Nhân quả ba đời của cao tăng: Tu hành dẫu tốt đến đâu thì nợ mệnh vẫn khó thoát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi An Thế Cao vừa đến thị trấn Cối Kê thì gặp phải một trận ẩu đả kịch liệt. Ông lão đi theo nhìn thấy trong trận đánh giết hỗn loạn ấy, kẻ sinh sự “đánh nhầm” vào đầu của An Thế Cao, trong nháy mắt An Thế Cao đã ngã xuống đất và chết, cuối cùng An Thế Cao cũng hoàn thành tâm nguyện hoàn trả nợ nghiệp của bản thân mình.

Vào cuối thời Đông Hán, có một vị cao tăng từ Tây Vực đến Trung Thổ tên là An Thế Cao, ông là người dịch quyển “Kinh nhân quả ba đời”. Bản thân ông xác thực cũng lưu lại câu chuyện nhân quả ba đời của chính mình, mang lại ấn tượng giáo huấn sâu sắc cho con người thế gian.

Theo “Thần tăng truyện - Quyển 1 - Thế Cao truyện” ghi chép, An Thế Cao là thái tử của nước An Tức, Tây Vực (hay còn gọi là Đế quốc Parthia, một quốc gia thời cổ đại trên cao nguyên Iran). Ông là người rất hiếu thảo, không ham mê vương quyền, chỉ muốn tu hành. Từ nhỏ ông rất thông minh, bác học đa văn (nghe nhiều học rộng), tinh thông thiên văn, ngũ hành, y học, ngoài ra còn có công năng đặc dị, cũng hiểu được ngôn ngữ chim muông và thú.

Sau khi phụ vương qua đời, An Thế Cao kế vị nhưng không lâu sau thì ông nhường ngôi vương lại cho thúc phụ, rối xuất gia tu Phật. Ông đến các nước Tây Vực để hồng dương Phật Pháp.

Vào năm Kiến Hòa thứ hai đời Hán Hoàn Đế (năm 148), An Thế Cao đến Lạc Dương, Trung Thổ. Từ đó về sau ông ở lại Đông Hán làm công việc dịch Kinh sách trong 20 năm.

An Thế Cao là cao tăng có thần thông, danh tiếng truyền rộng khắp bốn phương. Ông có thể nhìn được nhân quả đời trước của bản thân mình. Kiếp trước ông là một người xuất gia, vì trả nợ kiếp trước mà ông đã lặn lội đường xa nghìn dặm đến Quảng Châu, và chết dưới lưỡi đao của một chàng trai trẻ, trả một mạng tiền kiếp cho chàng trai này, nhưng đây vẫn chưa phải là kết thúc. Sau đó ông chuyển sinh làm thái tử của nước An Tức.

nhân quả ba đời của cao tăng
An Thế Cao là cao tăng có thần thông, danh tiếng truyền rộng khắp bốn phương. Ông có thể nhìn được nhân quả đời trước của bản thân mình. (Ảnh: Pixabay)

Vào năm Kiến Ninh thứ ba đời Hán Linh Đế (năm 170), An Thế Cao hoàn thành công việc dịch Kinh. Ông biết được bản thân mình trong quá khứ không chỉ nợ một mạng, vẫn còn nợ mạng khác chưa trả xong. Vì vậy mà ông đi về Cối Kê (nay là tỉnh Chiết Giang), bước đi trên con đường hoàn trả nợ nghiệp của mình.

Ông chọn đường đến Lư Sơn (là một dãy núi nằm ở phía Bắc tỉnh Giang Tây), thuận đường muốn hoàn thành một tâm nguyện khác ở kiếp trước. Lại nói một chút về kiếp trước khi ông xuất gia tu hành, ông có một người bạn đồng tu, mặc dù đồng tu này khá tinh tấn nhưng mỗi khi cầm bát đi xin ăn, nếu gặp ai không bố thí thì sinh tâm oán hận. Thấy vậy, An Thế Cao thường khuyên bạn không nên như thế, nhưng đồng tu ấy vẫn muốn gì làm nấy, không có quan tâm sửa đổi bản thân.

An Thế Cao từng khuyên bạn rằng: “Huynh đã thông tỏ Kinh tạng và tinh tấn không ngừng, về hai phương diện này thì ta còn kém huynh xa lắm, nhưng huynh dễ nóng giận, sân hận, kiếp sau nhất định sẽ tái sinh thành sinh mệnh có hình hài xấu ác. Nếu ta đắc đạo, ta sẽ quay lại hóa độ huynh.”

An Thế Cao vì tâm nguyện này mà đến Lư Sơn. Trong đời này, đồng tu kiếp trước ấy vốn có thể tái sinh thành một vị thần miếu ở miếu Cung Đình, nhưng vì tâm oán hận trong kiếp trước chưa tu bỏ được nên kiếp này đầu thai mang hình thể của một con mãng xà to lớn xấu xí. Đời này không đắc được thân người nên không thể tu hành, khi phúc đức tu hành của kiếp trước đều dùng hết thì mãng xà lập tức chết đi, sau khi chết thì đã nhập địa ngục. An Thế Cao đặc biệt đi siêu độ đồng tu ấy, giúp anh ta thoát khỏi thân xác xấu ác, tái sinh vào con đường lương thiện.

Sau đó An Thế Cao tiếp tục đi đến Quảng Châu tìm gặp người thanh niên đã giết ông kiếp trước, để thuyết giảng cho người ấy biết về đạo lý nhân quả tuần hoàn, xả bỏ oán hận thoát ly khỏi con đường luân hồi ác báo. Mấy mươi năm qua rồi, người thanh niên năm xưa giờ đã là một ông lão râu tóc bạc phơ.

Sau đó An Thế Cao tiếp tục đi đến Quảng Châu tìm gặp người thanh niên đã giết ông kiếp trước, để thuyết giảng cho người ấy biết về đạo lý nhân quả tuần hoàn
Sau đó An Thế Cao tiếp tục đi đến Quảng Châu tìm gặp người thanh niên đã giết ông kiếp trước, để thuyết giảng cho người ấy biết về đạo lý nhân quả tuần hoàn. (Ảnh: Shutterstock)

Ông lão ấy vừa nhìn thấy An Thế Cao đã cảm giác quen biết từ lâu. Sau khi nghe Phật Pháp, ông bất giác quỳ xuống sám hối tội nghiệp của bản thân, và nguyện ý đi theo An Thế Cao đến Cối Kê.

Khi An Thế Cao vừa đến thị trấn Cối Kê thì gặp phải một trận ẩu đả kịch liệt. Ông lão đi theo nhìn thấy trong trận đánh giết hỗn loạn ấy, kẻ sinh sự “đánh nhầm” vào đầu của An Thế Cao, trong nháy mắt An Thế Cao đã ngã xuống đất và chết, cuối cùng An Thế Cao cũng hoàn thành tâm nguyện hoàn trả nợ nghiệp của bản thân mình.

Điển cố luân hồi của An Thế Cao chính là sự triển hiện chân thật của câu “Nhân quả ba đời”. Trong Kinh Phật có ghi chép, con người chuyển sinh qua đời đời kiếp kiếp, nên quả báo có thể đã tích lũy không chỉ là ba đời, mà có thể còn nhiều hơn thế nữa, có lúc quả báo nhãn tiền, có lúc rất lâu sau mới xảy ra báo ứng.

An Thế Cao nhờ tu hành tích đức mà kiếp sau có thể trở thành thái tử và đăng quang ngôi vua, vậy mà phúc báo này vẫn không đủ và không thể giúp ông thoát khỏi việc hoàn trả nợ mệnh. Còn người bạn đồng tu đời trước của ông cũng vậy, mặc dù các phương diện khác đã tu được rất tốt rồi, nhưng vì có tâm oán hận mà kiếp sau đã đầu thai thành một con mãng xà khổng lồ, hoàn toàn không thể tu thành.

Vì vậy làm người thì không nên chỉ nhìn hiện tại mà suy diễn, mà cho rằng “thấy mới tin, không thấy thì không tin”, bởi lẽ nhân quả báo ứng là có thật, Thần Phật là có thật, và con người “gieo nhân nào gặt quả nấy” cũng là sự thật tất yếu không thể tránh khỏi.

Trích “Thần tăng truyện - Quyển 1 - Thế Cao truyện”

Cao Nguyên

Theo Secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Nhân quả ba đời của cao tăng: Tu hành dẫu tốt đến đâu thì nợ mệnh vẫn khó thoát