Những điều kỳ diệu đã làm nên ba trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng (938 - 981 - 1288). Kỳ 3 [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đất nước ta có nhiều kỳ quan cùng địa thế hiểm trở hùng vĩ được thiên nhiên ưu ái ban tặng. Đó cũng là những bảo vật trấn quốc đã góp phần to lớn vào những chiến công oanh liệt chói ngời sử sách. Sông Bạch Đằng là một trong những nơi như thế. Đây cũng là nơi duy nhất ba lần ghi dấu đại thắng của thủy binh Đại Việt trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Góp phần làm nên những chiến công hào hùng trên con sông này, ngoài sự anh dũng chiến đấu của quân dân và tài cầm binh của các thống soái thì vẫn còn đó những nhân tố kỳ diệu trong dân gian...

Kỳ 3: Trận thủy chiến thứ 3 năm 1288 của Hưng Đạo Đại Vương

“Bát ngát sóng kình muôn dặm,
Thướt tha đuôi trĩ một màu.
Nước trời một sắc,
Phong cảnh ba thu.
Bờ lau san sát,
Bến lách đìu hiu
Sông chìm giáo gãy,
Gò đầy xương khô.
Buồn vì cảnh thảm,
Đứng lặng giờ lâu.
Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá,
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu.
(Bạch Đằng giang phú, Trương Hán Siêu).

Thanh thiên đồng tử hạ phàm; vì ngăn giặc dữ lan tràn phương Nam

Đạo quân Mông Cổ tung hoành vô địch, lan tràn như lửa cháy khắp thế giới là có lý do.

Ấy là Trời an bài cho họ đốt lên ngọn lửa chiến tranh để khiến cho các quốc gia thanh lý những nghiệp lực, tội lỗi của họ từ nhiều đời. Nhưng họ sẽ không được phép chạm đến những quốc gia kính Thần kính Phật như Đại Việt (thời Lý Trần thì Phật giáo là quốc giáo, vua chúa nhà Trần phần nhiều đi tu và có người đắc Đạo). Vì thế mà Đại Việt được Thiên thượng ưu ái bảo vệ với các minh quân dũng tướng đa phần là tinh tú đầu thai. Ngôi sao sáng chói nhất phải kể đến chính là Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn, người sẽ đập nát vó ngựa Nguyên Mông và viết nên bài ca huy hoàng cuối cùng cho đất nước trên con sông Bạch Đằng lịch sử.

Dã sử kể lại như sau:

“Tương truyền vào thời đầu nhà Trần có một dải khí trắng bốc lên đến trời. Thánh Tản Viên thấy thế biết nước Nam sẽ có ngoại xâm, bèn tâu Thượng đế. Sau đó, Thượng đế phái Thanh Thiên đồng tử xuống trần quét sạch dải khí trắng đó bằng cách sinh hạ vào nhà thân vương làm danh tướng. Khi Trần Hưng Đạo ra đời, trong nhà tràn ngập hương thơm và ánh sáng. Một vị đạo sĩ do coi thiên văn thấy có một vì tướng tinh giáng hạ, liền đến xin xem mặt Trần Quốc Tuấn.

Khi nhìn thấy, vị đạo sĩ vội lui xuống, vái lạy nói: “Người này tốt lắm, về sau cứu nước giúp đời làm sáng sủa cho non sông đó”.

Giết giặc Thát bắt tướng Nguyên; Một lòng trung nghĩa lưu truyền sử xanh

Trần Hưng Đạo (12321300) còn được gọi là Hưng Đạo Đại Vương (興道大王) hay Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương (仁武興道大王) là một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất nhất thời Trần.

Chân dung Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Chân dung Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. (Ảnh: Wikipedia)

Ông tên thật là Trần Quốc Tuấn, con của An Sinh Vương Trần Liễu, mẹ là Thiện Đạo quốc mẫu. Trần Quốc Tuấn khôi ngô, thông minh hơn người, văn võ song toàn. Giữa cha ông và vua Trần Thái Tông có mối thâm thù (vì bị Trần Thủ Độ ép nhường vợ đang mang thai cho Trần Thái Tông) nhưng bản thân ông đã lựa chọn sáng suốt khi đặt quốc gia và sự trung nghĩa lên trên mâu thuẫn cá nhân và gia đình.

Sử chép như sau:

“Quốc Tuấn là con Yên Sinh Vương, lúc mới sinh ra, có một thầy tướng xem cho và bảo: "[Người này] ngày sau có thể giúp nước cứu đời".

Đến khi lớn lên, dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, đọc rộng các sách, có tài văn võ.

Yên Sinh Vương trước đây vốn có hiềm khích với Chiêu Lăng, mang lòng hậm hực, tìm khắp những người tài nghệ để dạy Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, Yên Sinh cầm tay Quốc Tuấn trăn trối rằng:

'Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được?'

Quốc Tuấn ghi điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải.

Đến khi vận nước lung lay, quyền quân quyền nước đều do ở mình, ông đem lời cha dặn nói với gia nô là Dã Tượng, Yết Kiêu. Hai người gia nô can ông:

"Làm kế ấy tuy được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu, chỉ xin lấy người làm thịt dê là Duyệt làm thầy mà thôi.

Quốc Tuấn cảm phục đến khóc, khen ngợi hai người”.
(Theo Đại Việt sử ký toàn thư-Kỷ nhà Trần).

Xã tắc hai phen chồn ngựa đá; Non sông nghìn thuở vững âu vàng

Quân Nguyên đã hai lần xâm lược nước ta (1258-1285) và đều thất bại. Năm 1288, quân Mông Nguyên quyết định trở lại đánh Đại Việt để trả mối hận. Vua Nguyên là Hốt Tất Liệt lệnh cho con trai thứ 9 của mình là Thoát Hoan làm tổng chỉ huy, cùng các tướng lĩnh tài giỏi đánh được cả bộ lẫn thủy chiến như: Ô Mã Nhi, Áo Lỗ Xích, Phàn Tiếp, Phạm Nhan, Trương Văn Hổ, đem 50 vạn quân mượn danh nghĩa đưa Trần Ích Tắc về làm An Nam Quốc Vương - thực chất là mưu đồ thôn tính Đại Việt một lần nữa. Ai cũng biết quân Mông Cổ là đội quân hùng mạnh nhất thế giới. Vó ngựa Mông Cổ đã từng tung hoành đánh chiếm các lục địa Á Âu, dẫm nát không biết bao nhiêu thành trì. Quân Mông Cổ gieo rắc bao nỗi kinh hoàng lên khắp nơi; và chưa bao giờ cả châu Á lẫn châu Âu gặp một thảm họa khủng khiếp như thế. Họ được mệnh danh là kẻ hủy diệt. Nhưng khi đến Đại Việt thì câu chuyện đã hoàn toàn khác!...

Vó ngựa Mông Cổ đã từng tung hoành đánh chiếm các lục địa Á Âu, dẫm nát không biết bao nhiêu thành trì. Quân Mông Cổ gieo rắc bao nỗi kinh hoàng lên khắp nơi
Vó ngựa Mông Cổ đã từng tung hoành đánh chiếm các lục địa Á Âu, dẫm nát không biết bao nhiêu thành trì. Quân Mông Cổ gieo rắc bao nỗi kinh hoàng lên khắp nơi... (Ảnh: Shutterstock)

Tháng 2 năm 1288, quân Mông-Nguyên tiến vào nước ta. Vua Trần Thánh Tông trong Hội nghị Diên Hồng đã hỏi các bô lão: “Thưa các bô lão ta nên hòa hay nên đánh?”. Mọi người đồng thanh đáp: “Quyết chiến!”...

Trần Hưng Đạo lại được chỉ định thống lĩnh ba quân đánh ngoại xâm. Quân Mông - Nguyên tiến đánh Phú Lương, Thăng Long nhiều lần nhưng không có kết quả. Trong khi đó đoàn quân lương của Trương Văn Hổ bị Trần Khánh Dư chặn đánh tiêu diệt ở Vân Đồn. Thoát Hoan nhận thấy: Lương thực ít, khí trời nóng nực dễ sinh dịch bệnh, quân sĩ cũng dễ mệt, không thể chống lâu được; ông quyết định cho rút quân về nước, một ngả theo đường thủy do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy và sai Trình Bằng Phi, Ta Tru đem kỵ binh đi hộ tống; còn một ngả đi đường bộ do Thoát Hoan dẫn đầu. Biết được tình thế tháo chạy của giặc, Trần Hưng Đạo theo kế sách xưa của Ngô Quyền và Lê Hoàn mà bố trí mai phục ở cửa sông Bạch Đằng đón đầu quân Ô Mã Nhi.

Vua bà chỉ dẫn nơi đóng cọc; Bốn thần phù trợ phóng hỏa công

Tương truyền khi Trần Hưng Đạo đi thị sát chuẩn bị cho trận địa mai phục trên sông Bạch Đằng, ông đã được bà hàng nước bên bến đò Rừng, dưới cây quếch cổ thụ mách cho lịch thủy triều, địa thế lòng sông, lúc nào nước lên, nước xuống, chỗ nào có ghềnh đá, đoạn sông nào nước sâu. Bà còn hiến kế: “nơi đây có nhiều cây dễ cháy, hãy làm bè mảng mà thiêu đốt thuyền giặc”.

Nhờ đó Trần Hưng Đạo đã bày binh bố trận hợp lý, cắm cọc nơi hiểm yếu kết hợp với dải đá ngầm Ghềnh Dốc và ghềnh sông Chanh, bịt đường thoát ra biển Đông của thuyền chiến giặc. Lại một lần nữa Làng Rừng: cây cối và con người nơi đây cùng nhau góp phần vào cuộc chiến chống ngoại xâm.

Sau khi bố trí xong trận địa cọc, Trần Hưng Đạo tìm địa điểm để bố trí nơi phóng hỏa. Đêm nọ, ông được bốn vị thần là Cao Sơn Quý Minh, Nam Hải tôn thần, Phi Bồng tướng quân và Bạch Thạch tướng quân báo mộng cho vị trí sắp đặt trận hỏa công.

Tương truyền sau khi thắng trận Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo trở lại bến đò tìm bà hàng nước để tạ ơn nhưng không thấy bà đâu nữa. Ông xin vua Trần phong cho bà làm Vua Bà và cho lập miếu thờ ngay tại bến đò xưa. Đồng thời ông cũng chuẩn bị lễ vật tạ ơn bốn vị thần đã giúp ông bố trí nơi phóng hỏa, và lập miếu thờ, đổi tên nơi ấy thành Đền Công có nghĩa là đền đáp công ơn các vị thần.

Xưa kia miếu Vua Bà có quy mô rất nhỏ, tuy nhiên sau này được xây dựng lại với quy mô lớn và khang trang hơn.
Xưa kia miếu Vua Bà có quy mô rất nhỏ, tuy nhiên sau này được xây dựng lại với quy mô lớn và khang trang hơn.

Bạch Đằng bắt sống Ô Mã Nhi; Thoát Hoan chui ống qua biên giới

Ngày 8/4/1288, cánh quân Ô Mã Nhi tiến đến Trúc Động trên sông Giá và bị quân Đại Việt đánh chặn quyết liệt, buộc Ô Mã Nhi phải theo sông Đá Bạch để tiến xuống sông Bạch Đằng. Trúc Động đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ cho trận địa phục kích chính của quân ta ở sông Bạch Đằng. Khi được tin chiến thuyền Ô Mã Nhi rút lui theo đường sông Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo cho bố trí bộ binh mai phục vùng núi đá vôi Tràng Kênh và vùng rừng rậm rạp ở tả ngạn sông Bạch Đằng (Hưng Yên), còn thủy quân thì ẩn trong các con sông hai bên bờ sông Giá, sông Thái, sông Điền Công.

Khi thuyền chiến của giặc vào đến sông Bạch Đằng, lúc này nước còn lên cao che hết cọc gỗ, Trần Hưng Đạo lệnh cho các tàu, ghe nhỏ ra đánh rồi giả vờ thua chạy, vừa rút lui vừa đánh trả. Đến khi thủy triều rút, toàn bộ thủy quân Mông Nguyên bị mắc kẹt. Giờ phút đã đến, Trần Hưng Đạo sai tướng Nguyễn Khoái đem thuyền ra đánh mạnh vào quân địch, phục binh của quân ta ở hai bên bờ đổ ra đánh vào sườn và sau đoàn thuyền địch, còn bè lửa thì bủa vây thiêu đốt địch làm cho quân Nguyên chết vô số. Hơn 400 thuyền giặc bị ta chiếm lấy.

Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ, Áo Lỗ Xích, Phàn Tiếp, Phạm Nhan bị quân ta bắt. Trong khi đó, Thoát Hoan chạy theo đường Lạng Sơn, dọc đường bị quân Việt đón đánh. Mãi cho đến ngày 19.4.1288 quân của Hoan mới chạy về nước được. Riêng Thoát Hoan phải chui ống đồng mà về. Quân Mông Nguyên một thời làm bá chủ xâm chiếm Á Âu, giờ đã không thể nào chống cự nổi trước hành động chính nghĩa, sức mạnh đoàn kết, mưu trí của quân dân Đại Việt.

“Họ cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp”, chiến lược quân sự này đã được Trần Hưng Đạo vận dụng trên chiến trận vô cùng thành công với đỉnh cao là trận đánh trên sông Bạch Đằng.

Thoát Hoan chạy theo đường Lạng Sơn, dọc đường bị quân Việt đón đánh. Mãi cho đến ngày 19.4.1288 quân của Hoan mới chạy về nước được. Riêng Thoát Hoan phải chui ống đồng mà về.
Thoát Hoan chạy theo đường Lạng Sơn, dọc đường bị quân Việt đón đánh. Mãi cho đến ngày 19.4.1288 quân của Hoan mới chạy về nước được. Riêng Thoát Hoan phải chui ống đồng mà về.

Lời bàn:

Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là trận đại thắng sau cùng trên dòng Bạch Đằng lịch sử. Nó cũng là chiến công lớn nhất trong ba lần chống quân xâm lược Nguyên Mông của quân và dân Đại Việt dưới tài thao lược của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, vị anh hùng kiệt xuất, nhà chiến lược lỗi lạc. Ông đã đem một dân tộc nhược tiểu của một quốc gia “bé như nắm tay” mà đập tan vó ngựa Nguyên Mông lừng danh thế giới bấy giờ.

Đúng như lời người xưa đã nhận xét:

“Nước Mông Cổ quật khởi ở phương Bắc, nuốt nước Linh Hạ, uy hiếp Cường Kim, đánh úp nhà Cự Tống, mang cung tên đến đâu thì các nước ngoài núi biển đều trông gió mà tan vỡ, đem quân sang Nam ào ào như núi lở sông băng, gió rung mây cuốn. Vương chỉ một nhóm tàn quân dám ra chống cự, khác nào như núi Thái Sơn đè trứng, thế mà một hồi trống sông Bạch Đằng, quân Mông Cổ phơi thây nghìn dặm, há chẳng phải là việc hiếm có ở trời đất sao? Không những có công lớn với nhà Trần mà cũng có công lớn với thiên hạ đời sau nữa, nếu không có Hưng Đạo Đại Vương thì nước Nam Giao đã phải để tóc đuôi sam rồi vậy”.

Tuy nhiên điều kỳ lạ hơn là chiến công vĩ đại nhất này lại đã được tiên tri từ nhiều năm trước khi Hưng Đạo Đại Vương chỉ mới... bảy tuổi qua một bài thơ như sau:

“Tứ thất uẩn hung trung
Bát bát thám Dịch tượng
Lục Hoa bát trận đồ
Sát Thát cầm Nguyên tướng”.

Tạm dịch:

“Bốn bảy chất chứa trong lòng
Tám tám gieo quẻ biết thời thế
Bày bố trận Lục Hoa và Bát trận đồ
Để giết giặc Thát và bắt tướng Nguyên”.

“Tứ thất” hay “bát bát” là ý nói về khả năng sử dịch Kinh Dịch đoán ý trời mà hành sự. Ý nói làm tướng trên thông thiên văn dưới tường địa lý.

Lục Hoa bát trận đồ là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự cổ đại, thể hiện kỹ năng của tướng quân. Nhưng “Sát Thát cầm Nguyên tướng” mới là câu thơ lạ lùng nhất trong bài này, vì thời điểm mà Hưng Đạo Vương còn nhỏ thì nhà Nguyên chưa thành lập và cũng chưa hề xâm lấn đến Việt Nam. Việc một đứa bé bảy tuổi làm thơ nói rằng sẽ dùng kiến thức Kinh Dịch để bày mưu kế, dùng Lục Hoa Bát trận để điều binh khiển tướng, sẽ giết giặc Thát (Thát Đát – từ chữ Tartar ý chỉ chung các dân tộc du mục hay xâm lấn Trung Quốc) và bắt tướng Nguyên quả là vô cùng huyền bí. Vậy mới nói những chiến công to lớn của các vĩ nhân phải chăng đều do Thiên thượng an bài từ trước? Nhờ dân Việt ta có những người lãnh đạo thương dân mà ông Trời sắp xếp các danh tướng với tài năng cao siêu mà lập nên những chiến công lừng lẫy nghìn thu chăng?

Tâm Thanh
(Tham khảo: Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Nam quốc sử khảo, Lịch sử cổ Đại Việt).



BÀI CHỌN LỌC

Những điều kỳ diệu đã làm nên ba trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng (938 - 981 - 1288). Kỳ 3 [Radio]