‘Nam cao bảy thước’ là cao bao nhiêu, còn có hàm nghĩa gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quy đổi theo tiêu chuẩn hiện tại thì “nam cao bảy thước” là cao bao nhiêu? Trong các triều đại xưa, trọng lượng và thước đo không cố định, nhưng dù tiêu chuẩn kích thước đã thay đổi bao nhiêu lần, vì sao cách dùng “nam cao bảy thước” vẫn được giữ nguyên?

Yến Tử lập đức lập ngôn, người cao chưa đến 6 thước lại được thê tử ngưỡng mộ, trong khi người phu xe cao 8 thước lại bị vợ khinh thường. Do đó, hình ảnh sống động “Nam cao bảy thước” không chỉ đề cập đến “cơ thể bảy thước” của một người đàn ông, vậy ý nghĩa thực tế là gì? Nội hàm gì?

Người cao bảy thước là rất cao không?

Đầu tiên chúng ta hãy xem một câu chuyện tương ứng với chiều cao xuất xứ từ “Yến Tử Nội thiên - Tạp thiên”. Vào cuối thời Xuân Thu, Tể tướng nước Tề là Yến Tử là một chính trị gia và nhà ngoại giao nổi tiếng. Phu xe của Yến Anh (Yến Tử) là một người đàn ông to lớn cao 8 thước.

Một hôm, người phu xe đánh xe đưa Yến Anh đi ra ngoài, vợ của anh ấy tình cờ nhìn thấy cảnh này: xe tứ mã của Tể tướng Yến Anh rất khí phái, trên nóc có một tấm che lớn, và chồng cô đang điều khiển xe, quất roi ngựa phi nước đại, khí thế hăng hái, dương dương tự đắc.

Sau khi người đánh xe ngựa hoàn thành xong nhiệm vụ và trở về vào ngày hôm đó, vợ anh bất ngờ đề xuất chia tay. Sự việc xảy ra đột ngột, người phu xe bị sốc, hoài nghi khó hiểu, hỏi vợ vì sao đang êm ấm lại muốn chia tay?

Người vợ nói: “Chủ nhân của phu quân, Ngài Yến Tử thân cao chưa đến 6 thước, nhưng là Tể tướng nước Tề, hiển danh chư hầu. Ông ấy bản tính vô cùng khiêm tốn, thường tự cho mình thấp hơn người khác, không khoe khoang bản thân. Ngược lại phu quân thân cao 8 thước, chỉ là một người hầu đánh xe cho người ta, nhưng thần thái tự cao tự mãn, thiếp vì điều này mà muốn rời đi”.

Câu chuyện này sau đó đã có một kết thúc rất có hậu, người phu xe ấy có khả năng suy xét lại bản thân và thiện ý thay đổi nên sau khi nghe vợ nói, từ đó anh ta ước thúc bản thân, sửa đổi và bỏ đi tâm tự ngã bành trướng kia. Tể tướng Yến Tử nhìn thấy anh ấy thay đổi rõ rệt như vậy thì lấy làm lạ, về sau được biết ngọn ngành nên đã tiến cử người đánh xe này trở thành đại phu của nước Tề.

Yến Tử là một chính trị gia nổi tiếng trong lịch sử, tuy vóc dáng thấp bé nhưng công trạng và sự nghiệp sáng lạng, lưu danh hậu thế. Ông ấy cao chưa đến 6 thước, còn người đánh xe của ông cao những 8 thước, sự tương phản này rất ấn tượng. Chiều dài chưa đến 6 thước, là một người đàn ông thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn; phu xe của ông lại là một người đàn ông cao lớn 8 thước, vì vậy nếu một người đàn ông cao 7 thước, chỉ là một tầm vóc tiêu chuẩn, chứ không tính là cao.

Trung thần Yến Tử tuy vóc dáng thấp bé nhưng công trạng và sự nghiệp sáng lạng, lưu danh hậu thế. (Ảnh: ntdvn)
Trung thần Yến Tử tuy vóc dáng thấp bé nhưng công trạng và sự nghiệp sáng lạng, lưu danh hậu thế. (Ảnh: ntdvn)

“Bảy thước” đại diện cho đối tượng nào?

Trong “Chu Lễ” (sách thời Chiến Quốc), thì “bảy thước” biểu thị một người trưởng thành.

Trong “Chu Lễ”, phần cương vị công tác “Đại phu ở làng quê” có nói: “Trong kinh đô từ 7 thước cho đến 60, nông thôn từ 6 thước cho đến 65, tất cả đều nhập ngũ”. Theo “Chu Lễ chú sớ” nói: bảy thước có nghĩa là 20 tuổi. Vậy, theo quy định của nhà Chu này, những người trong độ tuổi từ 20 đến 60 sống ở kinh đô và những người từ 15 đến 65 tuổi sống ở nông thôn là đối tượng bắt buộc nhập ngũ.

Trong luật pháp và quy định của nhà Chu, “bảy thước” được dùng để chỉ thanh niên trưởng thành, có thể suy ra rằng “bảy thước” là chiều cao tiêu chuẩn của người trưởng thành vào thời điểm đó. Cách sử dụng tương tự này cũng có thể được thấy trong “Luận Ngữ” và “Mạnh Tử”.

“Bảy thước” là chiều cao tiêu chuẩn

Trong liệt truyện về Phùng Cần của “Hậu Hán Thư” nói về lịch sử “chiều cao” của Phùng gia, và tiết lộ về thông điệp “bảy thước”.

Phùng Cần là một quan Tư Đồ vào thời Quang Vũ Đế triều đại Đông Hán, ông nội của ông là Phùng Yển dáng người thấp bé, “cao chưa đến 7 thước, thường xấu hổ vì sự thấp bé của mình”.

Phùng Yển lo lắng rằng con cháu đời sau cũng thấp bé như mình, nên khi cưới vợ cho con trai Phùng Kháng, đã đặc biệt chọn một nàng dâu dáng dấp cao ráo, kết quả là cháu trai Phùng Cần thực sự phát triển thành một “người đàn ông cao lớn”, thân cao tám thước ba tấc.

Qua thông điệp phản ánh từ thực tế lịch sử này cho thấy “bảy thước” là chiều cao tiêu chuẩn vào thời Đông Hán.

Thư tịch thời Đông Hán là “Luận hành - Cát nghiệm” cũng có chỉ ra rằng “người trưởng thành cao 7 thước”.

Quang Vũ Đế nhà Đông Hán vào năm đó cũng cao bảy thước ba tấc, và danh thần Mã Viện nhà Đông Hán cao bảy thước năm tấc, cả hai đều cao hơn tiêu chuẩn.

Quang Vũ Đế nhà Đông Hán cao bảy thước ba tấc, tranh của Diêm Lập Bản thời nhà Đường (thế kỷ thứ 7). Ảnh: wikimedia.
Quang Vũ Đế nhà Đông Hán cao bảy thước ba tấc, tranh của Diêm Lập Bản thời nhà Đường (thế kỷ thứ 7). Ảnh: wikimedia.

Vậy ngày nay, cao “bảy thước” thực tế là cao bao nhiêu?

Xích độ đo lường này thay đổi theo thời gian. “Thái Ung - Độc Đoạn” đề cập rằng kích thước của ba thế hệ là khác nhau, vào thời nhà Hạ, 10 tấc là một thước, vào thời nhà Ân, 9 tấc là một thước, vào thời nhà Hán, 8 tấc là một thước.

Vậy thân cao 7 thước của thời Xuân Thu Chiến Quốc và thời nhà Hán khi quy đổi theo hệ thống hiện nay là bao nhiêu?

Trong “Hán thư - Luật lịch chí” nói: 10 phân là một tấc, 10 tấc là một thước, 10 thước là một trượng.

Làm thế nào để tìm “phân” của đơn vị cơ bản? Nó được tính toán bằng cách sử dụng chiều rộng của một “hạt lúa nếp đen” (hắc thử) cỡ vừa: một hạt thóc (thử) là một phân, 10 thử là một tấc, 10 tấc là một thước, 10 thước là một trượng.

Xét theo kích thước thời Hán được khai quật, thì một thước là 23,1cm, kết quả đo của cả hai là phù hợp.

Trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, trọng lượng và thước đo giữa các quốc gia không nhất quán, cuối cùng thì Tần Thủy Hoàng đã thống nhất tiêu chuẩn là 23,1cm/ thước. Vậy chuyển đổi sang hệ thống hiện tại, thì nam cao 7 thước là bao nhiêu? Chính là 161,7cm, bạn có cảm thấy cao không?

Trên thực tế, ý nghĩa biểu tượng của “Nam cao bảy thước” quan trọng hơn ý nghĩa của chiều cao, nó mang ý nghĩa về một người đàn ông trưởng thành có thể gánh vác trách nhiệm của chính mình. Người đàn ông cao “bảy thước” này có thể biết giữ lời hứa, có thể cúi đầu và ngẩng đầu trước trời đất mà không hổ thẹn với chuẩn mực đạo đức làm người, bất kể thân hình cao bao nhiêu đều có thể đỉnh thiên lập địa, đều có thể cống hiến vì đạo nghĩa.

Cao Nguyên
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

‘Nam cao bảy thước’ là cao bao nhiêu, còn có hàm nghĩa gì?