Người xưa coi khí tiết làm người như thế nào

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủ tiết là giữ được khí tiết. Khí tiết chính là chí khí và tiết tháo, là một loại phẩm chất nhân cách cao thượng, biểu hiện là kiên trì chính nghĩa, tinh thần ngoan cường, trước sức ép to lớn cũng không khuất phục.

Như câu nói của Khổng Tử: "Tuế hàn, nhiên hậu tri tùng bách chi hậu điêu dã" (Năm giá lạnh khốc liệt mới biết tùng bách là loài cuối cùng còn xanh tươi), đó chính là mượn lời ca ngợi khí chất của tùng bách ngạo nghễ tuyết sương vẫn đứng sừng sững một mình, để ca tụng nhân cách kiên cường, trung trinh bất khuất.

Mạnh Tử đề ra lý tưởng của bậc đại trượng phu là: "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất" (Phú quý không thể nào mê hoặc được, nghèo khó không thể nào thay đổi được, vũ lực không thể nào khuất phục được), càng nhấn mạnh tầm quan trọng của khí tiết. Có thể thấy, khí tiết là một loại tu dưỡng đạo đức được người xưa vô cùng coi trọng.

Khổng Tử nói: "Bất giáng kỳ chí, bất nhục kỳ thân" (Không hạ thấp chí hướng thì không làm nhục cái thân). Làm người nên kiên trì giữ vững nguyên tắc làm người, không nên khuất phục dưới áp lực của cường quyền. Khổng Tử đã có những đánh giá rất cao đối với các bậc hiền nhân cổ đại giữ gìn khí tiết thanh cao như Vi Tử, Bá Di, Thúc Tề. Nếu một người bị khuất phục bởi cường quyền, hoặc bị dụ dỗ mê hoặc bởi những danh lợi bất chính thì chỉ có thể hạ thấp nhân cách bản thân, tự chuốc nhục.

Khi biện luận cùng với người khác thế nào là đại trượng phu, Mạnh Tử đã đề ra chuẩn mực làm người: "Phú quý không thể nào mê hoặc được, nghèo khó không thể nào thay đổi được, vũ lực không thể nào khuất phục được".

Trong lịch sử, những người như thế này rất nhiều, Tô Vũ thời Tây Hán là một người trong số đó. Thời Hán Vũ Đế, Tô Vũ phụng mệnh đi sứ Hung Nô, vua Hung Nô đe dọa ép buộc ông phải đầu hàng. Đầu tiền là dùng tiền của, quan chức để dụ dỗ ông, sau lại mưu đồ dùng cuộc sống cực kỳ gian nan khổ cực để ép ông phải quy phục. Tô Vũ không bị mê hoặc bởi phú quý, uy quyền vũ lực không khuất phục ông được, nghèo khổ hèn mọn không làm ông thay đổi, bị tù đày ở Hung Nô 19 năm, ông trước sau vẫn giữ vững tiết tháo, cuối cùng đã được trở về triều Hán.

Mạnh Tử còn nói: "Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm thiện thiên hạ" (Lúc khốn cùng thì giữ thân thiện lương, khi đắc thế thì làm cả thiên hạ thiện lương).

khí tiết của con người
Chân dung Mạnh Tử. (Ảnh: Wikipedia)

Một người bất kể là thất ý hay đắc ý đều nên dốc hết sức làm hết trách nhiệm của mình. Khi có khả năng thì giúp đỡ người khác nhiều hơn. Khi năng lực không đủ thì chí ít cũng phải quản tốt bản thân mình. Bất kể là ở thuận cảnh hay nghịch cảnh, đều phải kiên trì giữ vững những nguyên tắc đạo đức trong tâm, giữ gìn tiền tháo cao thượng.

"Lã Thị Xuân Thu" có viết rằng: "Đá có thể vỡ nhưng không thể biến đổi tính kiên cố của nó, đan sa có thể bị mòn nhưng không thể biến đổi màu đỏ của nó". Câu này lấy đá kiên cố và đan sa đỏ làm tỷ dụ để nói rõ người có phẩm chất cao khiết sẽ không vì áp lực bên ngoài mà thay đổi tiết tháo, dẫu thịt nát xương tan thì tinh thần vẫn vĩnh viễn trường tồn.

Trong lịch sử, Bá Di và Thúc Tề cho rằng mình là thần dân nước Ân Thương, nên kiên trì không ăn thóc nhà Chu, lên núi Thú Dương ẩn cư, cuối cùng đói chết trong đó. Câu chuyện của họ được người xưa ca tụng, coi là mẫu mực giữ gìn tiết tháo. Tư Mã Thiên đã đưa câu chuyện Bá Di Thúc Tề vào đầu thiên của 70 thiên Liệt truyện trong Sử Ký, bày tỏ sự tôn kính và ca ngợi đối với khí tiết làm người.

Mọi người thường dùng câu "Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành" để biểu đạt một người quyết tâm giữ vững khí tiết. Vu Khiêm triều Minh có câu danh ngôn lưu truyền thiên cổ: "Thịt nát xương tan không hề sợ, giữ lòng thanh bạch chốn nhân gian". Vu Khiêm lấy đá vôi làm tỷ dụ để nói nên tín niệm kiên định "ngọc nát còn hơn giữ ngói lành", bày tỏ khí phách phải giữ được chính khí, cho dù thịt nát xương tan cùng không hề sợ hãi.

Trong hoàn cảnh gian khổ nguy nan thì mới có thể nhìn ra phẩm cách con người cao hay thấp. Đường Thái Tông có câu thơ rằng: "Tật phong tri kình thảo, bản đãng thức thành thần" (Gió mạnh hay cỏ cứng, nước loạn biết trung thần). Cuồng phong nổi lên, cây cối đổ gãy, khi đó mới thấy cỏ kiên cường bền bỉ không bị bẻ gãy. Thời loạn thế rối ren mới nhận rõ ai là bề tôi trung thành chính trực.

Văn Thiên Trường bị quân Nguyên bắt, vua Nguyên dùng mọi cách như cao quan hậu lộc để dụ dỗ ông đầu hàng, nhưng ông vẫn không mảy may dao động, mà còn viết bài thơ "Chính khí ca" để tỏ rõ chí hướng, bày tỏ sự vững vàng như thép của mình: "Thời cùng tiết nãi hiện, nhất nhất thùy đan thanh" (Thời cùng cao tiết hiện, nhất nhất ghi sử xanh). Trong hoàn cảnh gian nan khốn khổ thì khí tiết cao thượng mới hiển thị ra, khí tiết này sẽ được sử xanh ghi lại mãi mãi.

Người xưa thường mượn vật để nói nên tình cảm. Khổng Tử cảm thán: "Năm giá lạnh khốc liệt mới biết tùng bách là loài cuối cùng còn xanh tươi". Tùng bách sừng sững ngạo nghễ trước đông hàn, giống như người trong nghịch cảnh, loạn thế vẫn giữ vững sự tôn nghiêm cao thượng và khí tiết. Thế nên người xưa gọi Tùng, Trúc và Mai là "Tuế hàn tam hữu" (Ba người bạn trong mùa đông hàn giá lạnh), ca ngợi phẩm chất của chúng, trải quan đông hàn mà không bị héo tàn, và dùng để ca ngợi những người trong cảnh khốn cùng vẫn không khuất phục không dao động, kiên trì chính nghĩa, giữ vững khí tiết.

Trịnh Bản Kiều, danh sĩ, họa sĩ đời nhà Thành bài câu thơ rằng:

Giảo định thanh sơn bất phóng tùng
Lập căn nguyên tại phá nham trung
Thiên ma vạn kích hoàn kiên kính
Nhậm nhĩ đông nam tây bắc phong

Dịch thơ:

Bám chặt núi xanh chẳng buông lơi
Rễ sâu kẽ đá vách chơi vơi
Muôn dập vạn vùi còn vững chắc
Đông nam tây bắc mặc gió thôi

Trịnh Bản Kiều cả đời thích vẽ trúc, trong quá trình vẽ trúc, ông gửi gắm tinh thần, hoặc là cao khiết thoát tục, hoặc là khiêm tốn tiết tháo. Làm người lẽ nào lại không nên như vậy?

Trung Hòa
Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Người xưa coi khí tiết làm người như thế nào