Muôn nẻo đường làm từ thiện: Từ chuyện bi hài đến những tấm lòng cao thượng [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Từ thiện" theo đúng nghĩa mặt chữ là "nhân từ" và "thiện lương", là "từ bi" và "thiện tâm", động lòng trắc ẩn khi thấy người khác bị khổ đau, nguy hiểm, mà không nghĩ đến lợi ích, danh tiếng bản thân, kể cả khi bị tổn hại lợi ích và danh tiếng thì họ vẫn không thay đổi chí hướng, dốc lòng vì sự nghiệp từ thiện, vì lợi ích cộng đồng

Chuyện nghệ sỹ làm từ thiện

Sự kiện Hoài Linh kêu gọi mọi người ủng hộ đồng bào bị lũ lụt rồi sau đó ông giữ số tiền 14 tỷ này hơn sáu tháng không giải ngân khiến dư luận dậy sóng. Trước áp lực của dư luận, và nguy cơ có thể bị xử về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo điều 174 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, hoặc "lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản" theo điều 175 Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015, Hoài Linh đã lập tức giải ngân. Ngày 5 tháng 6, Hoài Linh cho biết đại diện của mình là ông Hà Văn Tự đã trao hơn 14,2 tỷ đồng cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Quảng Trị, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế... giúp người vùng lũ. Thế là “quả bom” mà Hoài Linh ôm hơn nửa năm nay đã quăng đi, nhưng sức ‘công phá’ của nó vẫn dội lại rất mạnh mẽ. Chỉ cần xem 3 bình luận được nhiều người thích nhất của độc giả trên một bài báo của VnExpress là có thể thấy được dư luận nhìn nhận thế nào về việc này:

“Mọi hôm Hoài Linh nói do dịch không đi từ thiện được, sao hôm nay giữa tâm dịch, giữa cái nóng như đổ lửa của miền Trung lại đi làm từ thiện vậy? Con người ai cũng có sai lầm, nhưng đối diện với sai lầm như thế nào???”

Thế này thì là ủng hộ bà con hạn hán rồi chứ còn ngập lụt gì nữa”

Thế là trao tặng UBMTTQ chứ không phải tận tay người dân? Thế thì lúc đầu kêu gọi mọi người chuyển khoản luôn vào đấy đi cho xong”.

Vụ Hoài Linh giữ 14 tỷ tiền từ thiện hơn 6 tháng: Chuyên gia tuyên bố ‘thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm’ (Ảnh chụp màn hình)
Vụ Hoài Linh giữ 14 tỷ tiền từ thiện hơn 6 tháng: Chuyên gia tuyên bố ‘thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm’ (Ảnh chụp màn hình)

Từ 3 bình luận trên có thể thấy một số vấn đề: làm từ thiện không đúng lúc, và không đúng người.

Trước tiên nói về làm từ thiện không đúng lúc. Có người nói vui rằng, hiện nay dân miền trung đang ăn cơm thịt gà, bật điều hòa chống nắng thì tặng họ mì tôm, áo mưa và áo phao. Câu chuyện này thật giống với chuyện của Trang Tử xưa kia.

Xưa Trang Tử nghèo đói, phải hỏi mượn lúa của Ngụy Văn Hầu. Ngụy Văn Hầu nói: “Được. Đợi tôi thu được tiền thuế của một ấp rồi tôi sẽ cho mượn ba trăm lạng bạc”

Trang Tử giận dữ nói: Hôm qua tôi đi lại đây, giữa đường nghe có tiếng gọi. Tôi ngoảnh lại thấy một con cá diếc nằm trong một vết bánh xe. Tôi hỏi nó: "Con diếc kia ở đó làm gì vậy?".

Nó đáp: "Tôi là Thần sóng ở biển Đông, ông cho tôi một đấu nước để cứu sống tôi được không?".

Tôi bảo: "Được. Để tôi đi du thuyết vua Ngô và vua Việt đã rồi khi về sẽ dẫn nước Tây giang lại cứu anh, được chứ?".

Con diếc nổi giận, biến sắc, đáp: "Tôi vì ra khỏi nước, không có chỗ an thân, chỉ mong được một đấu nước để sống. Ông nói vậy thì khi ông trở về hãy đến hàng cá khô mà tìm tôi".

Thứ hai là làm từ thiện không đúng người. Nhớ lại năm ngoái khi đồng bào miền Trung bị lũ lụt nặng nề và kéo dài, có khá nhiều nghệ sỹ đứng ra kêu gọi mọi người ủng hộ đồng bào miền Trung, điển hình nhất là ca sỹ Thủy Tiên. Hai vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh tự ủng hộ 3,7 tỷ đồng và bỏ tiền cá nhân ra ăn ở đi lại trong 40 ngày để tận tay chuyển hơn 178 tỉ đồng cho hơn 61.000 hộ dân ở 7 tỉnh miền Trung, và đều có xác nhận của chính quyền các địa phương.

Tại sao địa phương nào cũng có những tổ chức chuyên làm từ thiện như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ… mà người dân không gửi tiền đến quyên góp, hơn nữa Cổng thông tin các nhà mạng di động còn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc nhận tiền ủng hộ qua tin nhắn. Bởi vì những năm vừa qua có không ít người trong các tổ chức đó, lợi dụng vị thế và sơ hở, đã lừa đảo, làm giấy tờ giả để chiếm đoạt tiền cứu trợ, khiến người dân đã mất lòng tin, họ muốn số tiền ủng hộ của mình nhanh chóng đến tận tay người dân đang chịu đói rét cơ cực trong hoạn nạn. Thế nên năm ngoái chúng ta đã chứng kiến, ngoài những người nổi tiếng kêu gọi làm từ thiện thì người dân các địa phương cũng tự phát tổ chức các đoàn, các nhóm nhỏ, đưa đồ tiếp tế trực tiếp đến đồng bào miền Trung.

Rõ ràng cách làm từ thiện của Thủy Tiên có hiệu quả thiết thực và nhanh chóng kịp thời hơn của Hoài Linh rất nhiều, và hoàn toàn kiểm soát được số tiền từ thiện không bị thất thoát, trao cho đúng người cần nhận.

Thủy Tiên phải đo huyết áp, dùng thuốc để có sức giúp đỡ miền trung. (Tổng hợp từ Facebook)

Việc những người nổi tiếng làm từ thiện không phải chuyện lạ, diễn viên nổi tiếng Hồng Công Châu Nhuận Phát đã đem toàn bộ gia tài của mình trị giá trên 700 triệu đô la làm từ thiện. Tại sao ông có thể làm được như vậy, vì ông là người sống rất đơn giản, mỗi tháng chỉ tiêu hết 100 đô la, và sử dụng chiếc điện thoại Nokia cũ đã 17 năm trời, đi lại thì sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Ông sống bình dị nhưng nghĩa hiệp, là một trong số ít diễn viên, người nổi tiếng dám lên tiếng ủng hộ người dân Hồng Công chống lại Luật dẫn độ của ĐCSTQ và các chính sách hà khắc của Bắc Kinh kìm kẹp, giới hạn tự do của người dân Hồng Công.

Muôn nẻo đường làm từ thiện

Quan châu bán hết gia sản nộp thuế thay dân

Lưu Khải là một vị quan thanh liêm thời nhà Thanh. Năm Khang Hy thứ 37, khi Lưu Khải bắt đầu đảm nhiệm chức Tri châu tại Ninh Khương, tỉnh Thiểm Tây thì xảy ra nạn đói. Trong châu không tồn trữ lương thực, ở nơi núi non trùng điệp ấy vận chuyển rất khó khăn.

Lưu Khải thỉnh cầu triều đình cho phép vay lương thực tại kho quan của ấp lân cận và hứa với bách tính rằng: “Ai có thể cõng được một đấu lương thực về tới nơi sẽ được cấp ba bò lương thực”. Nhờ đó, chưa đầy 10 ngày đã vận chuyển được 30 nghìn đấu lương thực. Đại quan các tỉnh cứu tế cho các ấp lân cận cũng làm theo cách của ông, mọi người đều ca ngợi cách làm này rất tiện lợi.

Năm Khang Hy thứ 41, Lưu Khải phải để tang mẫu thân nên từ chức. Do phải trả xong thuế giúp bách tính, ông dặn em trai thay mình bán đi toàn bộ gia sản của ông, nhưng vẫn chưa đủ tiền, em trai ông lại bán nốt gia sản của mình để hoàn trả tiền thuế. Bách tính biết chuyện tranh nhau nộp tiền trợ giúp, Lưu Khải đều từ chối không nhận.

Ăn xin để mở trường miễn phí cho con em dân nghèo

Vũ Huấn sinh năm 1838, mất năm 1896, sống vào cuối thời nhà Thanh. Ông là người làng Vũ Trang, thị trấn Liễu Lâm, huyện Quan, tỉnh Sơn Đông. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình bần cùng, do đó không có tên. Bởi vì ông là con thứ nên mọi người gọi ông là Vũ Thất. Ông là người nghèo kiết xác, đi làm thuê cho người ta, bị người ta lừa dối quỵt tiền công, bị đánh, khổ cực muốn chết. Ông thấy nỗi khổ của ông đều là do nhà nghèo, không được đến trường, ngu dốt, bị người lừa.

Cháu không có cơm ăn, anh trai hỏi vay tiền thì ông không giúp. Nhưng gặp những chuyện như cứu tế thiên tai thì ông lại khảng khái bỏ tiền ra.
Vũ Huấn, người cả đời đi xin ăn để dành tiền xây 3 trường nghĩa học cho trẻ em nghèo (Ảnh: ntdtv.com)

Cám cảnh thân phận mình, ông thấy thương xót cho hàng trăm hàng nghìn đứa trẻ ở quê hương, cũng vì nhà nghèo mà không được đến trường như ông, có thể cũng phải chịu những nỗi khổ cực như mình. Thế là Vũ Huấn quyết tâm đi ăn xin và đi làm thuê để dành tiền xây trường nghĩa học cho trẻ em. Xin được đồ ăn ngon, thứ tốt, ông đều đem bán để dành tiền, còn mình mặc rách, ăn những thức ăn xấu kém nhất, ôi thiu. Vũ Huấn cả đời làm ăn xin, nhưng sau này ông lại xây dựng được 3 trường nghĩa học, có hơn 300 mẫu ruộng và hàng vạn quan tiền. Mặc dù về sau có gia sản vạn quan nhưng ông vẫn ngủ ở dưới mái hiên ngôi chùa nát, vẫn làm một người ăn xin suốt cả cuộc đời.

Vũ Huấn với hai bàn tay trắng mà lại mở được trường học, đã giáo dục được biết bao con em người dân, do đó triều đình đã ban cho ông cái tên là "Huấn" để ca ngợi công lao của ông. Vũ Huấn được hoàng đế nhà Thanh ban tặng ông tấm biển "Lạc thiện hiếu thí" (Vui thích hành thiện bố thí), và danh hiệu "Nghĩa học chính" (mộc tước vị của quan học chính xưa), ban cho ông mặc áo bào vàng, một vinh dự mà những bậc công thần cũng phải mơ ước ghen tỵ. Vũ Huấn được dân gian tôn xưng là: "Ăn xin đệ nhất thiên cổ"; "Xứng danh Cái Thánh (Thánh ăn xin)". Khi ông còn sống, mọi người gọi ông là Vũ Thánh nhân, đó là vì ông xứng danh ngang với Khổng Tử vậy.

Tỷ phú dành toàn bộ tài sản của mình để thức tỉnh con người

Hiện nay đang nổi lên một bộ sách trở thành “hiện tượng xuất bản” ở Việt Nam, đó là cuốn “Muôn kiếp nhân sinh” của giáo sư John Vũ – Nguyên Phong. Ông là một nhà khoa học nổi tiếng ở Mỹ, đứng trong Top 10 người sáng tạo nhất thế giới, từng là kỹ sư phần mềm trưởng của Tập đoàn Boeing tại Mỹ, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học của Đại học Carnegie, Mỹ. Cuốn “Muôn kiếp nhân sinh 2” có kể về câu chuyện của một tỷ phú New York là Farum, người đã nổi tiếng thành công vì đã đầu tư vào các công ty công nghệ Microsoft, Apple, Google, Amazon, Facebook… ngay từ khi những công ty này mới khởi nghiệp. Cách đây hơn 2 năm, Farum lên cơn đau tim, đột quỵ, và đã trải qua trải nghiệm cận tử (Near Death Experience).

Đầu tiên, tôi thấy mình đang ở trong một luồng ánh sáng êm dịu, nhẹ nhàng, ấm áp không thể tả. Đó là một cảm giác lạ lùng, mọi sự dường như đều ngưng lại trong tĩnh lặng, thời gian như không tồn tại nữa. Tôi quá bối rối, còn chưa biết phải làm gì thì đã thấy một nhóm người ở đâu bước đến, trong đó có cha tôi”.

“Tôi hãnh diện kể cho cha nghe về những thành công của mình. Tôi kể lại hành trình từ con một người nhập cư nghèo trở thành một trong những người giàu có nhất Chicago. Kể xong, tôi háo hức nhìn cha, tôi nghĩ hẳn ông phải vui lắm nhưng bất ngờ ông nghiêm mặt lại, nói với tôi: ‘Thế con có mang được những thứ đó qua đây không? Con đã mang theo được bao nhiêu tiền bạc, nhà cửa, xe cộ xuống đây nào?’”.

“Tôi giật mình, đến thời điểm đó tôi mới nhận ra mình đã chết. Cũng ngay lúc đó, tôi ý thức được mọi danh vọng, tài sản vật chất mà tôi sở hữu chỉ là những thứ phù phiếm, hão huyền, vô ích. Cha tôi thở dài, nghiêm khắc nói: ‘Ngày lẫn đêm, lúc nào con cũng chỉ lo kiếm tiền, con chỉ mong làm giàu cho bản thân chứ nào có làm được gì thật sự hữu ích cho mọi người, cho cộng đồng đâu mà khoe với cha’”.

“Lúc đó, một người lạ bước đến, ông khuyên giải cha tôi, rồi quay sang tôi nói với tôi về một số việc mà tôi có thể làm để giúp đỡ cộng đồng. Người đó chia sẻ với tôi khá nhiều điều về những việc sẽ xảy ra trong tương lai. Đột nhiên cha tôi nói: ‘Thôi con về đi! Và đừng nhìn mặt cha nữa nếu phần đời còn lại của con không thể làm được việc gì hữu ích’”.

(Trích: “Muôn kiếp nhân sinh 2” - Nguyên Phong)

Muôn kiếp nhân sinh
Cuốn "Muôn kiếp nhân sinh 2" của tác giả Nguyên Phong, tức giáo sư John Vũ

Sau đó, linh hồn Farum quay trở lại, và cái xác của ông bỗng sống lại khiến các bác sỹ kinh ngạc sững sờ. Sau trải nghiệm cận tử, Farum dành thời gian nghiên cứu về các vấn đề như tâm linh, linh hồn, các cõi không gian khác, sinh mệnh, và tiếp xúc với các triết gia và các học giả nghiên cứu về những vấn đề này. Ông luôn canh cánh lời cha: “Ngày lẫn đêm, lúc nào con cũng chỉ lo kiếm tiền, con chỉ mong làm giàu cho bản thân chứ nào có làm được gì thật sự hữu ích cho mọi người, cho cộng đồng đâu mà khoe với cha”. Thế là ông nung nấu suy nghĩ tìm cách nào để “làm việc hữu ích cho mọi người, cho cộng đồng”. Ông nhớ lại những lời mà người lạ ông gặp khi trải nghiệm cận tử ở thế giới bên kia nói:

“Thế giới hiện nay là một ngôi nhà đang bốc cháy mà mọi người sống trong đó vẫn không ý thức được gì. Họ vẫn mải mê với việc tranh danh đoạt lợi, cướp bóc, chiếm đoạt lẫn nhau mà không biết ngày tàn và cái chết đã gần kề”.

Người đó còn nói rõ: “Hầu hết các tai họa xảy ra trong thời gian sắp tới đều bắt nguồn từ sự vô cảm, dối trá, tàn ác, giết chóc, tất cả những hành vi này sẽ dẫn đến những hậu quả không thể tránh khỏi”.

Ông nghĩ: “Nghe xong, tôi thầm nghĩ nếu đã biết mà không làm gì thì mình cũng chịu một phần trách nhiệm. Thánh Kinh cũng có nói về ngày tận thế và thời điểm ấy chắc không còn xa. Lúc đó, tôi hỏi người kia liệu nhân loại có thể tránh được sự tận diệt không? Người đó nói rằng mọi sự trong vũ trụ đều có thể thay đổi và luôn thay đổi, không có gì bất biến. Không phải Thánh Kinh nói có tận thế thì sẽ xảy ra đúng như thế. Nó có thể xảy ra và cũng có thể không xảy ra. Việc này tùy thuộc vào tâm thức chung của nhân loại. Tâm thức chung này lại phụ thuộc vào sự hiểu biết. Nếu nhân loại đủ hiểu biết để chuyển đổi tâm thức, để cùng nhau thay đổi thì may ra mới thoát được tai họa này”.

(Trích: “Muôn kiếp nhân sinh 2” - Nguyên Phong)

Thế là cuối cùng, tỷ phú Farum đã quyết định trao toàn bộ số tài sản hơn 800 triệu đô la của mình để dùng vào những việc thức tỉnh nhân loại đang ở trong “ngôi nhà đang bốc cháy” mà không hay biết, để nhân loại nhận ra những dấu hiệu của sự hủy diệt như thiên tai, dịch bệnh, để cùng nhau “chuyển đổi tâm thức”, hy vọng “thoát được tai họa này”.

"Từ thiện" theo đúng nghĩa mặt chữ là "nhân từ" và "thiện lương", là "từ bi" và "thiện tâm", động lòng trắc ẩn khi thấy người khác bị khổ đau, nguy hiểm, mà không nghĩ đến lợi ích, danh tiếng bản thân, kể cả khi bị tổn hại lợi ích và danh tiếng thì họ vẫn không thay đổi chí hướng, dốc lòng vì sự nghiệp từ thiện, vì lợi ích cộng đồng. Nho gia giảng tích đức hành thiện: "Thiện muốn người biết, chẳng phải chân thiện". Phật gia giảng từ bi hỉ xả, bố thí, thiện ác hữu báo: "Thiện có thiện báo, ác có ác báo, không phải không báo, mà là chưa đến lúc". Phúc Âm Mathew dạy: "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy". Có thể thấy, làm từ thiện thực sự là xuất phát từ cái tâm, hoàn toàn vì người khác mà không cầu đắc được bất kỳ danh tiếng hay lợi ích gì.

Trung Dung

 

 

 

 



BÀI CHỌN LỌC

Muôn nẻo đường làm từ thiện: Từ chuyện bi hài đến những tấm lòng cao thượng [Radio]