Những kỷ niệm trong đại dịch: Chuyến đi đến Rome 2019 và ba bức tranh của Raphael (P.1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhà thơ người Anh ở thế kỷ 19 đến thăm Venice, ông đã thốt lên trước Venice lộng lẫy và hoành tráng: “Ôi! Titian, ngài đang ở đâu? Tôi nhớ sắc màu của ngài, xanh, đỏ, vàng kim…”

Nhà thờ Santa Maria dei Miracoli và Nhà thờ Santa Maria di Montesanto ở Ý. (Ảnh: do Nông Sinh cung cấp)

Quảng trường Nhân Dân (Piazza del Popolo) ở Rome, Ý. (Ảnh: Wolfgang Manousek / Wikimedia Commons)

Tôi đến Ý lần đầu tiên vào đầu tháng 5 năm 2019. Ở Rome và Vatican, tôi rất ấn tượng khi nhìn thấy tấm áp phích khổng lồ duy nhất trên quảng trường Piazza del Popolo, nhưng khi nhìn kỹ, đó là hình ảnh quảng cáo của Huawei.

Mặc dù tôi đã sống ở Châu Âu gần chín năm, nhưng phải sau 27 năm, tôi mới lần đầu đặt chân đến Ý.

Đối với một người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, đây chắc chắn là một điều không thể tha thứ. Tôi không thích đi du lịch, đặc biệt là kiểu du lịch cưỡi ngựa xem hoa. Để làm quen với một thành phố, tôi nghĩ phải ở ít nhất nửa năm, thậm chí một năm. Chỉ là tôi không tìm được cơ hội như vậy ở Ý, nên đã hoãn chuyến thăm của mình mãi đến 2019.

Quảng trường Nhân Dân (Piazza del Popolo) ở Rome, Ý. (Ảnh: do Nông Sinh cung cấp)

Mặc dù thời gian của chuyến đi này không dựa trên nguyên tắc của bản thân, nhưng tôi đi với một vài bạn cùng ngành, và còn có một ý nghĩa khác.

Năm 2019 là kỷ niệm 500 năm ngày mất của Leonardo da Vinci, tiếp theo là kỷ niệm 500 năm ngày mất của Raphael vào năm 2020, có các cuộc triển lãm đặc biệt tại nhiều nơi ở Châu Âu.

Không ngạc nhiên khi tôi nhìn thấy bức bích họa “Trường học Athena” của Raphael ở Vatican. Tôi đứng trong một đám đông với dòng người cứ di chuyển tới lui, nên tôi lùi lại phía đối diện của bức tường để ngắm nhìn bức tranh lộng lẫy từ trên xuống dưới, quên mất thời gian đã trôi qua bao lâu, cho đến khi những người bạn đi cùng quay lại tìm tôi. Bức tranh này rõ ràng đã được nhìn thấy vô số lần trên Internet, trong album ảnh và trong sách, nhưng đó là một cảm giác hoàn toàn mới vào lúc này, và dòng năng lượng luân chuyển khắp cơ thể như thể là dòng ‘điện giật’ vậy.

Bây giờ là tháng 6 năm 2021, thế giới đã phải trải qua những khó khăn và đau đớn của dịch bệnh, đặc biệt là ở Ý. Từ báo chí, tôi thấy quảng trường Rome vắng hoe không một bóng người, Giáo hoàng ở một mình tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican.

Nhìn lại chuyến đi này, đó dường như là một sự sắp đặt bí mật, và đó cũng là một trong những dịp hiếm hoi trong đời tôi rơi nước mắt khi chiêm ngưỡng nguyên tác của một bức tranh.

Lối vào Vatican. (Ảnh: do Nông Sinh cung cấp)

Raphael hoàn thành bức tranh này khi chỉ mới 26 tuổi, ngoài khả năng vẽ bích họa thuần thục và thành thạo, ông đã dung hợp việc theo đuổi kiến ​​thức của người Hy Lạp cổ đại về nghệ thuật tự do nhân văn vào một thế giới do Cơ đốc giáo thống trị, bức tranh đặt trong văn phòng có chữ ký của Giáo hoàng. Không có sự vi phạm, bao trùm mà lại hài hòa, một thế giới lý tưởng nơi tri thức và tinh thần hòa quyện với nhau. Gần 60 người trong tranh, bao gồm cả những bậc thầy vĩ đại có ảnh hưởng đến văn hóa phương Tây ở thời đại trước của ông, họ đang tham gia vào các cuộc tranh luận duy vật và duy tâm trong “Trường học Athena” dưới bầu trời xanh của những mái vòm kiến ​​trúc cao và sâu. Các nhân vật trong tranh thể hiện một bầu không khí tự do và tao nhã, ngay cả khi họ là một nhóm người đang tranh biện, còn có cả Diogenes không mặc quần áo (Người theo chủ nghĩa hoài nghi thời Hy Lạp cổ đại).

Raphael đã thực hiện điều ấy như thế nào?

Quá trình làm bích họa đòi hỏi phải tính toán kỹ lượng và chính xác bức tranh trước khi lên bản thảo thiết kế, sau đó dán các mảnh nhỏ lên tường để định vị bản phác thảo, rồi trộn thạch cao màu hồng, các chất liệu này phải được vẽ trước khi bị khô, sau đó vẽ từng mảng, từng mảng cho đến khi hoàn thành toàn bộ bức tranh.

Độ ẩm, màu sắc và cường độ phải được kiểm soát hợp lý, không phải là một ý tưởng có thể thực hiện trong một sớm một chiều, nhưng bức bích họa này trông thật tự nhiên. Quy trình này không ảnh hưởng đến mối quan hệ qua lại của các nhân vật trong tranh, và tất cả đều hòa hợp với nhau theo thời gian và không gian.

Nếu Raphael không phân tích kỹ lưỡng và hiểu rõ phẩm chất và nghề nghiệp chuyên môn của những nhân vật này, ông sẽ không thể đặt họ vào vị trí thích hợp trong bức vẽ. Về cách xử lý không gian, “Trường học Athena” kéo dài một cách tinh xảo từ vòm tròn bầu trời xanh, đến cầu thang, rồi đến khung cảnh, và được tích hợp với kiến ​​trúc nội thất, khi khán giả nhìn vào bức tranh này như thể họ đang ở trong cùng một khung cảnh với các triết gia. Sự hòa quyện của khung cảnh thực sự rất cảm động.

Nhà thờ Santa Maria dei Miracoli ở Venice. (Ảnh: Wikimedia)

Những tác phẩm như vậy không còn thuần túy là nghệ thuật tạo hình nữa mà là những “bức họa nhân văn”. Bản thân Raphael là người thực hành tinh thần nhân văn và Nghệ thuật tự do. “Trường học Athena” là đỉnh cao của văn hóa và nghệ thuật phương Tây.

“Nghệ thuật tự do” nhấn mạnh sự rộng lớn của kiến ​​thức nhằm mục đích trau dồi tư duy độc lập và tình cảm cao quý của giới tinh hoa trí thức. Ngữ pháp, thể thao và âm nhạc là nội dung học cơ bản, trong khi hùng biện, biện chứng, thiên văn học, hình học và số học là các khóa học nâng cao. Các khóa học nghệ thuật tự do có nội dung liên quan đến kỹ thuật hoặc thực tế. Điều này tương tự như trong “Lịch đại danh họa ký” của Trương Ngạn Viễn viết vào thời cuối đời Đường: “Phàm là họa sĩ, thành công thì giáo hóa trợ giúp cho nhân luân, khốn cùng thì ở ẩn, khám phá sự u tịch vi diệu, công đức giống như sáu bộ thư tịch”.

Ngày nay, tinh hoa của nền giáo dục nhân văn phương Tây dường như đã hoàn toàn biến mất trong nền giáo dục của họ. Không biết từ bao giờ, trường đại học đã trở thành nơi đào tạo kiến ​​thức và kỹ năng. Các trường tiểu học và trung học đã trở thành khu vực cạnh tranh “tính đúng đắn về chính trị”.

Nhà sử học Dư Anh Thời đã viết trong cuốn sách “Lịch sử và tư tưởng”, có đoạn thế này: “... Mãi đến thế kỷ 19, chương trình giảng dạy nhân văn trong các trường học phương Tây mới dần được sửa đổi do sự phát triển của khoa học ... Còn về sự biến mất hoàn toàn của chương trình giáo dục nhân văn là đầu thế kỷ 20. Từ thế kỷ 18, trọng tâm của giáo dục phương Tây chuyển dần từ giáo dục nhân cách sang kiến ​​thức và kỹ năng”.

Ông Dư Anh Thời cũng trích dẫn một câu trong cuốn sách “Tư tưởng nghệ thuật Phục hưng và cổ điển học” của Paul Kristeller: “... nhiều nhà giáo dục dường như đã hoàn toàn quên mất sự tồn tại của học thuật nhân văn, càng như chưa nói đến tầm quan trọng của giáo dục”.

Năm 1959, ông Dư Anh Thời đã viết bài báo này, ông đã nhìn thấy những vấn đề của nền giáo dục phương Tây cách đây hơn 60 năm, không biết ông sẽ nói gì về nền giáo dục ngày nay?

(Còn tiếp)

Huy Hải
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Những kỷ niệm trong đại dịch: Chuyến đi đến Rome 2019 và ba bức tranh của Raphael (P.1)