Nhân sinh cảm ngộ: Mỉm cười với những gì mình đang có

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ câu chuyện ấy, tôi học được rằng: “Biết tự thoả mãn" kỳ thực mang theo nội hàm thâm sâu hơn chính là “Ước chế lòng tham và dục vọng"

Đó là một ngày xuân ấm áp, ánh sáng ban mai nhẹ nhàng xuyên qua từng nhành hoa. Khẽ bỏ viên đường vào tách trà rồi hít thở cái không khí trong lành hiếm hoi của đất trời, tôi lim dim nhắm khẽ đôi mắt nhớ lại câu chuyện hồi trước Tết, tôi được đi tham quan tại một nhà máy sản xuất đồ trang sức. Bị hút hồn bởi những viên ngọc bích đẹp đẽ, tôi rảo bước đến xem, thấy đó là một dây chuyền sản xuất cực kỳ tinh xảo. Tôi chú ý đến một miếng ngọc bích được chạm khắc từ nguyên mẫu tự nhiên, phần màu trắng trong suốt của nó được khắc thành chữ “知” (nghĩa Hán Việt là chữ “biết" - ND) vô cùng tinh tế. Phần màu xanh lá cây - bích ngọc, khắc thành hình thân tre vững chắc dẻo dai, chỉnh thể cả viên ngọc chữ “知” màu trắng phía trên, thân tre màu xanh phía dưới quả là một tác phẩm tuyệt vời. Ông chủ nhà máy nguyên là một người nghiên cứu Đạo học cho hay: “Những thứ càng trân quý thì càng mang nhiều nội hàm, viên ngọc này vừa đẹp, lại vừa có hàm ý. Cây tre trong tiếng Hán đồng âm với từ ‘Túc’ (Vừa đủ, trọn vẹn), chữ ‘Biết’ đứng trên chữ ‘Túc’ mang ngụ ý rằng: Biết đủ chính là hạnh phúc”.

Những thứ càng trân quý thì càng mang nhiều nội hàm, viên ngọc này vừa đẹp, lại vừa có hàm ý.
Những thứ càng trân quý thì càng mang nhiều nội hàm, viên ngọc này vừa đẹp, lại vừa có hàm ý. (Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Thật là thú vị, tôi nghe xong thì gật gù tán đồng rồi trầm ngâm suy nghĩ. Có vẻ như tác phẩm chạm khắc ngọc lục bảo nho nhỏ này không chỉ mang đến sự thỏa mãn về thị giác cho người sử dụng, mà nội hàm trong nó còn góp phần thể hiện chiều sâu của nền Văn hoá truyền thống Á Đông cổ xưa, vừa sâu sắc lại rộng lớn vĩ đại. Lần theo dòng suy nghĩ, tôi nhớ lại một câu chuyện về việc “không tự biết đủ" mà tôi đã từng đọc như sau:

Truyện kể lại một gia đình vợ chồng nọ rất nghèo khổ, không có đất đai trồng trọt, tài sản duy nhất của họ là một cái giếng, hàng ngày họ làm nghề bán nước cho người trong làng và các khu lân cận để mưu sinh. Một hôm có một vị đạo sĩ đi ngang nhà họ và xin một bát nước để uống. Trước khi rời đi, ông hỏi nguyện vọng của hai vợ chồng. Họ liền vội vàng đáp: “Nếu có thể mở được một cửa hàng bán rượu thì cuộc sống chúng tôi có lẽ sẽ tốt hơn nhiều". Nghe xong vị đạo sĩ liền thi triển phép thuật, biến nước trong giếng thành rượu, từ đó về sau hai người họ dùng nước trong giếng chiết xuất thành rượu, sản lượng tiêu thụ ngày một nhiều, cuộc sống cũng trở nên giàu có sung túc. Không lâu sau vị đạo sĩ quay lại ngôi làng và hỏi thăm cuộc sống của cặp vợ chồng, hai người họ liền đáp: “Chúng tôi quả thực đã khá hơn trước kia rất nhiều, tiền tài vải lụa không thiếu, tuy nhiên chiếc giếng này chỉ có rượu mà lại không có bỗng rượu, vậy nên những con heo trong chuồng không có gì để ăn, liệu tiên nhân có thể giúp một chút được không?” Đạo sĩ nghe xong lắc lắc đầu thở dài nói: “Ông trời ở trên kia không tính là cao, tâm tham của người còn cao hơn Trời, nước giếng biến thành rượu, rượu bán lấy tiền, còn muốn lấy thêm cả bỗng rượu, ôi con người hỡi con người!” Nói xong đạo sĩ ẩn đi biến mất, rượu trong giếng biến lại trở thành nước.

Từ câu chuyện ấy, tôi học được rằng: “Biết tự thoả mãn" kỳ thực mang theo nội hàm thâm sâu hơn chính là “Ước chế lòng tham và dục vọng". Đây chính là tinh hoa mà các bậc cổ nhân muốn truyền tải cho hậu thế, khiến con người mai sau tham ngộ trở về đúng bản tính tiên thiên, có cuộc sống hạnh phúc. Trong xã hội hiện đại, mọi người luôn ngước nhìn lên những "ngọn núi cao" với những lâu đài chất đầy vàng bạc trên đỉnh, tuy vậy họ không biết rằng khi ở "lưng chừng núi", họ cũng đã có đầy đủ những gì họ cần: gia đình, bạn bè, tiền bạc… Nhưng con đường hiểm trở nhỏ hẹp dẫn lên đỉnh núi lại có một mê lực hấp dẫn lòng người, cái lực hút đó chính là lòng tham, không chỉ là tiền, nó còn là danh vọng, tranh đua với đời, và đủ những thứ xa hoa phù phiếm...

Tuy nhiên, khi bước trên con đường ấy họ dần trở nên mệt mỏi, bận rộn, tâm hồn bị chôn vùi trong những thứ của cải vật chất. Họ không biết rằng bản thân đã bỏ lỡ bao nhiêu thời gian quý báu chỉ để kê một chiếc ghế nhỏ giữa lưng chừng núi, ngắm nhìn muôn vàn sắc vẻ của đại ngàn... Người có tu dưỡng đều tin rằng số phận con người là đã được an bài, để có thể sống tốt hơn duy chỉ có tu tâm dưỡng đức, gạt bỏ lòng tham, vì người mà sống. Quả thực: “Chỉ cần bạn lương thiện, trời xanh đã tự có an bài”.

Những điều tôi học được đều vô cùng quý báu, nghĩ lại tâm hồn càng cảm thấy thảnh thơi nhẹ nhàng… tôi khoan khoái nhấp ngụm trà và thưởng thức tiếp cảnh sắc mùa xuân.

Anh Kỳ

(sưu tầm và tổng hợp)

 

Văn hoá


BÀI CHỌN LỌC

Nhân sinh cảm ngộ: Mỉm cười với những gì mình đang có