Người có cách đối nhân xử thế càng trung dung, vận mệnh càng tốt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bước đi trong thế gian, làm người và làm việc gì cũng cần chú trọng đến phương pháp, và 'trung dung' chính là nguyên tắc vàng trong phương pháp luận.

Đạo trung dung xuất phát từ "Luận ngữ - Dung Dã" của Khổng Tử. "Trung Dung chi vi đức dã, kỳ thậm chí hồ" (lấy trung dung làm đức, kỳ thực thậm chí còn hơn thế), đề cập đến một thái độ vô tư, không thiên vị và hài hòa trong mọi việc.

Khi còn trẻ, con người ta luôn thích tranh cãi đúng sai, làm việc gì cũng đều cứng nhắc, không thích ứng. Chỉ có trải qua tích lũy kinh nghiệm mới có thể nhận ra trí huệ của trung dung. Ví dụ, ngày nay trong công việc, những người trẻ có thể vì tranh cãi với sếp mà thấy ấm ức, và họ sẵn sàng từ chức, bỏ việc ngay lập tức. Xem ra quan điểm của họ rất rõ ràng "Tôi không thể chịu oan ức".

Nhưng thực chất đây không phải là thái độ muốn giải quyết vấn đề. Những người hiểu về trung dung sẽ nghĩ xem tại sao tôi lại tranh cãi với sếp, đó là vấn đề cảm xúc hay là sự việc cụ thể và tôi cần dùng cách nào để giải quyết mâu thuẫn này.

Một số người sẽ cảm thấy thật hèn nhát và mất thể diện, sếp mắng tôi tại sao tôi vẫn phải làm việc cho ông ấy. Trên thực tế, nếu bạn đổi công việc, tìm người sếp mới cũng sẽ không sao; hoặc người sếp thay một nhân viên cũng không vấn đề gì. Trừ khi bạn là nhân tài, còn không thực sự không phải là không thể thay thế.

Nhưng về mặt cá nhân, bạn sẽ đánh mất cơ hội phát triển thực sự. Nếu bạn không kiên định một điều đến cùng, thật khó để thấy rõ điều đạo lý sâu xa. Đây là lý do tại sao bạn là nhân viên còn ông ấy là sếp. Đây chính là cái gọi là “Đạo khả đạo phi thường đạo; danh khả danh, phi thường danh”.

Khi người hiện đại nói về đạo trung dung, hầu hết mọi người đều cho rằng điều này thật cổ hủ, không đáng nhắc tới. Nhưng nếu nghĩ kỹ lại, tại sao nhiều người sau trung niên đột nhiên hiểu và đọc lại những lời dạy xưa? Bởi vì trong quá trình không ngừng trải nghiệm, họ nhận thấy rằng những gì các bậc tiền bối nói là đúng.

Con người hiện đại nói chung luôn lo lắng. (Ảnh: Apollo)
Con người hiện đại nói chung luôn lo lắng. (Ảnh: Apollo)

Trên thực tế, trung dung không phải là dạy người ta thỏa hiệp và từ bỏ, cũng không phải khiến bạn vô dục vô cầu (không có ham muốn), mà là một loại cầu thắng ổn định, chính là cố gắng hết sức và tuân theo Thiên mệnh.

Con người hiện đại nói chung luôn lo lắng, tại sao như thế?

Bởi vì trong tâm có nhiều ham muốn, dục vọng nhưng thường lại không có năng lực khống chế dục vọng, dẫn đến tích tụ rất nhiều bất mãn trong lòng. Loại bất mãn như vậy khiến con người thường xuyên ở trong trạng thái căng thẳng, cảnh giác. Nếu con người rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng trong thời gian dài, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần, mà còn dễ dẫn đến những nhận định sai lầm.

Những người giữ đạo trung dung, thì có xu hướng làm tất cả những gì có thể trong khả năng để thực hiện mong muốn của mình, nhưng trong lòng họ không đặt quá nhiều kỳ vọng. Bằng cách này, có thể đảm bảo xác suất thành công cho những việc họ muốn, và sẽ không khiến tâm lý của chính họ trở nên mất cân bằng vì những ham muốn bên trong.

Họ luôn đặt mình ở trạng thái cân bằng, một sự trung dung mang tới sự yên bình và tĩnh lặng, giúp họ nhận được rất nhiều lợi ích.
Người xưa nói: “Trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã. Hòa dã giả, thiên hạ chi đại đạo dã”.

Có nghĩa là “trung” là gốc lớn của thiên hạ, “hoà” là đạo lý thông đạt trong thiên hạ. Mỗi người chúng ta đều có những nhận thức khác nhau về nguồn gốc, nhưng dù xuất phát từ nguồn gốc nào thì cũng có thể nảy sinh những mâu thuẫn, xung đột, khi đó chúng ta cần “hòa” để thúc đẩy sự vật tiến triển.

Rất nhiều người đau khổ thường do không hiểu được trí huệ của "sự hài hòa". (Ảnh: Apollo)
Rất nhiều người đau khổ thường do không hiểu được trí huệ của "sự hài hòa". (Ảnh: Apollo)

Cố chấp tranh cãi mù quáng là điều vô ích nhất. Rất nhiều người đau khổ thường do không hiểu được trí huệ của "sự hài hòa". Chỉ có người ngộ ra "hòa", tiết kiệm sức lực và thời gian, đặt vào đúng sự việc, mới nhận được những điều có giá trị hơn. Vì vậy những người càng trung dung, cuộc sống càng tốt.

Cuộc sống không phải luôn dễ dàng, quá cứng nhắc cũng không tốt và quá yếu đuối cũng không tốt. Chúng ta nên học đạt được sự cân bằng thích hợp. Trời ở trên, người ở dưới, việc hành theo trung dung cũng chính là đi theo nhân đạo, và chỉ có vậy con người mới có thể tiến xa hơn.

Từng có một cuộc khảo sát về lập nghiệp với sinh viên đại học, 96% sinh viên có mong muốn khởi nghiệp, nhưng gần 50% không có kỳ vọng rõ ràng về khởi nghiệp và 50% không hiểu gì về hoạt động của công ty.

Điều này thực sự khá vô lý, nhiều người có tham vọng nhưng không có khả năng hiện thực hóa tham vọng của mình. Trước tình hình đó, có người than phiền, có người đâm đầu xông lên, có người lại chọn cách lui.

Đôi khi "rút lui" có nghĩa là "tiến lên", và những người nắm vững đạo trung hòa này thường là ‘hắc mã’ trong đám đông (những người chiến thắng bất ngờ).

Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi một số thất bại và tai họa. Người có trí huệ trung dung sẽ không oán trách, họ sẽ đối mặt và làm những gì họ có thể thay đổi cảnh ngộ.

Dù thống khổ đến đâu thì trước tiên cũng tiếp nhận, sau đó sẽ phân tích ưu nhược điểm để chọn ra con đường có lợi và tích cực nhất.

Họ hiểu rõ nhất cần gì, vì bản thân thích hợp nên đi con đường thế nào.

Tâm thái này khiến họ có được sự tĩnh tại trong tâm và hành động ung dung trên con đường phía trước. Ngược lại, nếu một người luôn bồn chồn bất an, cái gì cũng muốn, cái gì cũng tranh, chất lượng cuộc sống của họ sẽ rất thấp.

Đời người rốt cuộc tìm kiếm cũng chỉ là có được sự bình yên trong tâm, và đạo trung dung là một con đường tuyệt vời kết hợp tĩnh tại nội tâm với việc lập kế hoạch.

Minh An
Theo aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Người có cách đối nhân xử thế càng trung dung, vận mệnh càng tốt