Nồi cơm của mẹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bà ơi! Mẹ ơi! Chúng con mang ơn các vị nhiều lắm. Đi đâu xa, làm gì, lòng chúng con vẫn luôn rưng rưng khắc khoải nhớ về người như nhớ về những điều thân thương nhất trong cuộc đời chúng con

(Kính tặng bà, mẹ và những người phụ nữ thuần Việt tần tảo hy sinh - ngọn lửa hồng của mỗi gia đình)

Nhà chúng tôi là gia đình “tứ đại đồng đường”. Vợ chồng tôi tuổi ngoài 30, đã có ba con nhỏ. Cha mẹ tôi năm nay tuổi đã lục tuần. Ông bà nội chúng tôi vẫn còn sống, hai cụ đã trên 80 tuổi. Bốn thế hệ trong một gia đình sống chung với nhau, niềm vui cũng lắm, nhưng khó khăn cũng nhiều, do sự khác biệt trong cách sống của mỗi thế hệ.

Chẳng nói đến công to việc lớn, chỉ một việc ăn chung thôi cũng đã không đơn giản. Chung một nồi cơm, nhưng mỗi thế hệ có một nhu cầu khác nhau. Ông bà tôi cao tuổi, chỉ ăn được cơm nát. Vợ chồng tôi lại thích cơm phải có tí cháy thơm thơm ở đáy nồi để ăn cùng với ruốc, với muối vừng. Cha mẹ tôi thì ăn cơm chín tới.

Chẳng nói đến công to việc lớn, chỉ một việc ăn chung thôi cũng đã không đơn giản.
Chẳng nói đến công to việc lớn, chỉ một việc ăn chung thôi cũng đã không đơn giản. (Ảnh: Shutterstock)

Thanh niên mà phải ăn cơm nát thì khó chịu lắm. Nó rất nhạt, nóng lâu, vô vị. Cơm nát ăn kèm với thức ăn cũng chẳng ngon lành gì.

Các cụ già mà phải ăn cơm dù chỉ hơi khô thôi là dạ dày tấm tức khó chịu rồi. Các cụ hay bảo: “nhai cơm khô như nhai rơm, nhai ngói”... nói gì đến nhai cơm cháy. Răng đâu mà nhai? Chẳng thà rằng bảo các cụ nhịn đi cho xong. Người già dễ hờn dỗi, tủi thân, phải cẩn thận lắm.

Làm sao bây giờ?

Mẹ tôi có một giải pháp. Để có được cơm nát, khi nồi cơm đã gần cạn, bà nghiêng đáy nồi cơm, gác lên, nước sẽ dồn về một bên. Thế là có một bên cơm chín tới, một bên cơm nát.

Còn sau đó muốn có cơm cháy ư? Khi nồi cơm đã chín, bà vần nồi sang một bên nhiều lửa, bên kia ít lửa. Thế là có cơm cháy.

Hôm nào việc nấu cơm cũng khiến mẹ tôi mất bao nhiêu thời gian và công sức. Ngày hai lần như vậy. Cũng may, nhà tôi ở nông thôn, nấu cơm bằng nồi gang và đun bếp rơm, nên mẹ tôi cũng có thể nấu theo cách ấy.

Những năm gần đây, tuy đã có bếp điện, nhưng mẹ tôi vẫn giữ cách nấu cơm bằng bếp rơm bếp củi, vì mẹ nói nấu cơm cách ấy khiến cơm chín thơm ngon hơn. Mẹ cũng nói phải giữ cho bếp lửa trong nhà luôn được ấm nóng hồng hào, giống như tình cảm những người trong gia đình dành cho nhau, vì bao đời nay người Việt mình đã sống với nhau ấm áp như thế.

Vì vậy, dù nhiều người cho việc nấu cơm kiểu ấy là vất vả, nhưng mẹ tôi lại coi đó là niềm hạnh phúc. Và tôi biết mẹ tôi luôn tìm ra cách để khiến mọi người cùng vừa lòng. Nhìn khuôn mặt ai cũng hồ hởi trước mâm cơm gia đình đầm ấm, mẹ cũng vui lây và xem đó như phần thưởng cho mình.

Vì không muốn mẹ vất vả, chúng tôi đã từ bỏ thói quen ăn cơm cháy. Nhưng bữa nào cũng có một phần cháy dành cho chúng tôi...

Vì không muốn mẹ vất vả, chúng tôi đã từ bỏ thói quen ăn cơm cháy. (Ảnh: Shutterstock)
Vì không muốn mẹ vất vả, chúng tôi đã từ bỏ thói quen ăn cơm cháy. (Ảnh: Shutterstock)

Đại để mọi việc khác trong nhà cũng từa tựa như việc nấu cơm của mẹ.

Ôi, tấm lòng những người bà, người mẹ Việt Nam luôn luôn hy sinh bản thân mình cho gia đình từ những việc nhỏ nhất, tấm lòng ấy rộng lớn biết bao. Những việc làm tưởng như nhỏ nhoi ấy lại góp phần gắn kết những thành viên trong gia đình, điều hòa được những xung khắc và mâu thuẫn. Việc nhỏ nhưng ý nghĩa thật lớn. Mẹ chính là người giữ “lửa” trong gia đình theo nhiều nghĩa.

Bà ơi! Mẹ ơi! Chúng con mang ơn các vị nhiều lắm. Đi đâu xa, làm gì, lòng chúng con vẫn luôn rưng rưng khắc khoải nhớ về người như nhớ về những điều thân thương nhất trong cuộc đời chúng con, như là:

“Giữa phố chạnh lòng con tìm hương bếp
Tìm hàng cau, đụn rạ, khói lam chiều
Và tìm mẹ: ngọn lửa hồng, cơm nếp
Trong tâm hồn phụ nữ Việt thân yêu.”

Thanh Phong



BÀI CHỌN LỌC

Nồi cơm của mẹ