Phạm Đình Trọng: Khắc tinh của Quận He Nguyễn Hữu Cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bên cạnh đền thờ Phạm Đình Trọng, có cả đền thờ Nguyễn Hữu Cầu. Thế là tuổi trẻ là bạn, trưởng thành là thù và đến khi chết lại trở về là đôi bạn gần gũi bên nhau.

Phạm Đình Trọng (1715 - 1754) là người làng Khinh Dao, huyện Giáp Sơn, Hải Dương xưa, tức là làng Khinh Dao, xã An Hưng, huyện An Dương, Hải Phòng ngày nay. Ông là con trai thứ hai của quan Thái tử Thái bảo Phạm Huy Ánh. Ông có tài văn võ, tướng mạo uy nghiêm, tương truyền là Thần Ngũ Hổ giáng sinh, thi đỗ tiến sĩ lúc 25 tuổi.

Khi sinh ra, Đình Trọng đã có vẻ mặt khôi ngô. Năm lên 8 tuổi đi học, ông đã hiểu được luật thơ. Khi lớn, có tài văn chương và thơ ca.

Thời Lê Hiển Tông, Phạm Đình Trọng được trọng dụng, thăng chức Phó đô ngự sử, vào phủ chúa làm Bồi tụng, tước Dao Lĩnh hầu. Sau đó ông được chúa Trịnh Doanh sai làm Hiệp thống lĩnh 3 đạo Đông, Nam, Bắc.

Lúc đó Đàng Ngoài có nhiều cuộc nổi loạn chống triều đình, trong đó thế lực mạnh nhất và đã nhiều lần uy hiếp kinh thành chính là Nguyễn Hữu Cầu, một người bạn học xưa của Phạm Đình Trọng. Triều đình lo lắng sai Phạm Đình Trọng và Hoàng Ngũ Phúc phối hợp với quân các đạo đi dẹp loạn.

Thầy đồ tiên tri vận mệnh hai học trò

Thuở nhỏ Nguyễn Hữu Cầu và Phạm Đình Trọng cùng học một thầy. Trọng hay được thầy khen nhưng Cầu không phục. Một hôm đi đám ma về, thầy cho cả hai người đi theo. Nhà đám biếu thủ lợn, Cầu và Trọng tỵ nhau không ai chịu xách. Thầy bèn ra vế đối, bảo ai đối được thì không phải xách. Nói rồi thầy liền đọc: "Huề trư thủ" (xách đầu lợn)

Trọng đối lại: "Phan long lân" (Vịn vảy rồng)

Còn Cầu đối rằng: "Diệt Tần phá Sở"

Thầy gõ quạt lên đầu Cầu, nói câu đối không chuẩn, thừa chữ và bắt xách thủ lợn, Cầu vẫn gân cổ cãi: "Tôi đối sai thật, nhưng ý tôi là muốn bóc vẩy rồng kia, chứ không thèm vịn vảy rồng như Trọng".

Một lần khác thầy lại ra vế đối: "Mười rằm trăng náu, mười sáu trăng treo"

Trọng đối: "Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc"

Cầu lại đối rằng: "Tháng mười sấm rạp, tháng chạp sấm động"

Thầy nghe xong bảo: "Trọng có khẩu khí làm quan to, còn Cầu thì chỉ làm giặc"

Rồi từ đó thầy đồ sợ không dám nhận dạy Cầu nữa. Sau này quả nhiên Trọng làm quan cho nhà Lê còn Cầu khởi nghĩa chống triều đình.

Tương truyền trước khi hai bên đối trận, Phạm Đình Trọng viết thư ra vế đối sai người đưa cho Cầu như sau: "Thổ triệt bán hoành, thuận giả thượng, nghịch giả hạ".

Nghĩa là: chữ "thổ" (土) nếu bỏ đi một nửa nét ngang, để xuôi là chữ "thượng" (上), để ngược là chữ "hạ" (下). Câu này có ý khuyên răn Cầu nếu thuận theo triều đình thì có chức quan, đó là thượng sách, còn nếu chống lại thì bị diệt, đó là hạ sách.

Hữu Cầu viết thư đối lại rằng: "Ngọc tàng nhất điểm, xuất vi chúa, nhập vi vương"

Nghĩa là: bộ "ngọc" (玉) có một dấu chấm, để lên đầu là chữ "chúa" (主), bỏ đi là chữ "vương" (王). Ý nói chí lớn của mình là được làm vua thua làm giặc, nhất quyết không hàng phục triều đình.

Địch thủ lớn trên chiến trường

Tháng 8 năm 1745 Phạm Đình Trọng cùng Hoàng Ngũ Phúc đánh phá được Nguyễn Hữu Cầu ở thành Xương Giang. Ông được bổ dụng làm hiệp thống lãnh đạo Đông Bắc. Nguyễn Hữu Cầu ra Yên Quảng, chiếm cứ Hạc Động, nhờ vào biển để làm kiên cố, thường dùng hạng thuyền nhanh nhẹ cướp bóc vùng đông nam. Phạm Đình Trọng cùng Ngũ Phúc đem các tướng đi đánh, phá tan chém được thủ hạ đắc lực của Hữu Cầu là Thông hơn 10 người, thu được nhiều quân nhu và ngựa chiến.

Pham đình trọng đánh nguyễn hữu cầu
Tháng 8 năm 1745 Phạm Đình Trọng cùng Hoàng Ngũ Phúc đánh phá được Nguyễn Hữu Cầu ở thành Xương Giang. (Minh Hoạ: Đông Phương/NTD Việt Nam)

Nguyễn Hữu Cầu nhiều lần bị Đình Trọng đánh bại, bèn đào mả mẹ Đình Trọng quăng xuống sông. Phạm Đình Trọng khóc lóc tố cáo với Trịnh Doanh, thề quyết chí giết Hữu Cầu.

Tháng 3 năm 1746, Hữu Cầu bị ông đánh thua nhiều thế lực suy yếu, bèn sai thủ hạ tên là Hựu đem nhiều bạc đút lót cho đại thần là Đỗ Thế Giai và nội giám Nguyễn Phương Đĩnh, để xin đầu hàng. Trịnh Doanh y cho, hạ lệnh cho Hữu Cầu cùng thủ hạ Hoàng Phùng Cơ đều được phép rửa hết tội trước, ban cho hiệu là Ninh Đông tướng quân và phong tước Hương Nghĩa hầu, rồi hạ lệnh triệu về kinh đô. Phạm Đình Trọng không nghe, có ý ngăn đường đón đánh Hữu Cầu. Hữu Cầu sai báo với Trịnh Doanh. Trịnh Doanh sai thiêm tri Nguyễn Phi Sảng đem lệnh chỉ đến phủ dụ Đình Trọng hoãn lại đừng đánh Hữu Cầu vội. Phạm Đình Trọng vì tư thù không nghe, nói với Phi Sảng: "Người làm tướng ở ngoài chiến trường, có khi không chịu nhận mệnh lệnh của vua. Tôi với Hữu Cầu không cùng đội trời chung, tôi đã từng nói ở trước chúa thượng. Nay ông tự nhận mệnh lệnh đi chiêu hàng, tôi tự nhận mệnh lệnh đi giết giặc, nếu gặp thế có thể đánh được giặc, thì tôi cũng không vì cớ ông đến chiêu hàng mà ngần ngại".

Phi Sảng sợ hãi chạy đến báo cho Hữu Cầu biết. Đình Trọng cũng mang quân đuổi đến phía sau. Hữu Cầu phải bỏ trốn.

Tháng 9 nhuận năm 1748, lực lượng của Nguyễn Hữu Cầu lại mạnh lên. Hữu Cầu mang quân đánh Sơn Nam. Trịnh Doanh sai Trấn tướng Vũ Tá Sắt đi đánh bị thua. Biết Hữu Cầu chỉ e sợ Đình Trọng, Trịnh Doanh bèn sai ông ra trận.

Khi Hữu Cầu tiến đến Bồ Đề thì gặp quân Phạm Đình Trọng. Hai bên giao chiến, Hữu Cầu thua trận phải bỏ chạy. Đình Trọng mang quân đuổi theo. Hai bên lại đụng độ ở Cẩm Giàng. Phạm Đình Trọng lại thắng Cầu một trận nữa. Hữu Cầu thua chạy, cho rằng triều đình vừa thắng sẽ không phòng bị, bèn mang quân đánh úp Thăng Long. Tuy nhiên quân Cầu đi chậm, khi đến bến Bồ Đề thì trời đã sáng. Đến nơi thì trời vừa sáng; có tin báo, Trịnh Doanh tự đem quân ra giữ ở bến Nam Tân. Phạm Đình Trọng biết tin ấy lập tức đem quân về đánh mặt sau, Hữu Cầu lại thua bỏ chạy.

Hữu Cầu cùng với Hoàng Công Chất cướp ở huyện Thần Khê và Thanh Quan. Phạm Đình Trọng và Hoàng Ngũ Phúc lại đem binh xuống đánh đuổi. Hoàng Công Chất chạy vào Thanh Hóa, Hữu Cầu chạy vào Nghệ An, hợp với thủ lĩnh khởi nghĩa tên là Diên ở Hương Lãm (thuộc huyện Nam Đường).

Năm 1751, Phạm Đình Trọng đem quân vào đánh phá trại. Hữu Cầu chạy đến làng Hoàng Mai (Quỳnh Lưu, Nghệ An) thì bị bộ tướng của Đình Trọng là Phạm Đình Sĩ bắt được, đóng cũi đem về nộp chúa Trịnh. Sau đó Nguyễn Hữu Cầu bị chúa Trịnh xử trảm.

Tuổi trẻ quan cao chết trẻ và những bí ẩn khó lý giải

Nhờ dẹp được Nguyễn Hữu Cầu, Phạm Đình Trọng được phong làm Thượng thư bộ Binh khi mới 37 tuổi. Ông được gia phong Thái tử thái bảo, tước Hải quận công.

Sau đó Trịnh Doanh sai ông làm Đốc suất Nghệ An. Do có tiếng tăm, Đình Trọng nhanh chóng dẹp được các lực lượng trộm cướp, ổn định cuộc sống của dân trong vùng. Ông được nhân dân lập đền thờ sống tại Nghệ An.

Trong thời gian ông trấn thủ ở Nghệ An có một số sự kiện kỳ lạ về ông được danh thần triều Nguyễn là Nguyễn Quốc Dụng ghi chép lại trong tác phẩm "Thoái thực ký văn".

Một lần ông đang đi dạo thì có hơn trăm khách phương Bắc đến đón rước vái lạy. Phạm Đình Trọng ngạc nhiên hỏi có việc gì thì khách phương Bắc thưa rằng: "Chúng tôi không có việc gì, thấy ngài tướng mạo giống như Thần Ngũ Hổ, quả là dị nhân, do đó đến bái kiến".

Phạm Đình Trọng có cái nhọt ở vai, đau nhức khó chịu, chữa trị hơn một năm mà vẫn không khỏi, nghe họ nói như thế này thì trong bụng cũng có ý nghi ngờ. Nhân có đoàn đi sứ phương Bắc, ông bèn nhờ người đến bái Thần Ngũ Hổ để xem thực hư thế nào. Người được ông ủy thác vào bái Thần Ngũ Hổ, thấy trên vai Thần bị tróc một mảng sơn, bèn tu sửa, sau đó về báo lại với Phạm Đình Trọng. Thật ngạc nhiên khi về thấy bệnh của Phạm Đình Trọng đã khỏi, hỏi ra mới biết ngày sửa chữa vai tượng Thần Ngũ Hổ xong cũng chính là ngày Phạm Đình Trọng lành bệnh.

Một đêm nọ, Phạm Đình Trọng đang ở trong dinh thự thì mộng thấy có người mời đến nhà ăn uống. Nhà ấy là nhà một bà góa đã ngoài 70, gia cảnh bình thường. Khách chỉ có duy nhất Phạm Đình Trọng, bà cụ ân cần mời ăn, Phạm Đình Trọng rất xúc động trước tình cảm ân cần của bà. Đến khi tỉnh dậy, ông thấy miệng vẫn còn mùi thức ăn, và vẫn nhớ như in gương mặt vóng dáng bà cụ, hình dáng căn nhà, thậm chí còn nhớ rõ đường đi đến nhà bà cụ. Phạm Đình Trọng cảm thấy rất kỳ lạ, bèn vi hành, và gặp được bà cụ đúng như người trong giấc mộng. Ông gạn hỏi thì bà cụ nói: "Già có một đứa con trai, năm 13 tuổi thì chết yểu. Hôm qua là ngày giỗ của nó, già có làm cơm cúng". Phạm Đình Trọng hỏi thì biết năm người con trai đó chết chính là năm ông chào đời. Thế là ông kể lại giấc mơ và xin đón cụ già về nuôi dưỡng, chu cấp rất hậu.

Năm 1754, Phạm Đình Trọng qua đời khi mới 40 tuổi. Ông được truy tặng tước Thái bảo. Trịnh Doanh viết bốn chữ "văn võ toàn tài" ban cho, lại cho biển ngạch khắc chữ "đồng hưu công thần", phong cho thái ấp vài ngàn hộ. Sau khi Phạm Đình Trọng mất, triều đình truy phong ông là Đại vương, Phúc thần và cho lập đền thờ ở làng Càn Sơn, huyện Kỳ Hoa (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh ngày nay).

Sử gia Phan Huy Chú đánh giá về Phạm Đình Trọng rằng: "Ông tài kiêm văn võ, làm bậc nguyên thần của nước là danh tướng trong làng nho, sự nghiệp kỳ vĩ, gần đây (tới thời nhà Nguyễn) chưa thấy có".

Ngày nay tại quê của Phạm Đình Trọng ở làng Khinh Dao, xã An Thông, An Dương, Hải phòng, người dân đã lập đền thờ cho cả đôi bạn này. Bên cạnh đền thờ Phạm Đình Trọng, có cả đền thờ Nguyễn Hữu Cầu. Thế là tuổi trẻ là bạn, trưởng thành là thù và đến khi chết lại trở về là đôi bạn gần gũi bên nhau. Ai anh hùng, ai quan tướng, ai phản loạn, ai vinh ai nhục, tất cả đều như dòng nước đổ ra biển khơi, cuộc đời, danh vọng và sự nghiệp cũng chỉ là hư ảo, như chùm pháo hoa rực rỡ trời đêm rồi tắt ngấm chìm vào hư vô.

Trung Hòa

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Phạm Đình Trọng: Khắc tinh của Quận He Nguyễn Hữu Cầu