Nhà họ Mạc Hà Tiên: Bậc vĩ nhân mở cõi khai hoá văn vật miền Nam (Kỳ 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kỳ 1: Công thần mở cõi, Đào Chu Công của miền Nam Việt Nam

Miền Nam trù phú, vựa lúa lớn nhất và trù phú nhất của Đại Nam phải mất hơn 300 năm hình thành và phát triển mới có ngày hôm nay. Trong quá trình lâu dài đó, vô số tiền nhân trong quá trình mở cõi đã muôn đời lưu lại dấu ấn của mình bằng những công tích kỳ vĩ mãi làm nức lòng hậu nhân. Họ Mạc đất Hà Tiên là một trong những dòng họ đặc biệt như thế ở miền Nam này. Họ đã biến một vùng đất hoang vu thành một thị trấn văn minh sầm uất đi vào thi ca muôn đời.

Cánh chim tung trời về đất phương Nam
Người xưa lưu dấu in hình thuở mang gươm
Bao la tình đời. Màu lục bình trôi.
Hoàng hôn tím ven sông, tiếng hò khoan còn tỏa đôi bờ
Lênh đênh mây trôi, khói sương chiều miên man nỗi nhớ
Nghe trong âm ba từng con sóng vỗ về…
(Bài ca đất phương Nam - Lư Nhất Vũ)

Tuổi trẻ phiêu bạt, lập nghiệp đất phương Nam

Mạc Cửu (鄚玖) hay Mạc Kính Cửu (鄚敬玖) (1655 – 1735) là người Trung Hoa đến miền Nam nước ta lập nghiệp. Vào năm Mạc Cửu 17 tuổi (khoảng 1672), lúc này nhà Thanh đã thành công chiếm toàn bộ Trung Hoa và bước vào thời thịnh trị dưới thời Khang Hy, ông không chịu tuân theo chế độ của người Mãn nên đã bỏ quê hương trốn về phương Nam. Định mệnh đã khiến ông trở thành một trong những người khai phá miền Nam thành công nhất thời chúa Nguyễn.

"Đại Nam liệt truyện" chép:

“Người Lôi Châu thuộc tỉnh Quảng Đông. Khi nhà Minh mất, người Thanh bắt dân dóc tóc. Cửu cứ để tóc dài, đi sang Nam. Đến nước Chân Lạp, Cửu làm ốc nha. Thấy phủ Sài Mạt có người Kinh, người Trung Quốc, người Chân Lạp và người Chà Và buôn bán đông đúc, Cửu bèn dời đến ở Phương Thành, mở sòng bạc gọi là "Hoa chi" để lấy hồ. Lại đào được hố bạc, do đó vọt lên giàu có. Cửu chiêu tập những dân xiêu tán ở Phú Quốc, Cần Bột, Rạch Giá (Gia Khê), Lũng Ca, Hương Úc và Cà Mau (Kha Mao) lập làm 7 xã thôn. Lại vì đất ở đó có người tiên ẩn hiện ở trên sông, nên gọi là Hà Tiên.”

Tượng đài Mạc Cửu lịch sử miền nam việt nam
Tượng đài Mạc Cửu tại thị xã Hà Tiên. (Ảnh: Wikipedia)

Công thần mở cõi, Đào Chu Công của miền Nam Việt Nam

Trong lịch sử Trung Hoa, cũng có một danh thần tên Phạm Lãi dù từng là tướng lãnh số một đã giúp Việt Vương Câu Tiễn đánh bại Ngô Phù Sai, nhưng ông đã từ bỏ quan trường hiểm ác mà đi chu du tứ phương, sau định cư ở Ngũ Hồ kinh doanh buôn bán, làm cho cả vùng đất trở nên trù phú, bản thân thành đại phú gia. Dân gian Trung Quốc gọi ông là Đào Chu Công, xưng là ông tổ của ngành kinh doanh thương mại.

Mạc Cửu khi rời bỏ nhà Thanh di cư vào miền Nam Việt cũng lập nghiệp thành công. Với sự nghiệp của ông, cũng không ngoa khi ta gọi ông là Đào Chu Công của miền Nam Việt Nam. Theo quan điểm cá nhân của người viết bài này, cho rằng ông còn nhỉnh hơn Đào Chu Công một chút ở phương diện chính trị khi bản thân ông có thể quản lý vào bảo vệ vùng đất non trẻ của mình trước sự xâm lăng liên tục của các quốc gia mạnh hơn xung quanh như Xiêm La, Chân Lạp thời bấy giờ.

Đất Hà Tiên thời đó trên danh nghĩa là của Chân Lạp, nhưng trên thực tế chính phủ Chân Lạp hoàn toàn mất khả năng kiểm soát nó nên các thế lực bên ngoài hùng mạnh như đế quốc Xiêm La luôn rình rập để cướp bóc và thôn tính. Đặc biệt khi Mạc Cửu, vốn là một thanh niên và thương gia có tài năng, đã biến vùng đất này thành một vùng trù phú và cư dân đông đúc.

“Vốn có óc tổ chức, Mạc Cửu chiêu tập dân xiêu tán người Hoa, Việt mở phố xá, xây thành lũy, đẩy mạnh khai hoang lập ra bảy thôn trải dài ven biển từ Kompongsom (Chân Lạp) về tận Cà Mau. Với chủ trương để cho dân khai hoang tự do, không thu tô thuế, chỉ đứng ra tổ chức mua sản phẩm để bán lại cho khách buôn. Chính điều này đã quy tụ dân cư đến Mang Khảm ngày càng đông. Ghe thuyền các nơi, kể cả nước ngoài đến mua bán tấp nập. Sự thịnh vượng khiến cho đất này gặp tai họa.” (Hỏi đáp lịch sử Việt Nam, tập 3)

Với cương vị là người đứng đầu vùng đất, khi quân Xiêm La xâm lấn cướp bóc, Mạc Cửu cũng từng phải nhún mình mà về Xiêm La sống một thời gian:

“Cửu chiêu tập những dân xiêu tán ở Phú Quốc, Cần Bột, Rạch Giá (Gia Khê), Lũng Ca, Hương Úc và Cà Mau (Kha Mao) lập làm 7 xã thôn. Lại vì đất ở đó có người tiên ẩn hiện ở trên sông, nên gọi là Hà Tiên. Chỗ ấy gần núi, ven biển, có thể tụ họp buôn bán để sinh lợi. Gặp lúc người Xiêm sang đánh lấn Chân Lạp, người Chân Lạp vốn ươn nhát, nghe giặc đến là chạy. Tướng Xiêm gặp Cửu bèn dụ đem về nước. Cửu bất đắc dĩ đi theo. Sang đến Xiêm, vua Xiêm thấy trạng mạo Cửu, cho là lạ, vui mừng giữ lại, cho ở núi Vạn Tuế. Sau đó, nhân nước Xiêm có nội biến, Cửu bèn lén về Lũng Cả. Những dân xiêu tán quy phục với Cửu ngày một đông. Cửu thấy Lũng Cả đất hẹp không thể ở đông người được lại dời về Phương Thành. Thương nhân và lũ khác bốn phương theo đến đông nhiều.”

(Đại Nam Liệt Truyện)

Ngay cả khi Hà Tiên đã trở thành một trọng trấn của chúa Nguyễn thì quân Chân Lạp dựa cậy người Xiêm cũng thừa cơ cướp bóc.

“Năm Ất Mùi (1715) mùa xuân, Chân Lạp Nặc Thâm đem quân Xiêm đến đánh Hà Tiên, Cửu chống cự không nổi, chạy ra giữ Lũng Cả. Nặc Thâm cướp lấy của cải đồ vật rồi đi. Cửu liền về Hà Tiên, đắp thành, đặt nhiều điếm canh, làm kế phòng thủ nghiêm ngặt.”

(Đại Nam Liệt Truyện)

Hà tiên, bản đồ lịch sử việt nam
Đất Cancao ou Pontiamo (Phương Thành tức Hà Tiên) do Mạc Cửu chuyển cho chúa Nguyễn nằm trong bản đồ Nam Kỳ (năm 1829). (Ảnh: Wikipedia)

Mạc Cửu tuy là một thương nhân nhưng về việc quân sự cũng khá bản lĩnh. Dưới thời ông, một lần Xiêm La cũng đem quân để đại tiến công Hà Tiên, tuy Mạc Cửu lúc đó không có nhiều quân cũng như thành trì nhưng vẫn cầm cự được cho đến khi quân Xiêm rút đi.

“Tháng 2 năm Mậu Tuất (1718), Phi nhã Cù Sa đem 5.000 thủy binh hợp đồng với quân Thâm cướp đường kéo xuống Hà Tiên cướp phá. Mạc Thống binh (Mạc Cửu) không địch nổi phải tạm xuống Lũng Kỳ, gặp khi có cơn gió lớn thổi mạnh, thuyền bè của quân Xiêm bị chìm, người chết rất đông, Cù Sa bèn thu tàn quân trở về Xiêm La, chỉ còn Thâm thì chạy đến chỗ binh thứ của Tân ở thủ phủ Bô Bô. Khi ấy một mình Yêm chống với Thâm và lén sai sứ nạp lễ cống cho vua Xiêm. Quân của Chất Tri ở lâu mà không làm được gì, nhân đó mới đem bọn Thâm, Tận cùng về Xiêm La, từ đấy nơi biên cảnh mới yên tĩnh.”

(Gia Định thành thông chí - Trịnh Hoài Đức)

(còn tiếp...)

Minh Bảo



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Nhà họ Mạc Hà Tiên: Bậc vĩ nhân mở cõi khai hoá văn vật miền Nam (Kỳ 1)