Những câu chuyện về Tướng quân Washington: Ba chàng ngự lâm trẻ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khung cảnh dịu dàng như làn gió thoảng qua, như những bông hoa đẹp ngọt ngào rung rinh bên chiếc lá xanh non và những hàng cây xanh thẳm. Trong kiếp nhân sinh, có lẽ những khoảnh khắc như thế này thật hiếm và đáng quý, bởi lẽ hạnh phúc mỹ mãn là điều gì đó quá xa xỉ trong cuộc sống bộn bề, nhất là trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc, nào mấy ai may mắn nắm giữ sinh mệnh mình một cách vẹn toàn kia chứ! Ngay cả Tướng quân Washington cũng phàn nàn bằng một giọng điệu ngọt ngào hiếm có trong lá thư chính thức gửi John Hancock: Hiện có vấn đề về “ngôn ngữ” trong quân đội của ta!

Mùa hè năm 1777, trong doanh trại Lục quân Lục địa ở Philadelphia và New Jersey, Hầu tước Lafayette đã bước vào cuộc đời và sự nghiệp của Tướng quân Washington, bắt đầu mở ra một chương vàng những câu chuyện truyền kỳ về cuộc đời của ông. Trong doanh trại ấy, Hầu tước Lafayette đã gặp hai người bạn thân thiết nhất là Alexander Hamilton và John Laurens.

Chúng ta hãy nói một chút về Alexander Hamilton, ông là một sĩ quan quân đội, luật sư, chính trị gia, chuyên gia tài chính người Mỹ. Hamilton cũng là thành viên trong Nhóm lập quốc Hoa Kỳ và là Bộ trưởng Ngân khố đầu tiên, người đã thiết lập hệ thống tài chính - ngân hàng, đặt nền móng cho nền kinh tế Mỹ, khi trở thành Bộ trưởng Ngân khố, ông mới 32 tuổi. Hamilton còn là một trong những luật sư lập hiến đầu tiên của Mỹ, là một lãnh đạo trong Hội nghị Lập hiến Hoa Kỳ năm 1787.

Năm 1777, Hamilton là phụ tá thân cận của Tướng quân Washington, giải quyết khối lượng lớn công việc giấy tờ cho Tướng quân mỗi ngày. Hamilton không chỉ ghi chép lại khẩu lệnh của Tướng quân, mà trong nhiều trường hợp quân sự khẩn cấp, Hamilton còn phải đứng trên cơ điểm của một Tướng quân, dùng tiêu chuẩn và lập trường của Tướng quân để xử lý vấn đề và đưa ra các giải pháp.

Trận Princeton vào tháng 1 năm 1777 là một dấu chấm hết cho sự nghiệp pháo binh của Hamilton, mở ra một bước ngoặt đáng nhớ trong đời của ông. Có thể nói rằng Lục quân Lục địa khi ấy đã tấn công vào Đại học Princeton, nơi đồn trú của Anh, nhưng không thể duy trì tấn công trong một thời gian dài. Mà phía sau thị trấn nhỏ Princeton nơi hai bên giao tranh, quân tiếp viện của Anh, trong chiến dịch Assunpink Creek đã bị thất bại, lại bị chơi khăm với doanh trại Lục quân Lục địa trống rỗng, Tướng Charles Cornwallis đang dẫn hàng nghìn quân gấp rút đến Princeton. Bị tấn công từ hai phía, Lục quân Lục địa không có cơ hội chiến thắng, lực lượng suy yếu dần, tình thế nguy kịch như cá nằm trên thớt, giống như phát ngôn hùng hồn của Tướng Cornwallis trước chiến dịch Assunpink Creek: bao vây bốn phương tám hướng và tóm gọn Lục quân Lục địa làm tù binh. Vì vậy, trước khi quân đội của Tướng Cornwallis đến thì việc chiếm đóng Princeton chỉ có thắng chứ không được bại.

Hỏa lực của cuộc giao tranh cuối cùng cũng tập trung tại Hội trường Nassau của Đại học Princeton. Hai bên đánh nhau nửa ngày, Alexander Hamilton dẫn đầu đội pháo binh nhanh chóng đến chi viện, bố trí một khẩu đại bác nhắm thẳng vào Hội trường Nassau, tiếng đạn pháo và tiếng súng nổ ầm ầm chấn động cả một vùng. Hamilton đi một chặng đường dài từ New York đến New Jersey, họ chiến đấu để đoạn hậu và tự vệ, thực sự chỉ cần duy trì phần lớn lực lượng rút lui an toàn là đủ rồi! Lúc này đây, Hamilton cần đánh một trận quyết định! Điều đáng nói là, ngôi trường danh tiếng này đã từng từ chối đơn xin nhập học của Hamilton, đối với một học trò mà nói, việc học hành quan trọng biết chừng nào, vậy liệu “cậu bé Hamilton” có quên được câu chuyện trọng đại này không, chẳng phải là ấm ức lắm sao? Hamilton đơn độc tác chiến ở Princeton, không cách nào có thể liên lạc hay nhận lệnh từ hậu phương, chỉ có thể dựa vào năng lực và tinh thần chiến đấu cao độ của mình, ông hạ lệnh cho cấp dưới nhắm thẳng vào Hội trường Nassau mà khai hỏa! Khai pháo! Chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng mới thôi!

Những câu chuyện về Tướng quân Washington: Ba chàng ngự lâm trẻ
Chân dung Alexander Hamilton. (Ảnh: Wikipedia)

Sau một loạt lửa đạn vang trời, quân đội Anh bất lực không thể chống trả và giương cờ trắng đầu hàng! Kết quả là Lục quân Lục địa chiếm đóng Đại học Princeton, có khoảng 500 binh sĩ đã thiệt mạng và bị bắt làm tù binh tại chỗ, những người lính còn lại vội vàng gom lấy quân nhu và chạy trốn đến Brunswick cách đó không xa.

Hai giờ sau khi Lục quân Lục địa chiếm được Princeton, quân đội của Tướng Cornwallis mới đến, khi ấy Lục quân Lục địa đã rút lui. Chiến thắng của Lục quân Lục địa trong trận Princeton là trận giao chiến cuối cùng, cũng là một dấu chấm than đầy ấn tượng trong cuộc đời binh nghiệp của Alexander Hamilton. Bởi vì sau trận đánh này, ông phải rời đội pháo binh, ngoan ngoãn quay về Bộ tư lệnh, đảm nhận công việc bàn giấy và là phụ tá thân tín cho Tướng quân Washington.

Tuy nhiên, chàng trai trẻ Alexander Hamilton lại thích chiến trường, thích kích lửa khai pháo, nhìn thấy đạn pháo bay trên không trung, phát ra âm thanh chói tai, rơi trúng vào doanh trại địch và nổ tung; ông đam mê cuộc đời binh nghiệp, khao khát về những tháng ngày hành quân và đánh trận trên chiến trường. Vì vậy, ngay khi bắt đầu chiến tranh, ông đã đề xuất quan điểm rõ ràng rằng: Chiến tranh Anh-Mỹ chắc chắn là một cuộc chiến lâu dài, trong tình hình quân đội Hoa Kỳ yếu thế về mọi mặt, nếu cứng nhắc và liều lĩnh thì khó mà cầm cự vượt qua được, chiến tranh du kích mới là phương sách tối ưu mà Mỹ áp dụng trong kháng chiến trường kỳ.

Quan niệm của Hamilton và tư duy của Tướng quân Washington cũng trùng khớp với nhau, quả là anh hùng thường có suy nghĩ giống nhau. Cuộc khởi nghĩa ở New Jersey, cuộc chiến lương thảo ở New Jersey vào đầu mùa xuân năm 1777, và hàng loạt các sự kiện khác đã chứng minh rằng ý tưởng của Tướng quân Washington và Hamilton là đúng.

Suy cho cùng thì Alexander Hamilton vẫn thích đánh trận, thích chiến trường, căn bản ông không muốn ngồi trước bàn giấy, lại càng không thích vùi đầu vào hàng tá văn thư. Hơn nữa, xử lý các công việc hành chánh giấy tờ là vô tận, hàng ngày phải đối diện với biết bao công hàm đến, rồi là công hàm phải gửi đi tứ xứ, mọi thứ cứ xoay vòng vòng như con thoi. Những giây phút như vậy, ông lại hoài niệm về những ngày ở đội pháo binh; nhớ về cảnh đối diện với quân địch và bản thân mình đã kích nổ khai pháo như thế nào.

Hamilton chưa từng nghĩ về cuộc đời mình sẽ gắn liền với cuộc sống công vụ, bởi lẽ ông cũng không thích công việc này, khi rút quân ở New Jersey, một số tướng lĩnh, bao gồm cả Tướng Nathaniel Greene, họ đều lần lượt gửi thư mời và thuyết phục chàng thanh niên văn võ song toàn này đến làm phụ tá cho họ! Tuy nhiên Hamilton đều lịch sự từ chối tất cả. Nhưng liệu Hamilton có thể từ chối Tổng tư lệnh không? Bởi vì khi ấy Tướng quân Washington cũng gửi lời mời, và chàng trai trẻ Hamilton đã không thể nói “không”. Đây là cách mà Hamilton đã bước vào hàng ngũ Bộ tư lệnh Washington. Cũng tại nơi này, vào mùa hè năm 1777, Hamilton đã gặp Hầu tước Lafayette, người bạn, người anh em thân thiết nhất trong cuộc đời của ông. Đương nhiên, chúng ta không thể không nhắc tới một người bạn quan trọng khác, ấy là John Laurens.

John Laurens
Chân dung John Laurens. (Ảnh: Wikipedia)

Laurens sinh ra ở miền Nam Carolina vào tháng 10 năm 1754. Cha của ông là Henry Laurens, một chủ đồn điền, một thương gia giàu có, là người khởi xướng và cũng là người ủng hộ trung thành cuộc cách mạng độc lập, là đại biểu của Quốc hội Lục địa lần thứ hai, Henry Laurens kế nhiệm John Hancock làm Chủ tịch của Quốc hội. Ông là người ký kết Điều khoản Liên bang và Chủ tịch Quốc hội Lục địa khi Điều khoản được thông qua vào ngày 15 tháng 11 năm 1777. Ngoài ra, Henry Laurens còn được mệnh danh là “khai quốc công thần” sáng lập nước Mỹ, là người bạn thân thiết của Tướng quân Washington.

Cũng giống như Hầu tước Lafayette, John Laurens cũng vượt đại dương xa xôi và đến từ Châu Âu. John Laurens sang Châu Âu du học năm 16 tuổi và trải qua thời sinh viên ở Geneva, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh. Vào tháng 12 năm 1776, John Laurens 22 tuổi, bị thúc giục bởi tiếng súng và cuộc chiến khốc liệt nơi quê nhà, nên không thể ở lại Châu Âu thêm giây phút nào nữa, chàng trai trẻ vội bước lên một chiếc tàu hơi nước trở về nhà. Điều đặc biệt đáng ngạc nhiên là vào tháng 10, John vừa mới kết hôn với con gái của một gia đình quý tộc Anh. Ngay sau khi kết hôn, “chú rể” ấy lập tức trở lại nước Mỹ, sẵn sàng giúp cha mình và Tướng quân Washington chống lại nước Anh.

Tuy nhiên, đặt chân vào quân đội, đó không phải là điều mà John Laurens muốn tham gia là được, rào cản đầu tiên là cha của ông, Henry Laurens, Chủ tịch Quốc hội Lục địa lúc bấy giờ. Bởi vì trước khi chiến tranh bùng nổ, Henry đã sắp đặt phần lớn tài sản và con cái của mình ở Châu Âu, ở Anh. Chiến tranh diễn ra và không ai có thể tiên đoán được bất cứ điều gì, Henry lo lắng các mối liên hệ và lợi ích sẽ bị cắt đứt. Hơn nữa, ông không muốn để con trai của mình chiến đấu trên chiến trường hiểm ác. Điều đáng nói là John, vừa là con trai trưởng, vừa là đứa con mà ông đã dành biết bao tâm huyết nuôi dưỡng và đào tạo từ tấm bé; thêm vào đó, Henry đã từng đau khổ mất đi người vợ yêu quý ở tuổi trung niên, nay ông không muốn lại mất đi con trai với bất kỳ lý do gì. Trong nhiều lần nằm mộng, Henry thấy con trai trưởng của mình chết trên chiến trường, thậm chí ông còn thấy rõ ràng nơi cậu ấy hy sinh. Chỉ là giấc mộng thôi nhưng cảm giác thống khổ này cũng khiến ông không thể chịu đựng nổi, và dễ dàng suy sụp. Vì vậy, với tư cách là chủ tịch Quốc hội Lục địa, ông có thể cống hiến mọi thứ cho cách mạng, nhưng không thể cống hiến con trai trưởng của mình - vì ông biết rằng con trai mình sẽ không thể sống sót khi chiến tranh kết thúc.

Thế nhưng, vào mùa hè năm 1777, sau khi vượt qua hàng ngàn trở ngại cùng những lời khẩn nài và những giọt nước mắt đau lòng của người cha già, John Laurens đã xuất hiện tại Bộ Tư lệnh Washington, cũng giống như hai chàng trai trẻ là Hamilton và Hầu tước Lafayette, John cũng trở thành trợ lý và phụ tá cho Tướng quân Washington.

Bộ ba ấy, họ cảm mến nhau từ ánh nhìn đầu tiên, trở thành một hội trẻ thân mật, bạn là tôi, tôi cũng là bạn, hàng ngày gắn bó như hình với bóng, trong mắt của Tướng quân Washington thì ba chàng trợ lý này thoăn thoắt như chim sáo, tâm hồn trẻ trung vui vẻ biết nhường nào!

Điều khó hiểu nhất không phải là họ quá thân thiết hay quá náo nhiệt, mà là ba người họ nói tiếng Pháp thay vì tiếng Anh! Là một ngôn ngữ thanh lịch nhất trên thế giới. Hầu tước Lafayette thì không cần phải nói, khó mà ngăn cản một người Pháp nói tiếng mẹ đẻ của mình, phải không? Còn John Laurens đã từng du học ở Châu Âu nhiều năm, vì vậy John thông thạo tiếng Pháp một cách tự nhiên. Trong khi đó, mẹ của Alexander Hamilton là người Pháp và hiển nhiên tiếng Pháp cũng trở thành ngôn ngữ bẩm sinh của Hamilton.

Hầu tước Lafayette. (Ảnh: Wikipedia)

Cho nên, khi ba chàng trai trẻ này ở bên cạnh nhau, một cách hết sức tự nhiên, họ dùng tiếng Pháp trong trò chuyện, thảo luận, vui đùa, phá vỡ đi bầu không khí căng thẳng và ngột ngạt nơi doanh trại! Không nói tiếng Anh thì cũng tránh được những câu đùa bất kính với Tướng quân Washington, bởi người trẻ thường nghĩ sao nói vậy, không có rào trước đón sau, cũng không cần lo lắng bị Tướng quân hay ai đó nghe hiểu được rồi giáo huấn dài dòng, dù sao thì Tướng quân cũng không biết tiếng Pháp kia mà!

Trong doanh trại bấy giờ, khung cảnh dịu dàng như làn gió thoảng qua, như những bông hoa đẹp ngọt ngào rung rinh bên chiếc lá xanh non và những hàng cây xanh thẳm. Trong kiếp nhân sinh, có lẽ những khoảnh khắc như thế này thật hiếm và đáng quý, bởi lẽ hạnh phúc mỹ mãn là điều gì đó quá xa xỉ trong cuộc sống bộn bề, nhất là trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc, nào mấy ai may mắn nắm giữ sinh mệnh mình một cách vẹn toàn kia chứ! Ngay cả Tướng quân Washington cũng phàn nàn bằng một giọng điệu ngọt ngào hiếm có trong lá thư chính thức gửi John Hancock: Hiện có vấn đề về “ngôn ngữ” trong quân đội của ta!

Cao Nguyên

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Những câu chuyện về Tướng quân Washington: Ba chàng ngự lâm trẻ