Những ngày tháng 7 rung chuyển thế giới: Khi “Đại vương khủng bố” ra tay [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không biết tháng nào quan trọng nhất đối với bạn? Chắc còn tùy vào bạn sinh tháng nào. Vậy tháng nào quan trọng nhất với nhân loại? Chắc hẳn là tháng sản sinh những sự kiện lịch sử tầm cỡ thế giới, chính là tháng 7.

Tháng 7 đã khai sinh quốc gia non trẻ và hùng mạnh nhất Địa cầu; đã bùng nổ một cuộc cách mạng bạo lực rung chuyển Châu Âu già cỗi và mãi mãi thay đổi lịch sử nhân loại; có lễ mừng thọ của một tổ chức nhà nước khủng bố đang bơi trong “giấc mộng Trung Hoa”; và có một cuộc tru diệt tín ngưỡng tàn bạo nhất xưa nay, vốn đã được tiên tri từ hàng trăm năm trước đó.

Vậy rốt cuộc đó là những sự kiện gì?

4/7/1776 - sinh nhật Mỹ quốc

Ngày nay, nhờ chính sách nhập cư “vơ bèo gạt tép” của chính quyền Biden, người ta có thể trở thành công dân Mỹ nhờ cách đi bộ vượt biên từ các nước Nam Mỹ. Nhưng cách đây mấy trăm năm chỉ có cách đi tàu gỗ, chủ yếu là từ Châu Âu, nhiều nhất là từ Đế Chế Anh. Lúc đó, chưa có nước Mỹ, chỉ có các thuộc địa Anh.

Có thể đã không có cách mạng Mỹ (1765 - 1883), tức là không có nước Mỹ ngày nay, nếu mẫu quốc, tức là nước Anh, không khai thác quyền lợi kinh tế của họ một cách bất công, thông qua các đạo luật về thuế. Một cuộc cách mạng là một khái niệm giáo điều, nhưng để dễ hình dung về cách mạng Mỹ hãy tưởng tượng tình huống giản lược sau.

Một nhóm những con cháu trong gia tộc quyết định rời bỏ quê hương vì biết rằng ở lại thì ít cơ hội hơn là ra đi - cơ hội đạt được đời sống thịnh vượng và thực hành tín ngưỡng. Khi họ đi, bỏ lại đất đai cho người ở lại, họ buồn và lo, nhưng những thành viên đứng đầu gia tộc thì mừng vì nhà đất thêm rộng và bớt được những lời phàn nàn, thậm chí là nguy cơ tranh chấp.

Thế rồi ở nơi mới, trải bao gian khó, đến khi đã ổn định và có chút của cải, thì lúc này gia tộc ở quê hương lại muốn tăng cường kiểm soát và cưỡng đoạt một phần tài sản của họ, nại lý do là con cháu trong nhà phải có trách nhiệm với dòng họ, và vùng đất mới đó là của tộc trưởng. Thế là họ phản kháng và đòi tách ra, và đã thành công, họ có độc lập. Nước Mỹ đã ra đời như vậy. Những di dân kia giống như những con cháu đi khai hoang, và gia tộc đó giống như nước Anh, đứng đầu là vua Anh.

Bức tranh "Tuyên ngôn độc lập" của họa sĩ người Mỹ Jean Leon Gerome Ferris mô tả cảnh ba cha con nước Mỹ-Jefferson (phải), Franklin (trái) và Adams (giữa) cùng nhau soạn thảo bản tuyên ngôn. (Phạm vi công cộng)

Cách mạng Mỹ không có vấn đề kẻ nghèo hèn đánh người giàu sang; hay dân tộc địa phương chống dân tộc ngoại xâm. Hoàn cảnh sống mới trên thuộc địa Anh sinh ra giá trị tự do và bình đẳng vì không có những “lệ làng” cũ trói buộc, không có phân biệt đẳng cấp, nhưng lại hợp lý và có trật tự vì những người đến đây hầu hết có nền tảng đạo đức và tín ngưỡng thuần thành, trưởng thành về chính trị và tương đối đồng đều về tri thức và tài sản. Cuộc “khai quốc” thành công không phải vì dân thuộc địa giỏi chiến đấu hay có đồng minh mạnh, mà đa phần vì họ ở quá xa mẫu quốc. Điều kiện hình thành đặc trưng cùng với một cuộc cách mạng đặc biệt đã sản sinh ra một quốc gia độc nhất vô nhị.

Vì thấm đẫm tinh thần tự do, bình đẳng (bình đẳng về cơ hội giữa các di dân), nước Mỹ không có vua, mà có chế độ cộng hòa. Vì có tín ngưỡng chân chính, nước Mỹ đặt Thiên Chúa lên cao hơn hết thảy.

Một trong các tổ phụ nước Mỹ là Thomas Jefferson đã viết: “Liệu sự tự do của một quốc gia có được đảm bảo không khi chúng ta loại bỏ nền tảng vững chắc duy nhất của nó, đó là niềm tin trong tâm trí con người rằng sự tự do này là món quà từ Thượng Đế ban tặng?” (1). George Washington thì viết: “trong tất cả các khuynh hướng và tập quán dẫn tới sự thịnh vượng của chính trị, tôn giáo và đạo đức là hai yếu tố hỗ trợ không thể thiếu.” (2)

Kết quả của những ý chí này là ngày độc lập 4/7/1776 hay quốc khánh Hoa Kỳ - quốc gia hùng mạnh có ảnh hưởng lớn đến vận mệnh của nhân loại.

Có lẽ thèm muốn cái “tự do, bình đẳng” của nước Mỹ, 13 năm sau ngày này, quốc gia đồng minh với Hoa Kỳ lúc đó là nước Pháp cũng tiến hành một cuộc cách mạng rung chuyển cả Châu Âu, với tính chất hoàn toàn khác.

Cách mạng Pháp và ngày 14/7/1789 biểu tượng

Cuộc cách mạng Pháp từ 1789 đến 1799, lấy mốc ngày 14/7/1789 - ngày đám đông phá ngục Bastille. Đúng ra là đám đông vào đó lấy thuốc súng để chống lại quân đội hoàng gia và nhân tiện phá luôn ngục Bastille cho bõ ghét. Dù chỉ giải thoát cho bảy tội nhân gồm “bốn kẻ lừa đảo, hai kẻ điên và một công tử quý tộc tình dục biến thái” (3)... nhưng sự kiện này vẫn được coi là biểu tượng của cách mạng vì Bastille được xem như đại diện của “chế độ cũ”, mà đã của “chế độ cũ” thì theo tư duy của cách mạng hẳn cho là xấu, phá là đúng.

Hoàng gia bị ghét vì đám đông nghĩ họ xa hoa, không quan tâm đến dân nghèo. Họ hay dẫn sự việc Hoàng hậu Marie Antoinette khi được bẩm rằng người nghèo không có bánh mì, bà trả lời: “Hãy cho họ ăn bánh ngọt” (4). Mà bánh ngọt còn đắt tiền hơn bánh mì, nói vậy là bất cận nhân tình, khác gì: “hết gạo thì nấu cháo gà mà ăn”. Thực tế không phải thế, hoàng hậu đề cập đến bánh brioche, một loại bánh mì Pháp.

Từ đó về sau, ngày 14/7 được lấy làm ngày Quốc khánh Pháp.

Cuộc cách mạng Pháp chấm dứt quyền lực quân chủ chuyên chế, hạn chế ảnh hưởng của Giáo hội, nói cụ thể hơn là “đoạt quyền vua” và “phủ nhận Chúa”. Nó cũng mở ra một thời kỳ hỗn loạn cho Âu Châu và được các sử gia đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng nhất lịch sử nhân loại.

Ra đời từ cuộc cách mạng này, có khẩu hiệu nổi tiếng: “Tự do, bình đẳng, bác ái” và bài quốc ca La Marseillaise.

Tiếc là, “tự do” khỏi quân chủ và nhà thờ, “bình đẳng” với quý tộc và tăng lữ như “tránh được vỏ dưa”, thì dân Pháp lại “dẫm vào vỏ dừa” là chế độ “độc tài” Jacobin đến vua cũng sợ. Thay vì “bác ái”, chế độ này hành quyết cả vua, cả dân, bằng máy chém. Vua là Louis XVI, dân là chừng 70,000 người, chỉ cần tuyên án “phản cách mạng” là xong. Những người này bị xử chém đa số bởi những kết tội vu vơ, suy diễn không cần bằng chứng.

Vụ xử tử tàn bạo đối với Nữ hoàng Marie Antoinette năm 1793 tại Quảng trường Cách mạng. (Ảnh: Wikipedia)

Như cách mạng Pháp mới đúng là một cuộc cách mạng, theo nguyên nghĩa tiếng Hán của từ “cách mạng” tức là “giết”.

Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa hơn. Cách mạng Pháp mở đường cho chủ nghĩa tư bản nhưng cũng làm mẫu cho các lớp hậu sinh nhìn thấy khả năng cướp đoạt chính quyền bằng lợi dụng bạo lực cách mạng của quần chúng, rồi phủ nhận triệt để những thành tựu thuộc các “chế độ cũ” hay những giá trị truyền thống, “cứ như thể chỉ có đến ta đây mới là đáng kể”.

Gần 100 năm sau, Công xã Paris áp dụng lại bài học này, 128 năm sau đến lượt Cách mạng tháng 10 Nga… nhưng cũng như trên phim ảnh, đại ma đầu phải đến màn cuối mới xuất hiện, những đệ tử kể trên chắc hẳn sẽ phải lật đật lùi bước, vòng tay khom lưng cung kính nếu họ được diện kiến truyền nhân xuất sắc nhất của Cách mạng Pháp về sử dụng bạo lực cách mạng, đó chính là ĐCSTQ.

1/7/1921 - ngày khai sinh ĐCSTQ

Ngày 1/7/2021 có lễ kỷ niệm tròn 100 năm thành lập ĐCSTQ. Trong khi thế giới văn minh lạnh nhạt, lên án, thì “quà mừng” của ông Trời là vô vàn tai trời ách nước trên toàn lãnh thổ Trung Quốc từ trước ngày 1/7 đến nay chưa dứt.

Hà Bắc vòi rồng, mưa đá, lũ, lốc xoáy, mưa lớn chưa từng có cuốn trôi cả người và xe trên phố.

Bầu trời Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Nam Kinh mây đen kịt mang hình ác quỷ và sét đánh như ngày tận thế. Ở Nội Mông, trời như sập xuống.

Hắc Long Giang, Tế Nam phố thành sông lớn, người và vật cùng trôi vùn vụt.

Mưa bão ở Thiên An Môn suốt từ trước 1/7 chưa dứt.

Tứ Xuyên chìm trong biển nước, Vấn Xuyên động đất.

Lũ quét ở Hà Nam, Sơn Tây. Hà Nam gió giật cấp 12, mưa như trút nước, mưa đá tới tấp.

V.v.

Xưa vào thời Nguyên, một nàng Đậu Nga chết oan, mà tuyết rơi tháng 6, hạn hán 3 năm liền. Còn sau 100 năm gây án của ĐCSTQ, số nạn nhân chết oan khuất là bao nhiêu? Cứ xem vậy thì biết thiên tai ấy mới chỉ là món khai vị, là khúc dạo đầu thôi.

Ông Tập Cận Bình phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc ở quảng trường Thiên An Môn vào sáng ngày 1/7/2021. (WANG ZHAO/AFP / Getty Images)
Ông Tập Cận Bình phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc ở quảng trường Thiên An Môn vào sáng ngày 1/7/2021. (WANG ZHAO/AFP / Getty Images)

Vào lễ kỷ niệm ngày 1/7/2021 oán khí ngút trời, phía trên quảng trường Thiên An Môn sét đánh, mưa rơi, đất trời xám xịt… phía dưới là những khuôn mặt đại biểu nhân dân buồn thảm, lo lắng, vỗ tay lộp độp cổ vũ cho lãnh đạo hạt nhân đứng trên lễ đài say sưa với “Trung Hoa mộng”. Liệu còn ai tham dự nữa không? Đậu Nga chết oán khí mãi chưa tan, vậy hàng chục triệu nạn nhân trong một thế kỷ hành ác của ĐCSTQ thì đang xếp hàng chỗ nào cho đủ? Hàng nghìn sinh viên đòi dân chủ bị hành quyết vào 4/6/1989 ngay tại nơi này thì đang đứng chỗ nào để nhìn lên lễ đài? Và còn cơ man nào là học viên Pháp Luân Công vô tội bị tra tấn, cướp mổ nội tạng dù đã siêu thoát nhưng ông Trời có thể tha thứ cho ĐCSTQ hay không?

Ngày 20/07/1999 - Chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu, đến nay chưa kết thúc

“Vào năm 1999, tháng 7,
Để Đại vương Angoulmois phục sinh,
Đại vương Khủng bố sẽ từ trên trời xuống,
Đến thời trước và sau khi Mars thống trị thiên hạ,
Nói là để có cuộc sống hạnh phúc cho mọi người.”

Đó là những lời tiên tri trong cuốn “Các thế kỷ” của nhà tiên tri lừng danh nước Pháp có tên Nostradamus từ hơn 400 năm trước.

Đại sư Lý – người sáng lập Pháp Luân Công đã nói trong bài “Tham khảo lời tiên tri”, đại ý như sau: “tháng Bảy, 1999, để nhà vua kia phục sinh, thì Khủng Bố sẽ từ trời xuống chính là cuộc đàn áp toàn diện đối với Pháp Luân Đại Pháp và các đệ tử môn này bởi những kẻ nắm quyền trong Trung ương ĐCSTQ. Các biện pháp bức hại là nhiều vô kể, chẳng hạn như: bắt cóc, đánh đập, đưa vào trại lao cải, bỏ tù, vu khống, hủy hoại kinh sách, can nhiễu không cho tu luyện… sử dụng mọi công cụ nhà nước bao gồm quân đội, cảnh sát, đặc vụ, báo chí các hình thức… để bức hại. Khí thế như khiến trời sụp xuống, lại che mắt cả thế giới mà hành ác.”

Vào ngày 20/7/1999, Giang Trạch Dân đã ra lệnh cho Trung Quốc chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp độ một, và bắt đầu một cuộc vận động chính trị bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc, quả nhiên giống như “Đại vương khủng bố từ trên trời giáng xuống”.

Vì sao bức hại? Vì ĐCSTQ sợ. Vì ai cũng tốt, ai cũng theo nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn mà rèn luyện nội tâm mạnh mẽ, phân biệt rõ chính - tà thì ĐCSTQ còn lý do gì để tồn tại? Mỉa mai thay, chỉ bằng cách khiến thiên hạ đại loạn, lòng người hỗn loạn thì ĐCSTQ mới có cơ hội nắm quyền. Nếu không tin thì hãy xem sự ngang ngược bá đạo của tổ chức nhà nước khủng bố này trên trường quốc tế; xem con virus COVID - 19 này từ đâu mà ra, đã khiến thế giới khốn khổ ra sao, ĐCSTQ đắc lợi thế nào; và xem dã tâm hiện nay không còn giấu diếm của ĐCSTQ muốn nô dịch loài người.

Cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc (Ảnh tổng hợp)
Cuộc bức hại Pháp Luân Công đã bước sang năm thứ 22, vẫn giữ nguyên mức độ tàn bạo (Ảnh tổng hợp)

Cuộc bức hại Pháp Luân Công đã bước sang năm thứ 22, vẫn giữ nguyên mức độ tàn bạo mà độc giả vốn có thể dễ dàng tiếp cận với một số lượng lớn các bằng chứng. Nhưng chắc chắn cuộc bức hại sẽ chưa thể kết thúc nếu con người thế gian còn chưa nhận thức rõ về nó. ĐCSTQ chắc chắn sẽ không tỉnh “Trung Hoa mộng”, chỉ còn hy vọng con người sẽ tỉnh giấc mộng về ĐCSTQ, lịch sử mới có thể sang trang.

Biết đâu sẽ là một ngày tháng 7 không xa…

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả Nguyên Vũ, không nhất thiết là quan điểm của trang NTDVN)

Nguyên Vũ

Chú thích:

(1), (2), (3), (4) theo: Newt Gingrich, “Five myths about the Founding Fathers”, The Washington Post, 02/07/2015.

Và: David A. Bell, “5 myths about the French Revolution”, The Washington Post, 09/07/2015.

Được dịch bởi trang nghiencuuquocte.org



BÀI CHỌN LỌC

Những ngày tháng 7 rung chuyển thế giới: Khi “Đại vương khủng bố” ra tay [Radio]