Nhật ký cách ly thời “Cô Vy” (P-3): Phải chăng chỉ có thành phố mới là nơi đáng sống?

Giúp NTDVN sửa lỗi

'Nội bảo: cái lẽ làm người và đối nhân xử thế là ở chữ nhân chữ đức, chỉ cần lấy nhân đức ra để đo lường thì biết được việc gì nên làm việc gì không'...

Hôm sau trong lúc ăn sáng, anh Đức hỏi tôi có muốn ra khu trại rau với anh cho vui không? Nghe anh Đức hỏi vậy, thằng Chí (em trai tôi đang học cấp 3) cũng hào hứng muốn đi theo, kể từ hôm về quê đến giờ nó cứ phải ở mãi trong nhà không được đi đến đâu, nên cu cậu cũng có vẻ buồn bực khó chịu.

Trời hôm nay nắng nhưng được cái ở quê không khí trong lành, cây cối lại nhiều nên cảm giác rất dễ chịu, không như ở phố. Anh Đức dẫn chúng tôi ra khu bãi bồi ven sông, tôi nhớ hồi nhỏ, mỗi lần về quê, anh em chúng tôi hay ra khu bãi bồi này chơi. Mấy anh em bày đủ trò để chơi, hết chơi chọi cỏ gà, rồi lại lấy đất nặn pháo nổ, rồi vào mùa lúa tới thì con gái, chuẩn bị trổ đòng thì lại rủ nhau đi ăn đòng lúa - đòng lúa lúc này ăn rất ngọt, lại thơm mùi sữa non. Tôi thích món đòng đòng nhất, có hôm ra ruộng của nội ăn no tới mức về nhà không ăn được cơm, vậy là lại bị người lớn nhắc nhở.

Trời hôm nay nắng nhưng được cái ở quê không khí trong lành, cây cối lại nhiều nên cảm giác rất dễ chịu, không như ở phố.
Trời hôm nay nắng nhưng ở quê không khí trong lành, cây cối lại nhiều nên cảm giác rất dễ chịu, không như ở phố. (Ảnh: Shutterstock)

Ra tới nơi, khu đất năm xưa vẫn còn đó, chỉ có điều quang cảnh đã có nhiều thay đổi: vùng đầm nước xưa kia nay đã được anh Đức đấu thầu và cải tạo lại thành trang trại trồng rau và canh tác nông nghiệp, chỗ thì nuôi cá, chỗ lại thả sen, khu thì trồng rau sạch... nào là mướp hương, nào là khoai lang, nào là su su, dưa chuột, dưa vàng, đậu bắp, có chỗ lại trồng cải ngồng, cải bẹ, củ dền... đủ các loại rau xanh. Xung quanh bờ ao, anh trồng rất nhiều cây ăn quả, từ đu đủ cho tới hồng xiêm, xoài, đặc biệt là mít... thôi thì bạt ngàn, có tới cả trăm cây, quả sai trĩu trịt. Tất cả các sản phẩm nông nghiệp đều được anh áp dụng nuôi trồng hữu cơ, không dùng hoá chất. Mùa này đang là mùa ổi, tôi tiện tay với mấy quả vừa đi vừa ăn. Tuy ở ngoài trại rau nhưng hệ thống điện nước đầy đủ, anh Đức xây một khu nhà ở, nơi đây vừa là chỗ người làm nghỉ ngơi, vừa là để trông nom khu trại nên tiện nghi được trang bị cũng khá đầy đủ.

Anh Đức bảo dẫn chúng tôi ra ruộng dưa, thăm ruộng và mấy cô chú đang làm việc.. Tới nơi, không ngờ tôi lại được gặp anh Định cũng làm ở đó.

Ra đi và trở về...

Từ xa tôi đã thấy bóng dáng cao cao thanh mảnh và rắn rỏi quen thuộc của một người đàn ông. Đó là anh Định. Anh là con bác Hùng hàng xóm, hơn tôi 6 tuổi, anh chơi thân với các anh em tôi từ thời còn nhỏ. Thấy tôi ra, anh vồn vã:

- Em đấy à. Ra đây thăm bọn anh làm việc hả. Em đợi anh chút nhé.

Rồi anh bàn giao lại công việc cho mấy cô chú cùng làm, sau đó anh đưa tôi đi thăm quan một số chỗ và giới thiệu sơ qua những kế hoạch sắp tới anh sẽ triển khai. Chừng thấy tôi đã mỏi chân, anh Định rủ tôi ra triền đê ven sông ngồi hóng gió.

Thấy tôi đã mỏi chân, anh Định rủ tôi ra triền đê ven sông ngồi hóng gió
Thấy tôi đã mỏi chân, anh Định rủ tôi ra triền đê ven sông ngồi hóng gió. (Ảnh: Shutterstock)

Tôi hỏi anh:

- Anh Định ơi, em nghe nói công việc trên phố của anh đang tốt, sao anh lại đột nhiên về quê làm nông nghiệp vậy ạ?

Ánh mắt chợt trở nên suy tư, anh đăm đăm nhìn đám lục bình trôi lững lờ xuôi theo dòng nước. Tĩnh lặng một lát rồi anh nói:

- Hồi mới ra trường anh cũng đặt mục tiêu ở lại thành phố làm giàu, anh thi tuyển vào làm cho một doanh nghiệp nước ngoài. Anh đã trải qua đủ vị trí công việc. Ở vị trí nào anh cũng cố gắng làm cho tốt nên dần dần được đề bạt lên những vị trí cao hơn. Về sau, công ty cử anh giữ chức trưởng phòng kinh doanh. Công việc này vừa hợp với sở trường và cá tính năng động của anh, mà lại có nhiều cơ hội làm giàu hơn cả. Em đã biết khát khao làm giàu của anh rồi đấy.

Ngừng một lát như để hồi tưởng lại kỷ niệm cũ, anh kể tiếp:

- Nhưng vị trí này yêu cầu mình phải có nhiều chiêu trò, kỹ xảo mới có thể thành công. Nào tiếp khách, nào ăn nhậu, nào phong bì, nào đi cửa sau, cạnh tranh đủ các kiểu để chiến thắng đối thủ… rồi cái thói quen tranh đấu và tiểu xảo đó đâu chỉ dừng lại ở trên thương trường.

Vị trí này yêu cầu mình phải có nhiều chiêu trò, kỹ xảo mới có thể thành công. Nhưng rồi cái thói quen tranh đấu và tiểu xảo đó đâu chỉ dừng lại ở trên thương trường. (Ảnh: Shutterstock)
Vị trí này yêu cầu mình phải có nhiều chiêu trò, kỹ xảo mới có thể thành công. Nhưng rồi cái thói quen tranh đấu và tiểu xảo đó đâu chỉ dừng lại ở trên thương trường. (Ảnh: Shutterstock)

Trời nồm lại lặng gió, trên triền đê hàng ngày mát mẻ mà giờ oi bức quá. Anh trầm tư một lúc rồi nói tiếp:

- Mình người nhà quê, sinh ra từ làng, vốn quen với cuộc sống cha ông thuần hậu chân phương, người với người đối đãi với nhau trên hết là bởi sự chân thành, lên phố lập nghiệp dẫu có thế nào cũng không quen được như ở quê nhà. Trong công việc, không chỉ phải cạnh tranh với phía đối thủ, tìm đủ mọi thủ đoạn để giành giật khách hàng... mà còn có cả những đấu đá nội bộ với đồng nghiệp trong công ty. Sau một thời gian như vậy anh nhìn lại, tự hỏi lòng mình: Nếu cứ tiếp tục thế này, mình sẽ được gì mất gì?

Tôi nhìn anh thông cảm rồi hỏi:

- Vậy rồi anh làm thế nào ạ?

Anh Định mỉm cười, nụ cười đã tươi tắn hơn:

- Tình cờ cuối năm 2018, khi về quê ăn Tết, sau một lần chuyện trò với anh Đức, anh mới chợt nhận ra nhiều điều, và hiểu rằng: trong cuộc sống, tiền đôi khi rất quan trọng nhưng không phải là tất cả... những góc nhìn mới mẻ đó đã khiến anh quyết định từ bỏ công việc trên phố để về quê làm lại từ đầu. Và giờ em thấy đấy, bọn anh đang nỗ lực để được sống có ích hơn.

Trong cuộc sống, tiền đôi khi rất quan trọng nhưng không phải là tất cả... những góc nhìn mới mẻ đó đã khiến anh quyết định từ bỏ công việc trên phố để về quê làm lại từ đầu.
Trong cuộc sống, tiền đôi khi rất quan trọng nhưng không phải là tất cả... những góc nhìn mới mẻ đó đã khiến anh quyết định từ bỏ công việc trên phố để về quê làm lại từ đầu. (Ảnh: Shutterstock)

Trông anh rạng rỡ như người đã tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Một cơn gió mát lành mang theo hương hoa bưởi thơm ngát thổi tới, xua tan cái oi bức của buổi cuối xuân sang hè, khiến cả hai chúng tôi đều ngây ngất.

Vậy là anh Định kết hợp với anh Đức cùng mở trại rau. Làm ở quê tuy thu nhập trước mắt không nhiều nhưng được cái thoải mái, đồng thời cũng tạo công ăn việc làm cho một số lao động địa phương, hướng dẫn họ thay đổi thói quen canh tác...

Qua câu chuyện của anh, tôi biết được trước đây ở quê cũng có một số người khi còn trẻ ra ngoài làm ăn, thấy cuộc sống bên ngoài kiếm được đồng tiền dễ dàng hơn nên đã bỏ quê ra đi, bán hết đất đai cha ông tổ nghiệp để lại. Nhưng người xưa có câu: “Lá rụng về cội", con người khi đến tuổi về già, ai cũng muốn được trở về quê hương nguồn cội. Những người xưa kia bỏ quê mà đi, gia sản bán hết nay muốn về mà lại không có nơi để về; đất quê tuy không đắt nhưng lại không phải muốn mua là được, bởi phải có người bán mới có thể mua. Vậy nên có nhiều người muốn về quê mua lại đất, thậm chí đưa ra cái giá cao hơn 10 lần giá thị trường, chỉ mong có thể mua được mảnh đất nhỏ đủ để xây căn nhà để ở nhưng cũng không thể toại nguyện, để rồi họ trở thành người có quê mà không thể về. Anh Định bảo: “Làm ở quê, tuy nó chậm nhưng lại chắc, tự cung tự cấp, cuộc sống từ ngày về đây lại thấy thoải mái không phải bon chen”.

Nghe anh kể, tôi chợt nghĩ, người ta một khi đã xác định rời quê đi lập nghiệp nơi xa cũng là xác định rời xa nguồn cội. Người lập nghiệp nơi xa, thì con cái lớn lên thường không được gần gũi họ hàng, rồi lại lấy vợ gả chồng, "kiến giả nhất phận" tại nơi ở mới, cơ hội về lại quê hương cũng mỗi ngày một ít đi, năm thì mười hoạ có dịp mới được về thăm quê nhà... Thành thử qua một hai thế hệ, con người ta dần dần mai một tình cảm, cũng dễ rời xa cội nguồn của mình, thậm chí con cái đi làm ăn xa, cha mẹ già đau ốm cũng chẳng thể sớm chiều thăm hỏi.

Người ta một khi đã xác định rời quê đi lập nghiệp nơi xa cũng là xác định rời xa nguồn cội.
Người ta một khi đã xác định rời quê đi lập nghiệp nơi xa cũng là xác định rời xa nguồn cội. (Ảnh: Shutterstock)

Thành phố có thực sự là môi trường tốt để giáo dục trẻ nhỏ?

Nhiều người xa quê, chấp nhận mọi khổ cực, chỉ vì có một mong cầu duy nhất đó là tạo điều kiện cho con cái học hành được tốt hơn. Tuy nhiên có thực sự tốt hơn hay không? Có lẽ không hẳn là như vậy. Gần đây tôi đọc được khá nhiều bài phân tích hệ thống giáo dục của Nhật. Trong giáo dục người ta quan trọng ở định hướng, lấy nhân cách làm trọng chứ không phải kỹ năng. Trẻ em tại Nhật dưới 10 tuổi không cần thi cử, đến trường học để vui, để hình thành nhân cách, để biết sẻ chia với cộng đồng. Tại phần lớn các trường học ở Nhật không có nhân viên tạp vụ vệ sinh, trẻ em ăn cơm xong tự biết dọn dẹp, tự biết lau sàn nhà, hình thành tính trách nhiệm ngay từ rất nhỏ.

Nói đến đây lại nhớ, trong các buổi nói chuyện với nội, nội thường bảo: “Làm người, muốn thành công phải thành nhân trước đã, người mà không có nhân cách sẽ chẳng có chỗ dung thân". Trong giáo dục hiện nay ở Việt Nam, nhất là tại các thành phố, tôi thấy rằng người ta phần lớn chú trọng rèn luyện kỹ năng chứ chẳng mấy ai xem trọng nhân cách. Nhìn vào nội dung giáo dục cho học sinh lớp một khiến tôi không khỏi hoang mang: 3 tháng đầu năm của học sinh lớp một, nhà trường đã dạy toán hình học; còn nhân tín lễ nghĩa, phong thái làm người thì lại chẳng được quan tâm đúng mực. Cũng như việc các trung tâm đào tạo mọc lên như nấm, họ dạy đủ thứ trên đời nhưng tìm không ra một nơi đào tạo nhân cách con người, những môn như đạo đức, giáo dục công dân trở thành môn phụ trong nhà trường, chẳng được mấy ai quan tâm và được dạy một cách chiếu lệ và nhàm chán. Phải chăng đạo đức giờ đây đã trở thành một thứ quá xa vời?

Hệ thống giáo dục ở thành phố khiến trẻ nhỏ từ sớm phải tiếp xúc và học hỏi rất nhiều kỹ năng, kiến thức mà coi nhẹ những yếu tố cơ bản để hình thành nên nhân cách. Rốt cuộc, đó cũng là kết quả của một xã hội chạy đua với thành tích. (Ảnh: Pixabay)
Hệ thống giáo dục ở thành phố khiến trẻ nhỏ từ sớm phải tiếp xúc và học hỏi rất nhiều kỹ năng, kiến thức mà coi nhẹ những yếu tố cơ bản để hình thành nên nhân cách. (Ảnh: Pixabay)

Phố là nơi đáng sống nhưng không phải ai cũng hợp

Kỳ thực theo tôi thấy, phố cũng là nơi đáng sống nhưng không phải với tất cả mọi người, có chăng nó cũng chỉ hợp cho những con người sinh ra từ phố. Nếu như nói trẻ em trên phố có được sự giáo dục tốt hơn, điều đó chưa hẳn đã đúng. Bởi vì nếu đứng từ góc độ giáo dục nhân cách, thì chưa hẳn học sinh ở quê đã là thua kém, thậm chí khi tiếp xúc với những trẻ em ở quê, tôi lại thấy chúng ngoan ngoãn lễ phép, biết sống tự lập, giúp đỡ được bố mẹ hơn nhiều so với trẻ em ở phố. Trẻ em ở phố đôi khi gặp áp lực học tập kỹ năng còn vất vả hơn cả người lớn, so với bạn bè trang lứa ở nông thôn thì các em mất đi hẳn cái gọi là tuổi thơ. Cha mẹ ganh đua, thấy con nhà hàng xóm đi học cái này, con nhà mình cũng phải đi học cái kia, học đủ thứ cả. Ban ngày học ở trường, tối học tại trung tâm, đêm về soạn bài, ngày nào cũng từ 6h sáng đến 11h, 12h đêm mới xong. Thành thử ngoài việc học ra, các em không biết nhiều về cách ứng xử và những đạo lý làm người... các em dần trở thành thụ động, trẻ em ở phố không biết giúp đỡ cha mẹ, không biết làm việc nhà, cơm ăn áo mặc còn phải cần người khác phục vụ tận nơi.

Con người sinh ra, ai cũng hướng tới một mục đích sống sung sướng, hạnh phúc. Tuy nhiên hạnh phúc là gì, hạnh phúc ở đâu? Khi người ta chẳng chịu dành cho mình thời gian để nghỉ ngơi, để tĩnh lặng và suy nghĩ về những điều tốt đẹp mà chỉ tối ngày đắm chìm trong vòng xoáy bon chen thua được của thế nhân thì hạnh phúc cũng không còn hiện hữu. Kỳ thực hạnh phúc đôi khi không phải là cái gì đó quá xa xôi, mà là tìm cho mình một bến đỗ tâm hồn. Còn nếu như con người ta cứ mải miết đi tìm cái thứ hạnh phúc thông qua truy cầu vật chất kia, thử hỏi có bao giờ là đủ? Nếu như lòng người không biết điểm dừng, sướng khổ vì những điều được thua, hơn kém... thì mãi mãi chẳng thể hạnh phúc. Cũng như xưa kia người ta khoe nhau con ngựa tốt, thì ngày nay người ta lại khoe nhau chiếc xe sang có gì là khác biệt?

Nếu như nói trẻ em trên phố có được sự giáo dục tốt hơn, điều đó chưa hẳn đã đúng. Bởi vì nếu đứng từ góc độ giáo dục nhân cách, thì chưa hẳn học sinh ở quê đã là thua kém.
Nếu như nói trẻ em trên phố có được sự giáo dục tốt hơn, điều đó chưa hẳn đã đúng. Bởi vì nếu đứng từ góc độ giáo dục nhân cách, thì chưa hẳn học sinh ở quê đã là thua kém. (Ảnh: Shutterstock)

Cả đời ở quê phải chăng đã là điều không tốt

Bác cả nhà tôi, cả đời không đi làm đâu xa, quanh năm chỉ biết đến ruộng đồng, nhưng cuộc sống lại rất thanh bình, bác không giàu nhưng cũng không bao giờ túng thiếu. Cả đời bác cũng chẳng hơn thua với ai, tới nay, tóc cũng đã điểm bạc nhưng bác chưa từng một lần cãi nhau hay có điều gì phải hiềm khích với người khác. Cả đời bác sống mẫu mực, trong nhà ngoài xóm có công việc gì trọng đại, người ta cũng lại hay tìm đến bác để nhờ góp ý. Có nhiều lúc tôi thắc mắc, bác là người không có ăn học gì nhiều, sao mọi người lại hay đến hỏi ý kiến bác vậy. Nội bảo: “Cái gốc làm người và đối nhân xử thế là ở chữ nhân chữ đức, chỉ cần lấy nhân đức ra để đo lường thì biết được việc gì nên làm việc gì không”.

Thì ra là vậy, nơi xóm làng, người ta đối đãi nhau bằng nhân nghĩa, chứ không hẳn đã là cái lý đúng sai. Nội kể có một lần, bác ra ruộng rau lấy rau về ăn, ra gần tới nơi thấy có hai người đang hái rau của bác, thấy bác sắp đến, họ ngại quá nên giấu đi rồi giả bộ cắt cỏ trên bờ. Bác biết nhưng cũng không nói gì chỉ ra lấy rau và chuyện trò như bình thường. Trước lúc về bác bảo: “Rau ở ruộng nhiều, nhà lại ăn không hết, lát nữa hai cô cắt cỏ xong, muốn ăn bao nhiêu cứ lấy về mà ăn". Về nhà bác cũng chẳng kể với ai, mãi sau hai người đó thấy bác biết mà không nói, lại còn giúp họ giữ thể diện như vậy nên chủ động đến nhà xin lỗi bác. Bác bảo: “Có gì đâu mà lỗi với không, đều là người làng cả. Rau nhà trồng được, cũng chẳng phải mất tiền mua, mọi người không có thì cứ hái về mà ăn”.

Đó là cách mà tình làng nghĩa xóm người quê nghèo đối đãi với nhau... đó cũng chính là biểu hiện của nếp sống thuần hậu và nhân văn bồi đắp nên cái nền của truyền thống văn hóa và bản sắc quê hương muôn thuở.
Đó là cách mà tình làng nghĩa xóm người quê nghèo đối đãi với nhau... đó cũng chính là biểu hiện của nếp sống thuần hậu và nhân văn bồi đắp nên cái nền của truyền thống văn hóa và bản sắc quê hương muôn thuở. (Ảnh: Shutterstock)

Thì ra đó là cái cách mà bác đối nhân xử thế, đó là cách mà tình làng nghĩa xóm người quê nghèo đối đãi với nhau... đó cũng chính là biểu hiện của nếp sống thuần hậu và nhân văn bồi đắp nên cái nền của truyền thống văn hóa và bản sắc quê hương muôn thuở. Nghĩ đến đây, tôi lại chợt nhớ tới lời bài hát Quê Hương, lời thơ Đỗ Trung Quân:

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một Mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người…

Minh Vũ

Văn hoá Chuyên đề


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Nhật ký cách ly thời “Cô Vy” (P-3): Phải chăng chỉ có thành phố mới là nơi đáng sống?