Một cuốn Thiên thư thành tựu nên Quỷ Cốc Tử mưu trí, đáng tiếc không ai thấy được [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Như vậy, Quỷ Cốc Tử nhờ vào cuốn kim thư này đã trở thành một nhân vật tinh thông mọi thứ, như một cuốn bách khoa toàn thư.

Cao nhân xem chữ đoán trước vận mệnh nhà Minh và Hoàng đế Sùng Trinh

Chuyện kể rằng, vào những năm cuối của triều đại nhà Minh, thiên tai và nhân họa liên tiếp không ngớt, thổ phỉ hoành hành khắp nơi, tình hình giang sơn Đại Minh gặp nhiều khó khăn, bấp bênh, vô cùng nguy cấp. Hoàng đế Sùng Trinh ưu sầu đến mức thức trắng đêm không ngủ. Thái giám thân cận Vương Thừa Ân thấy vậy cũng âm thầm rơi lệ, không biết cách nào có thể an ủi được chủ nhân.

Một ngày, thái giám Vương Thừa Ân ra khỏi cung có công việc, trên đường trở về tình cờ gặp được một vị tiên sinh xem chữ toán mệnh. Người này trông rất có tiên phong đạo cốt, nhìn cái biết là cao nhân. Vương Thừa Ân nghĩ chi bằng thay Hoàng đế Sùng Trinh dự đoán vận mệnh quốc gia ra sao, và làm thế nào để có thể vượt qua những ngày tháng khó khăn này. Vì vậy ông đã tiến đến chỗ người xem toán mệnh này.

Thầy toán mệnh nói: “Vị tiểu ca này, anh muốn bói chữ gì?”. Vương Thừa Ân nhất thời không nghĩ ra, ngẩng đầu nhìn thấy lá cờ phướn của người xem bói, liền chỉ vào chữ Hữu (友) trong dòng chữ “quản lộ vi hữu” trên cờ phướn và nói muốn xem bói chữ Hữu này.

Vị tiên sinh xem bói hỏi Vương Thừa Ân muốn dự đoán điều gì? Thái giám Vương nói rằng mình muốn hỏi về tương lai của đất nước. Không ngờ, vị tiên sinh này cau mày nói: "Đại sự không ổn! Kẻ phản tặc đã thò đầu rồi" (chữ Phản (反) thò đầu chính là chữ Hữu (友)). Vương Thừa Ân nghe vậy, sợ hãi toát mồ hôi lạnh. Đây chẳng phải là quân đội của Lý Tự Thành thế mạnh áp đảo, đang tiến tới kinh thành sao.

Trong lúc tuyệt vọng, Vương Thừa Ân nghĩ đến tên thật của hoàng đế là Chu Do Kiểm (朱由检), liền bảo vị tiên sinh bói chữ Do (由). Người xem toán mệnh chỉ vào chữ "由" và nói: "Anh nhìn xem, chữ Điền 田 thò đầu thì thành chữ Do 由, có nghĩa là nông dân phản loạn, và cũng đã xuất đầu lộ diện rồi!".

Vương Thừa Ân ra vẻ trấn tĩnh và nói rằng muốn xem chữ Hữu (有). Thầy toán mệnh nhìn qua và nói: “Chà, từ chữ Hữu (有) này mà xem thì giang sơn Đại Minh đã mất đi một nửa, quốc gia sắp suy vong, xã tắc khó giữ được”. Bởi vì hai nét đầu của chữ Hữu (有) là một nửa của chữ Đại (大), và nửa dưới còn lại của chữ Hữu này cũng là một nửa của chữ Minh (明).

Vương Thừa Ân là một thái giám trung thành, nghe thấy chuyện này thì lòng lo lắng như có lửa đốt, nên đã viết chữ Dậu (酉).

Nhưng khi thầy toán mệnh nhìn đến chữ này, đã không khỏi kinh sợ, nói: "Hết rồi! Hết rồi! 'Cửu ngũ chí tôn', trên không có đầu, dưới không có chân, làm sao có thể tồn tại lâu dài được, mọi thứ đều hết rồi!”. Chữ Dậu (酉) không phải chính là chữ Tôn (尊) bỏ đi hai chấm trên đầu và bỏ đi chữ Thốn (寸) ở dưới chân sao. Ngay cả hoàng đế cao quý nhất cũng chém đầu chặt chân, triều đại nhà Đại Minh còn hy vọng gì?

Vương Thừa Ân nghe vậy liền hít sâu một hơi, và thầm nghĩ chẳng lẽ chủ nhân của ta bạc mệnh đến như vậy sao? Ông có chút không cam tâm, lại liền viết một chữ U (幽).

Thầy toán mệnh liền phán: "Chữ U (幽) này là hai sợi dây (chữ Mịch nghĩa là tơ) trong núi (chữ Sơn 山 nghĩa là núi), xem ra có hai người treo cổ!"

Vương Thừa Ân nghe xong vừa kinh ngạc vừa sợ hãi, hai tay run rẩy không kìm được, dùng miệng cắn vào cái khăn trên áo để lấy ra một đồng bạc. Thầy bói nhìn thấy thì xua tay liên tục và nói: "Tiền này tôi không lấy được, anh cắn cái khăn (chữ Cân 巾 là khăn) dưới miệng (chữ Khẩu 口 là miệng) thì chẳng phải chính là chữ Điếu (吊 - treo) trong từ Thượng Điếu (上吊 - treo cổ) đó sao? Hi vọng anh có thể thật sự bảo trọng, tự lo cho chính mình!".

Vương Thừa Ân ngẩng đầu, vừa định nói lời cảm ơn thì thấy vị tiên sinh xem toán mệnh đã biến mất, chỉ thấy một mảnh lụa màu vàng từ trên trời bay xuống, trên đó có bài thơ "Du Tiên thi", viết:
“Thanh khê thiên dư nhận, trung hữu nhất Đạo sĩ.
Vân sinh lương đống gian, phong xuy hộ dũ lý
Tá vấn thử hà thùy? Vân thị Quỷ Cốc Tử”.

Tạm dịch:

Suối trong ngàn trượng xa
Trong rừng Đạo sĩ ra
Mây sinh nơi rường cột
Gió thổi cửa la đà
Xin hỏi người nào vậy?
Quỷ Cốc Tử ở đây.

Tới lúc đó Vương Thừa Ân mới giật mình nhận ra rằng mình vừa được gặp chân Tiên Quỷ Cốc Tử.

Ngay sau khi trở về không lâu, Lý Tự Thành đánh tan thành Bắc Kinh, Hoàng đế Sùng Trinh sợ hãi chạy trốn đến núi Môi Sơn phía sau Tử Cấm Thành và treo cổ tự tử, Vương Thừa Ân cũng theo Sùng Trình treo cổ tự vẫn mà chết. Quả nhiên, tất cả những lời tiên đoán trước đó đều ứng nghiệm từng cái một.

鬼谷子(图片:〔明〕洪应明《仙佛奇踪》插图)
Danh tiếng đệ tử của Quỷ Cốc Tử đều nổi tiếng khắp thiên hạ (Tranh minh họa về "Dấu tích của Tiên Phật" của Hồng Ứng Minh thời nhà Minh)

Quỷ Cốc Tử học Đạo

Quỷ Cốc Tử mà chúng ta vừa nói đến ở trên, tên thật là Vương Hủ, còn được gọi là Vương Thiền. Theo ghi chép, thời Đông Chu có một thung lũng gần Dương Thành, có một sơn cốc, đồi cao và thung lũng sâu, rừng rậm tươi tốt, hẻo lánh khó lường, không giống nơi có người ở nên được gọi là "Quỷ Cốc". Vương Hủ ẩn cư trong đó nên mọi người gọi ông là "Quỷ Cốc Tử".

Một ngày nọ, sư phụ của Quỷ Cốc Tử gọi ông tới, và nói với ông rằng: “Ta sắp phi thăng thành Tiên rời đi, và để lại cho trò một bộ Thiên thư, cần nghiên cứu đọc kỹ, không được trễ nải". Nói xong, sư phụ để lại một quyển thẻ tre, rồi phi thăng rời đi. Quỷ Cốc Tử chỉ nhìn thấy hai chữ "Thiên Thư" được viết trên thẻ tre. Khi mở ra, từ đầu đến cuối cuốn thẻ tre không có một chữ nào, Quỷ Cốc Tử đã bối rối một lúc. Suốt 9 năm qua cùng sư phụ sống nương tựa, hôm nay Sư phụ đột ngột rời đi, trong phút chốc ông cảm thấy lòng mình trống rỗng, không còn chỗ dựa vào, không nghĩ đến uống trà, ăn cơm. Ông liền vào trong hang và nằm ngủ. Nhưng khi ông nhắm mắt lại, cuốn thiên thư bằng thẻ tre đó lại mở ra trước mắt, cuốn lên mở ra. Quỷ Cốc Tử vội bò dậy, cầm cuốn thiên thư lên, trên thẻ tre tất cả các dòng đều lóe ra ánh vàng kim quang, từng hàng chữ khoa đẩu lấp lánh phát sáng. Quỷ Cốc Tử cảm thán: “Có lẽ đây chính là ‘kim thư’ truyền thế!”

Trong chốc lát Quỷ Cốc Tử vô cùng hào hứng, một mạch đọc hết cuốn sách, và không ngờ đọc tới đâu nhớ tới đó. Hóa ra trên đó có ghi lại một bộ sách tung hoành gia, nói về thuật bãi hạp, phản ứng, nội kiện, để nga, phi kiềm, v.v., tổng cộng có 13 chương.

Sau khi đọc hết 13 chương này, ông không nén nổi thốt lên tán thưởng, bình thường tranh luận với người khác thì chưa bao giờ chiếm được thế chủ động, giờ đây đắc được cuốn kim thư thế này, thì người khác sao có thể tranh luận lại nổi. Ông bất giác hồi tưởng đến khoảng thời gian cùng với sư phụ, nỗi buồn chua xót dâng lên trong lòng.

Ngày hôm sau, Quỷ Cốc Tử tỉnh lại vẫn cảm thấy rất buồn ngủ, nhưng cũng không quên đọc cuốn kim thư, ông liền mở nó ra xem kỹ, nhưng trong sách không có một chữ nào. Khi Quỷ Cốc Tử lật từ đầu đến cuối cuốn sách vẫn không thấy một chữ nào nhưng vẫn cảm thấy cuốn sách này là báu vật sư phụ để lại, cần phải trân trọng nó. Ông bước vào trong hang động và trải đặt cuốn sách trên giường rồi bước ra khỏi hang để luyện công theo sư phụ căn dặn. Chẳng mấy chốc mặt trời lặn hướng tây, màn đêm lại đến, Quỷ Cốc Tử đi vào động trong, nghỉ ngơi ở trên giường, chỉ thấy thấy kim thư lấp lánh ánh vàng, nét chữ rõ ràng có thể thấy. Quỷ Cốc Tử càng cảm thấy kỳ lạ, hóa ra là ánh trăng trên trời chiếu rọi qua cửa sổ lên cuốn kim thư. Lúc này Quỷ Quốc Tử mới phát hiện ra cuốn kim thư vốn thuộc tính âm, gặp mặt trời thì không hiển lộ ra; nhưng dưới ánh trăng, ánh đèn lại lộ những dòng chữ vàng. Đúng quả thật là kỳ thư có một không hai.

Quỷ Cốc Tử bước ra khỏi hang động, đến chiếc bàn đá, và bắt đầu đọc lại. Nhưng nó không còn là những bài ông đọc hôm qua nữa, vốn là thuật tung hoành, còn bây giờ nó đã trở thành một cuốn binh thư. Quỷ Cốc Tử vô cùng kinh ngạc, lật thẻ tre lại cẩn thận lần nữa, vẫn là binh pháp, không có thuật tung hoành nữa. Vì vậy, ông lại đọc hết một lượt, và nó vẫn là 13 chương.

13 chương binh pháp Quỷ Cốc Tử đọc với và 13 chương ‘Tôn Tử binh pháp’ lưu truyền thế gian, một văn một võ biểu hiện trong ngoài, bổ sung cho nhau. Điều Quỷ Cốc Tử truyền là văn binh pháp, còn Tôn Vũ truyền là võ binh pháp. Binh pháp của Quỷ Cốc Tử nhấn mạnh chiến lược sức mạnh quân đội, trong khi Tôn Tử chủ trương chiến thuật tấn công và phòng thủ để giành thắng lợi. Cả hai bộ binh pháp đều chủ trương không chiến mà hàng phục binh mới là cảnh giới cao nhất của dụng binh.

Sau khi khám phá ra bí ẩn của cuốn kim thư này, Quỷ Cốc Tử đã đọc nó mỗi đêm, và mỗi đêm lại đọc được một nội dung khác.

Vào đêm thứ ba, Quỷ Cốc Tử đọc cuốn kỳ thư về làm giàu, trong đó nói về phương pháp chăn nuôi, nguyên tắc buôn bán và dạy "nếu muốn có được thì trước tiên phải cho đi" và phương pháp âm thầm nhẫn nại chờ đợi thời cơ. Phương pháp này đã được Quỷ Cốc Tử truyền lại cho Kế Nhiên, Lã Bất Vi, Bạch Khuê và những người khác, khiến họ trở nên cực kỳ giàu có.

Vào đêm thứ tư, ông đọc tới Đại Pháp dưỡng tính tu chân. Trong kinh này chủ yếu nói về âm phù bảy thuật. Nó nhấn mạnh đến sự tĩnh và dưỡng khí, thanh tâm quả dục, mới có thể trở thành Chân nhân. Quỷ Cốc Tử đã truyền bí mật này lại cho Từ Phúc, và sau này lại truyền cho Đào Hoằng Cảnh...

Vào đêm thứ năm, ông đọc về thuật xem tướng đoán mệnh, trong đó nói về Kinh Thiên Vũ, số mệnh, đặc điểm khuôn mặt và họa phúc của cuộc đời. Phương pháp này cũng được Quỷ Cốc Tử truyền cho Mao Oanh, và sau đó là Tư Mã Quý Chủ, Lý Hư Trung...

Đêm thứ sáu, đêm thứ bảy, đêm thứ tám... Quỷ Cốc Tử cần phải đọc cuốn kim thư mỗi đêm, mỗi lần là một bộ sách mới, nhân gian, trên trời, trị quốc an bang, con đường làm quan, làm kinh tế, thiên văn và địa lý, chiêm tinh thuật số, đan dược dưỡng sinh, không gì không có, lấy mãi không hết, dùng mãi không cạn, nó là vô tận. Quỷ Cốc Tử coi nó như một báu vật và yêu thích không thể rời tay.

Như vậy, Quỷ Cốc Tử nhờ vào cuốn kim thư này đã trở thành một nhân vật tinh thông mọi thứ, như một cuốn bách khoa toàn thư.

Quỷ Cốc Tử nói trước vận mệnh hai học trò, nhưng không ai tránh được tai họa

孙膑庞涓都是鬼谷子的徒弟(网络图片)
Cả Tôn Tẫn và Bàng Quyên đều là học trò của Quỷ Cốc Tử (Ảnh Internet)

Chuyện kể rằng, Quỷ Cốc Tử thu nhận Tôn Tẫn và Bàng Quyên làm đồ đệ, đầu tiên dạy họ một số kiến ​​thức quân sự cơ bản. Sau một vài năm, Quỷ Cốc Tử thấy rằng các kỹ năng cơ bản của cả hai đã vững chắc, ông gọi hai người lại bên cạnh và nói: "Hai trò đã có nền tảng rồi. Hôm nay, ta sẽ dạy các trò cách bày binh bố trận”. Tôn Tẫn và Bàng Quyên nhìn nhau một lúc, khuôn mặt tỏ vẻ khó xử. Quỷ Cốc Tử nhìn ra tâm tư của bọn họ, nói: "Các trò có phải đang nghĩ, nếu không có binh tướng thì bày binh bố trận như thế nào đúng không?"

"Vâng".

“Nhìn xem” - Quỷ Cốc Tử chỉ vào trên bàn và nói: “Đây không phải là binh tướng sao?”

Cả Tôn Tẫn và Bàng Quyên nhìn lên bàn, họ chỉ thấy một bát đậu đỏ nhỏ, binh tướng ở đâu chứ, họ tưởng rằng Quỷ Cốc Tử sẽ dùng những hạt đậu đỏ nhỏ làm mô hình để biểu diễn bài binh bố trận. Quỷ Cốc Tử không nói lời nào, dẫn cả hai đến Diễn Binh Lĩnh, nắm lấy một nắm đậu đỏ nhỏ, miệng lẩm bẩm vài từ rồi vung tay rắc các hạt đậu. Kỳ lạ thay khi các hạt đậu nhỏ rơi xuống đất đều biến thành các binh tướng sống, hơn nữa còn tự động phân thành quân xanh, quân đỏ. Trên Diễn Binh Linh lập tức có tiếng người huyên náo, chiến mã ngựa hí. Cả Tôn Tẫn và Bàng Quyên đều chết lặng. Quỷ Cốc Tử ra lệnh cho Tôn Tẫn làm chỉ huy quân đội màu đỏ và Bàng Quyên làm chỉ huy quân đội màu xanh. Mỗi người sẽ dẫn đầu quân của mình để chiến đấu với nhau và Quỷ Cốc Tử sẽ ở bên cạnh hướng dẫn. Sau nhiều lần tập luyện, khả năng của Tôn Tẫn và Bàng Quyên đã được nâng cao.

Một ngày nọ, Bàng Quyên xuống núi mua lương thực, nghe người qua đường kể rằng Ngụy Quốc đã bỏ ra rất nhiều tiền để chiêu nạp các hiền sĩ, hỏi han tìm kiếm, đã không khỏi động tâm. Ông ta cho rằng bản lĩnh mình đã thành, dứt khoát cáo biệt thầy, nhận chiêu mời của nước Ngụy, mưu cầu phú quý. Nhưng ông ta lại sợ thầy không cho đi, nên khi quay trở về gặp Quỷ Cốc Tử, muốn nói mà lại không dám nói.

Không ngờ, khi Quỷ Cốc Tử thấy Bàng Quyên mang đồ ăn trở về, liền nói thẳng với Bàng Quyên: “Thời vận của trò đã đến, sao trò không xuống núi cầu đoạt phú quý?”.

Bàng Quyên vội quỳ xuống: “Đệ tử chính là có ý định này, nhưng không biết xuống núi có được như ý không?”.

Quỷ Cốc Tử liền nói: “Trò hãy đi hái cành hoa trên núi, ta sẽ xem bói cho một chút”.

Bàng Quyên xuống núi tìm hoa, đó là thời tiết tháng 6. Trăm hoa vừa đua nở, ông ta tìm rất lâu tới nửa ngày nhưng chỉ tìm được một cọng hoa cỏ, cho rằng hoa mảnh mai và yếu ớt, không như mong muốn nên đã ném bông hoa đi để tìm hoa khác. Nhìn một hồi, không có hoa, ông không còn cách nào khác là nhặt cành hoa ban nãy giấu trong y phục để về gặp Quỷ Cốc Tử, và nói dối: không tìm thấy hoa.

Quỷ Cốc Tử nói: "Trong y phục của ngươi có giấu bông hoa. Nó tên là cây nam mộc hương. Nó thường nở 12 bông. Đó là số năm mà ngươi hưởng vinh quang, thịnh vượng. Những bông hoa được hái trong Quỷ Cốc và khô héo khi gặp ánh mặt trời; chữ ‘鬼’ (quỷ) thêm chữ 委 (ủy) bên cạnh, xem ra ngươi hưởng phồn hoa là ở nước Ngụy (魏)!".

Khi Bàng Quyên đang thầm thắc mắc trong lòng, Quỷ Cốc Tử lại nói: "Nhưng ngươi không nên giấu hoa lừa gạt người ta. Sau này chắc chắn vì việc lừa người mà sẽ bị người lừa. Không thể không cảnh giác! Ta sẽ tặng ngươi 8 chữ! Hãy ghi nhớ kỹ 8 chữ này, 'Gặp dê thì vinh, gặp ngựa thì họa".

Bàng Quyên vội vã đến nước Ngụy và tự tiến cử, Ngụy Huệ Vương đúng lúc đó đang ăn thịt dê hấp nên đã coi trọng ông ta và tôn ông làm thống soái. Bàng Quyên thực sự “gặp dê thì vinh”.

Sau này, Ngụy Huệ Vương nghe tới danh tiếng của Tôn Tẫn, và ông ta khao khát nhân tài. Bàng Quyên không còn cách nào khác đành phải viết thư để mời Tôn Tẫn đến nước Ngụy tiến thủ công danh. Khi Tôn Tẫn xuống núi, Quỷ Cốc Tử cũng yêu cầu Tôn Tẫn hái một cành hoa trên núi để bói cho tiền đồ. Đó là thời tiết tháng chín, trong lọ trên bàn có một cành hoa cúc vàng, Tôn Tẫn lấy ra một cành cho thầy xem rồi cắm lại vào lọ. Quỷ Cốc Tử đoạn nói: “Hoa này bị gãy không còn nguyên vẹn, nhưng nó có tính chịu rét lạnh, trải qua sương giá không bị hoại, tuy rằng tàn hại nhưng cũng không phải là đại hung, hơn nữa nó được nuôi dưỡng ở trong bình, nên được được yêu thương, cưng chiều. Tuy nhiên, bông hoa này lấy ra, e rằng nhất thời không được như ý; sau đó lại cho nó vào trong bình như cũ, công danh của trò xem ra sẽ kết thúc ở quê nhà. Ta sẽ sửa tên của trò một chút".

Nói xong, Quỷ Cốc Tử thêm chữ Nguyệt (月) bên cạnh chữ Tân () thành Tẫn ( - nghĩa là chặt xương bánh chè), và đưa cho Tôn Tẫn một cái túi gấm. Quỷ Cốc Tử dặn dò học trò: “Khi gặp lúc nguy cấp có thể mở ra xem”. Sau đó Tôn Tẫn xuống núi tới nước Ngụy.

Sau khi Tôn Tẫn đến nước Ngụy, bị Bàng Quyên lập kế hãm hại, phải chịu một "hình phạt tàn khốc", đó là cắt bỏ cả hai xương bánh chè. Đến lúc đó ông mới hiểu tại sao sư phụ lại đổi tên của mình. Trong lúc nguy cấp, Tôn Tẫn đã mở túi gấm sư phụ đưa cho và thấy có viết dòng chữ "trá phong ma" (giả bị điên). Ông đã theo kế đó mà hành động, giả vờ bị điên và trốn về quê nhà Tề Quốc. Sau này, ông lên kế hoạch bắn Bàng Quyên vạn mũi tên trên đường Mã Lăng, khiến lời tiên tri “gặp ngựa mà họa” với Bàng Quyên ứng nghiệm.

Tôn Tẫn đã đóng góp nhiều công lao to lớn cho nước Tề, và ông không muốn làm quan nên Tề Tuyên Vương đã ban cho ông Thạch Lư Sơn. Ông chỉ sống ở đó hơn một năm, sau đó trở về Vân Mộng Sơn nguyên thủy theo Quỷ Cốc Tử tiếp tục tu Đạo, cũng ứng nghiệm với lời tiên đoán từ trước của Quỷ Cốc Tử

Quỷ Cốc Tử là một nhân vật vô cùng bí ẩn trong lịch sử Trung Quốc, được ca ngợi là một Thiên cổ kỳ nhân, là một nhân vật bách khoa, trí tuệ, đã dạy dỗ các nhân vật quan trọng như Tô Tân, Trương Nghi, Tôn Tẫn, Bàng Quyên, Lã Bất Vi, Mao Toại và nhiều nhân vật khác. Mỗi người bọn họ đều dựa vào sức mình, lôi kéo chia rẽ, tức giận mà khiến các chư hầu khiếp sợ, an cư và thiên hạ yên, ở một mức độ nhất định, đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển lịch sử Trung Quốc và góp phần to lớn vào việc hình thành nền văn hóa Trung Hoa.

Minh An
Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

Một cuốn Thiên thư thành tựu nên Quỷ Cốc Tử mưu trí, đáng tiếc không ai thấy được [Radio]