Nhục thân thành Phật? Chân thân của Huệ Năng nghìn năm bất hoại.

Giúp NTDVN sửa lỗi

Điều đặc biệt nhất của chân thân của các cao tăng là qua hàng nghìn năm không hề bị phân hủy, da, cơ và xương, nội tạng, thậm chí cả tóc và móng tay đều gần giống như khi họ còn sống.

Hầu hết những người tin vào Thần Phật đều từng vào chùa, bái tượng Phật. Tuy nhiên, các tượng Phật được cung phụng trong chùa, ngoài những tượng điêu khắc bằng gỗ, đá hay tượng đúc bằng kim loại, thì còn có rất ít là nhục nhân còn lưu lại sau khi các cao tăng đại đức viên tịch, còn gọi là chân thân.

Điều đặc biệt nhất của chân thân của các cao tăng là qua hàng nghìn năm không hề bị phân hủy, da, cơ và xương, nội tạng, thậm chí cả tóc và móng tay đều gần giống như khi họ còn sống. Một số người so sánh nhục thân bất hoại này với "xác ướp" của Trung Quốc. Tuy nhiên, xác ướp là nhục thân được hình thành ở khí hậu khô và nóng như Ai Cập sau nhiều lần xử lý, thực chất chỉ là chế phẩm nhân công. Chân thân của các cao tăng hình thành tự nhiên không qua quá trình xử lý nhân tạo, hoàn toàn đánh đổ những nhận thức cố hữu rằng xác chết sẽ phân hủy và biến mất, có thể gọi là kỳ tích của nhân thể.

Trong lịch sử Trung Quốc, đã có rất nhiều trường hợp các nhà sư nhân thể bất hoại, và một số ít trong đó đã may mắn được bảo tồn cho đến ngày nay, triển hiện sự kỳ diệu của Phật pháp cho thế nhân. Nhục thân còn sót lại sớm nhất là chân thân của Lục tổ Huệ Năng, hiện đang ở trong sảnh Lục tổ của chùa Nam Hoa ở Khúc Giang, Quảng Đông. Năm 713 SCN, Thiền sư Huệ Năng viên tịch.

Trong xã hội ngày nay cũng lưu truyền không ít giai thoại về những nhục thân bất hoại của các cao tăng. Có thể có người sẽ thắc mắc rằng, liệu nhục thể của con người có thể thực sự vượt qua các quy luật tự nhiên, được bảo tồn vĩnh cửu? Dạng thân thể này có phải là Phật thể trong truyền thuyết hay Thân thể kim cương bất hoại?

Linh, Thức Tỉnh, Thiền, Yogi, Hào Quang, Tinh Thần
Dạng thân thể này có phải là Phật thể trong truyền thuyết hay Thân thể kim cương bất hoại? (Ảnh: Pixabay)

Huệ Năng tu thành thân thể Kim Cương bất hoại.

Kinh Phật "Lục Tổ đàn kinh" ghi chép sự tích đắc Pháp truyền Pháp cả một đời của Huệ Năng, trong số đó, một thiên trong “Phẩm phó chúc" mô tả hoàn cảnh của ông trước và sau khi ông viên tịch, đã trở thành tư liệu quý báu cho các thế hệ sau nghiên cứu về chân thân của Huệ Năng.

Theo kinh Phật, vào ngày 8 tháng 7 năm 713, Huệ Năng đã tập hợp các đệ tử của mình để thông báo về thời điểm viên tịch, và giảng cho họ một bài giảng cuối cùng: “Các ngươi hãy lại gần đây, ta sẽ rời khỏi thế gian vào tháng 8, nếu các ngươi có gì nghi ngờ thì hãy hỏi sớm, ta sẽ giải đáp cho các ngươi, để những mê hoặc được phá bỏ, cho các ngươi an lạc." Ngày 3 tháng 8, sau khi Huệ năng dùng bữa trai, ông lại một lần nữa gọi các đệ tử: "Các ngươi ngồi chờ đó, ta sẽ cùng các người chờ đến lúc ly biệt.” Ông giảng xong bài kệ rồi dặn dò các đệ tử chớ làm việc khóc lóc bi lụy.

Vào canh ba, Huệ Năng nói: “Ta đi đây!” Sau đó an nhiên tọa hoá, nhập tháp thờ để an táng, hưởng thọ 76 tuổi. Vào thời điểm đó, trong phòng tràn ngập mùi hương, bên ngoài cầu vồng trắng rơi xuống đất, cây cối biến thành màu trắng, cầm thú gào thét, thiên địa vạn vật dường như cũng tiếc thương cho sự ra đi của Huệ Năng. Vào tháng 11, tăng chúng đốt hương cầu nguyện, được thiền sư chỉ dẫn, đem tháp thờ có đặt chân thân ở trong đến Tào Khê. Ngày 25 tháng 7 năm sau, các đệ tử mở tháp ra, và thiền sư Phương Biện đã trát "bùn thơm" lên chân thân. Vì Huệ Năng khi còn sống đã từng nói rằng, sau khi ông tọa hoá sẽ gặp phải kiếp nạn thủ cốc bị đánh cắp, các đệ tử lại dùng sắt lá và vải sơn để bảo vệ cổ của ông, lúc này lại an táng ông vào trong tháp lần nữa. Thế rồi lại có một chuyện thần kỳ nữa xảy ra, trong tháp đột nhiên xuất hiện bạch quang vạn trượng, thông thẳng lên trời, sau ba ngày mới tản đi.

Theo những văn tự ghi chép có thể thấy, trước khi viên tịch, Huệ Năng vẫn thần trí thanh tỉnh, ăn uống nói năng bình thường, không hề có biểu hiện yếu ớt và sa sút như những người thường lúc hấp hối. Hơn nữa, Huệ Năng sống ở Quảng Đông, nơi có khí hậu nóng ẩm và vật liệu rất dễ hư hỏng, thối rữa, nhưng chân thân của Huệ Năng vẫn còn nguyên vẹn, đây chẳng phải chuyện thần kỳ sao?

Liên quan đến loại chân thân bất hoại này trong các sách cổ còn có ghi chép gì không? Cuốn “Mặc khách huy tê" của Bành Thừa thời Bắc Tống ghi chép rằng, có một hoà thượng tên là Vô Mộng sau khi tọa hoá, tóc mỗi tháng lại dài thêm 1 đến 2 tấc, phải định kỳ cạo tóc, thân thể của ông được bảo tồn hoàn chỉnh, sắc mặt hồng hào, xem cái liền biết là một vị cao tăng đắc đạo. Cuốn “Đào am mộng ức" của Trương Đại vào triều Minh cũng ghi chép rằng, Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương đã nhìn thấy chân thể của hoà thượng Chí Công thời Nam Bắc triều vẫn bất hoại, móng tay rất dài, ông đã đi quanh nhục thân đó mấy vòng.

Truyền kỳ về Lạt-ma Chambo thứ XII

Trong thời đại ngày nay, tờ "Pravda" của Nga cũng đưa tin về truyền kỳ về vị Lạt-ma Chambo thứ XI, vị lãnh đạo của Phật giáo Tạng truyền.

Năm 1927, Vị Lạt-ma Chambo 90 tuổi viên tịch, khi còn sống ông dặn dò các đệ tử 30 năm sau hãy mở quan tài lấy di thể của ông ra. Đến năm 1955 và năm 1973, các đệ tử mở quan tài của Chambo ra và thấy rằng nhục thân của ông bất hoại, và ông vẫn ngồi trong tư thế thiền định. Lúc đó, nước Nga bị Đảng Cộng sản Liên Xô cai trị, nên cho đến năm 2002, bí mật về Chambo mới được được công bố ra thế giới. Các nhà khoa học và bệnh lý học cũng liên tiếp triển khai nghiên cứu nhục nhân của Chambo.

Theo Galina Yershova, một giáo sư tại Đại học Nhân văn Quốc gia Nga, khi họ mở quan tài nơi vị Lạt-ma này đang yên nghỉ, họ ngửi thấy một mùi thơm. Họ cũng phát hiện ra rằng các khớp của Chambo rất dễ uốn cong, và các mô cơ đàn hồi như người sống.

Nhà nghiên cứu bệnh học Yuriy Tampereyev đã kiểm tra và nghiên cứu cơ thể của ông, nhận thấy rằng từ đầu đến chân của Chambo không có bất kỳ dấu vết nào của việc điều trị thủ công như rạch, khâu và tiêm. Ngoại trừ nhiệt độ cơ thể dưới 20°C, chân thân này không có các đặc điểm của xác chết như cứng, nhiều mảng, phân hủy và bốc mùi hôi thối.

Viktor Zvyagin, một chuyên gia tại Trung tâm Pháp y Liên bang Nga, được sự đồng ý của Học viện Phật giáo, đã lấy một lượng nhỏ các mẫu tóc, da và móng tay để nghiên cứu, và phát hiện ra rằng các mô protein của thịt vẫn còn có dấu hiệu hoạt động. Hóa ra da, tóc, móng tay và các mô khác của Chambo không khác gì người sống.

Vào năm 2017, Hà Bắc đã thực hiện một cuộc kiểm tra bằng tia X đối với một bức tượng vàng của một nhà sư được tôn trí trong chùa Định Huệ ở Hàm Đan, và kết quả thu được rất đáng kinh ngạc. Vị cao tăng này là Pháp sư Từ Hiền ở thời kỳ Liêu Tống, cách nay đã 1000 năm lịch sử. Tuy nhiên, các nhân viên kiểm nghiệm phát hiện ra rằng các kết cấu nhân thể như xương sườn, xương sống, xương sườn, răng, xương hốc mắt và của con người trong bức tượng có thể nhìn thấy rõ ràng, bao gồm khớp xương cũng được thấy rất rõ ràng, thậm chí có thể nhìn thấy mô não giống như người bình thường. Không chuyên gia nào có thể đưa ra lời giải thích hợp lý, xét cho cùng, lớp da bên ngoài có thể được bảo quản bằng nhiều biện pháp sát trùng, nhưng các cơ quan nội tạng thì rất khó giữ được ngàn năm bất hoại.

Nói cách khác, nhục thân của cao tăng từ xưa đến nay đều có đặc điểm thần kỳ nguyên vẹn bất hoại, giống như lúc họ còn sống.

Nhục thân của cao tăng từ xưa đến nay đều có đặc điểm thần kỳ nguyên vẹn bất hoại, giống như lúc họ còn sống. (Ảnh: dkn.tv)

Chân thân của Huệ Năng gặp nạn trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa

Tuy nhiên, ngày nay khi chúng ta vào chùa Nam Hoa để chiêm ngưỡng chân thân của Huệ Năng, thì có thể sẽ cảm thấy không được như ý muốn. Da của ông đã biến thành màu nâu tím đậm. Còn có tin đồn rằng, chân thể Huệ Năng từng bị khoét một cái hố, nhìn vào phía trong thì thấy có một cây sắt chống đỡ, và còn chất đầy bùn đất rơm rạ; mặt ngoài của chân thân do trải qua nhiều lần sơn mà hình thành nên lớp vỏ cứng. Lẽ nào chân thân củ Huệ Năng chỉ là một cái vỏ rỗng không? Chân tướng cuối cùng là gì?

Nhìn lại lịch sử, chúng ta sẽ thấy rằng những vết tích do con người gây nên ở trên chân thân không phải là giả mạo mà là những biện pháp khắc phục khác nhau mà các thế hệ sau phải thực hiện sau khi chân thân của Huệ Năng đã bị hư hại nhiều lần. Kể từ khi Huệ Năng qua đời, chân thân của ông đã phải trải qua nhiều kiếp nạn như bị chặt đầu, hai lần bị chặt ngón tay, ba lần mổ bụng,… Thật không dễ dàng để tồn tại cho đến ngày nay.

Nghiêm trọng nhất là ba lần mổ bụng. Lần thứ nhất xảy ra vào những năm cuối của triều đại Nam Tống, vị quan nổi tiếng Văn Thiên Tường đã viết bài thơ “Nam Hoa Sơn". Phần phụ lục đề cập đến việc chân thân của Huệ Năng đã bị một loạn quân moi tim mổ lấy gan, ông cảm khái mà nói: "Biết rằng có kiếp nạn, nhưng Phật cũng không thể tránh được, huống gì con người.”

Lần thứ hai là vào những năm Hàm Phong thời nhà Thanh, chân thân của Huệ Năng lại gặp kiếp nạn bị quân lính cướp đi và mổ bụng. Bọn loạn quân chạy đến ngôi chùa và mổ chân thân của Huệ Năng ra. Vì thế mà Chân thân của ông đã bị tổn thất rất lớn, người đời sau mới phải tu bổ và còn lưu lại rất nhiều vết tích. Có học giả phỏng đoán, bùn và rơm rạ được nhét vào trong chân thân Huệ Năng rất có khả năng là do việc tu bổ thời nhà Thanh. Tuy nhiên, những kiếp nạn mà chân thân của Huệ Năng phải chịu đựng trong hàng nghìn năm cũng không bằng những thiệt hại do kiếp nạn "Cách mạng Văn hóa" gây ra sau khi ĐCSTQ soán ngôi, và nó gần như đã bị xóa sổ.

Năm 1966, Mao Trạch Đông cầm đầu ĐCSTQ phát động Đại cách mạng Văn hóa, sự kiện này đã khiến những nhân sĩ trí thức Quốc Dân Đảng ở bờ bên kia eo biển cảm thấy vô cùng đau lòng lo lắng.
Năm 1966, Mao Trạch Đông cầm đầu ĐCSTQ phát động Đại cách mạng Văn hóa, sự kiện này đã khiến những nhân sĩ trí thức Quốc Dân Đảng ở bờ bên kia eo biển cảm thấy vô cùng đau lòng lo lắng. (The Epoch Times)

Nói đến đây, không thể không nhắc đến một người, đó là cao tăng Phật Nguyên. Ông là đệ tử của Hư Vân, một vị thiền sư nổi tiếng Trung Hoa Dân Quốc, và từng là trụ trì của nhiều ngôi chùa nổi tiếng. Trong cuộc xâm lược của Nhật Bản vào Trung Quốc, Phật Nguyên phụng lệnh của Hư Vân, cùng các vị đồng môn bí mật di chuyển chân thân của Huệ Năng, Hàm Sơn và Đan Điền từ chùa Hoa Nam đến nơi cất giữ bí mật ở chùa Vân Môn.

Tuy nhiên, trong cuộc Cách mạng Văn hóa, chân thân của Huệ Năng cũng không thoát khỏi kiếp nạn. Cuốn "Tân biên tào khê thông chí" ghi lại rằng những kẻ "nổi loạn" đã lấy đi chân thân của Huệ Năng và các vị cao tăng khác, xem họ như thể người sống, mang đi diễu hành, chỉ trích họ một cách tàn bạo và thậm chí chuẩn bị thiêu huỷ họ.

Những kẻ nổi loạn thậm chí còn đâm xuyên ngực và lưng của chân thân của Huệ Năng và Đan Điền, để lại vết thương to bằng cái bát. Bọn chúng lấy nội tạng và xương cốt của họ ra và vứt trên mặt đất. Hoà thượng Phật Nguyên chứng kiến ​​tất cả thảm cảnh này, ông vô cùng đau buồn nhưng không dám rơi lệ, chỉ có thể nhân lúc không có người chú ý mà thu thập xương cốt của hai chân thân này rồi đem chôn dưới gốc cây đại thụ ở suối Cửu Long. Về sau ông cân nhắc thấy vận mệnh của mình còn chưa biết sẽ thế nào, nên đã nhờ pháp sư Thánh Nhất ở Hồng Kông chụp ảnh và ghi lại, rồi chờ đến lúc thái bình mới đào linh cốt lên.

Năm 1979, Phật Nguyên được “bình phản", lúc đó mới dám công bố chuyện cất giữ linh cốt, nhờ đó mà linh cốt của Huệ Năng và Đan Điền mới được thấy lại ánh mặt trời. Nhưng đáng tiếc là, linh cốt của Đan Điền sớm đã bị bị hủ hoá nhìn không ra; còn linh cốt của Huệ Năng cũng bị mốc, phải qua xử lý mới có thể đưa vào lại trong chân thân. Cứ như thế, chân thân ngàn năm sau đại kiếp đã được thu thập lại mà thành dáng vẻ mà chúng ta nhìn thấy ở trong chùa ngày nay.

Trong một số pháp môn của Phật giáo, người nhục thân bất hoại, được xem là đã tu thành “toàn thân xá lợi", nhục thân của họ được được tôn thành “nhục thân Bồ tát" để cung phụng. Cho nên nhục thân bất hoại, thể hiện rằng người tu hành đó đã đạt đến cảnh giới cao thâm, cũng tức là “công thành viên mãn.”

Khi pháp sư Phật Nguyên bí mật thu thập xương cốt của chân thân của Huệ Năng, còn tình cờ phát hiện ra một điều khác là: "Màu sắc xương của Lục tổ giống như vàng; còn linh cốt của Đan Điền có màu đen mà nhẹ, khác với vàng và đồng!" Điều này cho thấy người tu hành đạt đến tầng thứ khác nhau, thì biểu hiện ra cũng thần kỳ khác nhau.

Vào thời kỳ đầu của Phật giáo, hầu hết các tăng lữ đều sử dụng phương pháp hỏa táng, sau khi đốt đi sẽ lưu lại Xá Lợi Tử thần kỳ. Từ thời nhà Hán đến nay, Phật giáo đã dần dần truyền sang Trung Thổ và kết hợp với phong tục của Trung Hoa, sau khi các nhà sư viên tịch cũng theo phương thức mai táng. Chỉ sau đó, người ta mới dần khám phá ra hiện tượng kỳ diệu nhục thân bất hoại của người tu hành. Vậy tại sao những vị cao tăng đã thành Thần đắc Đạo này lại triển hiện những điều kỳ diệu như vậy cho thế nhân?

Khi còn sống, Lạt-ma Chambo từng nói: “Khi mọi người mất tín ngưỡng, ta sẽ hiện thân và khiến mọi người suy nghĩ về ý nghĩa của sự sinh tồn!” Có lẽ hiện tượng nhục thân bất hủ chính là khi đạo đức xã hội trượt dốc mà hiển hiện lực lượng của Phật Pháp, để lại quy chính quan niệm và tín ngưỡng của con người.

Mọi người đều biết rằng ngoài Xá lợi tử và nhục thân bất hoại, người tu viên mãn trong cả Phật gia và Đạo gia, đều có hiện tượng thù thắng, cực kỳ hùng vĩ. Ví dụ như, trong Mật Tông có hiện tượng “hồng hóa", tức nhục thân của cao tăng sẽ hoá thành một dải cầu vồng mà đi. Bên Đạo gia có “thi giải", tức là đạo sĩ sẽ đem một vật thể biến thành thân thể của mình, còn bản thân thì tu thành tiên thể. Còn một loại nữa là “Bạch nhật phi thăng", cũng chính là người tu đạo giữa thanh thiên bạch nhật mà phi thăng thiên giới.

Tuy nhiên, những phương thức này quá mức hư ảo, chỉ được lưu tồn trong các văn tự ghi chép và truyền miệng của mọi người. Nhục thân bất hủ thực sự là kỳ tích có thật tại nhân gian, ngay cả những người không tin Thần, Phật, khi đối diện với chân thân có thể nhìn thấy sờ thấy này cũng không khỏi bàng hoàng, kinh ngạc, rồi từ đó mà nảy sinh ra những suy tư về sinh mệnh, không gian vũ trụ.

Trải qua hàng nghìn năm, chân thân của Huệ Năng đã phải hứng chịu đủ loại kiếp nạn, so với lúc đầu đã hoàn toàn khác. Tuy nhiên, ngay cả khi chân thân này bị hư hỏng, nó vẫn ngự trong chùa, khẳng định Phật pháp và khuyến khích tín đồ. Trong “Đàn kinh” có nói rằng Thiền tông tổ truyền đến Lục tổ là thôi, chúng ta ngày nay đang sống trong thời kỳ mà Phật giáo gọi là “thời kỳ mạt Pháp”. Phật pháp có thể phổ độ chúng sinh ở phương nào? Huệ Năng không nói cho hậu thế biết lý do tại sao ông lại lưu lại nhục thân ngàn năm bất hoại này, nhưng ông vẫn luôn thầm lặng chỉ dẫn cho chúng sinh rằng: Nhân sinh chỉ là cõi tạm, đi theo chính pháp đại đạo, mới là con đường để sinh mệnh thoát khỏi bể khổ, hồi quy thiên quốc.

Lam Sơn
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Nhục thân thành Phật? Chân thân của Huệ Năng nghìn năm bất hoại.