Nguyễn Cư Trinh: Công thần khai quốc, dẹp yên bờ cõi Phương Nam bằng tư tưởng Nho gia - Kỳ 3

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nguyễn Cư Trinh là một danh nhân hiếm hoi có thể xuất tướng võ, nhập tướng văn, vừa có tài cầm quân đánh dẹp biên thùy, vừa giỏi kinh bang tế thế quản trị miền Nam. Với pháp độ của Nho giáo chính tông và đạo đức cao thượng của một kẻ sĩ quân tử, ông đã lập nền móng cai trị vững chắc, làm cho vùng đất Phương Nam buổi đầu vốn trù phú nhưng vô cùng phức tạp sớm được sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam một cách hưng thịnh và trường tồn...

Văn tài trấn biên cương, định đại kế muôn đời

Tướng lĩnh nhà Nguyễn không hiếm người có thể đánh dẹp Chân Lạp, chiếm đất đồn điền, nhưng thực sự định ra sách lược để đem miền Nam gắn chặt vào cơ đồ của quốc gia ắt hẳn phải tính đến công của Nguyễn Cư Trinh, với sách lược mà đời nay hay gọi là chính sách “Tàm Thực” (tằm ăn). Từ cuộc chiến Chân Lạp 1753, ông đã dâng biểu về kế sách này, khuyên Chúa nhận hai phủ mới, cho người Côn Man được định cư tại khu vực biên giới Việt - Chân Lạp. Mục đích là để ngăn chặn việc Chân Lạp tái diễn gây hấn nơi biên giới. Lúc mới đầu chúa Nguyễn cũng chưa ưng thuận, có thể do địa hình xa xôi và chi phí đóng quân tốn kém nhưng Nguyễn Cư Trinh vẫn kiên trì dâng biểu về việc này. Sử liệu có ghi chép như sau:

“Chúa chưa ưng thuận việc này, Trinh tâu rằng: "Từ xưa dụng binh, chẳng qua cốt muốn giết kẻ đứng đầu mở rộng bờ cõi. Nay Nặc Nguyên hối lỗi, dâng đất, lòng thành. Nếu tra cứu đến cùng tội dối trá của nó, nó sẽ chạy trốn. Và từ Gia Định đến La Bích đường đi xa xôi không tiện đuổi đến kỳ cùng. Nay muốn mở rộng bờ cõi, nên lấy hai phủ ấy trước để giữ vững lấy phía sau hai doanh. Năm trước, mở phủ Gia Định, trước lấy Hưng Phước, sau lấy Đồng Nai, khiến cho quân dân tụ họp đông đúc. Nay đất cũ từ Hưng Phước đến Sài Gòn chỉ hai ngày đường, dân cư còn chưa ở yên, quân lính đóng giữ cũng chưa đầy đủ. Hơn nữa, từ Sài Gòn đến Tầm Bôn, hàng sáu ngày đường, lính thú trú phòng thực e không đủ. Thần thấy người Côn Man giỏi về đánh bộ, Chân Lạp cũng đã chột dạ. Nếu cho họ ở vào đất ấy để chế ngự, dùng người Man đánh người Man, cũng là đắc sách. Vậy xin cho Chân Lạp chuộc tội, lấy đất hai phủ ấy, giao cho thần xem kỹ hình thế, đặt lũy, đóng quân, biên chế chia cấp điền sản cho quân dân, vạch rõ địa giới, cho thuộc về châu Định viễn để thu toàn khu".

Chúa nghe cho. Chưa bao lâu, Nặc Nguyên chết. Chúa bèn phong Nặc Tôn làm quốc vương Chân Lạp. Nặc Tôn lại dâng đất Tầm Phong Long. Trinh tâu xin dời doanh Long Hổ đến xứ Tầm Bào. Lại đặt đạo Đông Khẩu ở xứ Sa Đéc, đạo Tân Châu ở Tiền Giang, đạo Châu Đốc ở Hậu Giang, đều đem lính doanh Long Hổ đến trấn áp. Cõi Nam mở đất đến đây rất rộng, đều là công Cư Trinh.”
(Theo: Đại Nam Liệt Truyện).

Gia Định là vùng đất mới rất phức tạp, thành phần dân cư đa dạng, đa sắc tộc, chưa kể còn là địa hình rừng rậm sông nước nên vô cùng khó để mà ổn định và phát triển nơi này. Nhưng những điều khó khăn đó nếu khắc phục xong thì vùng đất này lại là một nơi hết sức tiềm năng và giàu có. Vì thế mà Nguyễn Cư Trinh đã quyết tâm thi hành một loạt pháp lệnh, chính sách nhằm tăng cường hiệu quả quản lý các địa khu mới sáp nhập, ngoài thì răn đe ngoại xâm, trong thì vỗ yên dân chúng. Do đó uy danh của ông lẫy lừng khắp cõi và được dân chúng vô cùng yêu mến, xứng danh một bậc Nho thần thời trị:

“Đất Gia Định đường sông nhiều ngả, thuyền cướp thường tụ chỗ vắng, rình thuyền buôn đi qua để cướp bóc, người buôn rất khổ. Trinh hạ lệnh cho các hạt: phàm thuyền lớn nhỏ, đều phải khắc tên họ quê quán chủ thuyền ở đầu, được quan sở tại làm sổ thuyền để tiện tra xét. Từ đây, kẻ gian không ẩn nấp vào đâu được, trộm cướp phải im hơi. Cư Trinh ở ngoài biên hơn 10 năm, uy danh lẫy lừng, dân Việt người Man đều mến phục.”
(Theo: Đại Nam Liệt Truyện).

Vị trí thành Bát Quái so với sông Sài Gòn năm 1795 do Le Brun vẽ
Vị trí thành Bát Quái so với sông Sài Gòn năm 1795 do Le Brun vẽ. (Ảnh: Wikipedia)

Không chỉ có tài năng trị quốc an dân, văn tài của Nguyễn Cư Trinh cũng nổi tiếng khắp miền Nam. Sinh thời ông hay sáng tác và ngâm vịnh thơ phú, thường cùng Đô đốc Hà Tiên Mạc Thiên Tứ lấy văn từ tặng đáp nhau, lời và ý thảy đều dồi dào đẹp đẽ. Những lời thơ của một vĩ nhân từng đem hết tài sức của mình bảo vệ non sông và dân chúng, càng khiến cho cảnh đẹp của dải đất phương Nam hiện lên qua những trước tác của ông trở nên sống động và bất tử.

Xin đơn cử một số bài mà Nguyễn Cư Trinh đã từng họa thơ “Hà Tiên Thập Cảnh Vịnh” của họ Mạc như sau:

Kim dự lan đào
Nguyên văn chữ Hán:

金 嶼 攔 濤
帝 怒 陽 侯 數 犯 邊
敕 移 山 岳 鎮 前 川
波 霑 不 拭 長 城 面
水 猛 方 知 砥 柱 權
精 衛 半 消 銜 石 恨
驪 龍 全 穩 抱 珠 眠
知 君 亦 是 擎 天 勿
今 古 滔 滔 獨 儼 然

Phiên âm Hán Việt:
Đế nộ Dương Hầu sổ phạm biên
Sắc di sơn nhạc trấn tiền xuyên
Ba triêm bất thức trường thành diện
Thủy mãnh phương tri chỉ trụ quyền
Tinh Vệ bán tiêu hàm thạch hận
Ly long toàn ổn bão châu miên
Tri quân diệc thị kình thiên vật
Kim cổ thao thao độc nghiễm nhiên
(Kim dự lan đào)

Dịch Thơ:
Đảo vàng ngăn sóng

Trời giận Dương hầu phạm đất nầy
Sắc đem gò núi trấn sông đây
Sóng xô, thế vững, thành không ngập
Nước mạnh quyền cao, núi chẳng sầy
Tinh Vệ bớt hờn thôi đá ngậm
Ly Long ôm ngọc ngủ dòng say
Mới hay tài ấy kê trời vững
Cuồn cuộn nghìn thu sức chẳng lay
(Phạm Ngọc Khuê dịch).

Tiêu tự thần chung
Nguyên văn chữ Hán:
蕭 寺 晨 鐘
晨 風 搖 落 露 花 拋
迢 遞 孤 聲 過 樹 梢
金 獸 哮 殘 星 海 渚
木 鯨 打 落 月 村 坳
萬 家 醒 夢 佛 朝 闕
八 水 開 顏 曾 下 巢
待 扣 堪 伶 禪 亦 有
不 鳴 鳴 得 太 陽 交

Phiên âm:
Thần phong dao lạc lộ hoa phao
Thiều đệ cô thanh quá thụ sao
Kim thú háo tàn tinh hải chử
Mộc kình đả lạc nguyệt thôn ao
Vạn gia tỉnh mộng Phật triều khuyết
Bát thủy khai nhan tăng hạ sào
Đãi khấu kham linh thuyền diệc hữu
Bất minh minh đắc thái dương giao

Dịch thơ:
Chùa Tiêu chuông sớm

Gió sớm lay rơi hạt móc sa
Chòm cây văng vẳng tiếng ngân qua
Thú vàng gào nguyệt rơi lòng biển
Cá gỗ khua sao rụng rãnh nhà
Muôn họ tỉnh mồng triều Phật lạy
Tám nguồn công đức đợi Sư ra
Đón chờ tiếng gõ trên am nổi
Chẳng gõ thì thôi, gõ sáng òa
(Phạm Ngọc Khuê dịch)

Chính trực đến cuối đời, lưu danh thiên cổ

Thân là hậu duệ danh sĩ Nho Gia, mang cái tên tốt đẹp: thuận ý trời mà hành sự - Nguyễn Cư Trinh đã sống một cuộc đời vô cùng chính trực và mực thước cho đến lúc mất.

Sử sách còn ghi lại giai thoại đối đáp của ông với quyền thần Trương Phúc Loan. Thú vị ở chỗ là sự chính trực và uy tín của ông lại có thể khiến cho một kẻ gian hùng không từ thủ đoạn như y lại kính sợ mà không dám làm hại. Trong Đại Nam Liệt Truyện có đoạn chép như sau:

“Năm Ất Dậu (1765), Duệ Tông Hoàng Đế nối ngôi chúa, triệu Trinh về, thăng Lại bộ kiêm Tào vận sứ. Quyền thần Trương Phước Loan cho rằng mình có công lập chúa, chuyên quyền ngang ngược, thường triệu các quan đến nhà riêng bàn việc, Cư Trinh nghiêm nét mặt nói: "Bàn việc ở công triều chế độ đã định từ lâu. Phước Loan sao dám vô lễ như thế! Chực chuyên quyền à? Loạn thiên hạ, tất là người này!" Các quan đều không dám đi. Phước Loan căm giận lắm nhưng vẫn kính sợ không dám làm hại.

Năm Đinh Hợi (1767) mùa hạ, Cư Trinh mất, lúc 52 tuổi, được tặng phong: Tá lý công thần, Đặc tiến Trụ quốc kim tử Vinh lộc đại phu Chính trị thượng khanh Tham nghị, tên thụy là Văn Định.

Minh Mạng năm thứ 20 (1839), Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế truy lục công Cư Trinh, tặng Khai quốc công thần, Vinh lộc đại phu, Hiệp biện đại học sĩ, lĩnh Thượng thư bộ Lại, đổi thụy là Văn Khác, phong Văn Minh hầu. Cho theo thờ ở Thái Miếu.”
(Theo: Đại Nam Liệt Truyện)

Lời kết

Thời Tam Quốc có chiến lược của Gia Cát Khổng Minh khiến Lưu Bị tiến quân vào Thục mà nhà Thục Hán được chia ba thiên hạ. Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh có cuộc Nam tiến và chiến lược “Tằm ăn dâu” là nguồn gốc sức mạnh cho nhà Nguyễn thống nhất Đại Việt sau mấy trăm năm chia cắt. Đây có thể coi là quá trình mở cõi vĩ đại nhất trong suốt 600 năm qua của lịch sử Việt Nam. Nguyễn Cư Trinh bằng tài năng của mình không những đã hoàn tất đại nghiệp, tạo nên miền Nam mà còn giúp nhà chúa bình định xứ này, cai trị cho dân an cư lạc nghiệp.

Với sự nghiệp to lớn của mình, khi mất Gia Cát Lượng được ban thụy là Trung Vũ Hầu nghĩa là vị hầu tước có võ công to lớn và lòng trung thành; còn Nguyễn Cư Trinh khi mất được ban thụy hiệu là Văn Định Hầu, nghĩa là vị hầu tước có văn tài cai trị và an định quốc gia. Trong suốt mấy trăm năm lịch sử toàn vùng Đông Nam Á từ đó về sau, không có cuộc sáp nhập nào to lớn và thành công mỹ mãn như cuộc sáp nhập miền Nam của thời chúa Nguyễn. Chính tiền đề lịch sử trọng đại này đã kiến lập nên một mảnh đất giàu có ấm no với hàng chục triệu người sinh sống cho tới ngày nay. Vì thế tuy không nổi tiếng như Gia Cát Vũ Hầu, nhưng ân trạch mà Nguyễn Cư Trinh để lại cho toàn thể con dân miền Nam nước ta suốt mấy thế kỷ qua đến ngày nay so ra cũng không hề kém hơn vậy.

Nhận xét về công nghiệp của ông, Liệt Truyện chép cũng rất xác đáng:

“Cư Trinh là người có tài lược, khéo quyết đoán. Những việc ông tâu bày phần nhiều là lời trung, bàn phải. Khi coi việc quân ở cõi Nam, mở đất đai, giữ yên ngoài biên, huân nghiệp hơn người. ông lại giỏi văn, trội thơ, có tập 'Đạm am' lưu hành ở đời”.

Minh Bảo



BÀI CHỌN LỌC

Nguyễn Cư Trinh: Công thần khai quốc, dẹp yên bờ cõi Phương Nam bằng tư tưởng Nho gia - Kỳ 3