Nhà họ Mạc Hà Tiên: Bậc vĩ nhân mở cõi khai hoá văn vật miền Nam (Kỳ 3)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kỳ 3: Kịch chiến với kẻ địch mạnh nhất khu vực, đế quốc Xiêm La

Miền Nam trù phú, vựa lúa lớn nhất và trù phú nhất của Đại Nam phải mất hơn 300 năm hình thành và phát triển mới có ngày hôm nay. Trong quá trình lâu dài đó, vô số tiền nhân trong quá trình mở cõi đã muôn đời lưu lại dấu ấn của mình bằng những công tích kỳ vĩ mãi làm nức lòng hậu nhân. Họ Mạc đất Hà Tiên là một trong những dòng họ đặc biệt như thế ở miền Nam này. Họ đã biến một vùng đất hoang vu thành một thị trấn văn minh sầm uất đi vào thi ca muôn đời.

Năm 1767, quân Miến Điện đánh vào kinh đô người Thái, kết liễu Ayutthaya, một đế quốc khét tiếng có lịch sử hơn 400 năm. Sau đó, một viên tướng gốc Hoa tên là Taksin (Trịnh Quốc Anh) lãnh đạo kháng chiến thành công lên ngôi vua lập ra vương triều Thonburi, sử Xiêm La gọi là Taksin Đại đế.

Không như Miến Điện vốn ở xa, Xiêm La là nước lớn mạnh nhất khu vực lại gần với nước ta nhất, chỉ cách có một đường bờ biển vịnh Thái Lan và đường bộ tiếp giáp với Chân Lạp. Trong thời kỳ phát triển của mình, đế quốc Xiêm La luôn nhòm ngó vùng đất đồng bằng màu mỡ Gia Định và đã nhiều lần tiến binh nhưng đều thất bại. Khi nhà họ Mạc thành công xây dựng Hà Tiên thành một trọng trấn phồn vinh với vị trí đắc địa tiếp giáp vịnh Thái Lan thì lòng tham của Xiêm La càng dâng cao hơn nữa, chúng quyết phải chiếm được vùng đất này. Do đó Mạc Thiên Tứ cùng quân dân trấn Hà Tiên non trẻ của nước ta đã phải đối đầu với lực lượng xâm lược hùng mạnh hơn nhiều lần do đích thân vua Xiêm Taksin đại đế chỉ huy.

lịch sử việt nam
Bức vẽ Quốc vương Xiêm La Taksin từ Bảo tàng quốc gia Roma. (Ảnh: Wikipedia - CC BY-SA 3.0)

Năm 1771, Taksin biết được tin thái tử tiền triều là Chiêu Thúy đang trốn tại Hà Tiên, sợ ảnh hưởng đến ngai vàng và cũng đã nhòm ngó Hà Tiên từ lâu nên tháng 10 năm đó ông ta đem quân tiến đánh Hà Tiên. Đây là cuộc chiến Việt Xiêm lần thứ ba (1771-1772).

Sách Gia Định thành thông chí ghi rất chi tiết cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt của quân dân Hà Tiên do Mạc Thiên Tứ lãnh đạo như sau:

“Tháng 9 (1771), Phi nhã Tân (tức Trịnh Quốc Anh-Taksin) thấy Chiêu Thúy (thái tử triều trước của Thái) hiện đang ở Hà Tiên, lo rằng việc ấy khó chịu...(Nhân) thừa nhuệ khí vừa mới phá giặc ở Lục Côn (thuộc nước Miến Điện) nên mới thân điều 2 vạn lính thủy lục, dùng tên cướp Trần Thái ở núi Bạch Mã làm người dẫn đường.

Ngày mùng 3 tháng 10, chúng tiến đến Hà Tiên, vây chặt trấn thành (thành có 3 mặt chắn bằng ván gỗ, không phải xây bằng đất đá). Lúc ấy quân giữ Hà Tiên rất ít ỏi, nên họ phải đóng chặt cửa thành để chống cự, mặt khác lo cấp báo với đồn dinh Long Hồ.

Thủy quân của Xiêm chiếm được núi Tô Châu rồi dùng súng lớn bắn vào thành, tình thế rất nguy cấp. Đêm mùng 10, kho thuốc súng ở núi Ngũ Hổ bốc cháy khiến cả thành đều chấn động. Qua đêm 13, quân Xiêm từ cửa sau của thành do chỗ cửa sông nhỏ không được đắp thành phá cửa xông vào phóng lửa đốt dinh, ánh lửa rực cả núi rừng, quân Xiêm trong ngoài giáp công, chúng vừa đánh trống vừa hò reo huyên náo, tiếng súng đại bác vang như sấm. Tông Đức hầu (Mạc Thiên Tứ) thân dẫn quân đánh với chúng trên đường phố, một lúc sau, quân dân trong thành tan vỡ chạy tán loạn, qua canh ba thành vỡ, Tông Đức hầu quyết tử chiến với địch thì Cai đội Đức Nghiệp hầu đến ôm nách đưa Tông Đức hầu lên thuyền rồi chèo theo đường sông hướng về Giang Thành (tên một thủ sở) mà chạy.

Mạc Cửu, lịch sử miền nam, việt nam
Quân Xiêm trong ngoài giáp công, chúng vừa đánh trống vừa hò reo huyên náo, tiếng súng đại bác vang như sấm. (Ảnh: Shutterstock)

Hiệp trấn Mạc Tử Hoàng, Thắng Thủy hầu Mạc Tử Thảng và Tham tướng Mạc Tử Dung đem thủy quân phá vòng vây rồi theo đường biển chạy xuống Kiên Giang, sau đó qua Trấn Giang đóng lại.

Ngày 15, thuyền của Tông Đức hầu đến Châu Đốc, tướng Xiêm là Chiêu khoa Liên cho truy binh đuổi theo, Tông Đức hầu sai Cai đội Đồ Bà (Chà Và) là Sa Ra chặn đánh nhưng cũng thua, bèn rút ra đạo Tân Châu Tiền Giang, ở đó ông gặp Lưu thủ dinh Long Hồ là Cai cơ Kính Thận hầu Tống Phước Hiệp đang thân dẫn binh của dinh đến tiếp ứng, họ vội giục gấp quân tiến vào sông Châu Đốc đánh giết đẩy lui quân giặc. Quân giặc Xiêm vì không biết đường nên đi lầm vào sông cụt, bị đại binh đuổi kịp chém đầu được hơn 300 tên. Chiêu khoa Liên bỏ thuyền chạy lên bờ rồi suốt đêm theo đường Chơn Giùm (Chan Sum) chạy về Hà Tiên. Quân dinh Long Hồ thu được 5 chiếc thuyền chiến, súng ống và vật dụng của quân Xiêm và ghe sai của Hà Tiên không kể xiết, rồi để quân ở lại giữ đạo Châu Đốc, còn đại binh lui về Tân Châu cùng Tông Đức hầu hỏi han, an ủi cơ sự, sau đó sai thuyền bè đưa Tông Đức hầu về nghỉ tại dinh Long Hồ.”

Sau trận kịch chiến làm thất thủ Hà Tiên, quân đội chúa Nguyễn ở miền Nam cũng đã đánh bại quân Xiêm, nhưng cũng phải trải qua nhiều trận chiến khốc liệt và hậu quả là Hà Tiên thành trấn bị quân Xiêm đốt phá tan hoang, thành quả mấy chục năm gây dựng bỗng chốc trở thành tro bụi:

“Năm Nhâm Thìn (1772), mùa hạ, vua Xiêm lại thừa thắng, đánh nước Chân Lạp. Lũ Điều khiển Nguyễn Cửu Đàm đem quân tiến đến Nam Vang, cả phá được quân Xiêm. Vua Xiêm chạy sang Hà Tiên, đưa thư cho Thiên Tứ cầu hòa. Thiên Tứ từ chối. Vua Xiêm bèn giao cho tướng là Trần Liên giữ Hà Tiên, còn mình tự đem quân đến bắt con trai, con gái Thiên Tứ và bắt Chiêu Thúy đem về.

Năm Quý Tỵ (1773), mùa xuân, Thiên Tứ sai người nhà là Mạc Tú mang thư sang Xiêm giảng hòa. Vua Xiêm mừng quá đưa trả con trai con gái Thiên Tứ mà mình đã bắt, và triệu Trần Liên về. Thành lũy nhà cửa Hà Tiên đều bị quân Xiêm tàn phá. Thiên Tứ bèn lưu lại Trấn Giang, sai con là Hoàng về Hà Tiên, tu sửa lại.” (Đại Nam liệt truyện)

“Khi quân Xiêm qua xâm chiếm, chúng đã phá hết thành lũy Hà Tiên, phá tan nhà cửa, cướp hết của cải, nhân dân đều bỏ trốn chỉ còn lại gò đất hoang mà thôi. Tông Đức hầu khôn xiết bùi ngùi trước cảnh hoang tàn như thơ Thử Ly miêu tả nên tạm trú ở Trấn Giang, rồi sai Hiệp trấn Mạc Tử Hoàng trở về để sửa sang lại dinh lũy”
(Gia Định Thành thông chí- Trịnh Hoài Đức)

mạc hà tiên lịch sử việt nam
Khi quân Xiêm qua xâm chiếm, chúng đã phá hết thành lũy Hà Tiên, phá tan nhà cửa, cướp hết của cải. (Ảnh: Shutterstock)

Chiêu Anh Các và Hà Tiên thập cảnh vịnh

Xây dựng phố thị, mở mang thương nghiệp biến Hà Tiên thành vùng đất trù phú là công lớn của nhà họ Mạc. Nhưng chú trọng đến văn hóa, thơ ca, đưa Hà Tiên trở thành bất tử ngàn đời phải kể đến công lao của Mạc Thiên Tứ và Tao Đàn Chiêu Anh Các do ông lập nên.

Đến nay Hà Tiên thập cảnh vịnh vẫn là những vần thơ tuyệt tác bất hủ khi nói đến vùng đất này.

Sách "Đại Nam Liệt truyện" chép:

“Thiên Tứ từ bé đã thông minh, nhanh nhẹn, học rộng kinh điển, hiểu thông võ lược. Túc Tông Hoàng Đế năm thứ 11 Bính Thìn (1736), mùa xuân, chúa cho Thiên Tứ làm Đô đốc trấn Hà Tiên, ban cho 3 chiếc thuyền "Long bài" được miễn thuế. Lại sai mở lò đúc tiền để tiện cho việc mua bán. Thiên Tứ bèn chia đặt nha thuộc, tuyển quân lính, đắp thành quách mở rộng phố, chợ. Thương nhân và lữ khách các nước tụ họp đông đúc. Lại chiêu tập những người văn học bốn phương, mở Chiêu Anh Các hàng ngày cùng nhau bàn giảng sách, xướng họa thơ. Có 10 bài thơ vịnh cảnh Hà Tiên (Hà Tiên thập vịnh), phong lưu tài vận, được một phương quý trọng. Từ đấy, Hà Tiên mới biết đến văn học. Mười bài vịnh cảnh Hà Tiên:

  1. Kim Dự lan đào (Đảo Kim Dự chắn sóng)
  2. Bình Sơn điệp thúy (Núi Bình Sơn trập trùng xanh biếc)
  3. Tiêu tự thần chung (Tiếng chuông mai chùa Tiêu)
  4. Giang Thành dạ cổ (Tiếng trống canh Giang Thành)
  5. Thạch động thôn vân (Hang đá nuốt mây)
  6. Châu Nham lạc lộ (Cò đậu Châu Nham)
  7. Đông Hồ ấn nguyệt (Trăng soi Đông Hồ)
  8. Nam Phố trừng ba (Sóng ngời Nam Phố)
  9. Lộc Trĩ thôn cư (Cảnh quê Lộc Trĩ)
  10. Lư Khê ngư bạc (Xóm chài Lư Khê)

Mười bài thơ trên đây đều do Thiên Tứ xướng ra trước. 25 người nhà Thanh là lũ Chu Phác, Trần Tư Hương; 6 người nước ta là lũ Trịnh Liên Sơn, Mạc Triều Đán đều họa vần. Trong tập Hà Tiên thập vịnh cộng 320 bài thơ, Thiên Tứ đề tựa. Về sau, gặp loạn, thơ phần nhiều bị tản mát mất. Đến đời Gia Long, Hiệp Tổng trấn Gia Định Trịnh Hoài Đức mua được một tập Minh bột di ngư, đem in, lưu hành ở đời.”

(Còn tiếp...)

Minh Bảo



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Nhà họ Mạc Hà Tiên: Bậc vĩ nhân mở cõi khai hoá văn vật miền Nam (Kỳ 3)