Những người nước ngoài làm quan cao ở các triều đại Trung Hoa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các vương triều Trung Hoa xưa có nền văn hóa, kinh tế phồn vinh, các tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo được tự do phát triển, khiến cho rất nhiều người khắp nơi trên thế giới đến giao lưu, làm ăn, học tập, thậm chí thi đỗ làm quan.

Lý Ngạn Sinh

Lý Ngạn Sinh là người nước Đại Thực (Ả-rập). Thời kỳ Trung Đường, ông đi theo đoàn thương nhân đến Trung Quốc, sau này ông tham gia kỳ thi khoa cử của triều Đường và đỗ tiến sĩ cập đệ, trở thành tiến sĩ quốc tịch Ả-rập đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.

Abe no Nakamaro (Tiều Hoành) - Người Nhật Bản làm chức quan cao nhất

Năm 717, Abe no Nakamaro, lưu học sinh người Nhật năm đó mới 19 tuổi đã đến Trung Quốc, nơi anh ngưỡng mộ đã lâu. Sau đó anh vào Quốc Tử Giám học Tứ Thư Ngũ Kinh. Sau khi tốt nghiệp Thái học, anh tham gia khoa cử, đỗ tiến sĩ. Anh được bổ nhiệm chức quan Hiệu thư của Tư kinh cục thuộc Tả xuân phường (quan cửu phẩm), nhiệm vụ là hiệu chỉnh, chỉnh lý, biên tập tranh, sách của Tứ Khố, gồm kinh, sử, tử, tập. Năm Khai Nguyên thứ 19 đời Đường Huyền Tông (năm 731), Abe no Nakamaro được bổ nhiệm làm Tả bổ khuyết của Môn hạ tỉnh (quan thất phẩm), có nhiệm vụ cung phụng, can gián, hộ tống, hộ giá... Sau đó thăng tiến không ngừng, ông đã đảm nhiệm các chức Nghi vương hữu, Vệ úy thiếu khanh, Mật thư giám kiêm Vệ úy khanh.

Thời loạn An Sử, Abe no Nakamaro đã từng đi theo Đường Huyền Tông đến Mông Thần, Tứ Xuyên. Năm Chí Đức thứ 2 đời Đường Túc Tông (năm 757), Huyền Tông từ đất Thục trở về Trường An, Abe no Nakamaro cũng theo về, lần lượt nhậm các chức Tả tán kỵ thường thị kiêm An Nam Đô hộ, An Nam Tiết độ sứ. Năm Đại Lịch thứ 5 (năm 770), Abe no Nakamaro qua đời ở Trường An, hưởng thọ 72 tuổi. Đường Đại Tông truy tặng ông tước quan nhị phẩm là Đại đô đốc Lộ Châu.

Hình vẽ Abe no Nakamaro trong loạt tranh khắc gỗ kiểu ukiyo-e của Hokusai.
Hình vẽ Abe no Nakamaro trong loạt tranh khắc gỗ kiểu ukiyo-e của Hokusai. (Ảnh: Wikipedia)

Thôi Trí Viễn - Người Tân La (Hàn Quốc) làm quan cao nhất

Thôi Trí Viễn (Choe Chiwon) là người Tân La (Silla - Hàn Quốc ngày nay). Năm 868, Thôi Trí Viễn 12 tuổi đến Trường An cầu học. Năm 874, Thôi Trí Viễn tham gia khoa cử, kim bảng đề danh. Sau đó anh được triều đình bổ nhiệm làm Huyện úy Lật Thủy. Sau này nổ ra cuộc bạo loạn Hoàng Sào, Thôi Trí Viễn làm quan dưới trướng của Hoài Nam Tiết độ sứ Cao Biền.

Năm 884, Thôi Trí Viễn lên đường về nước, Cao Biền biết tin lưu luyến không nỡ rời xa, nên đã dâng tấu lên triều đình, thỉnh cầu trao cho Thôi Trí Viễn tước quan danh dự tam phẩm, đây là vinh dự cao nhất mà một người ngoại quốc có được ở triều Đường thời đó.

Thôi Trí Viễn (Choe Chiwon) là người Tân La (Silla - Hàn Quốc ngày nay)
Thôi Trí Viễn (Choe Chiwon) là người Tân La (Silla - Hàn Quốc ngày nay). (Ảnh: wikisource.org)

Bồ Thọ Canh - Người Ả-rập làm quan cao nhất

Cụ tổ của Bồ Thọ Canh vào khoảng thế kỷ thứ 10 từ Ả-rập di cư đến Việt Nam, sau đó lại di cư đến Quảng Châu. Năm Gia Định thứ 10 đời Tống Ninh Tông (năm 1217), gia tộc họ Bồ chuyển từ Quảng Châu đến định cư ở Tuyền Châu. Đến đời Bồ Thọ Canh, vì có công trấn áp hải tặc giúp triều đình nhà Tống, do đó được trao chức quan Phúc Kiến An phủ sứ kiêm Duyên hải Đô trí chế sứ, nắm giữ chức vụ quan trọng về dân chính và quân sự của Phúc Kiến. Sau đó Bồ Thọ Canh được đề cử làm Ôn Châu Thị bạc ty, đã lũng đoạn thương mại với nước ngoài ở Tuyền Châu hơn 30 năm.

Khi nhà Nguyên tấn công triều Tống, Bồ Thọ Canh phản lại triều đình, đã giết hết tông thất nhà Tống ở Tuyền Châu và hơn 3000 đại thần cùng binh sĩ tùy tùng. Năm Chí Nguyên thứ 14 triều Nguyên (năm 1277), Hốt Tất Liệt phong cho Bồ Thọ Canh làm Tiến chiêu dũng Đại tướng quân. Vùng Mân Quảng đều đề cử Phúc Kiến Quảng Đông Thị bạc sự cải thành Trấn quốc Thượng tướng quân, tham gia chính sự, và làm Giang Tây tỉnh sự. Tháng 8, Bồ Thọ Canh nhậm chức Phúc Kiến Hành tỉnh Trung thư Tả thừa, trấn thủ các quận ven biển, trở thành viên quan lớn địa phương của triều Nguyên.

Con cháu của Bồ Thọ Canh ở triều Nguyên cũng hiển đạt, lũng đoạn việc thương mại với nước ngoài ở tỉnh Phúc Kiến trong thời gian dài. Nhưng đến triều nhà Minh, Chu Nguyên Chương căm hận Bồ Thọ Canh năm xưa phản bội triều Tống, nên đã hạ lệnh đào quan tài đánh thi hài, đồng thời bắt tất cả con cháu đời sau của Bồ Thọ Canh sung quân, và cấm chỉ con cháu họ Bồ đọc sách, "đời đời không được bước chân vào quan trường".

Thiết Ca - Một người Ấn Độ làm quan cao

Thiết Ca (1248 - 1313) họ Ca Nãi Thị, là người Ca Thập Di Nhi (Kashmir - thuộc Ấn Độ ngày nay). Thời Nguyên Thái Tông Oa Khoát Đài, Thiết Ca theo chú đến Trung Quốc (Mông Cổ) để truyền bá Phật giáo. Sau này Nguyên Thế Tổ lên ngôi, thấy Thiết Ca tướng mạo thanh tú, bổ nhiệm làm Lệ thừa tướng Bột la bị túc vệ. Thời kỳ Nguyên Thành Tông, Thiết Ca được phong làm Quang Lộc Đại phu, được trao chức Trung thư Hữu thừa tướng.

Năm Hoàng Khánh thứ nhất thời Nhân Tông, Thiết Ca được bổ nhiệm làm Khai Phong Nghi đồng Tam ty, Thái phó, Lục quân quốc trọng sự. Sau khi chết, Thiết Ca được truy phong là Tần Quốc Công, thụy danh Trung Mục. Sau lại được gia phong làm Diên An Vương, cải thụy danh là Trung Hiến. Thiết Ca là người Ấn Độ làm quan cao nhất trong triều đình Trung Quốc cổ đại, lên đến tước vương.

Thang Nhược Vọng

Thang Nhược Vọng (Johann Adam Schall von Bell ) là người Đức, năm 1619 đến Trung Quốc truyền giáo. Thang Nhược Vọng trải qua hai thời Minh Thanh, đều giúp triều đình tu chính lịch pháp. Năm Thuận Trị thứ 8 (năm 1652), vua Thuận Trị gia phong cho Thang Nhược Vọng làm Năng nghị Đại phu, Thái bộc Tự khanh, Thái thường Tự khanh, quan tam phẩm. Năm Thuận Trị thứ 10 (năm 1654), Thang Nhược Vọng hoàn thành bộ sách "Thời hiến lịch", vua Thuận Trị ban cho Thang Nhược Vọng làm "Thông huyền giáo sư".

Năm Khang Hy thứ nhất (năm 1662) Thang Nhược Vọng được thăng làm Quang lộc Đại phu, quan hàm nhất phẩm, trở thành người châu Âu làm quan cao nhất ở Trung Quốc.

Năm Thuận Trị thứ 8 (năm 1652), vua Thuận Trị gia phong cho Thang Nhược Vọng làm Năng nghị Đại phu, Thái bộc Tự khanh, Thái thường Tự khanh, quan tam phẩm.
Năm Thuận Trị thứ 8 (năm 1652), vua Thuận Trị gia phong cho Thang Nhược Vọng làm Năng nghị Đại phu, Thái bộc Tự khanh, Thái thường Tự khanh, quan tam phẩm. (Ảnh: Wikipedia)

Nam Hoài Nhân

Nam Hoài Nhân (Ferdinand Verbiest) là người Bỉ, năm 1658 đến Trung Quốc. Nam Hoài Nhân giúp triều đình nhà Thanh đúc chế tạo hỏa pháo, tu sửa lịch pháp, được hoàng đế Khang Hy tín nhiệm và bổ nhiệm làm Chấp chưởng Khâm thiên giám, làm quan nhị phẩm. Tác phẩm của Nam Hoài Nhân là "Khang Hy vĩnh niên lịch pháp" và "Khôn dư đồ thuyết" có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển khoa học kỹ thuật của Trung Quốc.

Lang Thế Ninh

Lang Thế Ninh (Giuseppe Castiglione) là họa sĩ cung đình triều Thanh, là người nước Ý. Năm 1715, Lang Thế Ninh đến Trung Quốc, sau đó vào cung đình nhà Thanh làm họa sĩ cung đình, trải qua các đời vua Khang Hy, Ung Chính và Càn Long. Chức quan chính thức của ông là Phụng thần uyển đường quan, thuộc Nội vụ phủ, phụ trách Viên hựu cấm lệnh và Bản uyển sự vụ, quan tam phẩm.

Lang Thế Ninh (Giuseppe Castiglione) là họa sĩ cung đình triều Thanh, là người nước Ý.
Lang Thế Ninh (Giuseppe Castiglione) là họa sĩ cung đình triều Thanh, là người nước Ý. (Ảnh: ko.wikipedia.org)

Hách Đức - Người châu Âu làm quan có thực quyền lớn nhất

Năm 1835 nổ ra cuộc bạo loạn Tiểu Đao Hội ở Thượng hải, lãnh sự ba nước Anh, Pháp, Đức nhân cơ hội đoạt lấy quyền thu thuế ở Thượng Hải, người phương Tây thu thuế hàng hóa phương Tây. Triều đình nhà Thanh thời đó không có ý thức về thuế quan, nên không để ý. Từ đó trở đi, hải quan các cửa khẩu duyên hải dần dần rơi vào tay người phương Tây.

Năm 1861, Hách Đức (Robert Hart) người Anh đảm nhiệm chức vụ Tổng thuế vụ ty của Hải quan Thượng Hải. Năm 1864, triều đình nhà Thanh gia phong Hách Đức làm Án át sứ, trở thành vị quan tam phẩm của triều Thanh.

Do Hách Đức thu thuế theo quy định, chấp pháp theo luật, ông tuyển nhân viên hải quan còn tiến hành tuyển chọn thi tuyển phạm vi toàn cầu, công khai tuyển chon. Hải quan Tổng thuế vụ ty trở thành ban ngành duy nhất không có tham nhũng của Đế quốc Đại Thanh.

Thuế quan đã trở thành nguồn thu ổn định nhất, tin cậy nhất của triều đình, và Hách Đức trở thành "Thần Tài" của Đế quốc Đại Thanh.
Thuế quan đã trở thành nguồn thu ổn định nhất, tin cậy nhất của triều đình, và Hách Đức trở thành "Thần Tài" của Đế quốc Đại Thanh. (Ảnh: Wikipedia)

Năm 1861, hải quan thu thuế được 496 vạn lạng bạc. Dưới sự quản lý của Hách Đức, đến năm 1667, hải quan thu thuế đạt 2000 vạn lạng bạc, chiếm 24.35% tổng thu nhập tài chính của triều đình nhà Thanh. Thuế quan đã trở thành nguồn thu ổn định nhất, tin cậy nhất của triều đình, và Hách Đức trở thành "Thần Tài" của Đế quốc Đại Thanh.

Năm 1869, Hách Đức được thăng làm Bố chính sứ, là quan nhị phẩm. Năm 1889 lại thăng làm quan nhất phẩm.

Năm 1908, Hách Đức 73 tuổi cáo lão về quê. Ngày 20 tháng 9 năm 1911, Hách Đức bệnh qua đời ở nước Anh, hưởng thọ 76 tuổi. Triều đình nhà Thanh truy phong Hách Đức làm Thái tử Thái bảo. Hách Đức trở thành người phương Tây có vinh dự cao nhất trong các vương triều Trung Hoa.

Trung Hòa

Theo KKnews



BÀI CHỌN LỌC

Những người nước ngoài làm quan cao ở các triều đại Trung Hoa