Một thuốc chữa 2 bệnh, cải tử hoàn sinh, chữa bệnh như Thần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các thầy thuốc đều chỉ trích Trương Nhuệ chẩn đoán dùng thuốc sai, và nói rằng hai chứng bệnh đi ngoài nhiều và cổ học tê liệt giống như băng và than, không thể dung hòa được. Sản phụ lại vừa mới sinh, bây giờ có Biển Thước sống lại thì cũng khó mà chữa trị cho sản phụ được. Trương Nhuệ lại nói: "Không cần phải lo lắng, hôm nay tôi sẽ khiến cô ấy khỏi hoàn toàn". 

Năm Sùng Ninh thứ nhất nhà Bắc Tống (năm 1102), hoàng đế xuống chiếu rằng, hễ những y quan (viên quan chữa bệnh) có công, phục vụ từ 10 năm trở nên thì có thể được phong là Đoàn luyện sứ của Thành Châu, Cam Túc.

Những năm niên hiệu Chính Hòa (1111 - 1117), Trương Nhuệ cư trú ở Trịnh Châu, nổi tiếng y thuật tinh thâm.

Phạm Diệp Tăng đã viết trong "Hậu Hán Thư - Quách Ngọc truyện" rằng: "Y là ý vậy", có nghĩa là "y" và "ý" gần âm gần nghĩa, thầy thuốc chữa bệnh hoàn toàn dựa vào sự lý giải và tư duy của mình.

"Lã Thị Xuân Thu" có viết: "Bệnh vạn biến, thuốc cũng vạn biến".

"Chử Thị di thư - Trừ tật" cũng viết: "Dùng thuốc như dùng binh"; "Người giỏi dùng thuốc, thì dùng gừng cũng có hiệu quả của quế".

Trương Nhuệ chính là vị danh y dùng ý kê đơn, dùng thuốc như Thần như vậy.

Một hôm, Lỗ Quốc Công bí mật mời Trương Nhuệ đến chữa bệnh cho cháu dâu. Vợ của cháu nội của ông có thai, đến nay đã lúc lâm bồn thì lại đổ bệnh. Các thầy thuốc khám chữa bệnh cho cô đều nói, đây là bệnh thương hàn dương chứng, nhưng họ không dám dùng thuốc có tính hàn, vì sợ sản phụ sẽ có nguy hiểm xảy thai.

Trương Nhuệ xem bệnh xong lại nói: "Thai nhi đã đủ tháng rồi, sắp sinh rồi, thuốc có tính lương (mát) sao có thể tổn thương đến thai nhi được?".

Thế là ông dùng thuốc bình thường, hơn nữa còn cho sản phụ dùng liều gấp đôi. Chỉ nửa ngày, đứa trẻ đã được sinh ra, và bệnh của sản phụ cũng đã khỏi.

Nhưng đến ngày hôm sau thì sản phụ lại đi ngoài không ngừng, hơn nữa còn bị tê liệt cổ họng, không thể ăn được. Các thầy thuốc đều chỉ trích Trương Nhuệ chẩn đoán dùng thuốc sai, và nói rằng hai chứng bệnh đi ngoài nhiều và cổ học tê liệt giống như băng và than, không thể dung hòa được. Sản phụ lại vừa mới sinh, bây giờ có Biển Thước sống lại thì cũng khó mà chữa trị cho sản phụ được. Trương Nhuệ lại nói: "Không cần phải lo lắng, hôm nay tôi sẽ khiến cô ấy khỏi hoàn toàn".

Trương Nhuệ lấy ra mấy chục viên thuốc hoàn và để sản phụ nuốt, cổ họng tê liệt lập tức khỏi, sau đó chứng đi ngoài nhiều cũng hết.

Đến khi đứa trẻ đầy tháng, Lỗ Quốc Công mở tiệc, Trương Nhuệ cũng được mời đến dự. Trong bữa tiệc, Lỗ Quốc Công vừa nói những lời chúc tụng, vừa rót rượu cho Trương Nhuệ. Lỗ Quốc Công nói với Trương Nhuệ rằng: "Y thuật của ngài cao sâu khôn lường, tôi thực sự không thể nào biết được chân tướng của nó. Nhưng tôi rất muốn biết, ngài chỉ dùng một loại thuốc, sao có thể trị khỏi hai loại bệnh có đặc tính trái ngược như nước với lửa?"

Trương Nhuệ trả lời rằng: "Phương thuốc này không có trong các sách y học, tôi chỉ dựa vào lý giải và thể hội của mình để dùng thuốc. Thuốc tôi dùng là thuốc hoàn phụ tử (tên một loại thuốc Bắc) bên trong, bên ngoài bọc tử tuyết (tên một loại thuốc Bắc). Cổ họng không thông, chỉ có thể dùng thuốc có tính hàn mạnh, tử tuyết xuống đến cổ họng liền tan ra và phát huy tác dụng. Còn phụ tử thì xuống đến bụng mới có hiệu quả. Thế là một loại thuốc có thể chữa khỏi hai loại bệnh".

Lỗ Quốc Công nghe xong thì khen ngợi mãi, ông cao hứng đem tất cả thìa vàng, đũa vàng trên bàn tiệc tặng cho Trương Nhuệ.

Hình minh họa: Trương Nhuệ lấy ra mấy chục viên thuốc hoàn và để sản phụ nuốt, cổ họng tê liệt lập tức khỏi, sau đó đi ngoài nhiều cũng dừng lại. (Shutterstock)
Hình minh họa: Trương Nhuệ lấy ra mấy chục viên thuốc hoàn và để sản phụ nuốt, cổ họng tê liệt lập tức khỏi, sau đó đi ngoài nhiều cũng dừng lại. (Shutterstock)

Trương Nhuệ không những có thể một thuốc chữa hai bệnh, mà còn có thể phân biệt được sống chết, cứu sống người sắp liệm đưa vào quan tài. Mộ Dung Ngạn Phùng, Thượng thư Bộ Hình, khi còn là Khởi cư Xá nhân, một ngày mẫu thân của ông mắc bệnh, ông đích thân đến Trịnh Châu mời Trương Nhuệ đến khám chữa bệnh. Đến khi hai người về đến nhà thì nghe thấy tin mẫu thân của Mộ Dung Ngạn Phùng đã chết.

Khi đó vào tháng 6, mùa hè nóng nực, lão phu nhân sắp liệm. Trương Nhuệ đề xuất muốn xem người chết, nhưng Mộ Dung Ngạn Phùng không cầm lòng, thế là ngăn ông lại. Mộ Dung cho rằng Trương Nhuệ làm như thế này là để đòi tiền phí khám bệnh, thế là Mộ Dung nói, không cần phiền đến ông nữa. Trương Nhuệ nói: "Người bị bệnh thương hàn, có người chết một ngày một đêm lại sống lại, tôi đã đến đây rồi, sao không để tôi xem xem?".

Mộ Dung Ngạn Phùng thấy khó từ chối, bèn đưa Trương Nhuệ vào nhà trong.

Trương Nhuệ vén tấm vải che mặt lão phu nhân, quan sát kỹ lưỡng, rồi cho gọi viên ngỗ tác, là viên thư lại phụ trách kiểm nghiệm thi thể, đến và hỏi: "Ông đã từng thấy người chết ở mùa hè mà sắc mặt vẫn hồng hào bao giờ chưa?"

Viên ngỗ tác trả lời: "Chưa từng thấy".

Trương Nhuệ lại hỏi: "Miệng có mở không?"

Ngỗ tác nói: "Không".

Trương Nhuệ nói: "Nếu như thế này thì người bệnh này chỉ là do mồ hôi không thoát ra được dẫn đến hôn mê thôi, hoàn toàn không chết, chớ vội liệm".

Rất nhanh chóng, ông bốc thuốc xong rồi sai người cho 2 thăng nước, sau khi sắc còn 1 thăng thì đổ từ từ cho bệnh nhân. Ông còn căn dặn người nhà: "Phải túc trực cẩn thận bên người bệnh, để nửa đêm, nếu bà bắt đầu đi ngoài thì tức là sống lại".

Đêm đó, Trương Nhuệ ngủ lại ở ngoài sân nhà Mộ Dung Ngạn Phùng. Đến nửa đêm, người túc trực dường như nghe thấy tiếng xì xẹt, chỉ thấy người bệnh đi ngoài đầy giường, chất dơ bẩn bài tiết ra nhiều hơn một đấu. Được biết lão phu nhân đã sống lại, cả nhà Mộ Dung Ngạn Phùng đều vô cùng hân hoan, thế là vội vàng đi mời Trương Nhuệ, nhưng ông lại nói: "Hôm nay thân thể tôi mệt mỏi vô lực, không dậy được, cũng không cần dậy, bởi vì ngày mai mới có thể cho uống thuốc được".

Không ngờ sáng hôm sau trời vừa hửng sáng, Trương Nhuệ liền lên xe ngựa về ngay Trinh Châu. Đến khi Mộ Dung Ngạn Phùng lại đến tìm ông thì thấy ông đã đi từ lúc nào không biết, chỉ thấy ông để lại mẩu giấy ghi chữ "Bình vị tán" (thuốc bột bình ổn dạ dày). Lão phu nhân ống thuốc này, chỉ sau mấy ngày là bênh khỏi hoàn toàn.

Trương Nhuệ không lấy một xu nào, thậm chí còn không đợi người nhà bệnh nhân cảm tạ, liền ra về, có thể thấy ông không phải là người tham danh hám lợi. Ông lặng lẽ ra về, có lẽ là muốn tiêu trừ mối nghi ngờ của Mộ Dung Ngạn Phùng đối với ông là ông cầu tiền.

Từ cổ xưa "Y Đạo thông Tiên Đạo", có thể thấy những điều thần kỳ và cao sâu trong y Đạo. (Hình minh họa: Pixabay)
Từ cổ xưa "Y Đạo thông Tiên Đạo", có thể thấy những điều thần kỳ và cao sâu trong y Đạo. (Hình minh họa: Pixabay)

Đến những năm Thiệu Hưng thời Nam Tống (1131-1162), Trương Nhuệ lưu lạc đến đất Thục, một người tên là Vương Cự hỏi ông: "Trong y thuật cổ đại có thuyết "Thập Toàn", phải chăng ngài đã đạt đến đó rồi?".

Trương Nhuệ trả lời: "Chưa, tôi chỉ đạt được 7, 8 phần thôi. Trước kia con trai cả của tôi bị bệnh, sau khi tôi xem mạch, quan sát sắc mặt thì phát hiện là chứng nhiệt cực, thế là tôi lênh cho người sắc "thừa khí thang", định để cho nó uống. Khi đó chuẩn bị cho nó uống thì lại rất do dự. Cuối cùng, khi quyết tâm để nó uống thì lại cảm thấy có người kéo cánh tay tôi. Lúc này, tôi đặt bát thuốc xuống, muốn chờ đợi xem. Chỉ thấy con trai tôi đột nhiên lạnh rung bần bật. Sau khi đắp cho nó 4, 5 cái chăn bông thì mới khá một chút. Sau đó nó đổ nhiều mồ hôi, đến ngày hôm sau thì khỏi. Nếu uống bát thuốc "Thừa khí thang" đó, khẳng định là nó không thể sống được. Ngài xem, y thuật của tôi đâu có cao minh đến thế? Thế gian có không ít lang băm, sau khi học sách phương thuốc, cũng chưa biết một phần vạn mà lại tự cho rằng đã học được toàn bộ rồi. Chao ôi, thật sự đáng sợ!".

Từ cổ xưa "Y Đạo thông Tiên Đạo", có thể thấy những điều thần kỳ và cao sâu trong y Đạo. Những danh y được ghi vào sử sách này tuyệt đối không phải là người vì danh lợi chỉ cầu thuật mà không vấn Đạo. Họ lưu danh thiên cổ, đều là bởi trong quá trình nghiên cứu sâu y Đạo, tuy đạt được thành tựu trác việt nhưng họ vẫn luôn giữ được sự khiêm hạ và cẩn thận.

Trung Hòa
Theo Nhan Đan - Epoch Times

Tài liệu tham khảo:
Di Kiên Chí - Ất chí - Quyển 10



BÀI CHỌN LỌC

Một thuốc chữa 2 bệnh, cải tử hoàn sinh, chữa bệnh như Thần