Những điều kỳ diệu đã làm nên ba trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng (938 - 981 - 1288). Kỳ 2 [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đất nước ta có nhiều kỳ quan cùng địa thế hiểm trở hùng vĩ được thiên nhiên ưu ái ban tặng. Đó cũng là những bảo vật trấn quốc đã góp phần to lớn vào những chiến công oanh liệt chói ngời sử sách. Sông Bạch Đằng là một trong những nơi như thế. Đây cũng là nơi duy nhất ba lần ghi dấu đại thắng của thủy binh Đại Việt trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Góp phần làm nên những chiến công hào hùng trên con sông này, ngoài sự anh dũng chiến đấu của quân dân và tài cầm binh của các thống soái thì vẫn còn đó những nhân tố kỳ diệu trong dân gian...

Kỳ 2: Lê Hoàn bắt sống tướng giặc trên sông Bạch Đằng năm 981

Bạch Đằng giang
Kinh quán sơn hà thảo mộc xuân,
Hải triều húng húng thạch lân tuân.
Thuỳ tri vạn cổ Trùng Hưng nghiệp,
Bán tại quan hà bán tại nhân.
Dịch nghĩa:
Mồ thù như núi, cỏ cây tươi,
Sóng biển gầm vang, đá ngất trời.
Sự nghiệp Trùng Hưng ai để biết,
Nửa do sông núi, nửa do người.
(Nguyễn Sưởng).

Tiếng sét đánh mau, che tai không kịp...

Tháng 11/979, Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn trong một đêm uống rượu ngủ say ở ngoài cung đình, đã bị kẻ bề tôi là Đỗ Thích sát hại. Vua Tống nghe lời tâu của Hầu Nhân Bảo: “An Nam quận vương cùng con trai là Đinh Liễn bị giết, nước ấy sắp mất, có thể nhân lúc này đem một cánh quân sang đánh lấy; nếu bỏ qua lúc này mà không mưu tính, sợ lỡ cơ hội”, vả lại tể tướng Lư Đa Tốn cũng dâng kế “Tiếng sét đánh mau, che tai không kịp”. Kết quả là Tống Thái Tông quyết định ngay việc đưa quân sang đánh Đại Cồ Việt.

Năm 980, bộ chỉ huy quân Tống được thành lập: Tổng chỉ huy Hầu Nhân Bảo, phó tổng chỉ huy Tôn Toàn Hưng, cùng một loạt tướng lĩnh khác như Lưu Trừng, Trần Khâm Tộ, Thôi Lượng, tất cả các cánh quân thủy bộ bốn hướng được lệnh lên đường ngay.

Tin dữ được cấp báo về Hoa Lư, vua nhà Đinh là Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi kế vị dưới sự nhiếp chính của Dương thái hậu và tướng quân Lê Hoàn.

Rồng vàng hộ thân, chân long thiên tử...

Lê Hoàn (941 – 1005) người ở xã Trường Yên (Ninh Bình), cha là Lê Mịch, mẹ tên Đặng Thị. Tương truyền khi mới có thai, mẹ ông chiêm bao thấy trong bụng nở hoa sen, chỉ chốc lát đã kết hạt, bèn lấy chia cho mọi người, còn mình thì không ăn, tỉnh dậy không hiểu nguyên do thế nào. Đến khi sinh ra Lê Hoàn, bà hiểu ra, bèn nói với mọi người rằng: "Thằng bé này lớn lên, ta sợ không kịp hưởng lộc của nó".

Vài năm sau cha mẹ qua đời, Lê Hoàn phải một mình sống trong cảnh nghèo khổ. Trong thôn có viên quan án là Lê Đột trông thấy lấy làm lạ, nói: "Tư cách đứa trẻ này, người thường không sánh được", bèn nhận làm con nuôi, chăm sóc dạy dỗ, không khác gì con đẻ. Vào những ngày đông lạnh, Lê Hoàn nằm úp cối mà ngủ. Viên quan họ Lê nhìn xem thì ngạc nhiên khi thấy có rồng vàng nằm che trên mình của Lê Hoàn. Từ đấy càng thêm yêu quý và dốc lòng dạy dỗ thêm cho ông.

Vào những ngày đông lạnh, Lê Hoàn nằm úp cối mà ngủ. Viên quan họ Lê nhìn xem thì ngạc nhiên khi thấy có rồng vàng nằm che trên mình của Lê Hoàn.
Vào những ngày đông lạnh, Lê Hoàn nằm úp cối mà ngủ. Viên quan họ Lê nhìn xem thì ngạc nhiên khi thấy có rồng vàng nằm che trên mình của Lê Hoàn. (Ảnh: nghiencuulichsu.com)

Lê Hoàn lớn lên thông minh, học giỏi, văn võ song toàn. Năm 16 tuổi, Lê Hoàn xin gia nhập đội quân của Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Đinh Tiên Hoàng khen Lê Hoàn là người trí dũng, sau được thăng đến chức Thập Đạo tướng quân Điện tiền chỉ huy sứ.

Hoa Lư binh biến, Thập đạo lên ngôi...

Trong tình thế giặc mạnh áp sát quan ải, trong triều ấu chúa mới lập mà binh quyền nằm hết trong tay của một đại thần ắt sẽ có biến. Một điều vô cùng trùng hợp là năm 960 Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn đã lên ngôi trong tình huống như thế, sử gọi là “Binh biến Trần Kiều”. 20 năm sau là năm 980 tại nước Đại Cồ Việt, Lê Hoàn cũng lên ngôi trong tình huống tương tự.

Sử chép:

“Nhận tin quân Tống chuẩn bị xâm lược, Thái hậu sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đi chiến đấu, lấy người Nam Sách Giang là Phạm Cự Lạng làm Đại tướng quân. Khi triều đình đang bàn kế hoạch xuất quân, Phạm Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ, nói với mọi người: "Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn". Quân sĩ đều hô vạn tuế”...
(Trích Đại Việt sử ký toàn thư-kỷ nhà Lê).

Dương thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn lấy long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời ông lên ngôi hoàng đế.

Tấm lòng thiện lương vì xã tắc của Dương thái hậu đã cảm phục được tất cả mọi người bấy giờ, cũng như cho cả thế hệ mai sau. Bà không tham lam ngai vàng cao quý hay quyền lực tột đỉnh mà biết được năng lực và hoàn cảnh lúc này của hai mẹ con; biết được điều gì nên làm và không nên làm và quan trọng nhất là bà đã biết đặt lợi ích dân tộc lên trên quyền lợi gia tộc. Không như nhiều người chỉ vì tranh giành ngôi báu mà giết hại lẫn nhau mặc cho đất nước phải rơi vào tay ngoại xâm.

Tượng Dương Hậu trong đền Lê Đại Hành ở Hoa Lư.
Tượng Dương Hậu trong đền Lê Đại Hành ở Hoa Lư. (Ảnh: Wikipedia)

Lê Hoàn thuận ý trời, hợp thời thế, theo lòng người suy tôn mà lên ngôi, đổi niên hiệu thành năm đầu Thiên Phúc và gấp rút chuẩn bị chiến tranh. Tháng 10 cùng năm, ông sai Nha hiệu là Giang Cự Vọng, Vương Thiệu Tộ đưa thư sang Tống giả làm thư Vệ vương Đinh Toàn thỉnh cầu Lê Hoàn nối ngôi cha, cầu nhà Tống phong chức, với ý đồ muốn hoãn binh. Không ngoài dự đoán, quyết tâm xâm lược mạnh mẽ đã khiến cho nhà Tống không đồng ý. Đầu năm 981, nhà Tống lấy cớ Lê Hoàn tự xưng đế để đem quân đánh Đại Cồ Việt, quân Tống chia binh đi theo hai đường thủy, bộ ven biển Đông Bắc tiến vào nước ta.

Đại chiến Bạch Đằng giang, đập tan quân xâm lược...

Với quyết tâm cao độ hoàn thành việc xâm lược Đại Cồ Việt, nhà Tống đã chuẩn bị vô cùng chu đáo cho đoàn quân của mình:

“Nhà Tống dùng Lan Châu Đoàn luyện sứ là Tôn Toàn Hưng, Bát tắc sứ là Thích Hậu, Tả Giám môn vệ Đại tướng quân là Thôi Lượng làm chức Lục lộ Binh mã Tổng quản, từ đường Ung Châu tiến quân. Ninh Châu Thứ sử là Lưu Trừng, Án bí Khố sứ là Giả Thực, Cung phụng Quan Các môn Chi hậu là Vương Soạn làm chức Thủy quân Binh mã Tổng quản do đường Quảng Châu tiến quân. Lại dùng Ngọ Xương Duệ làm chức Tri Giao châu Hành doanh Thông tục. Nhóm Toàn Hưng từ giã, vua nhà Tống là Thái Tông lại hạ chiếu cho dẫn tiến, khiến Lương Quýnh thiết tiệc ở vườn Ngọc Tân để tống tiễn”...
Mùa thu năm 980, quân Tống khởi hành; tháng 12 năm 980, quân Tống phá được hơn 1 vạn quân Đại Cồ Việt”...
(Trích An nam chí lược, Lê Tắc, trang 43).

Mùa xuân, tháng 2 năm 981, Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng tiến đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng. Lê Đại Hành chỉ huy cho quân khẩn trương xây dựng phòng tuyến, cắm cọc nhọn trên sông Bạch Đằng và một số sông khác để đối phó với thủy quân Tống.

Đại Việt sử ký toàn thư chép:
“Vua tự làm tướng đi chặn giặc, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông Chi Lăng”.

An Nam chí lược chép:
Mùa hạ năm 981, quân Tống giao chiến với quân Việt, quân Tống chém được hơn 1000 người, bắt được hơn 200 thuyền chiến. Phạm Cự Lạng xin Lê Hoàn rút quân tại Ba Bộ. Chuyển vận sứ nhà Tống là Hầu Nhân Bảo cùng đạo tiền quân tiến sâu vào, bị thất bại luôn".

Cánh quân Tống do Lưu Trừng và Tôn Toàn Hưng tiến quân đến thôn Đa Ngư nhưng không gặp quân chủ lực của Đại Cồ Việt để giao chiến, lại vội vã rút lui. Còn cánh quân bộ do Trần Khâm Tộ chỉ huy tiến xuống Tây Kết cũng trở thành đạo quân bị cô lập, ở vào tình thế dễ bị đối phương truy kích tiêu diệt. Cánh quân thủy của Hầu Nhân Bảo từ sau trận Lục Giang đã bị tiêu hao sinh lực, phương tiện chiến đấu, lại bị chia cắt khỏi thế trận liên kết chung.

Các mũi tên chỉ hướng tấn công của quân Tống và quân dân Đại Cồ Việt.
Các mũi tên chỉ hướng tấn công của quân Tống và quân dân Đại Cồ Việt. (Ảnh: Wikipedia)

Trong khi đó Lê Đại Hành bí mật tăng cường lực lượng, chuẩn bị trận đánh để “Đập nát đầu rắn”. Ông bày một thế trận ở khúc giữa sông Bạch Đằng hiểm yếu, rồi bố trí mai phục chờ sẵn. Sau đó Lê Đại Hành gửi thư trá hàng và lập đài tuyên thệ. Hầu Nhân Bảo tưởng thật, đi thuyền tới đài tuyên thệ thì bất ngờ bị thủy quân Đại Cồ Việt chia cắt khỏi lực lượng bảo vệ, bị bắt sống sau đó đem chém.

Quan quân xâm lược nhà Tống lâm vào cảnh “Rắn mất đầu”, thế là vỡ trận. Lê Hoàn thừa thắng tiến đánh và tiêu diệt địch ở khắp nơi. Cánh quân của Trần Khâm Tộ đã vào sâu được đến trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng - vùng Tây Kết, Hưng Yên - cũng bị ta diệt gọn. Kế hoạch trá hàng để đánh “Đập nát đầu rắn” của Lê Đại Hành đã mang đến thắng lợi. Các tướng nhà Tống: kẻ bị giết chết, người bị bắt giam, người về nước bị vua Tống chém đầu, xử tội.

Sử chép:

“Vua sai quân sĩ trá hàng để dụ Nhân Bảo, đem chém. Bọn Khâm Tộ nghe tin quân thủy thua trận, dẫn quân về. Vua đem các tướng đánh, quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chết đầy đồng, bắt được tướng giặc là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư.
Giang Nam chuyển vận sứ của nhà Tống là Hứa Trọng Tuyên đem việc Nhân Bảo thua chết tâu lên. Vua Tống xuống chiếu rút quân về, sai sứ quở trách bọn Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn. Trừng ốm chết, Soạn bị giết ở Ung Châu, Tôn Hoàng Hưng cũng bị giết bêu ở chợ”...
(Đại Việt sử ký toàn thư-Kỷ nhà Lê).

Thắng lợi của Lê Hoàn trong cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Tống diễn ra nhanh chóng và thực sự to lớn khi ông mới bước lên ngôi vị. Đại Việt từ đó được thanh bình trong gần một thế kỷ. Tên tuổi Lê Hoàn và quân dân nhà Tiền Lê mãi khắc sâu vào lịch sử chống ngoại xâm với chiến công sáng chói.

Chiến tranh chấm dứt, nhưng Lê Hoàn vẫn sai sứ sang nhà Tống trao trả một số tù binh và đặt lại nền quan hệ hòa hảo giữa hai nước.

Lời bàn:

Người viết không dám lạm bàn về đức Lê Hoàn vì đã có nhiều sử gia đánh giá về ông.
Tiêu biểu như sử gia Lê Văn Hưu:

“Lê Đại Hành Giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được. Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng, Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng, Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư ? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nên nói theo họ Lý”.

Thập đạo tướng quân lên ngôi giữa lúc đại quân Bắc triều áp sát biên giới, lòng dân dao động, các tướng không cùng chung sức. Vậy mà ông đã một tay lập nên công nghiệp to lớn lẫy lừng, ghi thêm một dấu son bất hủ vào sử Việt cũng như chiến tích trên con sông Bạch Đằng lịch sử.

Dù hùng tráng như vậy nhưng triều đại của ông lại quá ngắn ngủi, các con tàn sát lẫn nhau dẫn đến mất nước âu cũng là điều đáng tiếc. Nếu không có Lý Công Uẩn thì đất nước biết đâu lại phải nội thuộc thêm nghìn năm chăng?

Vậy mới nói văn trị và vũ công hay nhân đức và uy dũng phải cùng với nhau thì mới làm nên sự nghiệp lâu dài thiên cổ, đem lại phúc lớn cho muôn vạn con dân. Tuy là khen cho công bình loạn, chống ngoại xâm nhưng vẫn đáng tiếc vì thiếu cái tác dụng của nhân đức trị nước mà chưa được hoàn hảo vậy.

Tâm Thanh
(Tham khảo: Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Nam quốc sử khảo, Lịch sử cổ Đại Việt).



BÀI CHỌN LỌC

Những điều kỳ diệu đã làm nên ba trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng (938 - 981 - 1288). Kỳ 2 [Radio]