Nhật ký cách ly thời “Cô Vy” (P-2): Sướng khổ tùy cách nhìn, giàu nghèo do quan niệm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm trước biết tin tôi về quê, đám bạn đứa nào đứa ấy đều kêu oai oái, cho rằng về quê bẩn thỉu, khổ sở, cuộc sống thiếu thốn đủ thứ. Nghĩ lại tôi thấy tất cả đều chỉ là quan niệm mà thôi. Sướng khổ tùy cách nhìn, giàu nghèo do quan niệm.

Xem lại Phần 1

Bình minh trên quê hương

Mặt trời vừa mới nhú rạng, những tia nắng đầu tiên xuyên qua tán lá non xanh, sương mai dần tan, trên mái nhà, lác đác vài chú sẻ sừng bay ra khỏi tổ, chúng ríu rít gọi nhau thức dậy sưởi ấm sau một đêm dài say giấc bởi cái lạnh cuối xuân. Trong góc bếp, đàn gà mái mẹ cũng bắt đầu dang rộng đôi cánh cho đám gà con thức giấc chào đón bình minh. Sau một đêm dài ấm áp ngủ trong đôi cánh mẹ, đàn gà con vui nhộn chui ra ngoài và đi theo mẹ tới góc sân để sưởi ấm. Một vài con háo hức vươn đôi cánh mới mọc được vài sợi lông tơ, nhoài mình chạy nhanh về phía trước. Có hai chú gà con nhỏ nhất đàn vẫn còn làm nũng mẹ, nó không chịu đi mà tinh nghịch nhảy lên lưng mẹ để được mẹ cõng ra sân.

Giữa bãi đất trống trong vườn, đám gà trống choai đang tập thể dục buổi sáng bằng màn rượt đuổi như những vận động viên điền kinh thi chạy nước rút, chúng như muốn chứng tỏ bản thân là ứng cử viên sáng giá cho chức vị trưởng đàn mai sau. Cách đó một đoạn, mấy cô gà mái hoa mơ đang lững thững vừa dạo chơi sưởi nắng vừa tỉa tót lại bộ lông của mình như để làm dáng, để xứng đáng được anh gà trống chăm chút bằng chút mồi giun. Còn kia, chính là kẻ thủ phạm đã làm tôi thức giấc, chú gà trống đầu đàn đang đứng trên nóc đống rơm sưởi nắng và quan sát giang sơn của mình, chỉ cần con gà nào kiếm cớ gây sự đánh nhau trong đàn là chú ta chạy đến can ngăn, dạy cho kẻ kiếm chuyện một bài học. Chú có uy lại đẹp mã nên đã gắn bó với gia đình gần chục năm nay, hầu như những chú gà trống trong thôn này đều thuộc dòng con cháu của nó. Nhiều người muốn xin giống nên hàng ngày lấy dây buộc chân gà mái đang đẻ trứng mang sang nhờ chú đạp mái để nhân giống. Những lúc như vậy chú lại cất cao giọng kêu cục cục rồi vỗ mạnh đôi cánh của mình như để ra oai với đám gà mái ở nhà.

Chú có uy lại đẹp mã nên đã gắn bó với gia đình gần chục năm nay, hầu như những chú gà trống trong thôn này đều thuộc dòng con cháu của nó.
Chú có uy lại đẹp mã nên đã gắn bó với gia đình gần chục năm nay, hầu như những chú gà trống trong thôn này đều thuộc dòng con cháu của nó. (Ảnh: Pixabay)

Ở quê hầu như nhà nào cũng vậy, mỗi nhà đều tuyển chọn cho mình một con gà trống to khoẻ, đẹp mã để làm giống. Để được chọn, mỗi con gà phải trải qua những sự lựa chọn khắt khe, mào phải cao, dựng, lông cổ phải vàng, lông thân phải sẫm, mắt sắc, ngực đầy, đôi chân to khoẻ vàng óng, bước đi oai vệ. Như vậy cũng chưa đủ, sau khi gà trống được chọn rồi lại còn phải đợi xem tỷ lệ nhân giống sau một năm có đạt hay không, nếu không biết cách đạp mái, tỷ lệ ấp nở thành công thấp thì đẹp mã mấy cũng bị loại bỏ. Trong chuồng, chú lợn cố gắng “ngủ nướng” bằng cách rúc mình vào đám rơm khô mà cũng đành thức dậy vì tiếng gà cục tác rộn rã. Chú đi vài vòng rồi nhón hai chân trước lên thành chuồng gọi chủ như báo rằng chú đã thức giấc và đòi ăn. Xa xa nơi góc ao, vài con vịt, con ngan cũng bắt đầu xuống ao bơi lội tắm rửa đợi bữa sáng.

Buổi sáng nơi thôn quê vừa nhộn nhịp nhưng cũng lại thật thanh bình như vậy đấy. Sau khi bác dâu cho đám lợn, gà, vịt, ngan ăn uống xong, thì cũng vừa kịp lúc mẹ tôi chuẩn bị xong bữa sáng cho cả nhà. Sáng nay mẹ vào bếp nấu món canh cá rô đồng cho đại gia đình để bù đắp cho những ngày xa quê. Ăn sáng xong bác dâu ra đồng phụ việc cho anh Đức, còn bố tôi và bác cả ở nhà pha trà uống nước nói chuyện với cụ. Lâu rồi mới có dịp cả nhà đông đủ lại không có việc gì phải vội nên cụ rất vui. Từ hôm gia đình tôi về quê đến nay, cụ cứ vui cười cả ngày. Trái với tâm thái lo âu, cuộc sống bế tắc, áp lực vì dịch bệnh nơi thành thị, người dân ở đây lại thư thái an lạc hơn nhiều.

Buổi sáng nơi thôn quê vừa nhộn nhịp nhưng cũng lại thật thanh bình như vậy đấy. Trái với tâm thái lo âu, cuộc sống bế tắc, áp lực vì dịch bệnh nơi thành thị, người dân ở đây lại thư thái an lạc hơn nhiều.
Buổi sáng nơi thôn quê vừa nhộn nhịp nhưng cũng lại thật thanh bình như vậy đấy. Trái với tâm thái lo âu, cuộc sống bế tắc, áp lực vì dịch bệnh nơi thành thị, người dân ở đây lại thư thái an lạc hơn nhiều. (Ảnh: Shutterstock)

Tình làng nghĩa xóm ấm nồng

Cụ và bố với bác đang ngồi uống trà thì có chú Ngố sang, chú sang hỏi vay cụ và bác cả ít gạo. Nhà chú không cấy, mấy hôm nay gạo tăng giá lại không mua được nhiều nên chú sắp hết gạo ăn. Chú Ngố là hàng xóm, cũng là người trong họ với nhà tôi, trước đây gia đình chú cũng có nhiều ruộng và làm nông như nhà nội. Nhưng từ khi có khu công nghiệp mở ra, một phần vì bị nhà nước thu hồi đất giao cho khu công nghiệp, một phần vì thấy đi làm công nhân có thu nhập cao hơn cấy lúa nên chú và một số gia đình ở đây đã bỏ ruộng đi làm bảo vệ cho khu công nghiệp. Nghe đâu mỗi tháng lương chú cũng được 5 triệu, 6 triệu, cả nhà 4 lao động chính đều bỏ ruộng đi làm công nhân. Từ khi đi làm công ty, điều kiện kinh tế của gia đình chú cũng tốt hơn, lại thêm khoản tiền đền bù ruộng nên gia cảnh chú cũng có phần dư dật. Có tiền, chú dỡ bỏ căn nhà ngói 5 gian các cụ để lại rồi xây lại thành căn nhà ống 3 tầng lát đá hoa mới, Nhưng rồi xây xong chú lại ân hận vì đang ở nhà cũ mát mẻ đã quen, nay ở nhà ống mới kiểu này mùa hè thì nóng, mùa xuân lại bị nồm ẩm, bẩn hơn nhà 5 gian cũ. Nhà kiểu mới tốn nhiều chi phí cho năng lượng, ví như khi hè tới nóng nực, nhà phải trang bị thêm nhiều điều hòa, quạt máy… thành thử sinh hoạt phí cũng cứ theo đó mà dần dần tăng lên. Rốt cuộc, ruộng thì mất, không còn sản phẩm nông nghiệp, nhà ở lại tốn nhiều chi phí hơn nên dù ở quê, gia đình chú vẫn phải sống cảnh “gạo chợ nước sông”, dù có thêm chút sinh hoạt phí từ tiền lương công nhân cũng chỉ tạm đủ chi tiêu. Dịch bệnh đến, chú mất việc, mất lương nên cuộc sống lại càng khó khăn”.

Nhân nói đến chuyện ngôi nhà của chú Ngố, tôi chợt nhận thấy lối xây nhà xưa của các cụ nhìn qua có vẻ không hiện đại nhưng thực ra lại đầy tinh tế. Chỉ nói riêng cái nền nhà đã thấy một đặc điểm ưu việt như “ấm đông mát hè”. Với những gia đình có điều kiện kinh tế dư dật một chút, họ dùng gạch đỏ nung để lát nền nhà, làm vậy thì hè sẽ mát, đông sẽ ấm, xuân đến không bị nồm ẩm, so với gạch lát hoa hiện đại lại có nhiều ưu thế. Còn nhà ai gia cảnh khó khăn hơn thì lấy đất sét trộn với vôi, rồi ủ vài ngày cho thấu sau đó trải ra nền nhà, lấy cái đầm bằng gỗ đầm cho chặt. Tiếp đó nữa, họ dùng cái vồ gỗ hoặc cắt sống tàu dừa, chặt một đoạn dài tầm 50cm, gọt cho bằng một mặt rồi đập cho mịn là được. Còn nếu nghèo nàn hơn nữa thì lấy đất sét nhào kỹ rồi trải ra nền nhà, lấy rơm đốt thành tro rắc lên đầm cho chặt cũng được. Nền nhà được làm như vậy thì mùa hè cực mát, mùa đông lại ấm nữa. Hồi nhỏ mỗi khi nghỉ hè về nội chơi, trời nóng đến mấy anh em chúng tôi vẫn trải chiếu xuống nền đất để chơi, chơi xong mệt lăn ra ngủ luôn ở đó, rất mát, cảm giác còn sướng hơn cả nằm phòng lắp điều hoà không khí ngày nay.

Gia đình có điều kiện một chút, họ dùng gạch đỏ nung để lát nền nhà, làm vậy thì hè sẽ mát, đông sẽ ấm, xuân đến không bị nồm ẩm, so với gạch lát hoa hiện đại lại có nhiều ưu thế.
Gia đình có điều kiện một chút, họ dùng gạch đỏ nung để lát nền nhà, làm vậy thì hè sẽ mát, đông sẽ ấm, xuân đến không bị nồm ẩm, so với gạch lát hoa hiện đại lại có nhiều ưu thế. (Ảnh: Shutterstock)

Thấy chú Ngố sang hỏi gạo, cụ bảo chú cứ ngồi chơi uống nước thong thả, rồi cụ bảo bác cả xuống nhà ngang lấy cho chú 1 bao thóc, chú mang về xát mà ăn, không phải tiền nong gì cả. Nếu khi ăn hết thóc mà xã hội vẫn phải tiếp tục cách ly dịch bệnh, không mua được gạo thì lại sang đây cụ tặng cho bao thóc nữa. Bác cả lấy thóc xong còn dặn đi dặn lại chú Ngố rằng sau nhà mình có vườn sau, chú muốn ăn gì thì bảo thím sang mà lấy về ăn, ở nhà ăn không hết, bỏ đi cũng phí.

Vâng, cuộc sống ở quê là vậy đấy. Cụ bảo ở quê chả có việc gì phải ngại, cách ly phong toả 2 tuần chứ 2 tháng cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều, thóc nhà cấy được, ăn quanh năm không hết còn phải nấu cả cho đám gà vịt ăn. Rau sạch thì lại càng không thiếu, ra vườn lúc nào cũng có, rau nhà trồng không phun thuốc, đảm bảo an toàn vệ sinh. Còn muốn ăn thịt thì chỉ việc ra chuồng mà bắt, muốn gà có gà, muốn vịt có vịt. Đã vậy trứng gà, trứng vịt ngày nào cũng có, vì gà vịt đẻ quanh năm. Nói chung người dân không có nhiều tiền như dân phố nhưng cuộc sống tự sản tự tiêu, an nhiên tự tại hơn nhiều.

Nói chung người dân không có nhiều tiền như dân phố nhưng cuộc sống tự sản tự tiêu, an nhiên tự tại hơn nhiều.
Nói chung người dân không có nhiều tiền như dân phố nhưng cuộc sống tự sản tự tiêu, an nhiên tự tại hơn nhiều. (Ảnh: Shutterstock)

Sướng khổ tùy cách nhìn, giàu nghèo do quan niệm

Tôi ngồi ở bậc thềm trước cửa, ngắm nhìn những bông bưởi tinh khôi, tận hưởng cái mùi thơm nồng dìu dịu của nó. Chả biết tự khi nào tôi lại yêu cái mùi hương này đến vậy. Đang mơ màng nghĩ chuyện vu vơ, nghĩ về cái mùi hương bưởi một thời của nội, vô tình nghe những điều cụ nói với với bố, tâm trí tôi như chợt vỡ oà vì khám phá ra một điều gì đó mới lạ. Ở phố người ta muốn mua một mớ rau ngon, phải lựa chọn kỹ càng, tìm chỗ tin tưởng để mua, nếu không thì dễ gặp phải hàng rau công nghiệp toàn là hoá chất, nhìn thì bóng bẩy xanh non nhưng ăn vào lại độc hại, hương vị cũng nhạt nhẽo vô vị. Hay như hôm nào nhà có việc, muốn được bữa ăn ngon người ta phải cậy cục nhờ người gửi gà vịt ở quê lên, còn không thì phải ăn cái thứ gà công nghiệp bán trong siêu thị, được ướp bởi bằng đủ loại hoá chất để bảo quản. Và nghiễm nhiên, những thứ đồ ăn dân dã nơi thôn quê lại trở thành món hàng đặc sản, những món đồ quý để mang biếu xén nhau. Có người được bố mẹ ở quê vì xót con sống cảnh “cơm đường cháo chợ”, ăn đồ hóa chất mà gửi ra cho con gà, cân gạo nếp, thế mà chẳng dám để ăn, nhịn miệng biếu sếp lấy mối quan hệ. Tính ra cuộc sống chẳng biết ai sướng ai khổ hơn ai. Nghĩ đến đây tôi mới hiểu vì sao trước đây mỗi lần bố mẹ đón nội lên chơi, giữ mãi nội mới ở được mấy ngày, lần nào lâu nhất thì được 3 tuần là nội đòi về, kêu ở không quen, không khí ngột ngạt, lại ồn ào cả ngày, đồ ăn thì lại toàn hóa chất.

Hôm trước biết tin tôi về quê, đám bạn đứa nào đứa ấy đều kêu oai oái, cho rằng về quê bẩn thỉu, khổ sở, cuộc sống thiếu thốn đủ thứ. Nghĩ lại tôi thấy tất cả đều chỉ là quan niệm mà thôi. Sướng khổ tùy cách nhìn, giàu nghèo do quan niệm. Nghĩ đến đây tôi nhớ tới một câu chuyện: "Cảm ơn bố đã cho con biết chúng ta nghèo ra sao".

Biết tin tôi về quê, đám bạn đứa nào đứa ấy đều kêu oai oái, cho rằng về quê bẩn thỉu, thiếu thốn đủ thứ. Nghĩ lại tôi thấy đó chỉ là quan niệm mà thôi.
Biết tin tôi về quê, đám bạn đứa nào đứa ấy đều kêu oai oái, cho rằng về quê bẩn thỉu, thiếu thốn đủ thứ. Nghĩ lại tôi thấy đó chỉ là quan niệm mà thôi. (Ảnh: Shutterstock)

Có một cậu bé con nhà giàu có. Một hôm, bố cậu đưa cậu đến một vùng quê nghèo, nơi mà ông mong muốn cho con trai thấy, người nghèo sinh sống ra sao. Vì thế họ đến nông trại của một gia đình rất nghèo để tiện quan sát và họ ở đó vài ngày.

Khi trở về, người bố đã hỏi con trai cảm nhận thế nào về chuyến đi.

"Ồ, thật tuyệt vời, thưa bố", người con trả lời.

"Có phải là con đã biết người nghèo sống thế nào rồi chứ?", ông bố hỏi tiếp.

"Vâng, con biết rồi ạ", cậu bé đáp.

Nghe vậy, ông bố đề nghị con nói rõ thêm cảm nhận về chuyến đi.

"Chà, chúng ta chỉ có một con chó còn họ có bốn con. Trong vườn nhà mình có một hồ bơi, trong khi họ có một dòng sông không bao giờ ngừng chảy. Chúng ta có những chiếc đèn lồng đắt tiền còn họ có cả những ngôi sao trên đầu vào ban đêm. Chúng ta có mái hiên, họ có cả bầu trời. Chúng ta chỉ có một mảnh vườn nhỏ, trong khi họ có những cánh đồng bất tận. Chúng ta mua thức ăn, họ thì trồng ra nó. Chúng ta có hàng rào cao để bảo vệ tài sản nhưng họ không cần đến vì đã có bạn bè dòm ngó giúp cho."

Người bố sững sờ. Ông không nói được lời nào. Rồi cậu bé nói thêm: “Cảm ơn bố, vì đã cho con thấy chúng ta nghèo ra sao”.

Đôi khi chúng ta bị bị nhồi nhét bằng những thứ quan niệm cố hữu hay cách suy nghĩ một chiều mà phong bế tư tưởng của mình, nhưng thực ra là đang tự đưa mình vào ngõ cụt.
Đôi khi chúng ta bị bị nhồi nhét bằng những thứ quan niệm cố hữu hay cách suy nghĩ một chiều mà phong bế tư tưởng của mình, nhưng thực ra là đang tự đưa mình vào ngõ cụt. (Ảnh: Shutterstock)

Vậy đấy, đôi khi chúng ta bị bị nhồi nhét bằng những thứ quan niệm cố hữu hay cách suy nghĩ một chiều mà phong bế tư tưởng của mình, nhưng thực ra là đang tự đưa mình vào ngõ cụt.

Trong mắt người thành phố, dân quê chỉ là những người lao động nghèo lam lũ. Nhưng trong mắt người dân quê, đôi khi người thành phố lại tựa như gà công nghiệp, được nuôi nhốt trong những hộp sắt bê tông màu mè tù túng…

Xa xa, văng vẳng tiếng cu gáy gọi bầy vọng lại, tôi ngước nhìn lên khoảng không xanh bao la trước mắt, nghĩ về tương lai đang chờ đợi, mường tượng như có điều gì đó đang dần dần hé mở mời gọi. Bất chợt, tôi lại khe khẽ cất lên câu hát năm xưa mà thực sự đến giờ tôi mới "cảm" được:

“Về bên dòng sông thơ ấu
Có anh trai quê vẫn chờ
Đàn vịt xiêm còn ngơ ngác nhớ
Chị Tấm xinh tươi ngày xưa
Bàn tay em duyên dáng đong đưa
Chợ sông in bóng em đi về
Tình quê mái lá đơn sơ vui câu hò
Để quên đi thành phố kia xa lạ
Về vui yên ấm nơi quê nhà
Về đi em cô gái thơ ngây của làng ta”.
(Về đi em - Trần Tiến)

(Còn nữa…)

Minh Vũ

Văn hoá Chuyên đề


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Nhật ký cách ly thời “Cô Vy” (P-2): Sướng khổ tùy cách nhìn, giàu nghèo do quan niệm