Người già cô đơn trong chính căn nhà của mình [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong văn hóa truyền thống, người xưa thường bảo rằng có người già trong nhà như có bảo bối, bởi lẽ người già thông thái và nhiều kinh nghiệm, là chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy cho thế hệ trẻ. Nhưng ngày nay thì tư tưởng đảo chiều, đạo đức trượt dốc, nên người trẻ thường cho rằng có người già trong nhà như có phiền phức, mất hết tự do.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một quận nhỏ giữa đất Sài Gòn tấp nập. Tuổi thơ gắn liền với những con đường xi măng nhỏ, những khu nhà đông người chen chúc, ngôi trường xây cao tầng hiện đại chứ không có ngói đỏ hay rợp bóng cây xanh như ở thôn quê. Tuổi thơ của tôi không có gì đặc sắc ngoài hai buổi cắp sách đến trường, tôi học hành chăm chỉ và khá giỏi nên được bạn bè và thầy cô yêu mến, nên đối với tôi mà nói, đó là khoảng thời gian vui vẻ nhất, thỏa sức nhất.

Thời gian dần trôi, tôi lớn lên và hòa mình vào biển lớn cuộc đời, và cũng chuyển nhà đi nơi khác sinh sống, hiếm khi quay trở lại cái nơi đầy ắp kỷ niệm ấy.

Cho đến một hôm, khi mà cuộc sống đã ổn định, mọi thứ đều đạt được trong tầm tay, cũng có thể nói một tiếng là thành đạt như bao người, và tôi cũng thôi không bộn bề bôn ba nữa. Nhịp sống chậm lại, tôi biết nghĩ cho người khác hơn. Ký ức ùa về, và tôi chợt nghĩ, các thầy cô giáo dạy mình khi xưa giờ thế nào nhỉ?

Thật ra thì hàng năm đến ngày Nhà giáo 20/11, các bạn học đều nhắn nhủ nhau về thăm trường, nhưng tính tôi vốn khép kín không thích ồn ào, cũng không thích nói về bản thân nên chưa có năm nào tôi về thăm trường cũ. Nhưng hình ảnh về các thầy cô thì tôi vẫn nhớ như in, thậm chí nhớ cả tên và nơi ở. Vì thời tôi đi học các thầy cô thường mở lớp phụ đạo tại nhà, chủ yếu là thầy thương trò muốn kèm cặp thêm chứ không phải vì nhu cầu kinh tế hay muốn kiếm nhiều tiền.

Nhưng hình ảnh về các thầy cô thì tôi vẫn nhớ như in, thậm chí nhớ cả tên và nơi ở.
Nhưng hình ảnh về các thầy cô thì tôi vẫn nhớ như in, thậm chí nhớ cả tên và nơi ở. (Ảnh: Pixabay)

Một buổi sáng đẹp trời, tôi quay về ngõ nhỏ nhà cô Ngôn, là cô giáo dạy tôi năm lớp 4. Thoắt một cái đã 30 năm, nhưng dường như mọi thứ không thay đổi là mấy, vẫn là những dãy nhà san sát, xóm nhỏ ồn ào và náo nhiệt người buôn kẻ bán qua lại. Nhưng đến đoạn nhà cô thì khá yên tĩnh. Tôi đến trước nhà nhưng không chắc lắm nên hỏi bác hàng xóm đây có phải nhà cô Ngôn không? Bác nhìn tôi một chút, giọng bác hơi gắt gỏng nói: Đúng rồi, nhà hai ông bà giáo già ở đấy, ở im ỉm trong nhà, có chết cũng chẳng ai hay!

Tôi hơi ngạc nhiên, sao bác ấy lại nói thế nhỉ? Cô mình vốn hiền lành mà, chẳng lẽ cô làm gì phật lòng bác chăng?

Rồi tôi gọi cửa, ban ngày mà trong nhà cô tối om, nhìn qua khe cửa sắt thì thấy trong nhà không có ai, nhưng trên lầu lửng có ánh đèn trắng mờ. Tôi gọi thêm mấy lần nữa, và đợi mãi một lúc lâu mới thấy có người chầm chậm xuống mở cửa. Là cô, mấy mươi năm rồi, cô già đi nhiều, dáng gầy và mắt mờ hẳn, tôi cười chào cô: “Con chào cô ạ! Con là Lan, không biết cô còn nhớ con không?” Cô nhìn tôi cười tươi và nói: “Nhớ chứ, thấy con cười là cô nhớ cái Lan ngày nào rồi.”

Ồ, hóa ra nụ cười của mình ấn tượng thế sao, 30 năm rồi mà cô vẫn còn nhớ. Năm tháng qua đi, nhà cô vẫn như ngày nào, vẫn cái nền gạch bông cũ, kích thước viên gạch bé tí ngày xưa, và nền nhà thấp hơn mặt đường cả bước chân. Hồi ấy chúng tôi đến học thêm ở trên sân thượng, tôi là lớp trưởng, vốn học cũng khá nên cũng không cần đi học thêm, nhà tôi khó khăn nên dẫu có muốn học thêm cũng không có tiền mà đóng học phí. Nhưng cô thương tôi ngoan hiền, biết quan tâm người khác nên cho phép tôi đến học mà không cần học phí, nhân tiện cũng có thể giúp đỡ các bạn khác. Tôi nhớ lúc đến học thường gặp con trai cô là anh Thành, anh ấy lớn hơn tôi vài tuổi, ốm cao và ít nói, nhưng học rất giỏi. Nhưng hôm nay đến tôi không thấy anh đâu cả, chỉ có mỗi thầy đang lúi húi làm gì đó trên tầng lửng.

người già cô quạnh trong nhà
Cô không khỏe lắm, cô bị bệnh Parkinson nên tay chân yếu lắm. (Ảnh: Shutterstock))

Tôi hỏi thăm cô sức khỏe, công việc và gia đình, cô chầm chậm nói: “Cô nghỉ hưu cũng lâu rồi Lan, năm nay cô ngoài 70 tuổi rồi, thầy thì gần 80 tuổi. Cô không khỏe lắm, cô bị bệnh Parkinson nên tay chân yếu lắm, trước đây lúc bệnh chưa nặng, còn đi chợ và nấu ăn được. Một lần nọ trong lúc đi chợ thì bệnh tái phát, chân cô bỗng run rẩy không trụ được nên té nhào xuống đường, đầu va xuống đất chảy cả máu, may mà té gần nhà nên hàng xóm đỡ cô về được. Thế là từ đó thầy và con trai không cho cô đi chợ nữa, ăn gì hay làm gì thì thầy sẽ làm giúp. Con thấy không, thầy đang nấu ăn trên lầu ấy. “

Tôi nhìn lên thì thấy đúng là thầy đang nấu ăn. Tôi hỏi cô: “Còn anh Thành con trai cô thì sao ạ?”

Cô nhìn xa xăm một chút rồi nói: “Thành giờ là bác làm việc ở bệnh viện lớn nên bận rộn lắm con à. Thành lấy vợ rồi, có 2 con, nhưng hai vợ chồng Thành ở riêng, cũng ít về thăm, cô bị Parkinson thế này đâu có giúp đỡ gì được cho con trai và con dâu, cũng đâu có chăm cháu nội được.”

Tôi vội nói: “Nhưng cô già yếu rồi, chỉ có mỗi anh ấy là con trai, con nghĩ ảnh năng về thăm nom chăm sóc cô và thầy ấy chứ. Thêm 2 cháu nữa về cho vui cửa vui nhà.”

Cô thở dài không nói gì cả. Ánh mắt lại nhìn xa xăm.

Nhìn cô mà tôi thấy chạnh lòng. Tôi thấy mình cũng tệ, 30 năm rồi mới trở lại thăm cô, may mà cô còn sống… Giờ thì tôi mới hiểu câu nói của bác hàng xóm “... ở im ỉm trong nhà, có chết cũng chẳng ai hay!” Cô trò hàn huyên một lúc thì tôi xin phép và chào tạm biệt, về rồi nhưng trong lòng cứ mãi bâng khuâng.

Cô trò hàn huyên một lúc thì tôi xin phép và chào tạm biệt, về rồi nhưng trong lòng cứ mãi bâng khuâng.
Cô trò hàn huyên một lúc thì tôi xin phép và chào tạm biệt, về rồi nhưng trong lòng cứ mãi bâng khuâng. (Ảnh: Pixabay)

Dịp khác tôi đến thăm cô Ánh, cô chỉ dạy tôi dịp hè năm lớp 2, nhưng tôi có ấn tượng về cô, vì cô nổi tiếng nghiêm khắc nhất trường, hồi ấy bọn học trò chúng tôi ai cũng kháo nhau, đứa nào học lớp cô Ánh là xui nhất nhé! Tôi khì cười khi nhớ đến mấy kỷ niệm trẻ con ấy, và xe đã đến ngay trước nhà cô lúc nào không hay. Nhà cô là dễ tìm nhất vì to rộng nhất xóm. Nhưng nay đến rồi thì thật bất ngờ, cái nhà tôn vách gỗ với cái sân to để được mấy chục bộ bàn ghế gỗ, có thể chứa hàng mấy mươi học trò, thêm mấy cây mận rợp bóng mát, nay chỉ còn lại một căn nhà lầu 2 tầng cùng cái sân nho nhỏ chỉ vừa để chiếc xe đạp và thêm vài chậu cây cảnh.

Năm nay cô cũng hơn 75 tuổi, dáng cô cao gầy và mắt cũng mờ mờ, nhưng cô vẫn minh mẫn và hoạt bát như ngày nào. Cô ngồi trên võng trò chuyện với tôi, rằng cô không có lập gia đình, cô sống một mình xưa giờ quen rồi, đất rộng nhưng là của chung anh chị em nên khi chia ra thì cô chỉ còn một phần nhỏ vậy thôi. Cô đi dạy tích lũy cả đời mới xây được cái nhà khang trang nhưng giờ chân đau nhức, cô không leo nổi lên lầu, chỉ quanh quẩn dưới nhà thôi. Có đứa cháu nhỏ kế bên, ngày ngày nó chạy qua gọi bà ơi bà hỡi xem chừng bà có khỏe không, rồi giúp bà quét dọn sơ 2 tầng lầu.

Tôi nhìn cái nhà tuy nhỏ nhưng lại quá to lớn đối với cô, cô sống lặng lẽ một mình, mắt mũi không tỏ nên đôi khi bấm cái máy radio cũng bấm không đúng nút. Ngày xưa mấy chục cái bàn học gỗ, nay chỉ còn vỏn vẹn dăm ba cái bàn nhựa, hỏi mới biết cô cho đứa cháu mượn chỗ dạy thêm cho đỡ buồn. Tôi nghe mà thấy thương quá, cô sống thật hiu quạnh. Tôi bỗng nghĩ, nếu nhỡ một ngày đứa cháu nhỏ kêu mà cô không đáp lại thì sao?! Người già như lá rụng mùa thu…

Tôi nghe mà thấy thương quá, cô sống thật hiu quạnh.
Tôi nghe mà thấy thương quá, cô sống thật hiu quạnh. (Ảnh: Shutterstock)

Người ta thường có câu: “Nhỏ cậy cha, già cậy con.” Ý rằng, nuôi con nhỏ hay dưỡng cha mẹ lúc tuổi già sức yếu, nào đâu chỉ chăm chăm cho ăn là đủ, nếu bữa ăn được gửi gắm tấm lòng yêu thương vào trong đó thì giá trị mang lại cho sức khỏe và tinh thần của người nhận là vô giá.

Hàng xóm cũ của tôi có một bác nọ tuổi già sức yếu. Ông sống một thân một mình trong một căn nhà nhỏ mấy chục mét vuông, vợ ông vì chăm cháu nên ở với con gái, con trai lấy vợ cũng ở riêng, thỉnh thoảng mới về thăm ông. Ngày ngày ông đạp xe đạp đến công viên gần nhà tập thể dục, ngày ba bữa ông ăn cơm hộp. Thỉnh thoảng con gái về thăm thì nấu sẵn thức ăn trong mấy ngày để ông ăn dần. Ông sống cô độc vậy đó nhưng hễ gặp ai thì ông đều cười chào vui vẻ, nhưng không biết đằng sau nụ cười ấy có ẩn chứa nỗi buồn sâu kín nào hay không?!

Tuy ông không thể làm bất kỳ công việc nặng nhọc nào, nhưng ông lại thuộc tuýp người không thích nhàn rỗi, và luôn muốn làm chút gì đó. Nên ông đã đề xuất rất nhiều ý kiến với gia đình, như đi làm bảo vệ chẳng hạn, dĩ nhiên là vợ con ông không đồng ý, nói rằng ông cứ nghỉ ngơi thôi, gia đình không thiếu thốn cũng không giàu hơn với chút tiền của ông kiếm được. Người nhà cho rằng không để ông làm bất cứ việc gì mới là tốt nhất cho ông, là ông đang thảnh thơi hưởng phước và an dưỡng tuổi già.

Rồi một hôm con gái ông về đón ông sang nhà ở chung, đó là một căn hộ chung cư nhỏ, không có công viên hay hàng xóm thân quen, ông ngày ngày ra vô trong bốn bức tường, không lâu sau thì ông sinh bệnh. Người già mà, hễ bệnh thì như dậu đổ bìm leo, đến bệnh viện khám thì đủ thứ bệnh xuất hiện, chủ yếu là tâm bệnh. Chưa đầy một năm thì được tin ông qua đời.

Có lẽ một mình một cảnh nhưng được tự do, nghĩ rằng đầm ấm chăm nom nhưng hóa ra lại cô độc, bởi người già nào có cần 3 bữa ăn ngon, đâu cần chăm êm nệm ấm, điều họ cần là sự quan tâm, có người bầu bạn. Nếu họ cảm thấy bản thân mình vô dụng, chẳng có việc vì để làm mỗi ngày, thì đó chính là sự dày vò lớn nhất, họ sẽ cảm thấy bản thân sao mà thừa thãi, rằng cả thế giới dường như không cần họ nữa.

Nếu họ cảm thấy bản thân mình vô dụng, chẳng có việc vì để làm mỗi ngày, thì đó chính là sự dày vò lớn nhất,
Nếu họ cảm thấy bản thân mình vô dụng, chẳng có việc vì để làm mỗi ngày, thì đó chính là sự dày vò lớn nhất. (Ảnh: Shutterstock)

Thành thị là thế, nông thôn thì sao nhỉ?

Xã hội ngày nay đã phát sinh rất nhiều thay đổi, nhiều người trẻ rời quê đi làm ăn xa hoặc đến các vùng khác làm việc, nơi thôn làng chỉ còn lại những người trung niên và người cao tuổi. Những người già ấy sống đơn độc, không có người bầu bạn nên sinh ra lo lắng đủ điều, đối với nhịp cuộc sống leo thang mỗi ngày thì họ theo không kịp, mất dần kiểm soát v.v. đây có thể là nguyên nhân gây nên sự tuyệt vọng cao độ trong tâm trí họ. Rồi một khi người già biết mình mắc đủ các loại bệnh, nhiều người già đã chọn cách tự tử hoặc bỏ nhà đi lang thang vì bị con cái bỏ bê hoặc không muốn trở thành gánh nặng hay áp lực cho gia đình.

Và, có không ít người già neo đơn trong chính căn nhà của mình, nơi từng là tổ ấm rộn rã tiếng cười của mình cùng vợ con.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, những đứa trẻ trưởng thành và rời xa gia đình, rời xa vòng tay cha mẹ, hòa mình vào biển lớn, nơi đô thị hào hoa quá mới mẻ với chúng. Có mấy ai nghĩ về cha mẹ đang canh cánh nơi quê nhà, tuổi già cùng lo lắng không biết hiện con mình đang sống ra sao, có tốt không, có khỏe mạnh không, công việc có thuận lợi không, có ai chăm sóc chúng không… bộn bề suy nghĩ là thế. Vì suy cho cùng thì trong mắt cha mẹ, con cái chưa bao giờ trưởng thành, chúng chỉ là những đứa trẻ to xác mà thôi.

Có mấy ai nghĩ về cha mẹ đang canh cánh nơi quê nhà
Có mấy ai nghĩ về cha mẹ đang canh cánh nơi quê nhà. (Ảnh: Shutterstock)

Và, chúng nghĩ, phụng dưỡng cha mẹ ư, gửi tiền về là được rồi, mình bận rộn mà, thế nào cha mẹ cũng thông cảm cho mình. Với lại, hai thế hệ cách nhau quá xa về lối sống và quan điểm, có gặp cũng chẳng biết nói gì… khoảng cách vô hình lớn dần theo năm tháng. Ngôi nhà dần trở nên hiu quạnh, cha mẹ già mòn mỏi ngóng chờ con cháu trở về. Kẻ ra đi thì vui vẻ nơi phương trời mới, người ở lại thì vò võ trong bốn bức tường, ăn không ngon, ngủ không yên, tâm lý nguội lạnh như tro tàn, và rồi tâm bệnh sinh ra khiến thân cũng bệnh. Thử hỏi cuộc sống có gì vui, có còn ý nghĩa gì nữa không, lại nghĩ, mình già rồi, gần đất xa trời rồi, có sống nữa cũng vô tích sự, ai mà không phải chết, thôi thì… chết sớm cho xong.

Những câu chuyện ấy, những mảnh đời ấy, quả thật là quá thương tâm, đáng để mỗi người chúng ta suy ngẫm lại chính mình.

Cao Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Người già cô đơn trong chính căn nhà của mình [Radio]