Phụ nữ được "giải phóng", "bình đẳng", rốt cuộc "Được" hay "Mất"?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo báo cáo của tòa án, bình quân mỗi năm ở Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn trong đó 70% là phụ nữ đưa đơn, và các vụ ly hôn vẫn đang có xu hướng tăng hàng năm, đã trở thành vấn nạn của gia đình thời hiện đại, ảnh hưởng xấu đến xã hội và thế hệ tương lai.

Vấn nạn gia đình thời hiện đại

Xã hội hiện đại giúp phụ nữ có điều kiện nâng cao học vấn, tham gia các hoạt động xã hội, quản lý quốc gia... Khả năng độc lập của phụ nữ ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, khi hỏi phụ nữ ngày nay rằng họ có hạnh phúc không thì câu trả lời không vẫn chiếm đa số. Theo báo cáo của tòa án, bình quân mỗi năm ở Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn trong đó 70% là phụ nữ đưa đơn, và các vụ ly hôn vẫn đang có xu hướng tăng hàng năm, đã trở thành vấn nạn của gia đình thời hiện đại, ảnh hưởng xấu đến xã hội và thế hệ tương lai.

Chỉ cần nhìn vào các con số, và nhìn vào những người xung quanh thì thấy hiện tượng ly hôn đáng lo ngại, đã phá vỡ hạnh phúc biết bao gia đình, hủy hoại tâm hồn của biết bao con trẻ, và cũng là đang hủy hoại tương lai của giống nòi, của dân tộc. Những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình thiếu tình thương yêu chăm sóc của người mẹ hoặc người cha thường gặp vấn đề tâm lý và phát triển thiếu lành mạnh, nhất là những gia đình chỉ có người mẹ đơn thân, trẻ em chịu thiệt thòi hơn cả.

Người cha là tấm gương cho bé trai, bồi dưỡng cho bé trai những hành vi cần thiết để trở thành một trang nam tử và khiến cho bé gái cảm nhận được sự tôn trọng mà phụ nữ đáng được có. Những đứa trẻ lớn lên không có người cha bên cạnh phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Các nghiên cứu hiện nay cho thấy trẻ em trong quá trình trưởng thành mà thiếu vai trò của người cha thường trở nên thiếu tự tin. Nhiều trẻ trốn học, bỏ học, sử dụng ma túy, sống lang thang, tham gia băng đảng xã hội, phạm tội, vào tù.

Ngay cả những gia đình "toàn vẹn" thì cãi nhau, xung đột vẫn thường xảy ra, người này đổ lỗi người kia, không khí gia đình cũng hiếm khi có được sự đầm ấm đáng lẽ ra phải có. Người vợ thì trách móc chồng ham giao du bạn bè, không chịu chăm sóc vợ con. Đi làm bận bịu, được nghỉ thì lại tụ tập bạn bè, ăn nhậu. Người chồng thì trách vợ lắm điều, động tí thì nổi nóng, hơi tí là bật lại, về nhà nhức đầu, không được yên thân, yên tĩnh nghỉ ngơi.

Truy tận gốc thì nguyên nhân chính là những phong trào "giải phóng phụ nữ", "bình đẳng giới", "nam nữ bình quyền"... đã làm biến dị tư tưởng, tâm hồn của con người. Đại đa số hiện nay hiểu nam nữ bình đẳng là nam làm gì thì nữ cũng làm được, nam có gì thì nữ cũng có đó, nam nữ như nhau, không phân biệt... Thế nên phụ nữ tranh giành với đàn ông ở mọi lĩnh vực, kể cả việc dọn dẹp chăm sóc gia đình, lẫn việc xã hội, đều "cưa đôi", khiến cho người phụ nữ từ vị trí được người đàn ông trong gia đình và cả ngoài xã hội che chở, giúp đỡ, đã trở thành "đối thủ", "địch thủ" của đàn ông.

Cách hiểu bình đẳng nam nữ một cách tuyệt đối như thế này quả là rất sai lầm và nguy hại, nó cũng giống như chủ nghĩa bình quân thời bao cấp "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu", ai nấy đều được chia phần giống nhau, được hưởng thành quả như nhau, bất kể là sức khỏe, kỹ năng khác nhau, mức độ chăm chỉ, cần cù khắc nhau, chức vụ trách nhiệm khác nhau, trí tuệ và sở trường khác nhau.

Từ cấu tạo cơ thể phụ nữ cũng như thiên tính, bản tính người phụ nữ luôn có những khác biệt với nam giới, đó là sự cân bằng của tự nhiên, của Tạo hóa, nhờ đó mới duy trì được sự hài hòa và phát triển của nhân loại. Thánh Gandhi đã nói rất xác đáng rằng: "Tôi tin tưởng vào sự giáo dục thích ứng cho phụ nữ. Nhưng tôi cũng tin tưởng phụ nữ không đóng góp cho thế giới bằng cách bắt chước hay chạy đua với người đàn ông. Phụ nữ có thể thi đua, nhưng không thể tiến đến đỉnh cao bằng cách bắt chước người đàn ông". Thế nên, phụ nữ ngày nay bất kể là làm nội trợ hay làm đến nguyên thủ quốc gia, nếu muốn có một gia đình hạnh phúc thì chớ đánh mất bản tính thiên bẩm dịu dàng ôn nhu của mình, vì sức mạnh của phụ nữ chính là mềm mại như nước, nhưng lại có sức mạnh xung phá mọi trở ngại, xuyên núi phá đá, nước chảy đá mòn.

Gia đình truyền thống thì hạnh phúc mới vững bền

Gia đình truyền thống là điều hết sức đẹp đẽ đối với cả văn hóa phương Đông và phương Tây. Mái ấm gia đình là nơi người đàn ông và phụ nữ cùng chung tay xây dựng cuộc sống, là tổ ấm và là chốn đi về nuôi dưỡng tâm hồn sau những bươn trải cuộc sống, là bến cảng bình an tránh gió mưa bão táp cuộc đời.

Một nước không có hai vua, một núi không có hai hổ, một gia đình cũng vậy, không thể có hai chủ. Nếu gia đình được xây dựng trên một quan niệm đúng đắn về giá trị và hai người nam, nữ phát huy được đúng thế mạnh thiên bẩm của mình, bổ sung hỗ trợ và nuôi dưỡng lẫn nhau, thì gia đình sẽ hài họa, đầm ấm và hạnh phúc, mới là tổ ấm đích thực, là nơi các thành viên gia đình đang bận rộn bên ngoài đều mong mỏi sớm trở về.

Con người, vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều là sự cân bằng âm dương hài hòa thì mới sinh sôi phát triển lâu bền. Có trời cao đất dày, có mặt trời mặt trăng, có ngày đêm, con người có nam nữ, vật nào ở vị trí đó, ai nấy làm tròn bổn phận mình, thế thì gia đình đầm ấm, xã hội hài hòa, vạn vật sinh sôi. Thế nên người nam thuộc Dương, giống như Trời, cần có tấm lòng bao dung, che chở cho người nữ, lao động cần cù vất vả nuôi dưỡng gia đình, nên phải bôn ba bươn trải bên ngoài, đó là thiên chức của người nam, gọi là "Nam chủ ngoại". Còn người nữ thuộc Âm, giống như Đất, cần thiện lương, dịu dàng, coi sóc chăm lo gia đình, để chồng yên tâm sự nghiệp bên ngoài, thay chồng chăm sóc cha mẹ, nuôi dạy con cái nên người có thể kế thừa gia phong gia nghiệp, rạng danh tiên tổ, đó là thiên chức người phụ nữ, gọi là "Nữ chủ nội".

Thế nên người xưa nói "Nam bất vấn nội, nữ bất vấn ngoại", tức là những việc trong gia đình, cụ thể thế nào thì người nam không nên can thiệp vào, nó thuộc quyền hạn và trách nhiệm người phụ nữ; còn người phụ nữ không can thiệp đến việc xã hội, công việc bên ngoài của chồng, vì đó là quyền hạn và chức trách của chồng. Trong gia đình, người chồng giống như quân vương của quốc gia, còn người vợ có vai trò giống như tể tướng, ai làm tròn bổn phận người ấy thì gia đình hưng thịnh, hạnh phúc. Thế nên người xưa nói: "Trong nhà có người vợ hiền lương, giống như quốc gia có vị tể tướng tài đức”.

***

Lý Thế Dân là vị hoàng đế vĩ đại gây dựng lên thời thịnh trị "Trinh Quán chi trị", có thể coi là thời cực thịnh của nhà Đường, và là mẫu mực của các triều đại phong kiến trên thế giới suốt mấy nghìn năm qua. Thành công của ông có đóng góp không nhỏ của một người "nội tướng", tức Trưởng Tôn Hoàng Hậu.

Một lần, Đường Thái Tông muốn đi ra ngoại thành săn bắn, vừa mới xuất cung thì gặp ngay Ngụy Trưng, một đại thân nổi tiếng cương trực, can gián rằng: “Hiện nay đang vào giữa tiết xuân, vạn vật nảy mầm sinh trường, cầm thú mớm mồi cho con, không thích hợp đi săn, thỉnh bệ hạ hãy hồi cung”.

Đường Thái Tông nhất quyết muốn đi, Ngụy Trưng không chịu thỏa hiệp, đứng ở giữa đường kiên quyết cản lối ra của Đường Thái Tông. Đường Thái Tông trong cơn tức giận không thể ngăn trở, nổi giận đùng đùng quay về cung.

Đường Thái Tông về cung vẫn còn tức giận hằm hằm nói: “Nhất định phải đem lão già ngoan cố Ngụy Trưng giết chết đi, mới có thể trút hết cơn giận dữ của ta!”

Trưởng Tôn Hoàng Hậu nghe thấy hỏi rõ nguyên do sự tình, sao đó lặng lẽ quay vào nội thất mặc lễ phục, nét mặt trang trọng đến trước Đường Thái Tông, khấu đầu hành lễ và nói: “Chúc mừng bệ hạ!"

Đường Thái Tông kinh ngạc hỏi: “Có việc gì hoàng hậu lại trang trọng như vậy?”

Trưởng Tôn Hoàng Hậu trịnh trọng trang nghiêm nói: “Thiếp từng được nghe, nếu hoàng thượng anh minh, thì đại thần sẽ hết mực trung thành. Giống như hôm nay Bệ hạ Thánh minh, nên Ngụy Trưng mới dám nói lời ngay thẳng như vậy. Thiếp thân là hoàng hậu, nhìn thấy hoàng đế anh minh thần tử trung thành, một việc tốt như vậy, thiếp làm sao dám không mặc triều phục để chúc mừng bệ hạ?”

Đường Thái Tông nghe thấy vợ mình nói lời như vậy, có phần cảm động thấu hiểu, giận dữ cũng từ từ tiêu tan đi.

***

Giả sử như ngày nay, phụ nữ "giải phóng", "bình quyền" với đàn ông, thì có lẽ Trưởng Tôn Hoàng Hậu cũng đã làm chức quan to trong triều, và với tấm lòng thiện lương ngay thẳng thì có lẽ cũng giống Ngụy Trưng, đứng ra vạch rõ cái sai của Thái Tông. Như thế thì có lẽ chẳng những không thể can ngăn được vua, cũng không thể cứu được Ngụy Trưng khỏi mất mạng, mà có lẽ hoàng hậu còn bị vạ lây, bị tống giam lãnh cung, thậm chí bị xử tử chưa biết chừng. Chính sự thiện lương và dịu dàng, ôn nhu của Hoàng hậu mới tạo nên sức mạnh to lớn hóa giải tình thế căng thẳng, hài hòa mối quan hệ quân thần, khiến Thái Tông luôn cảm thấy bình an khi ở bên Hoàng hậu. Vậy nên khi Trưởng Tôn Hoàng Hậu qua đời, Đường Thái Tông vô cùng đau khổ, cảm thấy từ bây giờ “mất đi 1 vị phò tá hiền lương!”

Thế nên, sách "Minh Đạo gia huấn" dạy rằng:

Vợ ác lụn bại, đố kỵ loạn nhà
Xảo quyệt là tà, kiêu ngoa dối trá
Vợ giúp quản nhà, quyết định thịnh suy
Gái ngoan kính chồng, trai ngu sợ vợ.

Hoàng Mai

 



BÀI CHỌN LỌC

Phụ nữ được "giải phóng", "bình đẳng", rốt cuộc "Được" hay "Mất"?