Những điều ít người biết về bậc kỳ tài Khổng Tử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khổng Tử mà chúng ta biết đến đa phần chỉ là nói đến tư tưởng Nho gia của ông có ảnh hưởng đến xã hội nhân loại. Còn những việc khác như tài trị quốc và tinh thần không sợ sống chết của ông thì có lẽ còn ít người biết đến.

Sách "Khổng Tử gia ngữ" có ghi chép rằng, Khổng Tử đã từng làm quan nước Lỗ, và đã để lại nhiều giai thoại đẹp. Cũng có lẽ do tư tưởng của Khổng Tử quá sáng chói nên đã ảnh hưởng đến sự lưu truyền của những giai thoai đẹp khác của ông.

Dưới sự cai quản của Khổng Tử, ngoài đường không nhặt của rơi

Khi Khổng Tử mới làm quan, ông đảm nhiệm chức Ấp tể của Đô ấp (tương đương với Thị trưởng Thủ đô ngày nay). Ông đặt ra chế độ giúp mọi người dân có cuộc sống được đảm bảo, khi chết được an táng. Ông đề xướng tùy theo tuổi tác già trẻ mà nên ăn các thức ăn khác nhau, tùy theo năng lực lớn nhỏ mà đảm nhận nhiệm vụ khác nhau, nam nữ đi đường mỗi giới đi một bên, những đồ vật đánh rơi trên đường không ai nhặt chiếm làm của mình, đồ dùng không truy cầu phù hoa, trang trí điêu khắc cầu kỳ. An táng người chết thì quy định gỗ quan tài dày 4 tấc, gỗ làm quách dày 5 tấc, làm mộ dựa vào các gò đống, không xây mộ cao lớn, không trồng tùng bách xung quanh nghĩa trang. Sau khi chế độ này thực thi được một năm, các nước chư hầu phía Tây tấp nập học theo.

Lỗ Định Công hỏi Khổng Tử: "Học tập phương pháp thực thi chính sách của ngài để trị sửa nước Lỗ, ngài thấy thế nào?"

Khổng Tử trả lời rằng: "Cho dù là trị sửa thiên hạ cũng đủ trị sửa tốt, đâu chỉ là trị sửa tốt nước Lỗ".

Chế độ này thực thi được 2 năm thì Lỗ Định Công bổ nhiệm Khổng Tử làm Tư không (một chức quan trong Lục khanh, chỉ sau Tam công, giống như Bộ trưởng Bộ công nghiệp và nông nghiệp ngày nay). Khổng Tử căn cứ vào tính chất đất đai chia thành 5 loại đất là: núi rừng, sông đầm, gò đống, đất cao, đầm lầy, và sử dụng các loại cây trồng thích hợp với mỗi loại đất, điều kiện địa lý, và đều cho kết quả sinh trưởng rất tốt.

Dưới sự cai quản của Khổng Tử, ngoài đường không nhặt của rơi
Chân dung Khổng Tử. (Ảnh: Wikipedia)

Không sợ quyền thế, tài ngoại giao sánh với Yến Tử

Lỗ Định Công và Tề Hầu cử hành hội thề (lập liên minh) ở Hiệp Cốc nước Tề, Khổng Tử được chọn làm người chủ trì buổi lễ. Đúng lúc hai nước Tề - Lỗ chuẩn bị chích máu làm lễ thề thì nước Tề thêm một đoạn vào giấy thề ước rằng: "Sau này khi nước Tề đem quân chinh phạt phương xa, nước Lỗ nếu không phái 300 cỗ binh xa cùng chinh phạt thì phải bị trừng phạt theo quy định của thề ước này".

Khổng Tử bảo đại phu nước Lỗ là Tư Vô Hoàn đáp trả rằng: "Nước Tề không hoàn trả nước Lỗ phần đất đai từ sông Vấn về phía Bắc mà muốn nước Lỗ phái binh đi theo chinh phạt thì nước Tề cũng phải bị trừng phạt theo điều kiện của thề ước này".

Tề Hầu chuẩn bị yến tiệc thết đãi Lỗ Định Công, Khổng Tử nói với đại phu nước Tề là Lương Khâu Cứ rằng: "Lễ tiết truyền thống của hai nước Tề, Lỗ, lẽ nào ngài chưa nghe sao? Hội thề đã hoàn thành rồi, quốc quân quý quốc lại muốn sửa soạn yến tiệc thết đãi quốc quân nước tôi, đây chẳng phải là gây phiền nhiễu quần thần quý quốc một cách vô ích đó sao? Hơn nữa đồ đựng rượu hình trâu và hình voi, theo quy định thì không được đem ra ngoài cửa cung, còn nhã nhạc cũng không được diễn tấu ở nơi hoang dã. Nếu trong yến tiệc có những đồ đựng rượu này thì đó là trái với lễ nghi, nếu yến tiệc không đủ trang trọng, đơn giản thô lậu thì giống như vứt bỏ ngũ cốc mà dùng cỏ lòng vực lép vậy. Yến tiệc thô lậu thì tổn hại thể diện của quốc quân quý quốc, mà trái lễ nghi phép tắc thì quý quốc sẽ bị tiếng xấu lan xa, mong ngài thận trọng xem xét. Thết đãi khách là để tỏ rõ uy đức của quân chủ, nếu như yến tiệc không tỏ rõ được uy đức, thì chẳng bằng dừng lại còn tốt hơn".

Thế là nước Tề từ bỏ yến tiệc này.

Nhìn xa trông rộng, dẹp yên tam phiên

Khổng Tử nói với Lỗ Định Công rằng: "Trong nhà khanh đại phu không được cất giữ binh khí giáp trụ, trong đất phong không được xây dựng đô thành quy mô 100 trượng vuông, đây là lễ chế cổ đại. Trước kia thành ấp của các đại phu ba nhà họ Quý Tôn, Thúc Tôn, Mạnh Tôn đều vượt qua lễ chế, xin ngài hãy cắt giảm quyền thế của họ".

Thế là Lỗ Định Công phái gia thần nhà họ Quý là Trọng Do (một đệ tử nổi tiếng dũng cảm của Khổng Tử) đi tháo dỡ thành trì của các đại phu 3 gia tộc: Thành Phí của họ Quý Tôn, thành Hậu của họ Thúc Tôn và thành Thành của họ Mạnh Tôn.

Con trai thứ của nhà Thúc Tôn là Thúc Tôn Triếp không được họ Thúc Tôn coi trọng, liên hợp với quan cai quản thành Phí là Công Tôn Phất Nhiễu dẫn người Phí tấn công thành Khuc Phụ của nước Lỗ.

Khổng Tử bảo vệ Lỗ Định Công và các đại phu họ Quý Tôn, Thúc Tôn và Mạnh Tông ẩn nấp ở trong dinh thự của họ Quý, leo lên Vũ Tử Đài. Người Phí tấn công Vũ Tử Đài, tấn công một phía của đài, Khổng Tử lệnh cho hai đại phu là Thân Câu Tu, Lạc Kỳ dẫn binh sĩ xông ra đánh chặn, người Phí thua rút lui.

Thế là cuối cùng đã cắt giảm được thành trì của 3 đô ấp. Hành động này của Khổng Tử khiến quyền lực của quốc quân nước Lỗ được tăng cường, thế lực các đại phu bị cắt giảm, quốc quân được tôn sùng, địa vị bề tôi giảm xuống, các biện pháp chính trị và giáo hóa đều được chấp hành.

Khổng tử Nhìn xa trông rộng, dẹp yên tam phiên
Khổng Tử lệnh cho hai đại phu là Thân Câu Tu, Lạc Kỳ dẫn binh sĩ xông ra đánh chặn, người Phí thua rút lui. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Hậu nhân học Khổng Tử

Tể tướng triều Tống dùng nửa bộ Luận Ngữ trị sửa thiên hạ

Triệu Phổ, Tể tướng thời kỳ đầu nhà Bắc Tống đã dùng nửa bộ Luận Ngữ trị sửa thiên hạ. Triệu Phổ, ban đầu là quan cấp dưới của Triệu Khuông Dẫn. Năm 960, Triệu Khuông Dẫn đưa quân lên phía bắc, khi quân đến Trần Kiều, Triệu Phổ đã đưa ra kế sách giúp Triệu Khuông Dẫn phát động binh biến ở Trần Kiều. Triệu Khuông Dẫn làm hoàng đế, kiến lập triều Tống, sử gọi là Tống Thái Tổ. Sau đó, Triệu Phổ lại phò tá Tống Thái Tổ thống nhất đất nước, và ông được phong làm Tể tướng. Sau khi Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn qua đời, em trai của ông là Triệu Khuông Nghĩa lên kế vị, sử gọi là Tống Thái Tông.

Dưới thời Tống Thái Tông, Triệu Phổ vẫn làm Tể tướng. Có người tâu với Tống Thái Tông rằng Triệu Phổ học thức nông cạn, sách mà ông ta đọc chỉ có một bộ Luận Ngữ của Nho gia, mà lại để ông ta làm Tể tướng là không thích hợp.

Có một lần, Tống Thái Tông hỏi Triệu Phổ: “Có người nói khanh chỉ đọc có một bộ Luận Ngữ, có đúng vậy không?”

Triệu Phổ thật thà trả lời: “Những gì thần biết, quả thật không vượt khỏi cuốn Luận Ngữ. Năm xưa thần dùng nửa bộ Luận Ngữ để phò trợ Thái tổ bình định thiên hạ, giờ đây thần dùng nửa bộ Luận Ngữ để phò trợ bệ hạ, giúp thiên hạ thái bình”.

Về sau Triệu Phổ qua đời vì bệnh, người nhà mở hòm sách của ông ra, bên trong quả thật chỉ có cuốn Luận Ngữ.

Hậu nhân học Khổng Tử 2
“Những gì thần biết, quả thật không vượt khỏi cuốn Luận Ngữ..." (Ảnh minh hoạ)

Cha đẻ của Chủ nghĩa Tư bản Nhật Bản dùng Luận ngữ kinh doanh

Người Nhật rất hiểu cách vận dụng trí tuệ cổ điển phương Đông để trị sửa quốc gia, chỉ đạo họ trong đời sống và kinh doanh. Ví dụ Shibusawa Eiichi (Âm Hán Việt là Sáp Trạch Vinh Nhất), người được coi là "Cha đẻ Chủ nghĩa Tư bản Nhật Bản", là người đặt nền móng cho mô hình kinh tế tư bản trăm năm của Nhật. Ông là người tinh thông Tứ thư Ngũ kinh, đồng thời coi Luận Ngữ của Khổng Tử là tư tưởng chỉ đạo kinh doanh cao nhất của đời mình. Ông đã sáng lập ra gần 500 công ty lớn nhỏ, là người đặt định kinh tế tư bản Nhật Bản. Ông có viết sách Luận Ngữ và bàn tính, đã đặt định mô hình kinh tế tư bản Nhật Bản lấy luân lý đạo đức làm chỉ đạo. Ông đã kết hợp hoàn hảo giữa đạo lý làm người và kinh doanh, dùng tư tưởng Khổng Tử để đối xử chính xác việc kiếm tiền và sử dụng tiền bạc.

Do đó không chỉ Shibusawa Eiichi, các công ty có tuổi đời hàng trăm năm của Nhật Bản sau này, bất kể là Mitsubishi, Matsushita hay các doanh nghiệp nổi tiếng khác đều lấy giá trị quan luân lý, thành tín, trung nghĩa hòa nhập vào triết lý kinh doanh của doanh nghiệp, đều coi trọng cống hiến cho xã hội, cho rằng kinh doanh công ty, kiếm tiền là để làm giàu cho quốc gia, làm giàu cho người dân. Tư tưởng phụng sự công cộng đã ăn sâu vào trong tâm mọi người Nhật. Chính vì thế ông được tôn vinh là Cha đẻ của Chủ nghĩa Tư bản Nhật Bản.

Những tư tưởng này của Khổng Tử đều đến từ thực tiến, chứ không phải là đóng cửa làm xe, không phải lý luận suông xa rời thực tế. Nếu một người có thể học được 1 phần 10 của Khổng Tử thì đã dư sức quản lý quốc gia xuất sắc rồi. Trí tuệ của Khổng Tử thì rất ít người có thể sánh được.

Trung Hòa
Theo Lý Nghĩa



BÀI CHỌN LỌC

Những điều ít người biết về bậc kỳ tài Khổng Tử