Quan thanh liêm hiền đức một đời, lỗi một lần mất mười năm thọ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhân quả luật trời, vay trả công minh, phàm trong trời đất, bất kể là ai cũng tương đồng không ngoại lệ. Dẫu là bậc cửu ngũ chí tôn vô thượng hay kẻ thường dân áo vải cơ hàn cũng vậy. Nghiệp gây ra thì phải đền phải trả, tội của mình thì chạy đâu cho thoát, người không thấy, nhưng trời không bỏ sót, người không trị, trời cao ắt trị...

Tuổi trẻ tài cao, đức độ phục người

Đường triều có một vị Tể tướng thanh sử lưu danh, tiếng thơm truyền tụng tên là Lâu Sư Đức. Thân cao 8 thước, miệng vuông môi đầy, khoan hậu. Sử sách có ghi ông là người thâm trầm độ lượng, khoan dung nhân hậu với mọi người. Ai mà làm điều không phải với ông, ông đều khiêm nhường xin họ lượng thứ, ngay cả mặt cũng không hề biến sắc tỏ vẻ giận dữ. Điển tích "Thoá diện tự can" - Nhổ nước bọt tự khô, chính là nói về vị Tể tướng này.

Một hôm Lâu Sư Đức và một vị đại quan trong triều là Lý Chiêu Đức cùng nhau đi bộ. Vì cơ thể ông mập mạp nên bước đi chậm chạp. Lý Chiêu Đức thấy ông đi chậm quá nên tức giận nói: “Tôi bị lão nhà quê làm cho mệt lây rồi”. Lâu Sư Đức nghe xong cười nói: “Tôi không phải lão nhà quê thì còn ai vào đây nữa?”.

Một lần, em trai ông được bổ nhiệm làm quan thứ sử ở Đại Châu. Trước lúc đi nhận chức, em trai ông đến từ biệt đồng thời hỏi ông có gì căn dặn? Lâu Sư Đức nói với em trai rằng: “Ta là tể tướng, đệ cũng được phong làm Thứ sử Đại Châu. Huynh đệ chúng ta nhận được ân sủng của quốc gia quá nhiều nên sẽ có người ghen ghét đố kỵ. Để tránh bị tổn hại, chúng ta gặp việc gì nhất định đều phải học cách nhẫn nại”.

Em trai nói xin anh cứ yên tâm, bày tỏ: “Sau này có người tức giận mà nhổ nước bọt vào mặt đệ, đệ tự mình lau đi là được".

Lâu Sư Đức thấy vậy nói; “Người khác nhổ nước bọt lên mặt đệ là lúc họ tức giận, đệ lau đi, cơn tức giận của họ chưa nguôi, sẽ tiếp tục nhổ tiếp. Theo huynh thấy, người khác có nhổ nước bọt lên mặt đệ, đệ không nên tự mình lau đi, nên để nó tự khô đi mới phải!...". Điển cố: “Thoá diện tự can" cũng là xuất phát từ câu chuyện này mà ra.

Điển cố: “Thoá diện tự can"
Theo huynh thấy, người khác có nhổ nước bọt lên mặt đệ, đệ không nên tự mình lau đi, nên để nó tự khô đi mới phải! (Ảnh: Secret China).

Lâu Sư Đức không chỉ đối đãi nhân hậu với người khác mà còn có con mắt nhìn người rất tinh tường. Nhà Đường thời bấy giờ còn một vị Tể tướng khác cũng rất nổi tiếng là Địch Nhân Kiệt, người này chính là do Lâu Sư Đức tiến cử. Tuy nhiên Địch Nhân Kiệt lại không hề biết điều này. Lúc đầu ông ta cho rằng Lâu Sư Đức chẳng qua cũng chỉ là người làm việc thận trọng, không có gì đặc biệt nên thậm chí còn có chút coi thường.

Đương thời Hoàng đế Võ Tắc Thiên hỏi Địch Nhân Kiệt: “Khanh cảm thấy Lâu Sư Đức có phải là người hiền năng không?”.

Địch Nhân Kiệt đáp: “Ông ấy làm tướng cẩn trọng giữ mình, thần không biết ông ấy có hiền năng hay không?”.

Võ Tắc Thiên lại hỏi: “Lâu Sư Đức biết nhìn người không?”.

Địch Nhân Kiệt đáp: “Thần và ông ấy là chỗ đồng liêu, trước nay chưa hề nghe nói ông ấy biết nhìn người!".

Võ Tắc Thiên cười nói: “Trẫm dùng khanh, chính là Lâu Sư Đức tiến cử, thật là biết nhìn người!"... Nói rồi lấy trong tay biểu tấu của Lâu Sư Đức tiến cử Địch Nhân Kiệt ra đưa cho ông ta xem. Địch Nhân Kiệt xem xong cảm thấy vô cùng hổ thẹn, nhất thời chỉ biết thốt lên rằng:

“Lâu công thịnh đức, ta được ông khoan dung đối xử mà không hề biết. Ta thật là thua ông quá xa rồi!"...

Hùng tài kiệt xuất, quan văn xuất trận cầm binh

Lại nói, Lâu Sư Đức 20 tuổi thi đỗ Tiến sĩ. Lúc đầu nhận chức Huyện úy Giang Đô, sau vì thành tích xuất sắc được thăng lên làm Giám Sát Ngự Sử. Năm 677 quân Thổ Phồn vùng Cao Nguyên Thanh Tạng phái binh đánh phá biên giới nhà Đường. Đường Cao Tông phát chiếu chiêu binh. Lâu Sư Đức lấy thân phận quan văn xin tham gia quân đội. Đường Cao Tông phái Lý Kính Huyền làm thống soái thống lĩnh ba quân thảo phạt quân Thổ Phồn, lại cử Lâu Sư Đức đi cùng phò tá.

Không ngờ, Lý Kính Huyền không hiểu chiến sự, kết quả dẫn tới đại bại, các đại tướng lĩnh dưới quyền cũng vì thế mà bị bắt làm tù binh. Trong lúc nguy nan, Lâu Sư Đức đảm đương trọng trách, một mặt chỉnh đốn lực lượng tàn quân, đồng thời một mặt thương thảo với quân Thổ Phồn đình hoãn chiến sự. Lâu Sư Đức dùng tài hùng biện của mình mà đưa ra những quan hệ lợi hại để thuyết phục tướng lĩnh, tạm thời giải quyết nguy cơ. Sau đó Lâu Sư Đức được nhậm chức Trung thị Ngự sử và Tư Mã quận Hà Nguyên, phụ trách công việc lập trại đóng quân, khai thác đất đai trồng lương thực.

Lâu Sư Đức thống lĩnh ba quan đánh bại quân Thổ Phồn
Lâu Sư Đức thống lĩnh ba quân chiến đấu với quân Thổ Phồn tại Bạch Thuỷ Giản, 8 trận đều thắng, hoàn toàn chế ngự thế lực của quân Thổ Phồn. (Ảnh: Shutterstock).

Sau này trong một lần quân Thổ Phồn lại xâm phạm vùng Hà Nguyên, Lâu Sư Đức thống lĩnh ba quân chiến đấu với quân Thổ Phồn tại Bạch Thuỷ Giản (nay thuộc Nam Quận, Hoàng Nguyên, Thanh Hải) 8 trận đều thắng, hoàn toàn chế ngự thế lực của quân Thổ Phồn, thể hiện tài năng tướng lĩnh của mình.

Sau trận thắng này, Lâu Sư Đức được Đường Cao Tông phong làm Tả Kiêu Kỵ Lang Tướng và đích thân Đường Cao Tông hạ bút viết chiếu thư, trên đó có đoạn viết: “Khanh hữu văn võ tài cán, cố thụ võ chức, vật từ dã", (Khanh có tài văn võ, cho nên phong khanh võ chức này xin đừng từ chối).

Sau khi Hoàng đế Võ Tắc Thiên chấp chính, Lâu Sư Đức được phong làm Tể tướng, vô cùng được trọng dụng, mãi đến năm 699 ông mới tạ thế, hưởng thọ 70 tuổi. Sau khi Lâu Sư Đức qua đời được Hoàng đế biểu dương công trạng siêu việt, thụ phong Đô đốc Kinh Châu, ban hiệu là “Trinh".

Tội gây ra thế gian có thể bỏ sót nhưng đạo trời khó lọt

Có thể nói Lâu Sư Đức là một đại thần văn võ toàn tài hiếm có của nhà Đường. Nhờ những đóng góp to lớn của mình mà ông được liệt vào một trong 37 vị Tể tướng tài ba xuất chúng của nhà Đường cùng hàng với các đại thần khác như: Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối…

Trước lúc mất vào năm 70 tuổi, khi ngủ cũng như khi làm việc, những người bên cạnh thường phát hiện Lâu Sư Đức nhiều lúc vô duyên vô cớ giật mình nói: “Ai vỗ vào lưng ta?”, tuy nhiên đầy tớ và mọi người xung quanh đều không thấy bất kỳ ai. Điều càng ly kỳ hơn đó là mọi người phát hiện Lâu Sư Đức tự mình lẩm bẩm như kiểu đang tranh luận với ai đó: “Theo lý ta thọ mệnh 85, sao bây giờ cắt giảm còn 70, là nguyên nhân gì?”. Lúc sau lại thấy Lâu Sư Đức nói lúc trước khi làm quan từng ngộ sát giết 2 người cho nên bị giảm thọ 10 năm. Nghe khẩu khí và biểu hiện của Lâu Sư Đức thì như thể ông nhận được thông báo thọ mệnh của mình đã tận, lúc sau thì qua đời.

Âm phủ có thật không?
Đường xuống âm phủ vốn dĩ tương thông với nhân gian, chỉ có điều con người không biết... (Ảnh: Shutterstock).

Vấn đề ở đây là làm sao Lâu Sư Đức biết mình thọ mệnh 80 tuổi? Trong cuốn Tuyên Thất Chí ghi chép về các sự việc truyền kỳ của nhà Đường có giải thích như sau: “Khi Lâu Sư Đức vẫn còn là một thường dân áo vải rất hay bị bệnh. Một hôm ông mơ thấy một người mặc áo tím đến bên giường nói: “Bệnh của ông có thể trị khỏi, nhưng phải đi theo tôi đến một nơi".

Sau đó Lâu Sư Đức đi theo người đó một đoạn dài thì đến bên ngoài cửa lớn của âm tào địa phủ. Thấy vậy ông giật mình nói: “Tại sao cửa lớn địa phủ lại ở nhân gian?”. Người áo tím đáp: “Đường xuống âm phủ vốn dĩ tương thông với nhân gian, chỉ có điều con người không biết".

Sau khi hai người bước vào địa phận âm phủ, đến Ti Mệnh (Nơi quản lý thọ mệnh của con người), Lâu Sư Đức cầu xin người áo tím mở sổ ghi chép thọ mệnh con người trên dương gian ra xem. Trên đó có ghi rõ thời gian ông thăng tiến cũng như thọ mệnh của mình, sổ ghi là: thọ 85 tuổi. Sau khi xem xong, Lâu Sư Đức trong tâm vui mừng nói: “Tôi chỉ là người dân thường áo vải, không bị chết đói chết rét là đủ rồi, đâu dám có tham vọng gì khác?".

Nói chưa dứt câu thì nghe tiếng trống thiên vọng xuống, Lâu Sư Đức giật mình tỉnh dậy, lúc này cũng là lúc tiếng chuông chùa gần đó vọng lại, trùng hợp với tiếng trống thiên. Sau đó bệnh tình của Lâu Sư Đức cũng khỏi, mọi việc xảy ra đúng như sổ âm tào ghi chép.

Thời gian trôi qua, một ngày Lâu Sư Đức lại mơ gặp một vị sứ giả mặc áo Vàng đến nói: “ Minh đồ tiểu lại, phụng mệnh thỉnh công (Tiểu lại Âm phủ phụng mệnh đón ngài) . Lâu Sư Đức nói: “Ta từng đích thân xem qua sổ âm tào, thọ mệnh 85 tuổi, tại sao bây giờ đã tận?” Người mặc áo vàng đáp: “Khi ngài làm quan từng ngộ sát 2 người, cho nên địa vị và thọ mệnh đều bị cắt giảm". Nói xong người áo vàng rời đi, bệnh tình của Lâu Sư Đức cũng ngày thêm nặng, 3 hôm sau thì qua đời.

Sử sách đối với việc này có bình: “Một người đức độ, khoan dung nhân hậu, cẩn trọng hành sự như Lâu Sư Đức đây mà cũng không tránh khỏi những lúc sai lầm, người làm quan chẳng phải càng phải cẩn trọng hơn sao?".

Đường Minh (biên dịch)
Tác giả: Lý Tinh Thành
Theo: epochtimes.com

- Tài liệu tham khảo:
1. “Tân Đường Thư, Lâu Sư Đức Truyện".

2. “Đại Đường Tân Ngữ".
3. “Tuyên Thất Chí".



BÀI CHỌN LỌC

Quan thanh liêm hiền đức một đời, lỗi một lần mất mười năm thọ