Phụ nữ có con hay không là do định trước, nhưng có thể thay đổi được

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bà lão xem bói nói với người thiếp rằng: Tăng tu thiện nghiệp không giống như mọi người tưởng tượng là thắp hương bái Phật. Mà thiện nghiệp chân chính là cần hiếu kính người già, tôn kính vợ cả, gia đình hòa thuận.

"Duyệt vi thảo đường bút ký" là tác phẩm nổi tiếng của danh sĩ Kỷ Hiểu Lam đời nhà Thanh. Tác phẩm gồm 25 cuốn kể lại những câu chuyện ly kỳ hấp dẫn, nhắc nhở người đời về quy luật thiện ác hữu báo. Trong đó có 2 câu chuyện như vậy:

Tu thiện tích đức không phải chỉ thắp hương bái Phật

Ở Vương Khánh Xá có một bà lão xem bói.

Một người làm thiếp trong nhà giàu nọ có hỏi bà: "Liệu những người làm thiếp có gặp phải nhân quả nào không?"

Bà lão trả lời:

"Theo quy luật của âm gian, thiện nhỏ ác nhỏ có thể bù trừ, thiện nhỏ trung hòa cái ác nhỏ. Nhưng thiện lớn ác lớn thì không thể bù trừ được. Các tì thiếp vốn trong kiếp trước đã tích thiện nhỏ nên kiếp này mới được gả vào nhà quyền quý, có một cuộc sống sung túc. Nhưng lại có kèm theo cả ác nghiệp, vì vậy cuộc sống đời này không trọn vẹn.

Nếu như đời này có thể tu nhiều thiện nghiệp, thì ác nghiệp được bồi hoàn, và càng tích thêm thiện thì đời sau sẽ càng tốt đẹp. Nhưng nếu đời này cứ tiếp tục tăng ác nghiệp, thì thiện nghiệp vốn tích được sẽ bị dùng hết, ác nghiệp lại tăng lên, sợ rằng kiếp sau sẽ không thể lường được. Tuy nhiên, tăng tu thiện nghiệp không giống như mọi người tưởng tượng là thắp hương bái Phật. Mà thiện nghiệp chân chính là cần hiếu kính người già, tôn kính vợ cả, gia đình hòa thuận".

Một nàng thê thiếp khác hỏi: "Việc có thể có con hay không, chắc chắn cũng được định từ trước, xin bà xem giúp. Nếu trong sách âm có ghi rõ tôi không có con, thì tôi sẽ không mơ tưởng nữa".

Bà lão nói: "Điều này không cần phải hỏi, chỉ cần cô thường làm những việc tốt mà người có con cần phải làm, thì dù số mệnh ban đầu định là không có cũng sẽ được thay đổi. Nếu thường làm những việc xấu khiến không có con, thì vốn được định có con rồi cũng sẽ đổi thành không".

Ông ngoại tôi Trương Tuyết Phong, là con rể của nhà họ Tào ở Vương Khánh Xá, suốt đời nghiêm túc, ngay thẳng, ghét nhất các bà đồng. Nhưng ông ngoại thỉnh thoảng vẫn nói chuyện với bà lão này.

Họa không vô cớ mà đến

Họa không vô cớ mà đến
Con cáo trốn thoát đã đến miếu để tố cáo với Thần linh con cáo kia vu oan giáng họa cho nó. (Ảnh: Pixabay)

Một người nọ làm việc ở Viện Hàn Lâm kể: Một lần đi thăm một người bạn ở Hàm Đan, trùng hợp chủ nhân không có nhà, đành phải ở lại miếu Thành Hoàng. Đúng lúc có một người bán dưa, đặt gánh hàng xuống liền nằm ngang xuống chỗ tượng Thần.

Một cụ già sống trong chùa bán sợi kiếm sống, thấy anh ta làm vậy liền khuyên: “Đừng nên phóng túng bất kính như thế, ông Thành Hoàng có linh nghiệm đấy”.

Người bán dưa nói: “Làm sao Thần có thể ở trong một ngôi đền hoang tàn như vậy?”

Cụ già nói: "Có đấy. Tôi thường ở đó ban đêm hóng gió, nghe thấy âm thanh có người ở trong điện, nhẹ đi tới nghe, hóa ra là một con cáo kiện với Thần. Đại ý rằng một con cáo khác là hàng xóm của nó mê hoặc một thiếu niên và hút khí tinh hoa trong cơ thể người này, gần như cạn kiệt, sắp chết rồi. Người này chưa trút hơi thở cuối mà con cáo này muốn hút nốt tinh huyết còn lại. Gia đình chàng trai rất tức giận và dùng súng săn phục kích đánh con cáo khiến nó vô cùng sợ hãi, hiện nguyên hình và chạy thục mạng. Mọi người nhốn nháo đuổi theo nhưng con cáo không chạy về phía hang của nó mà chạy sang hang con cáo hàng xóm cách đó một dặm. Mọi người không biết con cáo này đang ẩn trốn ở hang khác nên vẫn giăng lưới bên ngoài hang của nó và dùng lửa hun khói, toàn bộ cáo trong hang đều chết. Vậy là chỉ có con cáo này thoát chết".

Cụ già tiếp tục nói: "Con cáo trốn thoát đã đến miếu để tố cáo với Thần linh con cáo kia vu oan giáng họa cho nó. Sau khi nghe xong, Thành Hoàng hỏi: "Nó giết người và còn hại các ngươi. Kiện nó cũng hợp lý, nhưng con cháu ngươi có mê hoặc người khác không?'"

Ngây người hồi lâu, mới nghe con cáo đáp: "Cũng có".

Thần Thành Hoàng hỏi: “Cũng đã giết ai chưa?"

Ngập ngừng hồi lâu, nó trả lời: “Cũng có từng giết người"

"Có bao nhiêu người đã bị giết?"

Con cáo im lặng. Thành Hoàng tức giận và ra lệnh cho thủ hạ tát con cáo. Sau đó nó trả lời: "Hàng chục người đã bị giết"

Thành Hoàng nói: "Các ngươi đã giết hàng chục sinh mạng, và bây giờ đã đền bù cho hàng chục sinh mạng. Chẳng phải giống hệt nhau sao? Điều này do các linh hồn oan khuất bị các ngươi giết hại làm, chẳng qua chỉ là thông qua con cáo kia. Ngươi vẫn còn kiện gì?".

Vì vậy, Thành Hoàng ra lệnh cho người của mình đưa sổ ghi chép cho con cáo kiện xem. Con cáo khóc rồi bỏ đi. Làm sao cậu có thể nói rằng Thần không có ở đây?"

Qua sự việc này mới biết rằng xui xẻo không phải là vô cớ mà tới. Nhìn thì có vẻ như là tai bay vạ gió và bất ngờ, nhưng tất cả nhất định là có nguyên nhân. Chỉ là những người đang gặp phải vấn đề này không thể hiểu được lý do mà thôi.

Minh An
Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

Phụ nữ có con hay không là do định trước, nhưng có thể thay đổi được