Ngũ Đài sơn: Bí mật thắng cảnh Thanh Lương - Thánh địa của Văn Thù Bồ Tát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mảnh đất Hoa Hạ Thần châu, sơn thuỷ Tiên cảnh, khắp nơi đều có dấu tích của Thần Phật. Ở vùng đất phương bắc, có một cảnh quan núi non tráng lệ kỳ vĩ vô cùng. Nó có kết cấu rất lạ thường với: 5 ngọn núi chính cao chọc mây trời, đỉnh núi lại ngang bằng, giống như luỹ đài. Nơi đây còn là Đạo trường của Văn Thù Bồ Tát, là một trong bốn vị Đại Bồ Tát của Phật giáo. Nơi này có nguồn gốc thâm sâu cùng với văn hoá Phật gia, là danh thắng chốn nhân gian, lại càng là Thánh địa Phật quốc.

Đó chính là Ngũ Đài Sơn nổi danh thiên hạ. Ngọn núi này nằm ở Hãn Châu, Sơn Tây, trên rìa tây bắc của dãy Thái Hành sơn, vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Hoàng thổ và đồng bằng Hoa Bắc. Từ xưa đến nay, từ hoàng đế đến bình dân, và vô số cao tăng đại đức đã leo lên ngọn núi này để bày tỏ lòng thành kính và tín ngưỡng đối với Phật Pháp. Đồng thời trên núi, chùa chiền trùng điệp, tầng tầng điện vũ san sát trong núi, trải qua hàng trăm hàng nghìn năm phát triển, nơi này trở thành thánh địa Phật gia, nơi Phật giáo Hán truyền và Phật giáo Tạng truyền hoà trộn lẫn nhau.

Ngũ Đài sơn nằm ở Hãn Châu, Sơn Tây, trên rìa tây bắc của dãy Thái Hành sơn, vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Hoàng thổ và đồng bằng Hoa Bắc
Ngũ Đài sơn nằm ở Hãn Châu, Sơn Tây, trên rìa tây bắc của dãy Thái Hành sơn, vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Hoàng thổ và đồng bằng Hoa Bắc (Wikimedia commons)

Ngũ Đài sơn có một số đặc điểm lớn, tỉ như, chỗ cao nhất có độ cao hơn 3.000 mét so với mực nước biển, được gọi là "Nóc nhà của miền Bắc Trung Quốc". 5 ngọn núi như 5 ngón tay chỉ lên trời, bồn địa xung quanh, hình thành nên một không gian như hình móng ngựa, rất giống với Linh Thứu sơn ở Ấn Độ, cỏ trên đỉnh núi xanh tươi, dê bò tản bộ, hang cốc, khe rãnh trong núi ngang dọc, có thể nói là miền Tịnh thổ do tự nhiên tạo hoá. Mà điều lỳ lạ nhất là, khí hậu ở nơi này, cho dù là vào tháng 7 nóng nực nhất, thì nhiệt độ ở đây giống như ở dãy Đại Hưng An ở vùng Đông Bắc vậy. Vậy nên, Ngũ Đài sơn từ xưa đến nay cũng được thế nhân gọi là thắng cảnh nghỉ mát.

Ngũ Đài sơn lạnh nhường nào

Kỳ thực, Ngũ Đài sơn còn có một cái tên đặc thù - Thanh Lương sơn. Vào thời cổ đại, những ghi chép về Ngũ Đài sơn hầu hết đều được lấy tên “Thanh Lương sơn”, thể hiện cảm giác sảng khoái và dễ chịu, từ lâu đã trở thành dấu ấn và biểu tượng của Ngũ Đài sơn. Ngày nay, trên ngọn "Vọng Hải phong" ở Đông Đài, vẫn còn một ngôi đền trên đó có khắc chữ "Thanh Lương Thánh địa". Nó như một cánh cửa, dẫn dắt mọi người vào thế giới mát mẻ của vị đại Bồ tát.

Do địa hình cao, nhiệt độ của vùng núi khá thấp. Tại sao Ngũ Đài sơn lại được gọi là Thanh Lương? Đạo sư Trừng Quan đời Đường nói trong “Hoa Nghiêm Kinh sơ” rằng: “Tích tụ nước cứng (băng tuyết) quanh năm, mùa hạ còn có tuyết rơi, chưa từng có nóng nực, thế nên gọi là Thanh Lương (mát mẻ)” Điều này cũng khắc họa nên sự lạnh ở nơi này.

Kỳ thực, Ngũ Đài sơn còn có một cái tên đặc thù - Thanh Lương sơn
Kỳ thực, Ngũ Đài sơn còn có một cái tên đặc thù - Thanh Lương sơn (Wikimedia commons)

Nhà địa lý học Từ Hà Khách cuối thời nhà Minh đã đến Ngũ Đài sơn vào tháng tám đầu thu và ghi lại dưới dạng nhật ký những gì ông đã chứng kiến. Hôm đó ngày mồng sáu, khi Từ Hà Khánh leo lên ngọn "Cẩm Tú phong" ở Nam Đài, thì gặp phải thời tiết lạnh thấu xương. Ông viết: "Gió lớn nổi lên, các giọt nước đều thành băng. Gió lặng, mặt trời xuất hiện, như hòn ngọc lửa hiện ra trong lá biếc”

Sang ngày mùng 7, Từ Hà Khánh đến thăm ngọn"Diệp Đấu phong" ở Bắc Đài, từ vách núi dựng đứng trông thấy khung cảnh tuyệt vời của tuyết trắng như bạc: “Từ Đài Bắc đi thẳng xuống 4 dặm, vách núi thẳng đứng phủ dải băng tuyết treo dài mấy trăm trượng, gọi là ‘bách niên băng’... Chỉ mới vào tiết sơ hàn, băng tuyết giữa các đài núi khắp nơi như thế. Người ta nói tuyết rơi ngày 27 tháng 7, đúng lúc tôi từ kinh đô xuất hành”. Ông đã ghi lại chuyện lạ “tháng 7 tuyết rơi”.

Ngày nay, Ngũ Đài sơn vẫn "rất lạnh." Nhiệt độ trung bình năm chỉ -4°C, và những tháng nóng nhất là tháng 7 và tháng 8 dương lịch, nhiệt độ cũng chỉ gần 10°C, nhiệt độ vào mùa đông thì không cần bàn đến nữa. Du khách đến tham quan Ngũ Đài Sơn vào mùa hè, ban đêm dừng chân trên đỉnh núi phải bật hệ thống sưởi. Các nhà địa chất cũng mặc quần áo bông ấm khi họ khám phá vùng núi sâu. Ngũ Đài sơn không chỉ mát mẻ, mà còn dường như rất lạnh.

Tuy nhiên, thuật ngữ "Thanh Lương" có một ý nghĩa đặc biệt trong Phật giáo. Kinh Phật cho rằng phiền não trong nhân thế giống như sự nhiệt độc vậy, là do đầy rẫy các chủng dục vọng và tạp niệm đan xen tạo thành. Tu tập Phật Pháp có thể giải trừ phiền não và khiến cho người ta cảm thấy như bước vào một thế giới tươi mát (thanh lương). Phật Pháp xem cảm giác mát mẻ của thân thể người liên đới tới cảnh giới siêu thoát khỏi dục niệm, cách ví von như vậy thật là sinh động. Cho nên, thanh lương là trái ngược lại với phiền não, thể hiện cảnh giới tâm tính, sự vui vẻ, thanh tịnh của người tu hành. Danh tự Thanh Lương sơn này, dùng để đại biểu cho Ngũ Đài sơn thì không còn gì hợp lý hơn.

Bí mật của Thanh Lương Thạch

Là Thánh địa tham thiền lễ Phật, Ngũ Đài sơn ngoài việc không thiếu những danh thắng cổ tích, thì sự huyền áo của Thanh Lương còn nằm ở một khối đá. Cách chân núi Nam Đài khoảng 20 km về phía tây bắc có Thanh Lương cốc, đi đến tận cùng là ngôi chùa hàng nghìn năm tuổi đẹp như tranh vẽ gọi là Thanh Lương tự. Phía sau chính điện của ngôi chùa, có một tảng đá tự nhiên, được gọi là Thanh Lương Thạch, có thể nói là bảo vật chấn sơn của Ngũ Đài sơn. Nó có phần trên vuông vức, phía dưới lõm, dài khoảng 5 mét, rộng 2,5 mét và cao 2 mét, hình dáng tổng thể giống như một cây nấm linh chi khổng lồ.

Thanh Lương Thạch, có thể nói là bảo vật chấn sơn của Ngũ Đài sơn.
Thanh Lương Thạch, có thể nói là bảo vật chấn sơn của Ngũ Đài sơn. (Wikimedia commons)

Nơi này lưu truyền một câu chuyện thần kỳ về Văn Thù Bồ Tát. Từ rất lâu trước đây, Ngũ Đài Sơn có khí hậu khắc nghiệt, mùa hè cực kỳ nóng, mùa đông giá lạnh, quanh năm cát vàng cuồn cuộn, chim thú không thể sinh tồn được ở đây, người dân gần đó lại càng phải chịu đựng nhiều hơn. Văn Thù Bồ Tát từ bi, phát nguyện cứu độ sinh linh, đến Đông Hải Long Cung mượn một khối bảo thạch để toát ra sinh cơ của Ngũ Đài sơn.

Thế là, Văn Thù Bồ Tát biến thành một lão hoà thượng đi hoá duyên, đi vào Long Cung, mượn Long Vương một viên đá ở cửa cung để cải thiện khí hậu của Ngũ Đài sơn, tạo phúc cho nhân gian. Long Vương tỏ vẻ khó xử. Tảng đá đó vốn được gọi là "Hiết Long Thạch". Mỗi khi năm người con của Long Vương hô mây gọi mưa trở về đều mồ hôi nhễ nhại, nhưng một khi nằm lên khối đá thì nhanh chóng phục hồi tinh thần, nên đây là bảo vật Long Vương trân quý nhất. Long Vương không tiện trực tiếp cự tuyệt, nhưng nghĩ rằng tảng đá nặng hơn một vạn cân, lão hoà thượng chưa chắc đã xê dịch được nó, nên nói: "Tảng đá cứng này cũng chẳng phải là bảo vật gì, lại còn rất nặng. Nếu ngài có bản lĩnh thì có thể đem nó đi".

Không ngờ, Văn Thù Bồ tát có thần thông quảng đại, miệng niệm chú ngữ, biến tảng đá thành một hòn đá nhỏ, rồi từ từ bay vào trong tay áo của Bồ Tát. Bồ Tát bay lên mà đi, chỉ còn lại Long Vương đứng ngẩn người, trong lòng than thở không dứt. Sau khi năm con trai của Long Vương trở về Long Cung, biết được Hiết Long Thạch đã bị Văn Thù Bồ Tát lấy đi thì tức giận đến mức nổi trận lôi đình, hùng hùng hổ hổ bay về phía Ngũ Đài sơn để đoạt lại bảo thạch. Năm người con của Long Vương trẻ tuổi nóng nảy, khi nhìn thấy Bồ Tát thì kiêu ngạo vô lễ. Bồ Tát liền làm phép đóng các đỉnh của Trung Đài và Bắc Đài và nhốt họ vào trong. Các con của Long Vương không thể di chuyển, chỉ có thể giãy giụa vùng vẫy cái đuôi rồng.

Đuôi rồng quét ngang qua ngọn núi, tảng cự thạch lăn xuống, trở thành tảng đá “Long Phiên Thạch” mà ngày nay người ta vẫn lưu truyền, Đuôi rồng quét trên đỉnh núi tạo thành hình dạng bằng phẳng trên đỉnh núi. Cuối cùng, năm người con của Long Vương được Văn Thù Bồ Tát thuần hóa. Còn Hiết Long Thạch thì vĩnh viễn được đặt lại ở Ngũ Đài sơn, linh khí tràn đầy khắp núi. Từ đó, Ngũ Đài sơn trở nên mát mẻ, nước mưa dồi dào, trên đỉnh núi cỏ mọc xanh tươi thành những đồng cỏ tự nhiên, trong núi rừng cây tươi tốt, cỏ cây hoa lá muôn màu muôn vẻ, khắp nơi sinh cơ bừng bừng. Ngũ Đài sơn được gọi là Thanh Lương sơn kể từ đó, và Hiết Long Thạch cũng được đổi tên thành Thanh Lương Thạch.

Tại sao núi thiêng lại mát mẻ?

Văn Thù Bồ Tát đặt Thanh Lương Thạch lên Ngũ Đài sơn, công đức vô lượng. Các nhà địa chất ngày nay đã leo lên Ngũ Đài sơn và dùng các phương pháp khoa học để tìm hiểu thực hư về tảng đá. Qua thăm dò, người ta phát hiện ra rằng các thành phần chính của "Thanh Lương Thạch" ngày nay là thạch anh và đá phiến ma, dưới ánh mặt trời chói chang thì chạm vào nó vẫn có cảm giác lạnh, dường như có một thuộc tính làm mát nhất định. Tuy nhiên, ngoài điều này ra thì Thanh Lương Thạch không có gì đặc biệt. Lẽ nào nó thực sự có thể quyết định khí hậu của một vùng núi sao?

Khi tiếp tục nghiên cứu, nhiều điều kỳ lạ của Ngũ Đài sơn dần dần được triển hiện ra cho thế nhân. Đầu tiên là bí ẩn về thân thế của Ngũ Đài Sơn. Bên trong núi, hoặc nằm rải rác trong những thung lũng hẻo lánh, hoặc trên các vách đá dựng đứng, lộ ra nhiều nham thạch có hoa văn kỳ lạ. Kết cấu giống như các lớp lớp các trang sách, lại giống như trùng điệp sóng nước, nhô lên như phù điêu, mơ hồ để lộ ra thông điệp của thời cổ đại. Theo tìm hiểu của các học giả, đây là một hóa thạch sinh vật đá stromatolite, hoa văn của nó là vết tích sống của một loài tảo cổ nhất và nguyên thủy nhất thời tiền sử. Những sinh vật nhỏ bé này đã sống trong đại dương khoảng 3 tỷ năm trước.

Tuổi thọ của đá ở Ngũ Đài sơn là khoảng 2,5 tỷ năm. Sau nhiều quá trình địa chất phức tạp và mạnh mẽ, Ngũ Đài sơn nhô lên khỏi đáy biển. Đây là một trong những phần đất liền sớm nhất trên trái đất nhô lên khỏi bề mặt nước, và cũng là một trong những ngọn núi cao nhất trên thế giới cấu tạo bởi các địa tầng cổ xưa. Vậy trong một khoảng thời gian dài đằng đẵng, Ngũ Đài sơn đã tạo ra những kỳ quan thiên nhiên nào? Và chúng có liên quan đến khí hậu mát mẻ nơi đây không?

Rõ nét nhất là sự kỳ thú của địa hình. Nhiều nơi ở Ngũ Đài sơn có dạng địa hình ven sông băng điển hình. Mô tả sớm nhất về hiện tượng ven sông băng cổ đại đến từ ghi chép du ký của Từ Hà Khách: “Trước tiên tôi đến phía nam của Ngũ Đài sơn, leo lên Long Phiên Thạch, có rất nhiều đá, chồng chất lên tận đỉnh núi”. Các nhà địa chất học cho rằng, Long Phiên Thạch, tức Thạch Hải, tạo thành ở trên đỉnh bằng phẳng của ngọn núi, hoặc vách núi tương đối bằng phẳng. Trên vách đá dạng sóng xanh cuồn cuộn của Ngũ Đài sơn, còn phủ đầy đá vụn xếp theo chiều dọc, chảy thẳng xuống như thác nước. Đây là một dạng khác của hiện tượng "sông đá", chủ yếu phát triển ở các vùng trũng hoặc thung lũng ở các vùng đóng băng vĩnh cửu, thể hiện ra trạng thái dịch chuyển chậm.

Bên cạnh khung cảnh đá vụn tráng lệ, thì trên sườn núi cao sừng sững còn xuất hiện những đụn tròn lớn, tựa như một cái trống tròn lồi lên. Những đụn tròn đó là "gò băng", xuất hiện ở địa hình đất đóng băng. Trên đồng cỏ trên đỉnh núi, có thể nhìn thấy các hố được bao quanh bởi đá vụn ở khắp nơi. Đây cũng là một trong những hiện tượng ở địa hình ven sông băng - Hồ băng tan.

Các hiện tượng trên, phần lớn là do tác động của nhiều tác động của băng giá, băng tan, trọng lực, gió, ... và chúng hầu hết xảy ra ở các vùng vĩ độ cao, có độ cao 4000 - 5000 mét so với mực nước biển. Nhưng mà Ngũ Đài sơn nằm gần vĩ độ 38 độ Bắc, độ cao cao nhất cũng chỉ hơn 3.000 mét so với mực nước biển, nhưng nó lại có đặc điểm địa chất độc đáo của vùng núi cao.

Đồng thời, Ngũ Đài sơn nằm trong khu vực núi đứt gãy, bên trong núi có rất nhiều khe nứt, nước mưa và nước ngầm được lưu trữ và lưu động trong đó, tạo thành các suối trên núi, và cuối cùng tạo thành một mạng lưới hệ thống nước dày đặc trong núi. Những dòng suối ngọt ngào trong lành lặng lẽ chảy, mang đến cho mọi người cảm giác lạnh giá dù đi bất cứ đâu. Cùng với sự kết hợp của không khí ấm và ẩm từ đại dương và hơi nước trong núi, hình thành nên lượng mưa dồi dào, cùng mây khói bao phủ, ánh sáng đầy màu sắc,... tất cả tạo nên một cảnh quan thiên nhiên độc nhất vô nhị ở nơi đây. Được mệnh danh là địa linh nhân kiệt, Ngũ Đài sơn quả thật là nơi tốt nhất để tu hành và lễ Phật.

Ngũ Đài sơn quả thật là nơi tốt nhất để tu hành và lễ Phật.
Ngũ Đài sơn quả thật là nơi tốt nhất để tu hành và lễ Phật. (Pixabay)

Mặc dù những hiện tượng này thực sự tạo thêm sự mát mẻ ở Ngũ Đài sơn, nhưng chúng không thể trở thành yếu tố quyết định để nơi đây trở thành Thanh Lương Thánh Địa. Trong hàng trăm triệu năm, thiên nhiên dường như đã sử dụng một sức mạnh bí ẩn vô hình để tạo ra khí hậu lạnh giá cho Ngũ Đài sơn. Là một ngọn núi nổi tiếng của Phật giáo, Ngũ Đài sơn tự nó ẩn chứa nhiều điều bí ẩn mà khoa học khó lý giải, vượt qua cả không gian vật chất mà chúng ta đang sống. Có lẽ, sức mạnh phi thường của tảng đá quý lấy từ Đông Hải và Pháp lực từ bi của Văn Thù Bồ Tát đang âm thầm bảo hộ ngọn núi linh thiêng này.

Lam Sơn
Theo The epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Ngũ Đài sơn: Bí mật thắng cảnh Thanh Lương - Thánh địa của Văn Thù Bồ Tát