Nông cạn chưa chắc được lợi, thiện lương mới có nhiều phúc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trên đời làm gì có phú quý trời sinh? Nếu có thì chính là có lòng thiện lượng từ khi sinh ra và giữ nguyên không đổi suốt cuộc đời. Con người sống một đời, chỉ làm việc tốt, không cần hỏi tiền đồ, không cần cầu phúc, mà phúc khí tự đến.

Trong cuốn sách Thái Căn Đàm của tác giả Hồng Ứng Minh, người thời Minh - Trung Quốc là một trong ba bộ kỳ thư xử thế được lưu truyền đến ngày nay, có một câu như thế này: “Trinh sĩ vô tâm kiểu phúc, thiên tức tựu vô tâm xử dũ kỳ trung; hiểm nhân trứ ý tị họa, thiên tức tựu trước ý trung đoạt kỳ phách”.

Ý nghĩa là: Người quân tử trung trinh khí tiết không bao giờ nghĩ muốn phúc khí giáng lâm, nhưng Trời lại cứ khai mở cho họ trong khi họ không để ý, để họ được phúc phần. Kẻ tiểu nhân gian tham tà ác, dù vắt cạn tâm trí nghĩ cách tránh tai họa, nhưng Trời lại cứ đoạt tinh thần và sức lực của họ đúng lúc họ tính toán dụng tâm, khiến họ chịu tai họa.

Vậy nên người ngày nay mới nói rằng làm người cần nên lương thiện. Bởi vì "Nông cạn chưa chắc đã được lợi, nhưng lương thiện sẽ được nhiều phúc báo hơn".

1. Nông cạn chưa chắc được lợi

Có câu nói như thế này: bạn đón nhận thế giới như thế nào thì thế giới này sẽ đón nhận bạn cũng như thế ấy. Một người mà nội tâm an tĩnh bình hòa, không tranh không đấu, thì khi người ấy dịu dàng nhìn nhận thế giới này, thế giới sẽ là những năm tháng tuyệt hảo, tiêu diêu tự tại.

Còn nếu một người mà tư tưởng suốt ngày hãm sâu trong vũng bùn tối tăm không cách nào vực lên được, chỉ a dua theo lợi lại còn lấy đó làm vui, thì thế giới này cuối cùng sẽ đáp lại bằng đau khổ.

Vương Hy Phượng, một nhân vật trong bộ truyện nổi tiếng Hồng Lâu Mộng của tác giả Tào Tuyết Cần là một ví dụ điển hình như thế. Vương Hy Phượng là người thế nào?

Mọi người đều bảo cô ấy: "tính cách thâm sâu khôn lường, một vạn nam nhân cũng chẳng có một người bì kịp".

Giả Trân nói nàng là: "từ nhỏ vừa cười một cái đã thấy tính sát phạt quyết đoán trong đó".

Phụ nữ mạnh mẽ kiểu như Vương Hy Phượng: “phấn diện hàm xuân uy bất lộ, đan thần vị khải tiếu tiên văn" (mặt phấn như gió xuân chẳng lộ oai phong, môi hồng chưa hé đã nghe tiếng cười), cái tài giỏi khéo léo ấy không chỉ ứng dụng trong việc quản gia hay kiếm tiền, mà ngay cả trong đối nhân xử thế cũng hết sức vẹn toàn chu đáo.

Lấy chuyện trong hồi "Giả Xá muốn lấy Uyên Ương làm thiếp" để nói. Vương Hy Phượng đã khiến cho mẹ chồng là Hình phu nhân bận bịu quay như chong chóng. Cô còn được Giả Mẫu khen ngợi, vì đã thể hiện là người rất giỏi trị sửa quản lý gia đình, rất giỏi xử lý công việc.

Đây chính là tài năng của Chị Phượng. Thực ra mỗi một việc mà cô ấy làm, mỗi một lời mà cô ấy nói đều được cô ấy tính toán kỹ lượng có lợi cho mình, nhưng lại khiến người khác cảm thấy là cô đang nghĩ cho họ.

Thế nhưng một nhân vật xuất sắc như thế này cuối cùng có kết cuộc như thế nào?

"Cơ mưu tính hết quá thông minh, cuối cùng mất đi tính mạng mình". Vương Hy Phượng tuy tinh khôn, nhưng cũng chỉ là người nông cạn tính toán chắc ăn. Người nông cạn chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, còn tất cả những thứ khác họ lại coi như phù vân. Thế là họ chỉ biết dốc tâm sức tính toán, tìm kiếm cơ hội vì chút lợi ích cỏn con, dần dần họ mất đi nhân tính, mất đi tâm tính. Người như thế này thì phúc khí cũng sẽ càng ngày càng rời xa, càng ngày càng mỏng đi.

Có câu cổ ngữ rằng: "Rắp tâm tính toán muôn chuyện hỏng, lùi bước nghĩ suy vạn sự thông".

Làm người, không nên quá tinh khôn, có lúc ngốc nghếch chút cũng được, để giữ một cái tâm giản đơn, thì phúc khí không mời cũng tự tìm đến.

2. Thiện lương mới có nhiều phúc

Đạo Đức Kinh viết: "Ta có 3 vật quý, luôn giữ gìn nó. Thứ nhất là Từ, thứ hai là Kiệm, thứ ba là không dám đứng trước thiên hạ".

Một người có trái tim nhân hậu không để tâm cầu phúc nhưng phúc khí luôn đến bên họ.

Triều nhà Thanh có viên quan đại thần là Phan Thế Ân. Sách "Lang tiềm ký văn: của Trần Khang Kỳ gọi ông ấy là "người có phúc khí nhất trong 300 năm". Phúc khí của ông có được là nhờ phụ thân vui thích làm việc thiện - Phan Ông.

Phan Ông danh tiếng lẫy lừng khắp huyện Ngô, mọi người gọi ông là Phan Thiện Nhân.

Một ngày nọ, Phan Ông đi dạo ở vùng ngoại ô, trông thấy trong ngôi đình hóng gió có một cụ già muốn treo cổ tự sát, liền vội vàng chạy đến ngăn lại, hỏi han nguyên do.

Cụ già nói: "Mấy ngày nữa tôi phải cưới vợ cho con trai, nên đã mượn của họ hàng 30 đồng vàng. Hôm nay tôi vào thành mua y phục, kết quả bị kẻ cắp lấy trộm mất rồi, không còn mặt mũi nào nhìn người nhà nữa, thế nên tìm đến cái chết".

Phan Ông khuyên giải cụ già một hồi, dắt cụ vào trong thành, và mượn một thương nhân thân quen 30 đồng tiền vàng tặng cụ già.

Cụ già vô cùng cảm động, khấu đầu bái tạ và hỏi danh tính Phan Ông, Phan Ông cũng không nói cho cụ già biết mà rời đi ngay.

Mấy năm sau, Phan Ông tìm nơi an táng cho cha qua đời, ngẫu nhiên dẫn thầy phong thủy đến thị trấn Quang Phúc. Thầy phong thủy thấy gò đất trong hồ hình dáng như "hai rồng tranh châu", cho rằng đây là bảo địa phong thủy.

Nhưng hai người đi hỏi han khắp quanh vùng mà không biết được danh tính người chủ đất, bèn đến một quán rượu nghỉ ngơi. Thật may ông cụ ở quầy rượu chính là cụ già mà mấy năm trước Phan Ông đã tặng vàng. Càng may mắn hơn là chủ nhân của mảnh đất phong thủy bảo địa mà Phan Ông đang tìm kiếm đó lại chính là cụ già này.

Cụ già không nói gì thêm liền tặng mảnh đất đó cho Phan Ông. Phan Ông không đồng ý, và thương lượng giá cả với cụ già. Cụ già cũng không đồng ý, hai bên chối từ mãi. Cuối cùng hai người tìm ra phương án, viết giấy biên nhận 30 đồng tiền vàng năm xưa và giao cho cụ già, coi là tiền bán đất.

Sau khi an táng cha, thì con trai Phan Ông là Phan Thế Ân dần dần hiển đạt. Quả đúng như thầy phong thủy nói, trong nhà đã xuất hiện trạng nguyên Phan Thế Ân, sau làm quan đến chức tể tướng.

Đây chính là lời tổng kết của bậc hiền sĩ có học thức sâu rộng: "Âm địa bất như tâm địa, tâm địa hảo, âm địa tài hội chuyển hảo", nghĩa là: "Âm địa không bằng tâm địa, tâm địa tốt thì âm địa mới trở thành tốt được".

Trong sách Liễu Phàm Tứ Huấn có viết: "Hết thảy phúc điền không rời xa thốn tâm điền. theo tâm mà tìm thì cảm ứng không việc gì mà không thông".

Cảm ngộ: Trên đời làm gì có phú quý trời sinh? Nếu có thì chính là có lòng thiện lượng từ khi sinh ra và giữ nguyên không đổi suốt cuộc đời. Con người sống một đời, chỉ làm việc tốt, không cần hỏi tiền đồ, không cần cầu phúc, mà phúc khí tự đến.

Hoàng Mai
Theo NTDTV (đăng lại từ Secretchina)



BÀI CHỌN LỌC

Nông cạn chưa chắc được lợi, thiện lương mới có nhiều phúc