnh quân sĩ nhanh chóng rút lui, nhưng giọng nói ra lệnh bị lạc đi. Phục binh nhìn thấy hiệu lệnh từ ánh lửa, vạn cánh nỏ cùng bắn, tên bay như mưa, quân Ngụy đại loạn.

Bàng Quyên bản thân bị thương nặng, không thể qua khỏi, cảm thán trong lòng nói: “Ta hận đã không giết chết kẻ què kia, mà còn làm hắn thành danh!”. Nói xong rút kiếm tự tử.

Bàng Quyên đã chết tại đường Mã Lăng đúng như lời Quỷ Cốc Tử tiên tri “ngộ mã nhi tụy”. Và nó cũng ứng với lời thề mà anh ta đã tự phát ra trước đây “Nếu đệ sai lời, sẽ chết bởi vạn mũi tên”.

Dưới đây bổ sung một chi tiết. Bàng Quyên không giết Tôn Tẫn ngay lập tức vì ông ta yêu cầu Tôn Tẫn viết ra binh pháp bí truyền của Tôn Tử. Nếu viết ra xong, sẽ lập tức giết anh ta ngay. Hai người họ đã cùng nhau nhập môn học từ Quỷ Cốc Tử, vì sao mà sở học của họ lại không giống nhau (khiến cho Bàng Quyên phải uy hiếp Tôn Tẫn để lấy binh thư) hay là do sư phụ thiên vị mà giảng dạy khác nhau chăng? Chúng ta sẽ cùng nhau nhìn lại xem sao.

Khi Bàng Quyên hạ sơn, Tôn Tẫn tiễn biệt. Tôn Tẫn đã rơi lệ chia tay sư đệ. Quay về mặt vẫn còn ngấn lệ.

Quỷ Cốc Tử nhìn thấy hỏi: “Con thấy buồn khi Bàng Quyên rời đi sao?”

Tôn Tẫn trả lời: “Tình cảm của đồng môn huynh đệ, có thể không trân trọng sao sư phụ?”

Quỷ Cốc Tử hỏi: “Con xem tài năng của Bàng Quyên, có thể làm đại tướng được không?”

Tôn Tẫn trả lời: “Đệ ấy học với sư phụ nhiều năm như vậy, lẽ nào không đủ tài năng sao?”
Quỷ Cốc Tử nói: “Hoàn toàn không có khả năng, hoàn toàn không có khả năng”.

Tôn Tẫn nghe thấy mà trong lòng chấn động, hỏi nguyên nhân, nhưng Quỷ Cốc Tử không trả lời.

Ngày hôm sau, Quỷ Cốc Tử bảo với các đệ tử: “Ta ghét nghe tiếng chuột vào ban đêm. Các con sẽ thay phiên nhau trực đêm và xua đuổi chúng cho ta”.

Vào đêm khuya đến phiên Tôn Tẫn trực đêm, Quỷ Cốc Tử lấy từ dưới gối ra quyển binh thư đề “Tôn Vũ binh pháp thập tam thiên” và kể về lai lịch của nó. Sau đó Quỷ Cốc Tử giảng giải về các bí pháp dùng binh, nói rằng tất cả bí mật của binh pháp đều được chú giải trong này, không thể khinh suất truyền cho bất cứ một người nào. Quỷ Cốc Tử nói: “Hiện nay ta thấy con là người tâm thuật trung hậu, nên đặc biệt truyền lại cho con”.

Tôn Tẫn kể rằng mình mồ côi cha mẹ, gặp quốc nạn, gia đình ly tán, dù biết tổ tiên có cuốn sách này nhưng chưa ai dạy, bèn hỏi: “Sư phụ có chú giải binh thư này, tại sao lại không truyền nó cho Bàng Quyên mà lại chỉ truyền cho con?”

Quỷ Cốc Tử trả lời: “Những ai có được cuốn sách này, người thiện sẽ dùng nó làm lợi cho thiên hạ, người bất thiện sẽ dùng nó làm hại thiên hạ. Bàng Quyên không phải là một người tốt, làm sao ta lại khinh suất mà truyền nó cho hắn?”

Thế là Tôn Tẫn đem sách về phòng ngủ, ngày đêm học hành. Ba ngày sau, Quỷ Cốc Tử yêu cầu trả sách, dò hỏi từng bài, Tôn Tẫn trả lời trôi chảy không sót một chữ nào.

Quỷ Cốc Tử cao hứng nói: “Con dụng tâm vất vả như thế, coi như là phúc trạch tổ tiên vẫn còn chưa hết!”

Thật cảm thán rằng trong giới tu luyện có một câu nói rằng “Sư phụ tìm đồ đệ” thay vì người đời vẫn tưởng là “đồ đệ tìm sư phụ”, điều này có thể thấy trong truyện này. Xem ra còn có một nguyên nhân khiến cho nhiều thứ cổ xưa thất truyền, có thể là do các sư phụ không tìm được người có tài đức lớn gánh vác. Nhìn khắp thế gian, những cảnh ghen ghét đố kỵ người hiền tài, dẫn đến việc hại người hại mình xưa nay vẫn luôn xảy ra mà chưa hề dừng lại.

Cảm ngộ

Quỷ Cốc Tử có thể là một bậc chân nhân đắc Đạo và đi tìm đồ đệ có nhân duyên để độ họ tu luyện. Vì tu luyện thời xưa là phải tu rất lâu dài nhiều kiếp mới xong. Câu chuyện này kể lại quá trình tu của của hành giả Tôn Tẫn ở thời Chiến Quốc. Nó thể hiện rõ nhất lúc Quỷ Cốc Tử đổi tên cho Tôn Tẫn. Ông ấy đã dùng đạo thuật cao siêu là thuật cải mệnh bằng danh tự học. Thông qua việc đổi tên cải vận, ông đã an bài một cách trật tự con đường tu luyện cho Tôn Tẫn, cũng như sắp xếp để Tôn Tẫn trả dứt nợ nghiệp bằng đôi chân, qua đó dứt bỏ lòng chấp vào công danh để toàn tâm tu luyện. Nợ nghiệp của một người là vô cùng nhiều nên Tôn Tẫn bị chặt chân rồi lại phải giả điên ăn phân, uống nước tiểu, ngủ chuồng lợn mới hết nợ. Sau đó mới có người cứu khỏi khốn cảnh.

Từ lúc Bàng Quyên tâm thuật bất chính xuống núi cũng là lúc ông thực thi an bài này rồi. Người đời nhìn câu chuyện Tôn - Bàng thấy cảm thương cho Tôn Tẫn, cũng cảm thấy ông Trời không công bằng với một người tài hoa như thế. Nhưng đâu hay bởi vì lòng Trời và chân nhân tu Đạo là sư phụ ông ta thương người đại căn khí như Tôn Tẫn nên mới an bài một câu chuyện thê thảm bi tráng như vậy. Bởi vì đối với người tu luyện thì tùy theo căn cơ mỗi người mà sư phụ cho rằng khổ nạn càng lớn tiêu nghiệp sẽ càng nhanh, sẽ dễ đắc đạo để quay về Thiên thượng hơn. Nên hậu thế vẫn luôn lưu truyền những cổ sự như thế này, ẩn chứa huyền cơ, thứ nhất là khuyến thiện trừng ác, thứ hai là cho những người có căn cơ tu đạo nhìn ra chân tướng mà khởi nhân duyên tu luyện vậy. Thật đáng quý và đáng kính thay, các bậc chân nhân!

Minh Bảo
Theo SOH

Tài liệu tham khảo: Đông Chu Liệt Quốc Chí



BÀI CHỌN LỌC

Quỷ Cốc Tử nhìn hoa đoán vận mệnh 2 đồ đệ [Radio]