Nhật ký cách ly thời “Cô Vy" (Phần 1): Bỏ lại sau lưng bóng dáng đô thành

Giúp NTDVN sửa lỗi

Là một sinh viên thời thượng đang quay cuồng cùng nhịp sống hối hả, tất bật với đủ lý do cần theo đuổi. Dòng đời tựa như con nước cuốn chẳng có lúc dừng mình ngoảnh lại... vậy mà khi dịch Viêm phổi Vũ Hán ập đến: bao hoài bão, ước vọng, dự định của tôi đều tạm thời chững lại…

Một chuyến về quê

Đã gần một tuần nay, vì ảnh hưởng của dịch bệnh Viêm phổi Vũ Hán khiến cuộc sống của gia đình tôi bị đảo lộn. Tranh thủ lúc công việc đình hoãn, gia đình tôi quyết định về quê với nội. Cũng nhiều năm rồi chúng tôi không có dịp về thăm nội dài ngày như thế này. Cuộc sống nơi đô thành khiến cho con người ta ai cũng vội vàng hối hả, chẳng mấy khi có được cho mình những phút để nghỉ ngơi...

Lúc đầu khi nghe bố mẹ bảo về quê tránh dịch, cảm giác của tôi thật khó chịu, về quê không có mạng, không được shopping, cafe cùng đám bạn thân, thật là buồn chán không biết để đâu cho hết! Tuy nhiên khi xe vừa lăn bánh, dần dần bỏ lại phía sau phố thị phồn hoa và những tòa nhà chen chúc, chật chội, những không gian ồn ĩ và bụi bặm... thì cảm giác thất vọng và hụt hẫng ban đầu của tôi cũng theo đó mà nguôi ngoai dần.

Xe ra khỏi thành phố, những ngôi nhà nối tiếp nhau hai bên đường cũng mỗi lúc một thưa hơn. Và cuối cùng khi đã hoàn toàn hòa mình vào cảnh gió mây nơi miền quê xanh mướt, những kỷ niệm trưa hè thân thương của một thời thơ dại lại ùa về… cảm giác khó chịu khi nãy đã hoàn toàn tan biến hẳn...

Xe ra khỏi thành phố, phố xá mỗi lúc một thưa hơn. Khi đã hòa mình vào cảnh gió mây nơi miền quê xanh mướt, những kỷ niệm trưa hè thân thương của một thời thơ dại lại ùa về…
Xe ra khỏi thành phố, phố xá mỗi lúc một thưa hơn. Khi đã hòa mình vào cảnh gió mây nơi miền quê xanh mướt, những kỷ niệm trưa hè thân thương của một thời thơ dại lại ùa về… (Ảnh: Shutterstock)

***

Khoác tạm chiếc áo lên người, tôi mở cửa nhà trên xuống bếp, vì ở quê nên bếp của nội được làm tách biệt, phải đi qua một khoảng sân nhà, nơi phía trước có hàng cau cao vút. Nghe bố kể lại thì hàng cau này có từ rất lâu rồi, hồi còn nhỏ bố đã nhiều lần trèo cau giúp nội. Dưới gốc cau, nội để một cái lu để hứng nước mưa pha trà cho cụ, cụ nay tuy tuổi đã hơn trăm nhưng vẫn còn rất minh mẫn, cụ bảo trà phải pha bằng thứ nước mưa hứng ở cây cau uống mới ngon, nước thanh và dịu.

Thường thì mỗi khi trời mưa, người dân ở quê thường lấy mo cau làm máng hứng nước. Mo cau sau khi phơi khô thì lấy một đầu buộc vào thân cau, một đầu kê lên miệng cái lu lớn để nước theo thân cau chảy xuống. Mà chỉ nói riêng việc làm chiếc mo cau để hứng nước mưa đã thấy kỳ công rồi! Bởi biết cụ kỹ tính nên nội chọn một chiếc tàu mo thật to đem phơi khô, sau đó lấy dây mây đan thành cái giá đỡ, tết một đầu mo cau vào thân cây sao cho giá đỡ ôm vừa một vòng thân cau. Mỗi khi trời mưa, phải đợi cho nước mưa xối một lúc cho sạch bụi bẩn bám trên thân cây, nội mới mang mo cau ra để gá vào thân cau hứng nước.

Nội bảo bình thường người ta chỉ cần lấy dây chun buộc mo cau vào thân cây là được, nhưng cụ bảo dây chun làm nước mất ngon nên nội đã sang tận làng bên xin cây mây về đan. Cách hàng cau một đoạn phía bên hông nhà là cái bể nước mưa, ở quê thì nhà nào cũng có, người dân nơi đây không có thói quen dùng nước máy, mặc dù hiện nay nhà nước đã cấp nước sạch về tận nhà nhưng mọi người cũng chẳng mấy khi dùng, kêu rằng toàn mùi hóa chất! Ở quê người dân đi đâu về có bẩn chân thì ra cầu ao trước nhà rửa cho sạch, sau đó vào sân giếng múc nước rửa mặt, vừa sạch vừa mát lại chẳng tốn tiền. Còn trưa hè nắng gắt có đi đâu về khát nước chỉ cần ra lu hoặc bể nước mưa “làm một gáo” là xong, vừa mát vừa sảng khoái.

Trưa hè nắng gắt có đi đâu về khát nước chỉ cần ra lu hoặc bể nước mưa “làm một gáo” là xong, vừa mát vừa sảng khoái.
Trưa hè nắng gắt có đi đâu về khát nước chỉ cần ra lu hoặc bể nước mưa “làm một gáo” là xong, vừa mát vừa sảng khoái. (Ảnh: Shutterstock)

Cách bể nước một đoạn là giàn lá trầu không của nội, ngày xưa các cụ ở quê thường có thói quen ăn trầu nhưng giờ đây thì chẳng còn mấy ai ăn, nội bảo mấy lần bác cả bảo phá bỏ đi nhưng nội giữ lại, bảo để tuần rằm mùng một còn có đồ dâng lễ cho ông bà. Nhà nội bao năm vẫn giữ được nếp sinh hoạt và khung cảnh ngày xưa, một bên hiên nhà vẫn còn bụi hoa nhài cụ trồng từ hồi còn trẻ. Cụ vẫn còn thói quen uống trà ướp hương nhài, hương nhài thoang thoảng nhưng lại thơm lâu, cụ thường lấy một ít bông nhài cho vào đáy hộp gỗ, rồi rải một lớp trà khoảng 2cm lên trên, rồi lại rải một lớp bông nhài, rồi lại rải một lớp trà... cứ làm như vậy tới khi đầy hộp thì thôi, trà ướp khoảng 3 ngày thì bắt đầu dùng được.

Tháng ba hoa bưởi

Một bên cụ trồng cây bưởi, tháng ba cũng là mùa hoa bưởi, những cánh hoa nở bung, trắng tinh khôi, mềm mại như lụa bạch, khoe sắc nhụy vàng hòa chung với màu xanh của lá, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Hương hoa thơm dìu dịu, thoang thoảng, theo gió tỏa đi khắp nhà làm đắm say lòng người. Phụ nữ ngày xưa hay gội đầu bằng hoa bưởi và quả bồ kết, vừa sạch lại thơm. Hôm qua khi nội đun nước cho tôi gội đầu, trong lúc gội đầu tôi nghe nội kể, ngày xưa ông nội thương nội cũng từ cái mùi hương bưởi ấy thương đi.

Thuở ấy trong một lần nội giúp cụ ngoại gánh hàng ra chợ phiên bán, 16 trăng tròn, cái tuổi đầy mộng mơ và vô tư vô lự ấy, nội tết tóc bím 2 bên, trên vành tai nhỏ nội cài bông hoa bưởi, sắc bưởi tinh khôi, cánh trắng nhụy vàng, hương thơm nhẹ nhàng như tôn thêm vẻ đẹp cho mái tóc nhung huyền của nội đã khiến bao người say đắm. Và cũng trong cái hôm định mệnh nguyệt lão se duyên ấy, ông nội theo cụ lên chợ phiên sắm đồ. Khi đi ngang qua gánh hàng xén của cụ ngoại, thấy cô thôn nữ má ửng hồng hào đang tươi cười giúp mẹ gói đồ cho khách, ông nội tôi đã đem lòng cảm mến.

Tháng ba cũng là mùa hoa bưởi, những cánh hoa nở bung, trắng tinh khôi, mềm mại như lụa bạch, khoe sắc nhụy vàng hòa chung với màu xanh của lá, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp.
Tháng ba cũng là mùa hoa bưởi, những cánh hoa nở bung, trắng tinh khôi, mềm mại như lụa bạch, khoe sắc nhụy vàng hòa chung với màu xanh của lá, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. (Ảnh: Eran Finkle - CC BY 2.0)

Hồi ấy người ta hay gánh hàng tạp hóa nho nhỏ mang đi chợ bán, gọi chung là "gánh hàng xén", trong gánh hàng có đủ cả nào là kim chỉ, cau trầu, nào là khăn thêu chỉ đỏ, khi thì lại bồ kết, hoa nhài, và tới mùa hoa bưởi nở, người ta lại hái những cành bông bưởi xinh xinh mang đi bán cho các bà, các cô, các chị mua về gội đầu…

Không yêu kiều như hoa mai, hoa đào và cũng chẳng hút hồn như sắc đỏ hoa Tigon nhưng hoa bưởi lại ẩn chứa sự dịu dàng, dung dị. Ấy là thứ hoa âm thầm đến lạ, chưa thấy hình đã thấy hương, chưa kịp thấy bóng hoa, người ta đã ngây ngất vì mùi thơm thanh khiết của nó. Chả thế mà có nhạc sĩ từng viết: "Hương bưởi thơm nghe lòng bối rối, cô bé như chùm hoa lặng lẽ, nhờ hương thơm nói hộ tình yêu…", nhắc tới hoa bưởi là nhắc về biết bao kỉ niệm, là những mối tình đượm ngọt chất thơ, và cũng là ký ức tuổi thơ của biết bao người.

Cũng từ độ ấy, hình ảnh cô thôn nữ dịu dàng bên gánh hàng hoa bưởi đã chiếm lấy hồn ông nội. Nội kể sau buổi chợ phiên ấy, ông nội đã cất công dò hỏi cho bằng được nhà của cụ ngoại ở thôn trên, rồi nhờ người mai mối, làm quen.

Nội kể sau một thời gian quen nhau, ông nội ngỏ lời cầu hôn nội, đêm ấy là một đêm trăng tròn, ông nội hẹn nội ra chiếc cầu ao nhỏ, nơi có luỹ tre làng chiều chiều mọi người hay ra hóng mát, còn các mẹ các chị thì ra sông giặt áo. Trăng sao vằng vặc soi bóng hai người nơi mặt nước, ông nội bảo nội nhắm mắt lại có điều bất ngờ muốn dành cho nội. Nội hồi hộp làm theo lời ông nói, đợi nội nhắm mắt, ông mới từ từ lấy chiếc khăn mùi xoa mà nội đã tặng cho ông hôm nào ra, bên trong là một chùm hoa bưởi đã được ông ép khô trong giấy và một chiếc vòng xinh xắn làm từ hạt bưởi tặng cho nội để cầu hôn. Nội kể ông nói, ông yêu nội cũng từ cái mùi hương bưởi vừa nồng nàn, lại vừa dịu êm thanh khiết nên muốn được chung sống cùng nội cả đời bên mùi hương hoa ấy. Sau này mặc dù ông nội đã tặng cho nội rất nhiều món đồ quý giá, nhưng không có thứ gì nội trân quý bằng món quà đêm ấy, đó cũng là cái đêm đã khiến nội cả đời chẳng thể nào quên, và món quà của ông, nội tặng vẫn được nội cho vào chiếc hộp nhỏ nâng niu gìn giữ cho tới tận bây giờ.

Sau này mặc dù ông nội đã tặng cho nội rất nhiều món đồ quý giá, nhưng không có thứ gì nội trân quý bằng món quà đêm ấy, đó cũng là cái đêm đã khiến nội cả đời chẳng thể nào quên
Sau này mặc dù ông nội đã tặng cho nội rất nhiều món đồ quý giá, nhưng không có thứ gì nội trân quý bằng món quà đêm ấy, đó cũng là cái đêm đã khiến nội cả đời chẳng thể nào quên. (Ảnh: Shutterstock)

Cũng thật là tình cờ, tôi về quê cũng lại đúng mùa tháng ba hoa bưởi, chợt thấy lòng mình có chút gì đó buồn man mác, nghĩ tới thời của ông bà khi xưa, con người ta đến với nhau bằng tất cả sự chân thành, mộc mạc, một lời hứa, đôi câu hò hẹn cũng đủ khiến cho kẻ ở người đi thương nhớ chờ đợi hết cả cuộc đời. Còn ngày nay, có nhiều khi người ta đến với nhau bằng những xô bồ vội vã, sự tính toán hơn thua với đủ loại mưu cầu. Khi giá trị vật chất được tôn sùng quá mức, đạo nghĩa làm người mỗi lúc một vơi đi... ai còn có thể chờ ai suốt năm dài tháng rộng, ai thắng nổi lòng mình trước cám dỗ xa hoa...

Thói quen tốt và xấu

Đi tới nửa sân, nhìn về phía mái bếp, từng làn khói bay lên, xuyên qua lớp lá, gặp phải hơi lạnh của sương sớm nên tụ lại trên mặt mái tranh bếp tựa như một làn mây trắng mỏng tang phơ phất. khung cảnh thật bình dị và thơ mộng, mới hôm nào, cách đây độ hơn tháng, trong một lần vô tình lướt Facebook vào trang Văn Hoá Truyền Thống, thấy trang này đăng bức ảnh “khói lam chiều” mà có tới cả mấy chục ngàn lượt like và share mới thấy cuộc sống bình dị nhưng lại đậm chất thơ xưa nay vẫn dễ khiến bao người yêu mến, bởi nó gợi nhớ về một thời dĩ vãng. Ngỡ rằng cảnh đó còn đâu, vậy mà nay không ngờ tôi lại đích thân được trải nghiệm.

Đang định quay lên nhà trên lấy chiếc điện thoại iPhone đời mới ra chụp để khoe với đám bạn của mình nhưng tôi chợt nghĩ lại và thôi không làm nữa. Đôi lúc tôi vẫn lẩn thẩn suy nghĩ, kể cũng thật lạ, sao con người không thể tìm cho mình niềm vui thực tại, chia sẻ cuộc sống trực tiếp với những người xung quanh mỗi khi gặp mặt, sao lại cứ phải tìm cái niềm vui hư ảo trên cái thế giới không thực ấy? Chi bằng mình tự tận hưởng niềm vui thực tại này. Có thể cũng vì lý do đó mà dạo gần đây tôi cũng sinh ngại ngần, chẳng mấy khi đăng gì trên Facebook, trừ những điều đặc biệt muốn nhắn nhủ tới người thân, bạn bè.

Sao con người không thể tìm cho mình niềm vui thực tại, chia sẻ cuộc sống với trực tiếp với những người xung quanh mỗi khi gặp mặt, sao lại cứ phải tìm cái niềm vui hư ảo trên cái thế giới không thực ấy?
Sao người ta không tìm cho mình niềm vui thực tại, chia sẻ cuộc sống với những người xung quanh mỗi khi gặp mặt, lại phải tìm niềm vui hư ảo trên cái thế giới không thực ấy? (Ảnh: Shutterstock)

Trước đây cả ngày tôi không thể rời khỏi tay cái điện thoại, suốt ngày cắm cúi vào nó, ngay cả đến bữa ăn cơm cũng để mẹ phải nhắc mấy lượt mới yên. Vậy mà về đây mấy hôm tôi lại chẳng mấy khi ngó ngàng đến nó, đôi lúc thậm chí còn quên đi cái cảm giác mình đang dùng điện thoại. Một hai hôm đầu cũng thấy đôi chút khó chịu vì nhà nội không có Wifi, sóng 3G thì lại chập chờn nên sau cùng tôi cũng chán chẳng buồn dùng, cuối cùng cũng chẳng thèm màng tới nó. Nghĩ lại con người cũng thật buồn cười, đôi khi chỉ vì cái điện thoại mà khiến cho bản thân thật khổ sở, sao lại phải thế nhỉ?

Trong bếp, nội đang ngồi nấu nước để tí nữa mang lên nhà cho cụ pha trà và chuẩn bị cám bã cho đám gà lợn. Mặc dù xã hội ngày nay người ta vẫn thích nuôi cám công nghiệp nhưng nội vẫn duy trì thói quen cũ, nội vẫn nuôi lợn và chăm đàn gà bằng những thứ lá rau dại trong vườn. Hôm thì băm cây chuối, hôm lại mấy mớ dọc mùng, khi thì lại một ít rau lang... Ở quê người dân vẫn tận dụng tất cả mọi thứ để dùng, phần nào ăn được thì người ăn, phần nào người không ăn thì lại tận dụng để nuôi gia súc, thậm chí những thứ gia súc không ăn được thì cũng để đó làm phân bón cho cây, chẳng bỏ đi thứ gì.

Nội vẫn nuôi lợn và chăm đàn gà bằng những thứ lá rau dại trong vườn. Hôm thì băm cây chuối, hôm lại mấy mớ dọc mùng, khi thì lại một ít rau lang...
Nội vẫn nuôi lợn và chăm đàn gà bằng những thứ lá rau dại trong vườn. Hôm thì băm cây chuối, hôm lại mấy mớ dọc mùng, khi thì lại một ít rau lang... (Ảnh: Shutterstock)

Ốc nấu bồng khoai

Hôm trước nghe tin tôi về chơi, lại biết tôi hồi nhỏ thích ăn ốc nên anh Định con bác Hùng nhà ở cùng xóm buổi trưa đi làm về đã tranh thủ ra cầu ao trước nhà bắt ốc mang sang đưa bác dâu tối nấu cho cả nhà cùng ăn. Lại nói tới anh Định, hồi nhỏ mỗi lần được nghỉ hè tôi được bố cho về nội chơi khoảng một tháng nên tôi và anh Định, với anh Đức con bác cả chơi rất thân với nhau. Nhưng kể từ khi lên đại học phần vì bận học, phần vì bố mẹ cũng lại bận công việc nên đã mấy năm rồi tôi không về thăm quê, anh em cũng chẳng có dịp ngồi nói chuyện với nhau.

Về phần anh Đức con bác cả, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa loại giỏi, có nhiều nơi mời đi làm nhưng anh lại từ chối mà về quê lập nghiệp. Anh nói anh quen với cuộc sống nơi quê nhà rồi, không muốn đi đâu cả, vậy nên sau khi tốt nghiệp đại học, anh về quê lập mô hình nông sản sạch, trồng rau không phun hoá chất và phân bón hoá học, toàn bộ hệ thống tưới tiêu đều tự động hết, từ khâu gieo trồng đến khâu thu hoạch đều dùng công nghệ bán tự động khép kín, công việc cũng đang bắt đầu gây dựng được uy tín. Trưa qua lúc ăn cơm, anh nói đang bận làm việc với một hai đơn vị cung cấp rau sạch cho siêu thị trên thành phố nên đang bận, đợi một hai hôm xong việc anh sẽ dẫn tôi đi chơi ngoài đồng, nghe anh kể có nhiều cái hay lắm làm tôi cũng háo hức theo.

Ốc trưa qua anh Định bắt mang cho, bác dâu đem rửa sạch rong rêu rồi mang ngâm nước vo gạo cho sạch. Lâu lắm rồi tôi mới được ăn một bữa cơm ngon như thế, Tôi đánh liền một mạch 4 bát, thật là điều hết sức tưởng tượng! Tất cả là tại món ốc nấu bồng khoai của bác dâu nấu, phải nói là “cực phẩm nhân gian". Ốc sau khi được ngâm nước gạo cho nhả hết bùn và nhớt bên trong rồi đem rửa lại cho sạch, tiếp đó đem luộc với một chút muối và nước bỗng rượu, ở quê mọi người có thói quen nấu bằng mẻ hoặc bỗng rượu gạo, nhưng luộc ốc thì món bỗng rượu là hợp nhất - nhà chú Hải cạnh nhà nội nấu rượu nên lúc nào cũng sẵn bỗng.

Bắt ốc ở quê.
Bắt ốc ở quê. (Ảnh minh họa: chụp video)

Ốc luộc xong khêu ra bát, bỏ phần đít đi cho khỏi đắng và không bị lẫn ốc con. Nội nói ăn ốc vào độ từ tháng hai, tháng ba là ngon nhất, vì thời gian này ốc đang ở độ tuổi hình thành và phát triển, cơ thể còn non nên ta có thể dễ dàng cảm nhận được hương vị thơm ngon mềm mại của ốc. Vào những tháng cuối năm thì ốc đang trong độ tuổi sinh sản nên sẽ không được ngon cho lắm.

Bồng khoai thì buổi chiều hôm qua, bác dâu đã tranh thủ lúc ra sau vườn lấy rau lợn, nhân tiện lấy luôn ít bồng khoai về nấu - bồng khoai là cái mầm cây con của cây khoai môn, có nơi gọi là khoai nước, thường to hơn chiếc đũa dài cỡ 15cm đến 30cm - loại này nấu ốc là số một luôn. Bồng khoai lấy về tước sạch, cắt đoạn 5cm xong đem ngâm với muối cho khỏi ngứa, sơ chế xong là nấu được.

Sau khi đã sơ chế xong, lấy hành khô thái mỏng phi với mỡ lợn cho thơm vàng rồi cho ốc đã khêu để ráo vào xào qua cho dậy mùi. Mặc dù xã hội hiện nay nhiều người chuyển sang dùng dầu thực vật nhưng nội vẫn thích dùng mỡ lợn hơn, nó vừa thơm vừa ngậy. Nhiều người cho rằng ăn dầu thực vật ít bệnh nhưng gần đây tôi có đọc được một bài phân tích của tổ chức khoa học vì lợi ích cộng đồng CSPI (Center for Science in the Public Interest) về dầu thực vật, báo cáo đã chỉ ra rằng: dầu thực vật chính là tác nhân gây nên các bệnh về tim mạch hiện nay. CSPI tuyên bố rằng một túi bỏng ngô cỡ trung bình có hàm lượng dầu thực vật có thể tạo nên loại “mỡ làm tắc nghẽn động mạch nhiều hơn là một bữa ăn trứng xông khói, một miếng bánh Big Mac cùng với khoai tây chiên cho buổi trưa và một bữa ăn tối với tất cả các món rau thơm trên đĩa thức ăn được kết hợp”. Vậy đấy, đây chẳng khác nào cú lừa thế kỷ!...

Ốc nấu ngó khoai
Ảnh minh họa. (Nguồn: chụp video)

Ốc thì chỉ cần xào cho săn rồi trút ra bát, cho 1 quả cà chua cắt múi cau và bồng khoai vào đảo qua, thêm một chút gia vị rồi đổ nước luộc ốc khi nãy vào đun khoảng 10 phút cho bồng khoai nhừ, tiếp đó là cho ốc đã xào vào, đun cho sôi lại nêm nếm gia vị chua cay mặn ngọt vừa ăn là được. Đợi khi ăn thì múc ra tô, rắc thêm ít tía tô và hành hoa thái nhỏ lên trên mặt cho thơm... chỉ vậy thôi, món ăn dân dã này cũng đủ để thuyết phục ngay cả những ai sành ăn nhất.

Tình thương của nội

Đang ngồi đun bếp nói chuyện cùng bác dâu, không biết ở nhà trên nội và bố nói chuyện gì mà cả hai đều cười rôm rả. Nội tuy năm nay cũng đã ngoài 80, tóc bạc như cước, mặc dù gương mặt in hằn những dấu vết thời gian, nhưng da lại trắng hồng. Mỗi lúc nội cười, các nếp nhăn trên trán và vết chân chim hai bên khóe mắt đều xô lại - tôi vẫn hình dung đó là những gợn sóng của cuộc đời, trông nội thật hiền từ và phúc hậu. Nhiều lúc nhìn những nếp nhăn trên khuôn mặt nội nó khiến cho tôi suy tư nghĩ về đời người. Sóng xô bờ, sóng tan thành bọt nước, người tới tuổi già người cất bước chia ly, phải chăng chúng ta sinh ra là để chết đi? Vậy đâu là ý nghĩa cuộc đời, lẽ nào thế nhân chỉ là trạm đỗ của sinh mệnh, gặp gỡ và chia ly? Ắt hẳn nó phải có một ý nghĩa thâm sâu nào đó, một mục đích để làm người… tôi muốn đi tìm câu hỏi của đời mình.

Một lát sau, nội cũng xuống bếp ngồi, lúc này nước vừa sôi, nội kêu tôi rót nước vào phích mang lên nhà cho cụ pha trà rồi lát quay xuống ngồi với nội. Nội bảo hồi nhỏ bố tôi thích ăn khoai nướng nên sáng nay nội đã tranh thủ dậy sớm nướng cho bố mấy củ khoai, tôi có muốn ăn thì ra giếng đánh răng rồi vào ngồi bếp ăn cho ấm.

Đánh răng xong quay lại bếp, thấy nội và bố đang ngồi ăn khoai. Các cụ xưa nói quả không sai: “Mẹ già 100 vẫn thương con 80”, trong lúc ăn khoai, nội tỉ mỉ bóc vỏ khoai rồi đưa cho bố, nhìn bố ăn ngon miệng, nội cười vui sướng…

(Còn tiếp...)

Xem tiếp Phần 2

Minh Vũ

Văn hoá Chuyên đề


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Nhật ký cách ly thời “Cô Vy" (Phần 1): Bỏ lại sau lưng bóng dáng đô thành